Hơn 100 chiếc trống đồng đã được tìm thấy tại Việt Nam. Đông Sơn là một địa danh bên sông Mã, Thanh Hóa, nơi đã tìm thấy rất nhiều di tích đồ đồng có trên ba ngàn năm
Thao Luyện 2
VỀ NGUỒN THEO NHỊP TRỐNG ĐÔNG SƠN
I. MỞ ĐẦU. TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN
Nhìn kỹ mặt trống đồng Đông Sơn, chúng ta thấy một đoàn người đang cùng ca mừng nhảy múa theo nhịp trống tưng bừng, cả trăm người trong một bọc tròn đang bay bổng lên vì cũng đang mang cánh như chim mẹ Âu Cơ. Đó là những hiện thân của mẹ Tiên. Đoàn người đó cũng đang sinh hoạt trên những thuyền rồng khắc ở tang trống. Tất cả đang hòa nhịp cùng nhau và các loài chim, nai và muôn vật để vũ bài "tình khúc tạ ơn" sau mùa gặt đầy hoa trái. Tất cả đang hưởng được cảnh Vườn Địa Đàng an vui thái hòa vì đang qui hướng về mặt trời là nguồn mọi sinh lực, và đang hân hoan đón ánh mặt trời như những con chim phượng chào bình minh trong vũ khúc "phượng minh triều dương". Đúng là tất cả vũ trụ đều nhảy mừng như lời ca tiền tụng trong các thánh lễ mùa Phục Sinh.
Hơn 100 chiếc trống đồng đã được tìm thấy tại Việt Nam. Đông Sơn là một địa danh bên sông Mã, Thanh Hóa, nơi đã tìm thấy rất nhiều di tích đồ đồng có trên ba ngàn năm, và vì thế các nhà nghiên cứu đã dùng địa danh Đông Sơn mà đặt cho tên văn hóa vào thời kỳ này. Tiêu biểu nhất là trống Sông Đà tỉnh Hòa Bình và trống Ngọc Lũ tỉnh Hà Nam.
Lý do gì khiến tổ tiên Việt tộc sống đời hạnh phúc như vậy? Đường múa nào mẹ Tiên bố Rồng muốn vẽ lại và "viết"lại bằng Kinh vô tự trên mặt trống đồng Đông Sơn để dạy cho con cháu cũng được sống đời an vui thái hòa như vậy?
II. TINH THẦN THÁNH ANRÊ DŨNG LẠC
Thánh Anrê Tông Đồ, môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, người đã đến xem thấy Chúa, đã cảm nghiệm được Chúa ngay giây phút đầu. Ngài đã say mê Chúa, chọn Chúa làm lý tưởng đời mình. Đúng là Ngài đã như vớ được một kho tàng quá lớn, đã "trúng" Chúa như trúng độc đắc, nên tất cả những giá trị khác trở thành rác rưởi như tâm tình của Thánh Phaolô (xem Philipphê 3:8).
Giáo Hội Việt Nam có thày giảng Anrê Phú Yên người chứng thứ nhất, thì cũng hãnh diện có thánh Anrê Dũng Lạc đứng đầu sổ đại diện cho Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, làm chứng đã nếm được Chúa ngon ngọt chừng nào và đang "múa" chỉ lối cho chúng ta.
Tên thật Ngài là Trần An Dũng, sinh khoảng năm 1795 tại Bắc Ninh trong một gia đình ngoại giáo. Năm 12 tuổi cậu Dũng được về Hà Nội học đạo, được rửa tội và sau đó đi tu vào chủng viện. Ngài rất thông minh và có trí nhớ lạ lùng. Sau 8 năm theo học tại chủng viện Kẻ Vĩnh, Ngài được làm Thầy Giảng, và 10 năm sau được thụ phong linh mục ngày 15.3.1823 lúc 28 tuổi.
Linh mục Trần An Dũng sống đời mục tử thật thánh thiện và gương mẫu. Ngài rất thương yêu giáo dân và giảng đạo sốt sắng, nên ai cũng quí mến. Đời sống nội tâm của Ngài thật sâu xa, ăn mặc đơn sơ, giữ chay các ngày thứ tư và thứ sáu, và rất thương người nghèo khó.
Năm 1835 Cha Dũng bị bắt lần thứ nhất, nhưng giáo dân thương mến đưa tiền chuộc nên được tha về. Cha phải đổi tên là Lạc để dễ ẩn trốn.
Bốn năm sau, vào ngày 10.11.1839 Cha Lạc bị bắt lần nữa trên đường đi Kẻ Sen. Giáo dân lại chạy tiền chuộc Cha về để có người lo phần thiêng liêng cho họ. Nhưng trên đường về, Ngài lại bị chận bắt lần nữa. Ngài nhận mình là đạo trưởng (linh mục), nên bị bắt trói ngay và phải đeo gông vào cổ. Lần này giáo dân cũng xin chuộc Cha nữa: "Thưa Cha, Cha chịu chết thì một mình Cha lên thiên đàng, mà nếu Cha còn lại thì giáo dân chúng con được nhờ, vậy xin Cha nghĩ lại." Nhưng Cha Dũng Lạc đã nói với họ: "Tôi bị bắt lần này là lần thứ ba, thì đó đúng là ý Chúa rồi. Anh em đừng mất tiền chuộc tôi làm gì."
Quan huyện rất thương mến Cha và muốn cứu Cha: "Thầy đạo, Thầy biết nhiều chữ nghĩa và còn trẻ nữa thì tại sao lại muốn chết, có phải là uổng không? Hãy tin tôi đi, nhắm mắt lại và bước qua thánh giá, hoặc là chỉ giả vờ đi vòng quanh, nếu Thầy muốn thì để cho lính của tôi khiêng Thầy qua, tôi sẽ làm án tha ngay."
Cha Dũng Lạc giõng giạc: "Tôi không bao giờ làm như thế. Hãy khép án tôi phải cắt trăm mảnh thì hơn."
Không lay chuyển được Cha, quan huyện làm tờ trình vua là bắt được Cha ở ngoài ruộng để không ai bị liên lụy vì tội chứa chấp đạo trưởng. Để tỏ lòng biết ơn, Cha nói người nhà mang quà biếu quan huyện.
Giáo dân thương mến đến thăm viếng khóc lóc thì Cha khuyên: "Tôi biết ơn anh chị em lắm. Xin hãy về giữ đạo như tôi còn ở giữa anh chị em vậy. Đừng than khóc nữa."
Trong tù, Ngài viết thư cho Đức Cha tỏ lòng biết ơn Đức Cha và các vị thừa sai. Nhờ các Ngài mà Cha được đức tin và được thương yêu lo lắng. Và Cha cam kết với Đức Cha một lòng trung kiên "vững mạnh như núi Thái".
Bị tra khảo ba lần, Cha Lạc vẫn một lòng cương quyết, nên quan đã làm án xử chém đầu ngày 21.12.1839 tại pháp trường Ô Cầu Giấy.
Vì nhận ra tình Chúa ngon ngọt chừng nào, thấy được Chúa luôn hiện diện qua mọi biến cố dù vui dù buồn, dù mùa đông mùa xuân, dù ở ngoài hay trong tù, thì đối với người tin tưởng Chúa mọi sự sẽ ăn khớp với nhau tốt đẹp, nên có lần Ngài đã viết thư từ nhà tù cho người bạn là Cha Thực để tâm sự:
Lạc rầy đã rõ chốn quân quan.
Bút chép thơ này gửi thở than,
Lòng nhớ bạn non còn vất vả,
Dạ thương khách chạy chưa yên hàn.
Đông qua tiết lại thời xuân tới,
Khổ tạm mai sau hưởng phúc an.
Làm kẻ anh hùng chi quản khó,
Nguyện xin cùng gặp chốn thanh nhàn.
Như Mẹ Maria, thánh Dũng Lạc luôn nhận ra mình thật có phúc. Ngài nhận ra ơn Chúa trong cuộc sống mục vụ . Ngài biết ơn giáo dân, biết ơn các thừa sai, biết ơn ngay cả quan huyện đã muốn xử tử tế với Ngài. Biết ơn Chúa, biết ơn người và biết ơn đời, là bí quyết sống hạnh phúc.
Một vị thánh Tử Đạo khác là Đức Cha Giuse An đã nhận ra ơn Chúa ngay cả lúc bị kết án tử hình. Trước khi bị chém đầu, Ngài cho tiền tên lý hình để xin được chém ba nhát: nhát thứ nhất để cám ơn Chúa đã dựng nên mình và sai đi giảng Tin Mừng; nhát thứ hai để cám ơn công ơn cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục; nhát thứ ba để cám ơn giáo dân đã thương yêu và cầu nguyện cho họ được kiên vững.
III. CHỨNG NHÂN TIN MỪNG: (Gioan 1:35-42)
Bài trích Phúc âm theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa." Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: "Các ngươi tìm gì"? Họ thưa với Người: "Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?" Người đáp: "Hãy đến mà xem." Họ đã đến và xem chỗ Ngừơi ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng bốn giờ chiều. Anrê, em ông Simon Phêrô, một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Người.
Ông đi gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: "Chúng tôi đã gặp Đấng Messia (tức là Đức Kitô). Và ông dẫn anh mình đến cùng Chúa Giêsu. Vừa nhìn thấy ông, Chúa Giêsu nói: "Ngươi là Simon, con ông Giona, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá".
IV.CẦU NGUYỆN
A. Ý CHỈ CẦU NGUYỆN.
1. Xin ơn được nhận ra Chúa Nguồn sinh lực như mặt trời vẫn ngày đêm tuôn đổ muôn hồng ân xuống trên đời sống con, để biết ơn và cám ơn.
HỒNG ÂN CHÚA BAO LA
(ý thơ Tagore, nhạc Thiện Cẩm).
ĐK. Hồng ân Chúa bao la, tuôn đổ xuống chan hòa. Tuy tay con nhỏ bé, bao nhiêu cũng không vừa.
– Chính tay Ngài đã dựng nên con. Thần khí Ngài làm cho con sống. Tình yêu Ngài ngày đêm ấp ủ. Lời Ngài dẫn dắt con trên đường.
– Con sống nhưng đâu phải con sống. Thần khí Ngài làm cho con sống. Thịt máu này bởi Con của Ngài, đã trở nên của nuôi loài người.
– Con hát nhưng đâu phải con hát. Thần khí Ngài dạy cho con hát. Cũng chính Ngài ngự trong tâm hồn, mở miệng con biết kêu Danh Ngài.
Để con biết cầu nguyện: "Lạy Chúa, Chúa đã cho con quá nhiều ơn. Con chỉ xin một ơn nữa thôi, là cho con một tấm lòng biết ơn". Vì biết ơn là bí quyết của hạnh phúc. (Anthony De Mello).
2. Xin ơn nếm được Chúa, cảm nghiệm được tình Chúa dịu ngọt chừng nào, nhận ra Chúa là ai. Để từ cảm nghiệm này con bắt đầu sống vui tươi phấn khởi.
3. Xin ơn biết tạ ơn và nhẩy mừng như Mẹ Maria và Thánh Anrê Dũng Lạc, thấy mình thật có phúc và quá nhiều ơn. Đó là ơn biết kính sợ Chúa: luôn kinh ngạc thấy Chúa lạ lùng dễ sợ, để biết ca tụng ngợi khen và luôn biết cám ơn mọi nơi mọi lúc.
4. Xin ơn biết nhìn thấy kỳ công của Chúa nơi người khác, luôn biết khen ngợi cám ơn và chia sẻ ơn Chúa đã ban cho mình.
B. THÁNH CA: CHÚA LÀ BẦU TRỜI (ý thơ Tagore, nhạc Thiện Cẩm).
ĐC. Chính Chúa là bầu trời và cũng là tổ ấm.
Chúa ấp ủ đời con bằng màu sắc âm thanh,
Bằng hương hoa ngào ngạt, là tình yêu của Ngài.
1. Kìa bình minh đang đến, tung gieo sợi nắng vàng, trang điểm cho trời đất, toàn vẻ đẹp xinh tươi.
2. Kìa chiều xuống hoang vu, trên đường mòn cô quạnh. Thanh bình về nằm nghỉ, vùng biển tối phương tây.
3. Con như cánh vạc bay, vào không gian vô hạn, lên tận cõi thinh không, nơi Chúa ngự huy hoàng.
4. Nơi con về an nghỉ, sẽ chẳng có ngày đêm, không hình thù màu sắc, và lời nói chẳng cần.
C. THÁNH VỊNH 34: 2-7.
Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
– Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện. Bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.
– Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhận lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.
– Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.
V. HỌC HỎI. BÍ QUYẾT SỐNG VUI SỐNG MẠNH:
Nhận ra Chúa là ai đối với tôi?
A. BÍ QUYẾT CỦA TỔ TIÊN:
1. NHẬN RA NGUỒN SINH LỰC.
Tổ tiên đã có bí quyết gì khiến có thể luôn sống trong cảnh an vui thái hòa như trên mặt trống Đông Sơn?
Mặt trống Đông Sơn vẽ mặt trời là tâm điểm đang chiếu tỏa bao trùm vạn vật, khiến muôn vật được triển nở tốt tươi. Đó là nguồn sinh lực, nguồn muôn ơn vẫn ngày đêm không ngừng đổ rót thành 14 dòng sinh lực nhựa sống khiến con người được sống sung mãn.
Con người có tổ có tông,
Cái cây có cội, con sông có nguồn.
(Ca Dao)
Mười bốn dòng sinh lực này có thể so sánh phần nào với 2×7 ơn Chúa Thánh Thần, cũng là những con số biểu trưng cho sự tràn trề ơn thánh.
2. HƯỚNG DƯƠNG.
Tất cả mọi sự và mọi người đều qui tụ về một tâm điểm, thì mới hòa hợp và tươi nở như hoa hướng dương. Hoa hướng dương hay bất cứ một cây nào cũng đang dạy đạo sống: để cho ánh mặt trời chiếu tỏa, rồi những mầm non bắt đầu nhú, hoa nở rộ thắm tươi.
Bản chất con người từ Thiên Chúa mà có thì cũng sẽ chỉ tồn tại và phát triển khi con người biết hướng dương, luôn bay về phía mặt trời.
Mọi sinh hoạt chỉ đúng vị trí không rối loạn khi cùng quay quanh một trục ở tâm điểm. Mọi hành vi, ngôn ngữ, suy tưởng và tâm tình được hút vào một trọng lực duy nhất như hút vào nam châm. Chính đời sống hướng tâm này làm cho đời sống vui tươi an bình vì cùng tham dự vào sinh lực của chính Chúa.
Ngược lại, nếu đời sống đang bị xé mảnh, đang hướng vào nhiều hướng, nhiều mục đích, tâm trí bị chi phối bởi quá nhiều điều, hướng về đủ mọi thứ bận tâm không phải là Chúa, thì hậu quả tất nhiên sẽ là rã rời mệt mỏi cả thân xác lẫn tâm hồn, như những cây hoa bị cớm trông thật tàn tạ. Lý do dễ hiểu: thiếu ánh sáng và nắng ấm của mặt trời vì bị che phủ bởi quá nhiều thứ bận tâm và ly tâm.
Đức hồng y Bernadin đã chia sẻ cảm nghiệm về đời sống hướng tâm: "Tôi thấy nhịp sống và các hướng sinh hoạt của tôi không qui về một điểm, nên sinh bất an. Chúng ta cần nối lại với nguồn sống. Rồi chúng ta sẽ thấy được chữa lành, vuông tròn, toàn bích và an bình". Hiện nay phong trào "centering prayer" rất thịnh hành tại Mỹ.
Vì thế vạn vật được tượng trưng bằng hình vuông phải luôn hòa hợp với Trời tượng trưng bằng hình tròn, thì mới sinh hoa trái tốt đẹp "mẹ tròn con vuông" được, và cây mùa xuân mới đơm bông kết trái tràn trề. Đó là những hoa trái Thánh Thần: đầy yêu thương, vui tươi hạnh phúc và an bình …
Từ nguyên lý này, chúng ta mới thấy tại sao tất cả những hình thức duy vật, chỉ còn chú trọng bánh chưng vuông mà bỏ bánh dày, đều sinh bấn loạn đổ vỡ.
Nên khi thấy những hoạt động không còn hiệu quả, sức bị tản, hao hụt chân khí, có cảm tưởng "bị cháy, bị lột dên", thì cách duy nhất là cắm vào mạch điện, "sạc" điện lại, đổ thêm xăng. Đó là cách quật khởi tinh thần đúng nghĩa nhất, để sống như những vua Hùng là con của tiên rồng, có sức mạnh phi thường, sống đạt hết cỡ người như Chúa muốn tạo dựng con người là hình ảnh Người, để làm chủ vũ trụ, làm vua vạn vật, như thánh vịnh 8 diễn tả.
Có thể nói tổ tiên Việt Tộc đã rất hữu thần khi nhận mặt trời là nguồn sống tinh thần của mình, đã nhận định rõ nguyên lý căn bản của đời sống như Thánh I Nhã trong Linh Thao. Con người chỉ có thể phát triển toàn vẹn vuông tròn khi hòa hợp được với Trời cao, như hình ảnh bánh chưng vuông chỉ đất luôn đi đôi với bánh dầy tròn chỉ trời.
3. HÒA CÙNG MỘT NHỊP:
Nhịp Trống có tác dụng làm cho mọi người cùng hòa một nhịp, xóa tan những khác biệt mỗi người một quan điểm, một tham vọng, một ngôn ngữ, một thắc mắc riêng.
Nhịp trống tạo một một độ rung chung, một mẫu số chung, một ngôn ngữ cảm thông chung, để trăm người một lòng cùng qui về một tâm điểm mà thôi. Đây là căn bản để đoàn kết, chứ không phải là hò hét đoàn kết "đứng sau lưng tôi". Hòa hợp và đoàn kết chỉ có thể có khi trăm người bắt đầu nghe được tiếng tim đập của nhau phát khởi từ nhịp trống hồn thiêng sông núi vẫn còn đang vang lên mà những tiếng ồn ào ham hố lấn át đi! Đó là độ rung chung của cùng một nhịp tim đập của một Nhiệm Thể, của một bọc Mẹ Âu Cơ với thân nghĩa đồng bào.
Cuộc khủng hoảng gia đình và xã hội bây giờ có nguyên nhân chính là không ai còn độ rung gì chung với nhau. Có thể mỗi người đều có thiện chí, đều có những ý kiến hay. Không còn một tiêu chuẩn về lý tưởng, về đạo sống. Mỗi người đều bị bịt mắt chỉ còn luẩn quẩn với vấn đề của mình như mấy người mù xem voi vậy. Vì thế "ngôn ngữ" đầu tiên để đối thoại và tạo nhịp cầu thông cảm là biết Lắng Nghe. Lắng nghe bằng tim chứ không chỉ bằng tai. Bắt đầu bằng việc lắng nghe nhịp tim đập của người bên cạnh: họ đang vui hay đang buồn? Nhịp tim đang nhanh hay đang chậm?
Khi đã bắt đầu rung được với nhau bằng nhịp tim, thì người cùng đồng bào, cùng một bọc, sẽ bắt đầu đối xử với nhau bằng tình hơn là lý.
Nhịp trống còn nhắc cho ta nghe thấy nhịp sống của vũ trụ nhất thể. Cả vũ tru trời đất có một hơi thở chung. Hòa mình vào hơi thở của trời đất, của dòng sống tự nhiên gió và nước, con người sẽ sống "phong lưu" an nhiên thảnh thơi, là hòa mình vào Đạo Sống của vũ trụ.
Trống Đồng trong mỗi trang động thời Lĩnh Nam Hai Bà Trưng có quyền uy quy tụ và ban lệnh. Và đó là yếu tố gây sức mạnh. Chính vì thế mà năm 43 khi Mã Viện chiếm được nước ta đã cho thu tất cả trống đồng đưa về Tàu với lời quả quyết: "đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt" (Trụ Đồng gẫy thì nước Giao Chỉ bị diệt). Trụ đồng là hình ảnh sức mạnh trống đồng như cột trụ để xây nhà Việt. Vì thế nếu con cháu không tìm về để đào lên thì mỗi người một nhịp, sức mạnh sẽ bị phân tán, và chẳng có căn bản nào mà qui tụ cả.
Đã đến lúc Trống Đồng được khai quật, để con cháu xác tín và hãnh diện vào nguồn gốc của mình, và cùng hòa nhịp vang lên sức sống vẫn còn luân chuyển qua dòng sinh mệnh dân tộc.
Đã đến lúc tiếng trống quyền uy của tổ tiên trong Đạo Trống được đánh lên thành tiếng trống lệnh. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đánh lên tiếng trống đó, thay cho 117 vị anh hùng, thay cho hồn thiêng dân tộc. Đó là tiếng trống lệnh lên đường quật khởi tinh thần.
B. BÍ QUYẾT CỦA THÁNH ANRÊ DŨNG LẠC:
1. NHẬN RA ƠN THÁNH và CHÚA LÀ AI THẬT.
Ơn Thánh là chính sức sống của Chúa thông truyền cho con người, như hơi thở tình yêu thổi vào mũi con người khi tác tạo.
Nhận ra mình được yêu thương và có giá trị là điểm tâm lý căn bản nhất của một đời người. Khi được yêu mọi sự sẽ thay đổi, từ thân thể cho đến tâm lý: người sẽ tươi, mắt sẽ sáng. Chúa đã yêu thương tôi từ muôn thuở và đã tác thành tôi là một kỳ công của Chúa. Vì bản chất Chúa là Tình Yêu, nên Chúa là NGUỒN TÌNH YÊU.
Tôi không còn coi Chúa như một quan án đáng sợ hay một người xa lạ nữa, với những thái độ giữ đạo vì sợ, vì một gánh nặng luân lý nặng nề quá ư đòi hỏi, nên "kính nhi viễn chi" xa xa cầu đảo cho chắc ăn.
Tôi cũng không còn coi Chúa như một mớ lý thuyết hay ngay cả giáo lý do người khác đặt trên tôi, do cha mẹ, Giáo Hội, tập tục, đám đông, mà không xác tín.
Thánh Dũng Lạc làm chứng khi "đã xem và đã nếm được Chúa ngon dường nào", khi nhận ra mình luôn được Chúa yêu thương qua mọi người và mọi sự, thì sẽ sống phấn khởi nhiệt tâm, và luôn tỏ dấu biết ơn. Ngài luôn nhận ra Chúa là nguồn sinh lực, nguồn tình yêu, nguồn muôn ơn, nguồn mọi sự thánh thiện, luôn tuôn trào xuống đời mình "như mặt trời luôn tỏa sáng" (Thánh Gioan Thánh Giá, Lửa Tình sinh động). Đúng là một giao ước tình yêu.
Người nhận ra ơn Chúa và có lý tưởng thì dù có què chân cụt tay, tù tội hay nghèo túng cũng vẫn vui tươi hạnh phúc.
Người không biết nhận ra ơn và không có lý tưởng thì dù có triệu phú hay được hết mọi sự mà vẫn không bao giờ đủ, và vẫn luôn bất an.
Mẹ Maria và Thánh Dũng Lạc đã nhảy mừng vì nhận ra mình thật có phúc. "Chúa đã làm cho tôi muôn việc kỳ diệu" mọi nơi mọi lúc, không nhất thiết phải là những đặc ân khác lạ.
2. ƠN BIẾT KÍNH SỢ CHÚA
Là ơn thấy Chúa lạ lùng quá vượt trí hiểu của mình, thấy Chúa tuyệt vời "dễ sợ", có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được. Nhận ra Đích là khám phá ra Chúa cũng như trúng độc đắc, như "vớ" được kho tàng quí, thì tất cả những giá trị khác trở thành rác rưởi. Và phản ứng đầu tiên là hai mắt sáng lên mở rộng kinh ngạc, miệng lớn tiếng chúc tụng ngợi khen và cảm tạ, hai bàn tay rộng mở đón nhận ơn Chúa mỗi giây phút, toàn thân reo lên "tâm thần tôi nhảy mừng trong Chúa là Đấng Cứu Độ tôi".
Sự say mê Chúa và xác tín lý tưởng đã khiến Thánh Dũng Lạc luôn cương quyết và hiếu trung hướng về nguồn là Chúa, khiến các quan đã phải thốt lên: "Bọn chúng tin đạo đến nỗi như điên khùng".
3. ĐẾM ƠN và CÁM ƠN.
Mở mắt nhận ra ơn mọi nơi mọi lúc: tất cả đều là phép lạ đời sống, vì luôn nhận ra phép lạ và nhận quà mỗi giây phút. Lạy Chúa xin mở mắt con biết nhìn kỳ công của Ngài:
– Từng hơi thở: thử đếm một phút hơi thở để cảm nghiệm sự sống, và hai tay giang rộng nhận quà mỗi hơi thở và nói lời tạ ơn.
– Chậm lại một giây để thưởng thức cuộc sống: cảnh mặt trời mọc, một cành cây, một bông hoa, một tiếng chim kêu, bản hòa tấu của ngàn côn trùng ngoài vườn sau, một miếng cam, một làn gió mát, hàng ngàn hạt kim cương trên mặt nước, điệu luân vũ lá vàng mùa thu… Em bé tập đi là phép lạ đi trên mặt đất, một vị ngon của đồ ăn, một làn hương hoa ngào ngạt.
Chỉ cần nhìn kỹ và lắng nghe bằng ngũ quan, bạn sẽ nhận ra ơn và phép lạ đời sống: tôi đang có thể nhìn, đang có thể nghe, đang có thể cảm giác, đang có thể thở, đang có thể cử động, đang có thể nói… Là chính tôi đang tác động, tôi đang làm phép lạ, tôi đang thấy phép lạ. Và bạn sẽ nhận ra tình Chúa yêu thương. Tạo sao cứ phải đợi đến lúc bị tai nạn, gẫy một chân, mù một mắt, mới thấy lành lặn như bây giờ là một ơn?
THỰC HÀNH:
Bạn hãy viết và hát "Tình Khúc Tạ Ơn" như Mẹ Maria về cuộc đời mình do những hồng ân của Chúa, cảm thấy Chúa yêu thương qua:
– Ơn Vật Chất:
từng đồ vật, đồ ăn áo mặc dư thừa. Nếu con biết ơn Cha.
– Chính con người mình:
cảm tạ Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng. Từng cơ năng, từng tế bào, từng khả năng, và nhất là linh hồn…
– Qua những người thân yêu:
tình Chúa cụ thể nồng nàn hình thành đời mình bằng tình yêu, của cha của mẹ, của bạn hữu, của bao người đã hy sinh cho đời mình.
– Qua người khác:
anh em là nhiệm thể Chúa Kitô. Chúa đang có mặt ở đây qua nhau: hãy cho nhau một nụ cười và lời cám ơn, vì bạn là quà của Chúa cho đời.
– Những lúc được ơn Chúa:
qua một tai nạn, một cơn bệnh, vượt biên, lúc tĩnh tâm sốt sắng, được ơn tha thứ…
– Những lúc đêm đen:
"Chúa dắt dìu con đi qua đêm đen, cho con ca khen tình yêu Chúa cao như đại dương".
Để dù qua bất cứ khó khăn nào, vẫn thấy bàn tay Chúa dẫn mình đi một cách kỳ lạ. Vẫn nghe lời thề của Chúa: "dù sao đi nữa Cha vẫn yêu con." Dù người mẹ có bỏ con thì cha sẽ chẳng bao giờ quên con. Dù đôi khi chuyện xảy ra mình không sao hiểu nổi, nhưng nhìn lại cuộc đời, mình vẫn thấy một chất keo mầu nhiệm gắn liền thành cầu vồng rực rỡ, thành bản tình ca trầm bổng buồn vui đắng ngọt qua xuân hạ thu đông hóa sinh mầu nhiệm, thành của lễ tình yêu dâng trên bàn thờ Tạ Ơn.
Biết cám ơn Chúa, cám ơn đời và cám ơn người, là bí quyết sống hạnh phúc.
VI. CÂU HỎI CHIA SẺ:
Kể lại một ơn trong đời . Kể lại cho người khác nghe về việc kỳ lạ Chúa đã làm cho mình và lớn tiếng cám ơn Chúa.
VII. THÁNH CA KẾT THÚC: NGUỒN VUI ƠN THÁNH
(nhạc Amazing Grace; lời: LM. Trần Cao Tường)
1. Nguồn vui ơn thánh êm đềm dịu dàng. Hồn con được Chúa ủi an. Con đã lỗi lầm bỏ nhà Cha hiền. Giờ đây con thấy đường về.
2. Nguồn vui ơn thánh êm đềm dịu dàng. Dạy con luôn vững lòng tin. Thung lũng tối tăm hiểm nguy xá gì, vì đã có Chúa ở bên.
3. Nguồn vui ơn thánh êm đềm dịu dàng. Giờ đây được Chúa gọi con. Mâm cỗ Chúa dọn chẳng sợ quân thù, dầu thơm Chúa xức trên đầu.
4. Nguồn vui ơn thánh êm đềm dịu dàng. Trào tuôn xuống suốt đời con. Ngày đêm ấp ủ chở che vỗ về. Vượt bao sóng gió gian nan.
5. Nguồn vui ơn thánh êm đềm dịu dàng. Lời Cha thắp sáng niềm tin: Ai khát, đói nghèo, mệt mỏi, ưu phiền. Nào mau hãy đến bên Cha.
6. Nguồn vui ơn thánh êm đềm dịu dàng. Được Cha dẫn dắt dưỡng nuôi, bên suối mát trong, cỏ non xanh rì. Nghỉ ngơi lại sức tâm thần.
7. Nguồn vui ơn thánh êm đềm dịu dàng. Từ đây mãi mãi về sau, con biết lấy gì đền tạ ơn Người. Tình yêu ôi quá cao vời.