Ân sủng Người ban thì vô biên vô tận. Để lãnh nhận tôi chỉ có hai bàn tay nhỏ bé vô cùng. Ngày ngày lớp lớp qua đi Ngừơi vẫn không ngừng đổ rót. Song hồn tôi vẫn trống và tay tôi thì hãy còn vơi”.
Thao Luyện 4
ĐẠO TRỐNG
Để Tìm lại An Bình và Tràn Đầy Sinh Lực.
I. MỞ ĐẦU.
Truyện kể về một đệ tử muốn tìm môn sư để học đạo sống. Khi đến gặp Thầy, đệ tử đặt rất nhiều thắc mắc đòi Thầy phải giải đáp. Thay vì trả lời những câu hỏi của học trò mới, Thầy lấy ra một ly nước đầy để trên bàn, rồi lấy một ấm trà vừa lắng nghe vừa tiếp tục rót vào ly nước, khiến cho nước trà chảy tràn ra ngoài ướt đẫm chung quanh. Lấy làm lạ, anh học trò mới nhắc Thầy vì tưởng Thầy đãng trí, nhưng Thầy làm như không nghe thấy và cứ tiếp tục rót. Một lúc sau khi trò ngưng hỏi thì Thầy cũng ngưng rót, rồi trầm lặng bảo anh học trò mới:
"Lòng con đã quá đầy như ly nước trà ban nãy. Thầy có rót gì thêm cũng tràn ra vô ích mà còn làm ướt át. Về đi!"
Câu truyện trên đã diễn tả tâm tình của Tagore:
"Ân sủng Người ban thì vô biên vô tận. Để lãnh nhận tôi chỉ có hai bàn tay nhỏ bé vô cùng. Ngày ngày lớp lớp qua đi Ngừơi vẫn không ngừng đổ rót. Song hồn tôi vẫn trống và tay tôi thì hãy còn vơi".
Lý do vì đã quá đầy thứ lăng nhăng làm tắc nghẽn nên ơn thánh như nhựa sống vẫn tràn trề đó mà không chuyển xuống được.
Như thế, khi thấy đời sống bất an đầy rắc rối thì không phải là chương trình Chúa tính sai, mà có cái gì bất ổn trầm trọng trong tôi!
Thử quan sát một cành cây bị gẫy và héo vì mất nhựa sống, chúng ta sẽ hiểu tại sao có người sống phấn khởi vui tươi đầy nghị lực, công việc đầy hoa trái, có người thì héo tàn cằn cỗi bất an.
Bí Quyết của tổ tiên Việt tộc là Đạo Trống: chỉ khi lòng mình trống ra thì khí lực của trời cao mới hội thông được. Chỉ khi nào lòng mình trinh trong thì Ngôi Lời mới nhập thể được. Chỉ khi nào kính được lau sạch thì ánh sáng Chúa mới chiếu xuống chan hòa. Chỉ khi nào những màn chắn được mở ra thì kho tàng tinh thần của con người thật mới thực sự bừng lên.
II.THÁNH AUGUSTINÔ PHẠM VIẾT HUY
Thánh Augustinô Phạm viết Huy sinh năm 1794 tại Hà Linh, Nam Định. Ông đúng là một Augustinô của Việt Nam. Ông là con một gia đình Công giáo đạo hạnh, khi còn nhỏ có chí và thông minh nên được gửi vào chủng viện đi tu, nên rất hiểu biết về giáo lý trong đạo.
Nhưng rồi ông Huy đã bỏ tu và đi lính. Trong đời lính 10 năm, ông học theo nhiều thói xấu, sống khô khan và bê bối. Thậm chí đã lén lút ngoại tình theo bà vợ hai trên tỉnh.
Vào thời đó, vua Minh Mạng ra lệnh cho tổng đốc Nam Định là Trịnh Quang Khanh phải gắt gao bắt tất cả các linh mục và thanh trừng các lính công giáo. Trịnh Quang Khanh đã tỏ ra dữ tợn chưa từng có, bắt nhốt tất cả 500 lính công giáo và đe dọa đủ mọi hình khổ để bắt họ phải bước qua thánh giá bỏ đạo để được tiếp tục hành nghề.
Binh lính công giáo hầu hết đã hối lộ hoặc giả vờ bước qua thánh giá cho qua chuyện, chỉ còn lại 15 người. Nhưng sau một đợt tra tấn thì chỉ còn lại 9 người. Lạ thay, can đảm nhất lại là Augustinô Huy.
Dù đã can đảm xưng đạo hai lần, nhưng ông cảm thấy mình tội lỗi bất xứng, nên ban đêm ông đã cho tiền lính canh để về nhà xưng tội với Cha Thiều và giàn xếp chuyện gia đình, viết giấy dứt khoát bỏ vợ hai. Rồi ông trở lại nhà giam để chuẩn bị cho cuộc xưng đạo lần thứ ba.
Lần này, quan cho đập vào các ngón tay và nhiều hình khổ khác, khiến tội nhân đau cùng độ mà không chết ngay được.
Sau năm lần tra tấn thì chỉ còn ba ông Huy, Đạt và Thể. Các ông bị cạo trọc đầu phơi nắng giữa mùa hè. Chân tay bị trói và cổ thì đeo gông, mình đầy thương tích ruồi muỗi bu kín mà không đuổi được.
Nhiều người cũng như quan dụ các ông bỏ đạo để được thăng cấp, nhưng các ông tuyên bố : "quan lớn dạy chúng tôi bỏ đạo Thiên Chúa thì chúng tôi sẽ theo đạo nào? Vì trong các đạo khác chẳng có đạo nào là đạo thật."
Trong tù, các ông cầu nguyện chung, ăn chay mỗi tuần 4 ngày. Ông Huy đã rất khôn ngoan tranh luận với quan về giáo lý và bí tích, và mười điều răn, khiến quan cũng phải nể.
Một ngày kia quan có ý xỉ vả đời tư của ông Huy để ông xấu hổ mà bỏ đạo :
"Giả như mày vốn sống đạo đức mà muốn chết vì đạo thì còn hiểu được. Chứ như mày bê bối tội lỗi có hai vợ và sống như người ngoại giáo, mà mày còn khư khư giữ đạo thì quả là điên khùng."
Ông Huy đã khiêm nhường đáp lại:
"Tôi nhận đã làm gương mù theo yếu đuối xác thịt, không xứng đáng làm người công giáo. Nhưng Thiên Chúa nhân lành vô cùng đã thương tôi, cho tôi biết thống hối và tha tội cho tôi rồi. Thì giờ đây tôi sẵn sàng bỏ mọi sự, kể cả mạng sống tôi, để giữ đức tin."
Sau đó quan cho hành hạ liên tiếp 21 ngày, và dùng một kế hiểm độc là bắt tất cả anh em họ hàng và dân làng của ba ông phải hết sức khuyên các ông bỏ đạo, nếu không tất cả đều phải chịu chết như ba ông.
Trong một tháng, quan hành hạ anh em bà con. Cuối cùng vì động lòng thương và áp lực tâm lý mà ba ông đã đành bỏ đạo để cứu họ. Quan phát cho mỗi người 10 quan tiền rồi thả cho về.
Nhưng khi về nhà, ba ông đã cảm thấy hối hận. Vì suốt thời gian 8 tháng trời các ông vẫn trung kiên dù bao cực hình, thế mà nay lại ngã quị! Bị lương tâm cắn rứt, các ông đã đi xưng tội, rồi rủ nhau lên tỉnh khiếu nại về chuyện vì bị áp lực tâm lý mà bỏ đạo, và xin trả lại tiền cho quan. Nhưng quan đã không xử mà đuổi các ông về.
Thế là các ông đã bàn tính cùng nhau đi vào tận kinh đô Huế để xưng đạo với nhà vua. Ông Đạt bận công vụ không đi được, cũng bằng lòng ký giấy để hai ông Huy và Thể thay mặt.
Các ông đã đi mất 20 ngày mới vào tới Huế, nhưng các quan không thèm tiếp. Các ông phải chờ ngày vua đi ra ngoài chơi, liền quì ở vệ đường dâng đơn khiếu nại và xưng đạo.
Sau một thời gian tra tấn đủ mọi hình khổ và dụ dỗ bỏ đạo mà không được, vua đã tức giận ra lệnh xử tử.
Ngày 2.5.1839 Ông Huy và Ông Thể bị điệu ra cửa Thuận Hóa. Lý hình đã lấy rìu chặt ngang lưng, rồi chặt đầu bổ làm bốn và liệng xác xuống biển. Còn Ông Đạt thì bị xử thắt cổ chết ở Nam Định.
III. CHỨNG NHÂN TIN MỪNG:
A. BÀI ĐỌC 1: Trích thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữa Roma. (Roma 5:6-8)
"Khi chúng ta còn trong tình trạng vô phương cứu chữa, thì Đức Kitô đã đến đúng lúc mà chết thay cho những người tội lỗi. Hiếm có người nào dám chết thay cho người đàng hoàng. Nếu vì điều nghĩa thì có chết cũng đành. Còn Thiên Chúa thì lại chứng tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta thế này: là Đức Kitô đã chết thay cho chúng ta đang khi chúng ta còn là tội nhân thù nghịch với Ngài".
B. BÀI ĐỌC 2: Gioan 4:4-18
Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Sy-kar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Gia-cóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Gia-cóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ bên bờ giếng, lúc đó vào khoảng giữa trưa.
Có một ngừơi đàn bà xứ Samaria đến kín nước,Chúa Giêsu bảo: "Xin chị cho tôi uống nước." (Lúc ấy các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: "Sao thế! Ông là người Do Thái mà lại xin nước uống với tôi là người Samaria à?" Chúa Giêsu đáp: "Nếu chị nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với chị: xin cho tôi nước uống, thì chắc chị sẽ xin Người, và Người sẽ cho chị nước hằng sống." Ngừơi đàn bà nói: "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống giếng nước này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?" Chúa Giêsu trả lời:
"Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta cho thì sẽ không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho sẽ thành một dòng suối vọt lên trong lòng phát sinh sức sống vĩnh cửu."
Người đàn bà thưa: "Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó, để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa." Chúa Giêsu bảo "Chị hãy đi gọi chồng chị rồi lại đây." Người đàn bà đáp: "Tôi không có chồng." Chúa Giêsu nói tiếp: "Chị nói không có chồng là phải, vì chị đã có tới năm chồng, và người đàn ông đang chung sống với chị không phải là chồng chị, chị đã nói đúng đó." Người đàn bà nói: "Ngài là một tiên tri.".
Đó là Lời Chúa.
IV. CẦU NGUYỆN.
A. Ý CHỈ CẦU NGUYỆN.
1. Xin ơn tìm ra căn nguyên nào đang khiến mình sống bất an và không phấn khởi được.
2. Xin ơn khiêm nhường: dám nhận mình là như vậy để bắt đầu thống hối hoán cải khai thông làm trống lòng ra như Thánh Augustinô Huy.
3. Nhận sức mạnh giải thoát của Chúa: vì tôi không tự giải thoát được, mà chính Chúa đã chết để giải thoát cho tôi. Tôi có bằng lòng từ bỏ những gì đang gây tắc nghẽn, và để Chúa giải thoát sống đời thảnh thơi không?
B. THÁNH CA. ÔI NHIỆM MẦU
ĐK. Ôi nhiệm mầu tình yêu Chúa nuôi con suốt đời. Ôi! nhiệm mầu tình yêu Chúa ru con tháng ngày.
1. Những lỗi lầm ngày tháng cũ tim con u buồn thống hối. Ngững bước đường mờ ám đó nay con xin nguyện chia phôi. Và, ngày ngày, tháng tháng con cầu kinh. Và, chiều chiều, sáng sáng con nguyện xin.
2. Cất bước tìm về với Chúa con đi trong miền nắng ấm. Áo mới tuyệt vời Chúa khoác cho con vui tiệc hiến tế. Và, ngày ngày với Chúa con cùng đi. Và, từng chiều có Chúa con ngại chi.
3. Bỗng có một chiều Núi Thánh xa xôi nhưng lòng xôn xao chắp cánh vàng tìm đến Chúa tin yêu muôn đời không phai. Và từng chiều có Chúa trong tình yêu. Và từng chiều có Chúa trong tình yêu.
V.HỌC HỎI. BÍ QUYẾT TÌM LẠI AN BÌNH và TRÀN ĐẦY SINH LỰC.
1. Ý THỨC TỘI LỖI: nhận ra hiện trạng tội làm mất lòng ai?
Thánh Augustinô Huy đã nhận ra hiện trạng ray rứt của mình, mặc cảm tội lỗi thực sự làm khổ mình.
Thường chúng ta nghe nói tội lỗi làm mất lòng Chúa, làm cho Chúa giận dữ và phạt xuống hỏa ngục nơi lửa thiêu đốt và giòi bọ rúc rỉa! Nhưng đây chỉ là một kiểu nói diễn tả phần nào hậu quả của tội.
Thực ra, như tâm tình của hai bài Kinh Thánh trên, tội lỗi là những gì vít mạch khiến cho giếng nước khô cạn, hoặc là uống hoài mà không bao giờ hết khát! Tội là tự luận phạt vì như người quen trong bóng tối sẽ không thể nào chịu nổi ánh sáng, tự loại mình ra khỏi vùng ánh sáng.
Đèn pin không sáng lên được là vì có gì cản trở. Con người không sống vui tươi phấn khởi được, mắt không sáng lên nổi, vì những rỉ ghét bao phủ.
Như vậy tội lỗi không phải là phạm đến luật này luật kia, mà là cắt lìa khỏi mạch sống, tự làm khổ mình và người khác ngay ở đời này và đời sau.
Người tội lỗi sống trong mặc cảm như đeo một cối đá lớn, luôn cảm thấy bị xiềng xích tù túng. Cũng giống như tình trạng bị quỉ ám, thích sống trong nghĩa địa bẩn thỉu hoang vắng, tự tách xa mọi người.
– không còn nhảy mừng ca hát thưởng thức cuộc sống như tổ tiên nối liền với nguồn sống. Ngược lại mình đang bị một thế lực ngày đêm điều khiển chế ngự, khiến mình như bị nghiện: càng tìm kiếm càng thèm khát, càng cảm thấy mệt mỏi rã rời.
– ngày phán xét thì mọi mặc cảm sẽ được phơi bày. Lúc đó mình tự cảm thấy xấu hổ bất xứng và tự loại mình. Cũng như người đau ốm thấy người khác ăn ngon mà mình không thể nào ăn được vì miệng đắng. Tình Chúa càng sáng đẹp bao nhiêu thì mình càng cảm thấy chói mắt bấy nhiêu!
2. TÌM RA LÝ DO CỦA TÌNH TRẠNG (xét mình):
Như cây bị cớm và tàn lụi vì bị che kín không còn ánh mặt trời, Ông Phạm viết Huy đã nhận ra căn nguyên của hiện trạng mình, và đã khiêm nhường nhận mình là người tội lỗi chẳng xứng đáng làm người Công Giáo. Ông đã dám nhận như vậy cả trước mặt quan.
Ông đã bỏ ơn Chúa và không còn nhận ra Chúa là nguồn mọi ơn có thể làm thỏa cơn khát và giải thoát mình, mà tin vào những tà thần xem ra rất quyến rũ. Ông đã bị THAM SÂN SI trói buộc.
Evà và Adong đã bị quyến rũ bởi tà thần kiêu ngạo, không muốn nhận nguồn sống từ Chúa, mà muốn tự tạo lấy hạnh phúc.
Chúa Giêsu trong hoang địa cũng bị quyến rũ để tôn thờ cái bụng duy vật chủ nghĩa, mê thành công ngoạn mục, nghiện danh tước và quyền uy. Tất cả rất có thể đã thành mục đích và lý tưởng cho mọi hoạt động. Nhưng Chúa đã dứt khoát dứt điểm chọn con đường Trống.
Con người dễ bị "cám dỗ" thích sống kiếp gà với những nhu cầu theo bản năng súc vật chứ không có gì cao hơn và xa hơn. Mỗi người đều đang tìm kiếm làm đầy bằng nhiều thứ không phải là Chúa. Cứ xem mình đang để thời giờ sức lực và tiền bạc vào chuyện gì nhất thì biết trung tâm đời sống mình là thần nào mình đang tôn thờ.
Trong mạch máu có tới 7 thứ quỉ làm tắc nghẽn làm sao mình có thể sống khoẻ mạnh được, khiến mình trở thành nghiện mê, trở thành nô lệ bị điều khiển sống kiếp lầm than.
Trong kịch nghệ Á Đông, các vai đóng thường được sơn vẽ mang mặt nạ chứ không để trần là mặt thật. Nghệ thuật sân khấu này có ý trình bày cuộc đời là một vở kịch mà mỗi người đang mang mặt nạ đóng vai trò khác nhau mà chính mình cũng không nhận ra. Nghĩa là ít ai đang sống với con người thật của mình, với giá trị thật của mình.
Vì mặc cảm, vì nghĩ rằng mình chẳng là ai, nên phải đeo thêm nhiều thứ khác cho chắc ăn. Riết rồi mình trở thành những anh hề trên sân khấu cuộc sống. Karl Jung đã gọi những "con người giả" (false self) đeo mặt nạ này là Persona. Trong tiến trình viên mãn về tâm lý, con người phải làm sao rũ bỏ được những mặt nạ này, nếu không thì sẽ bị chúng hành khổ. Chẳng lạ gì ở những bệnh nhân tâm lý khi họ bị khủng hoảng về bản sắc không biết mình là ai, có người soi gương luôn thấy mặt mình là mặt quỉ.
Vậy đâu là bộ mặt của tôi lúc này?
Thử soi gương và vẽ nét mặt thực của mình lúc này xem sao. Rất có thể tôi đang đeo những mặt nạ tiếp tục hành khổ tôi, làm khổ gia đình và cộng đoàn.
* MÊ DANH, KIÊU NGẠO:
Mặt của người hiếu danh và kiêu ngạo thật tội nghiệp! Có thể đang vênh lên. Có thể đang nhớn nhác chèn cựa tìm một chỗ đứng. Có thể đang bực bội vì bị đá xéo.
Có máu kiêu ngạo thì luôn nghiện mê chức tước. Mất ăn mất ngủ để chèn cựa. Mục tiêu của mọi hoạt động là cái tôi, còn mọi danh từ hoa mỹ chỉ là cớ. Mọi người phải hội tụ về mình chứ không cần biết rung nhịp trống chung, nên sẵn sàng đấm đá và phê bình chỉ trích nếu mục tiêu không đạt tới. Từ đó sinh lòng GHEN GHÉT và HỜN GIẬN. Nhưng khi đấm đá được người thì họ lại lâm vào tình trạng: "chưa thắng được người thì mặt đỏ như vang. Thắng được người rồi thì mặt vàng như nghệ". Và "ngậm máu phun người thì dơ miệng mình trước". Khi chỉ tay lên án người thì cũng là đang lên án mình!
Vì máu mê danh nên khi hoạt động tông đồ tôi đã dùng Chúa và cộng đoàn như bàn đạp tiến thân, làm rối việc Chúa và làm khổ nhiều người.
* MÊ TIỀN, HÀ TIỆN KIẾT KEO:
Mặt của người mê tiền chắc lúc nào cũng nhăn nhó và rên rỉ?
Người hà tiện làm nô lệ cho tiền. Vì thờ tiền nên ai sống chết không cần biết. Chẳng còn giờ cho gia đình, cộng đoàn và ngay cả cho chính mình để thảnh thơi thưởng thức cuộc sống. Người nghiện tiền thì không bao giờ đủ. Cứ xem những nhà triệu phú lăng xăng suốt ngày kiếm thêm tiền thì biết. Trọng tâm của đời sống là lợi. Tình nghĩa không cần thiết.
* MÊ DÂM DỤC:
Không bao giờ đủ, và luôn thèm khát thêm, khiến chẳng còn nhuệ khí gì cho cuộc sống. Thử vẽ nét mặt của người ham mê xác thịt xem như thế nào?
Ông Phạm viết Huy đã dám nhận ra cái ngăn trở lớn nhất là tình trạng mê đắm của mình, cũng như người đàn bà Samaria bên giếng Gia-cóp đã nhận ra tới 5 ông thần chặn mạch nước hằng sống.
* MÊ ĂN UỐNG:
là những người lấy bụng làm Chúa, trở thành nô lệ cho những nhu cầu vật chất riết rồi người mình trở thành bần tiện đến say sưa rượu chè hút sái.
* LÀM BIẾNG:
Tội làm biếng là tội thường xưng thú trong kinh Cáo mình là "những điều thiếu sót". Là những điều đáng lẽ phải làm mà đã bỏ chẳng làm, là những trách nhiệm và bổn phận:
– bổn phận là một người Công giáo: đời sống cầu nguyện, biểu lộ đức tin, thái độ dâng lễ, thánh hóa ngày Chúa nhật…
– bổn phận xây dựng gia đình: để giờ hiện diện săn sóc, lo cho đời sống thiêng liêng và giáo dục gia đình…
– bổn phận xây dựng cộng đoàn như một chi thể trong nhiệm thể hay chỉ biết hưởng thụ và sẵn sàng chỉ trích làm nhụt nhuệ khí nhiều người? Có tham gia hội đoàn và những công tác tông đồ bác ái không?
Người lười biếng dễ mặc cảm vô dụng, nhàn cư vi bất thiện, xía vào đủ mọi chuyện. Những người hy sinh phục vụ thực không còn giờ chỉ trích phê bình.
3. THỐNG HỐI và TỪ BỎ: ĐẠO TRỐNG.
Thánh Phạm viết Huy đã là mẫu sống bí quyết tìm lại an bình và nguồn sinh lực bằng việc dám nhận ra lý do sâu xa ràng buộc xiềng xích và làm tắc nghẽn khiến cho đời sống bất an tàn héo. Ngài đã khiêm nhường thống hối chân thành từ bỏ con đường tội lỗi và nhận ơn thánh Chúa giải thoát khai thông những rào cản che phủ làm tắc nghẽn, và nhận lại nguồn sinh lực như mặt trời trên mặt Trống Đông Sơn vẫn ngày đêm chuyển xuống cuộc sống, làm cho trổ sinh hoa trái tốt tươi, làm cho cuộc sống vui tươi khởi sắc.
Tôi nhận biết tội tôi và hậu quả của tội. Nếu tôi chết bây giờ tôi sẽ ra sao? Tôi thực vô phương cứu chữa. Ai có thể cứu tôi khỏi tình trạng này?!
TỪ BỎ MA QUỈ.
Tôi muốn quyết tâm từ bỏ ma quỉ và những quyến rũ bất chính. Tôi muốn như con sâu chui vào tổ kén bằng lòng lột xác để thành con bướm bay lên trong đời sống mới. Tôi muốn dìm mình xuống nước để rửa sạch tội lỗi, rũ bỏ màn chắn rỉ ghét, để con người thật của tôi như một kho tàng tiềm ẩn được bừng lên. Và Chúa sẽ reo lên: "Con là con yêu dấu của Cha. Con thật tuyệt vời. Con đúng là dòng giống tiên rồng chứ không phải gà hay sâu bọ".
4. TIN VÀO TÌNH CHÚA THỨ THA.
Thánh Phạm viết Huy đã nêu gương gương tin tưởng vào tình Chúa thứ tha một cách lạ lùng. Chúa đã yêu thế gian đến nỗi chết thay để mọi người được cứu thoát. Ai tin nhận thì được giải thoát. Ai không tin nhận thì đã tự làm khổ mình ở đời này và tự luận phạt mình ở đời sau.
– Chúa đã trở thành chính thân tội: kết tinh mọi ghê tởm sợ hãi, trở thành như con rắn, con sâu, không nhận ra hình dạng người nữa! Khi đưa ra trước mặt dân, Philatô đã phải nói rõ: "Đây là người" thì người ta mới nhận ra nổi.
TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN.
Từ nay tôi tin nhận Chúa là Nguồn, để từ nay xoay quanh Chúa, hướng về Chúa như hoa hướng dương, để đời sống tôi tươi nở và tràn trề nhựa sống, và từ đó tìm ra được độ rung chung trong niềm vui nhảy mừng của tổ tiên. Chúa là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ tôi.
(Có thể làm nghi thức canh tân lời hứa ngày Rửa Tội).
VI. CÂU HỎI.
Cản trở nào lớn nhất trong tôi mà tôi muốn thú nhận và quyết tâm khai thông từ bỏ, để mạch của tôi được trống ra cho dòng nhựa sống bừng lên? (Xin viết chi tiết để có dịp khai quật những gì chôn kín lâu ngày, và đi xưng tội để tìm lại an bình của đời sống mới).
VII. THÁNH CA KẾT THÚC: GIỌT NƯỚC MẮT MAĐALÊNA
(Lời: LM. Trần Cao Tường; Nhạc: trung tâm Linh Hướng Pecos)
Đ.K. Mađalêna, Mađalêna, Mađalêna, Mađalêna.
1. Phần Thày thì Thày cũng không luận tội. Con đi đừng phạm tội nữa. Để Thày mình Thày chết cho tội. Con, con đi đổi đời.
2. Này Thày bằng lòng lãnh nhận mọi tội. Con đi và được giải thoát. Còn Thày chịu đổ máu cứu độ. Cho con đi đổi đời.
3. Thày tội tình chẳng khác sâu bọ. Con đi và hãy lột xác. Để tình Thày làm chứng muôn đời: Yêu thương cho tận cùng.