1. Pakistan trải qua một tuần lễ đẫm máu
Pakistan đã trải qua một tuần lễ đẫm máu với ít nhất là 6 vụ khủng bố kinh hoàng chỉ trong 4 ngày.
Cuộc tấn công đầu tiên diễn ra tại Lahore. Một kẻ đánh bom tự sát giết chết ít nhất 13 người và làm bị thương 85 người khác trong một cuộc tấn công kinh hoàng hôm thứ Hai 13 tháng Hai bên ngoài trụ sở Quốc Hội bang Punjab ở Lahore, Pakistan.
Jamat-ul-Ahrar, một nhóm trong phe Taliban Pakistan đã tuyên bố chịu trách nhiệm trong vụ tấn công diễn ra trong cuộc biểu tình của Hiệp Hội Các Nhà Thuốc Tây và Các Dược Sĩ. Đây cũng chính là bọn khủng bố đã nổ bom tự sát tại công viên nơi các Kitô hữu tụ tập mừng lễ hôm Chúa Nhật Phục Sinh năm ngoái, giết chết 74 người gồm cả phụ nữ và trẻ em .
Một ngày sau đó, hôm 14 tháng Hai, cảnh sát được báo cáo có một quả bom được đặt tại Quetta. Một cảnh sát viên thiệt mạng khi cố gắng gỡ trái bom này.
Sang đến ngày hôm sau, tại Peshawar, một kẻ ôm bom tự sát tấn công vào một xe tải của chính phủ; trong khi các tên khủng bố khác tấn công vào tòa nhà chính phủ ở Mohmand.
Hôm thứ Năm 16 tháng Hai, một đoàn xe của quân đội Pakistan bị trúng mìn. Tuy nhiên, trong ngày thứ Năm còn diễn ra một vụ khủng bố nghiêm trọng nhất kể từ năm 2014 đến nay tại đền thờ Hồi Giáo Sufi ở Shewan miền Nam Pakistan.
Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom tự sát tại đền thờ Lal Shahbaz Qalandar, trong một ngày được coi là linh thiêng nhất khi các tín hữu Hồi Giáo tham dự một nghi lễ và các điệu múa. Ít nhất 88 người chết và hàng trăm người khác bị thương. Sufism không phải là một nhánh của Hồi Giáo như nhiều người lầm tưởng. Sufism là một thực hành có tính chất huyền bí, có cả trong Hồi Giáo Sunni và Shitte. Tuy nhiên, bọn khủng bố Hồi Giáo IS coi đây là thứ “tà ma ngoại đạo” nên tấn công vào đền thờ này.
Trước tình trạng khủng bố tràn lan và trước áp lực của công luận, bộ ngoại giao Pakistan triệu tập đại sứ Afghanistan và trao cho ông này danh sách 76 tên khủng bố và yêu cầu Afghanistan phải có hành động cụ thể với những tên khủng bố này. Trong khi đó, Trung tướng Asif Ghafoor, phát ngôn viên của quân lực Pakistan nói trong một cuộc họp báo là quân đội đã thực hiện các cuộc tấn công trả thù và đã tiêu diệt hàng trăm tên khủng bố hôm thứ Sáu 17 tháng Hai.
2. Giáo Hội quyết định đóng cửa tất cả các nhà thờ tại Tổng giáo phận Lahore
Các nhà lãnh đạo Công Giáo tại địa phương đã phản ứng với sự phẫn nộ và quan tâm đối với vụ khủng bố tại Lahore. Tất cả các trường học và thậm chí cả các nhà thờ ở Lahore đã bị đóng cửa như một biện pháp phòng ngừa.
“Đây thực sự là một tin rất choáng váng và đau lòng khi thấy rằng một lần nữa Lahore đã trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố”, Cha James Channan, dòng Đa Minh, giám đốc Trung tâm Hòa bình Lahore nói.
“Pakistan đã là một mục tiêu dễ dàng cho các nhóm khủng bố trong nhiều năm qua. Tôi lên án hành động khủng bố này với những lời mạnh mẽ nhất”.
Cha Channan cũng đổ lỗi cho chính phủ Pakistan quá thờ ơ với các mối đe dọa và ngành an ninh Pakistan tỏ ra thiếu hiệu quả trong việc ngăn ngừa các tai ương khủng bố cũng như truy bắt các nhóm khủng bố.
“Tôi coi đó là một thất bại của chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật. Các biện pháp an ninh đã không được thực hiện và những kẻ khủng bố đã không bị bắt”.
Đức Tổng Giám mục Sebastian Shaw Francis Lahore tương tự bày tỏ nỗi buồn sâu sắc đối với các nạn nhân và cầu nguyện cho các gia đình. Ngài nói:
“Với nỗi buồn chân thành và sâu sắc nhất, thay mặt cho Giáo Hội tại Pakistan Tôi thông cảm với tất cả các gia đình bị thương tổn vì hành động nhẫn tâm và độc ác của chủ nghĩa khủng bố”.
3. Cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa Hồi Giáo Sunni và Shiite tại Yemen
Máy bay của Arab Saudi đã dội bom vào một đám tang tại thủ đô Sana của Yemen hôm thứ Tư 15 tháng Hai. Tin tức sơ khởi cho biết 8 phụ nữ và một trẻ em đã bị thiệt mạng. Người quá cố coi như là chết hai lần vì quan tài cũng bị nổ tung trong vụ tấn công tàn bạo này.
Người đàn ông này nói: “Các phụ nữ đang dự đám tang và chia buồn với những người bạn của họ. Hơn 200 phụ nữ có mặt. Họ tấn công vào 200 phụ nữ! và bây giờ họ nói là họ tấn công vào một cuộc tụ hợp củ người Huthi. Tụ hợp nào đây? Thật là một thảm kịch, một tội ác!”
“Họ giết các trẻ em, họ giết các phụ nữ, họ giết những người đàn ông. Họ không muốn ai sống sót. Chúng tôi là những người Hithi, nhưng chúng tôi sống chung với mọi người”
Cuộc nội chiến ở Yemen đã bùng lên dữ dội từ hôm 22 tháng Ba giữa chính quyền của tổng thống bị lật đổ là Mansur Hadi, theo Hồi Giáo Sunni, và lực lượng Hồi Giáo Houthi, theo Hồi Giáo Shiite, là nhóm đang nắm quyền tại thủ đô Sana. Từ ngày 25 tháng Ba, tổng thống Hadi đã lánh nạn sang Arab Saudi là nước đang lãnh đạo liên minh các nước Ả rập trong các cuộc không kích nhằm tái lập chính phủ của tổng thống Hadi.
4. Palestine lo lắng về việc tân tổng thống Hoa Kỳ có thể sẽ không ủng hộ giải pháp hai nhà nước
Đảng Fatah đang âu lo là tổng thống Trump dẹp qua một bên giải pháp hai nhà nước cho cuộc tranh chấp tại Trung Đông. Âu lo này nổi lên sau khi Hoa Kỳ nói sẽ dời Tòa Đại Sứ từ Tel Aviv về Giêrusalem.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm 16 tháng Hai, ông Nasser al-Qidwa thành viên cao cấp trong đảng Fatah nói:
“Chúng tôi hiểu từ cuộc họp báo chung của ông Trump và ông Netanyahu rằng cho đến nay chưa có một quan điểm rõ ràng của chính quyền mới tại Hoa Kỳ liên quan đến cuộc xung đột Israel và Palestine và những cố gắng để đạt đến một giải pháp và một nền hòa bình trong khu vực bị gác sang một bên. Những dấu chỉ từ chính quyền mới của Hoa Kỳ là không rõ ràng. Quan điểm của Hoa Kỳ cho đến nay chưa rõ ràng. Quan điểm của Fatah và nhân dân Palestine và hàng lãnh đạo Palestine rất rõ ràng và sẽ không thay đổi. Nghĩa là: Quốc gia Palestine, sự hiện diện của quốc gia Palestine, chủ quyền quốc gia của nhân dân Palestine là vấn đề không thể bàn cãi”.
Tòa Thánh luôn ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc tranh chấp tại Trung Đông và là định chế quốc tế đầu tiên dùng danh từ “quốc gia Palestine”.
5. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc tranh chấp tại Trung Đông
Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc tại New York, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc là bà Nikki Haley nói rằng Hoa Kỳ tuyệt đối ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc khủng hoảng Israel – Palestine.
Bà nói: “Chúng tôi tuyệt đối ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Nhưng chúng tôi cũng nghĩ xa hơn, nghĩa là cần phải làm gì để đưa hai bên lại bàn hội nghị, cần phải làm gì để họ đồng ý được với nhau? Cuối cùng, giải pháp đem lại hòa bình cho Trung Đông đến từ chính quyền Israel và Palestine.”
Bà Nikki nói thêm:
“Tôi hiện diện ở đây để nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc dành cho Israel. Tôi hiện diện ở đây để nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ quyết tâm chống lại chính sách bài Do Thái tại Liên Hiệp Quốc. Chúng ta sẽ không bao giờ lập lại sai lầm tệ hại trong nghị quyết 2334 và cho phép Hội Đồng Bảo An với lập trường thiên vị lên án Israel.”
6. Nước Đức khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc tranh chấp tại Trung Đông
Trong cuộc họp G20 đang diễn ra tại Berlin, bộ trưởng ngoại giao Đức là ông Sigmar Gabriel nói rằng chính quyền của ông ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc khủng hoảng Israel – Palestine. Ông nói:
“Liên quan đến Israel, tôi nghĩ các bạn cũng đã biết về lập trường của chính quyền Đức, chúng tôi ông ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Vì thế, chúng tôi tiếp tục theo đuổi giải pháp hai nhà nước này. Chúng tôi nghĩ rằng đây là con đường khả thi duy nhất để giảm thiểu tranh chấp trong khu vực và nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh mới.”
Sau hàng loạt các vụ khủng bố tại Âu Châu, an ninh tại Berlin đã được tăng cường tối đa trong khi các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị G20.
7. Nhiều Kitô hữu chưa muốn quay về Mosul
Các khu vực chung quanh Mosul trong vùng bình nguyên Ninivê đã được giải phóng, cùng với phần phía Đông của thành phố này. Tổng giáo phận Mosul, do đó, có thể xem là đã được giải phóng hoàn toàn khỏi bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Tuy nhiên, chưa nhà thờ nào dám mở cửa trở lại.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy đây là đám cưới của một đôi bạn trẻ được diễn ra tại một trại tị nạn ở Erbil, trong khu tự trị của người Kurd.
Cô dâu cho biết:
“Chúng tôi quyết định làm đám cưới ở đây vì chưa an toàn để cử hành tại Mosul. Không ai biết chuyện gì có thể xảy ra và tình hình sẽ như thế nào.”
Cô cho biết thêm:
“Chúng tôi sẽ cố gắng ra nước ngoài sinh sống. Chúng tôi không nghĩ sẽ quay về lại Mosul.”
Dù bọn khủng bố Hồi Giáo IS có bị quét sạch khỏi Mosul và Iraq đi chăng nữa, các nhà lãnh đạo Giáo Hội vẫn âu lo về tương lai sự hiện diện của Kitô Giáo tại Trung Đông.
8. Tuần tĩnh tâm Mùa Chay của giáo triều Rôma
Một linh mục còn rất trẻ đã được chọn giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho giáo triều Rôma. Cha Michelini, Dòng Anh em Hèn mọn, sinh tại Milano năm 1964. Ngài khấn trọn vào năm 1992 và được thụ phong linh mục năm 1994. Hiện nay cha là giáo sư của Học viện Thần học Assisi liên kết với Đại học Giáo Hoàng Laterano, và là giám đốc tạp chí Convivium Assisiense.
Chủ đề của các bài tĩnh tâm lần này là “Cuộc thương khó, tử nạn, và phục sinh của Chúa Giêsu theo Phúc âm thánh Matthêu”.
Các buổi tĩnh tâm, như trong 3 năm qua, sẽ diễn ra tại “Nhà Thầy Chí thánh, Casa Divin Maestro” – là Trung tâm Hội nghị và tĩnh tâm của các linh mục Dòng Thánh Phaolô ở Ariccia, ngoại ô thành phố Roma.
Tuần tĩnh tâm sẽ bắt đầu lúc 18h Chúa Nhật 05 tháng Ba với giờ chầu Thánh Thể và Kinh Chiều. Những ngày tiếp theo, từ thứ Hai đến thứ Năm, mỗi ngày có hai bài suy niệm lúc 9h30 và 16h00. Ngoài ra, mỗi ngày đều có Thánh lễ đồng tế lúc 7h30, các Giờ kinh Phụng Vụ và chầu Thánh Thể lúc chiều tối. Tuần tĩnh tâm kết thúc vào sáng thứ Sáu 10 tháng Ba với bài suy niệm cuối cùng trước khi trở về Vatican.
Các đề tài suy niệm gồm có: Lời tuyên xưng của Phêrô và Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem (Mt 16,13-21); những lời cuối cùng của Chúa Giêsu và bắt đầu cuộc thương khó (Mt 26,1-19); bánh và thân xác, rượu và máu (Mt 26,36-46); cầu nguyện trong vườn Cây Dầu và Chúa Giêsu bị bắt (Mt 26,36-46); Giuđa và cánh đồng máu (Mt 27,1-10); toà án Roma, bà vợ của Philatô với giấc mơ về Chúa (Mt 27,11-26); mai táng và ngày thứ bảy của Chúa Giêsu (Mt 27,56-66); ngôi mộ trống và sự sống lại (Mt 28,1-20).
Như thường lệ, các buổi tiếp kiến và các hoạt động của Đức Thánh Cha ở Vatican trong tuần tĩnh tâm này sẽ tạm ngưng, trong đó có buổi tiếp kiến chung vào ngày thứ Tư 08 tháng Ba.
9. Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Đại học Roma 3
Sáng ngày 17 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm Đại học Roma 3 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập. Đây là lần đầu tiên ngài viếng thăm một đại học đời ở Roma.
Roma 3 là đại học trẻ nhất nhưng lớn thứ 2 tại thủ đô Italia với 40 ngàn sinh viên, tọa lạc gần Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành. Đến nơi vào lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha đã được Giáo sư Viện trưởng, và ban lãnh đạo đại học, các giáo sư tiếp đón cùng với đông đảo sinh viên. Ngài đã chào thăm các sinh viên và nhân viên đứng dọc theo các lối đi.
Tại khuôn viên Đại học, sau lời chào mừng của Giáo sư viện trưởng, Ông Mario Panizza, có 4 sinh viên đặt câu hỏi với Đức Thánh Cha trong đó có bà Nour Essa, 31 tuổi, người Syria, cùng với chồng con tị nạn tới đảo Lesbo, Hy Lạp, nơi Đức Thánh Cha đã viếng thăm hồi tháng 4 năm ngoái, 2016. Bà thuộc vào số 12 người tị nạn được Đức Thánh Cha đưa về Italia trên cùng chuyến bay.
Đức Thánh Cha đã ứng khẩu trả lời câu hỏi của các sinh viên, nhưng ngài vẫn cho công bố bài diễn văn đã suy nghĩ và dọn sẵn để trả lời thắc mắc được nêu lên, trong đó ngài nhắc đến những vấn đề do các sinh viên nêu lên, đặc biệt là bạo lực lan tràn trong thế giới ngày ngày nay: với những cuộc xung đột tại nhiều miền trên thế giới, đe dọa tương lai của toàn thể các thế hệ.
Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha tố giác công nghệ sản xuất khí giới. Ngài nói “Từ nhiều thập niên, người ta nói về giải trừ võ trang, và đề ra những tiến trình quan trọng theo chiều hướng này, nhưng tiếc là mặc dù bao nhiêu diễn văn và cam kết, nhiều nước đang gia tăng chi phí cho việc trang bị võ khí. Đó thực là một sự mâu thuẫn gương mù, trong một thế giới đang còn chiến đấu chống nạn nói và bệnh tật.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha kêu gọi các sinh viên đừng nản chí và mất tin tưởng. Ngài nói: “Đặc biệt các bạn là những người trẻ, các bạn không thể để cho mình thiếu hy vọng, hy vọng là thành phần của chính các bạn. Khi thiếu hy vọng, thì thực tế là thiếu sự sống, và lúc đó nhiều người đi tìm cuộc sống lừa đảo do những kẻ bán hư vô đề ra. Những kẻ ấy bán những thứ chỉ tạo nên hạnh phúc nhất thời và chỉ có vẻ bề ngoài, nhưng thực tế chúng dẫn vào những ngõ cụt, không có tương lai. Bom đạn phá hủy thân xác, sự nghiện ngập phá hủy tâm trí, linh hồn và cả thân xác nữa”. Đức Thánh Cha cũng nói đến kỹ nghệ cờ bạc lan tràn và ngài xác tín rằng các đại học có thể đóng góp nhiều vào việc nghiên cứu để phòng ngừa và chống lại nạn mê cờ bạc”
10. Đức Thánh Cha khích lệ các vận động viên Olympic
Đức Thánh Cha đề cao những ích lợi của thể thao và khích lệ các vận động viên tham dự Thế vận Olympic đặc biệt vào tháng 3 tới đây tại miền Stiria bên Áo.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 16 tháng 2, dành cho phái đoàn 40 người thuộc thế vận hội này, dưới sự hướng dẫn của Đức Giám Mục giáo phận Graz-Seckau và Ông Chủ tịch Thế vận Olympic đặc biệt của Áo.
Thế vận Olympic đặc biệt mùa đông sẽ diễn ra tại miền Stiria bên Áo từ ngày 14 đến 25-3 tới đây với sự tham dự của khoảng 3 ngàn vận động viên thuộc 30 bộ môn đến từ gần 170 nước trên thế giới, trong đó cũng có những người khuyết tật trí thức.
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nhắc đến lời tuyên thệ của mỗi vận động viên thế vận Olympic đặc biệt là “Tôi có thể thắng, nhưng nếu tôi không thành công, thì tôi vẫn có thể cố gắng hết sức mình”. Và ngài khẳng định rằng hoạt động thể thao mưu ích lợi cho thân thể, tinh thần và giúp các bạn cải tiến chất lượng cuộc sống của các bạn. Sự chuẩn bị liên lỷ cũng đòi phải vất vả, hy sinh, làm cho các bạn tăng trưởng trong sự kiên nhẫn và bền chí, mang lại cho các bạn sức mạnh và lòng can đảm, thủ đắc và phát huy những khả năng vốn tiềm ẩn.
Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng “thể thao giúp chúng ta phổ biến nền văn hóa gặp gỡ và liên đới, cùng nhau, các vận động viên và những người trợ giúp chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng không có chướng ngại hoặc hàng rào nào mà không thể vượt qua được. Các bạn là dấu chỉ hy vọng cho những người dấn thân xây dựng một xã hội bao gồm hơn. Mỗi sự sống đều là quí giá, mỗi người là một hồng ân, và sự bao gồm mọi người làm cho mỗi cộng đoàn và mỗi xã hội được thêm phong phú”
11. Đức Thánh Cha bênh vực quyền lợi của các thổ dân bản xứ
Đức Thánh Cha kêu gọi dung hòa quyền phát triển, xã hội và văn hóa với việc bảo vệ các đặc tính của các thổ dân bản xứ và lãnh thổ của họ.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 15 tháng 2 dành cho 40 đại diện các nhóm thổ dân quốc tế tham dự khóa họp thứ 40 của Hội đồng các vị quản trị Ngân Quỹ quốc tế phát triển nông nghiệp gọi tắt là IFAD.
Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Việc dung hòa quyền phát triển và sự bảo vệ các đặc tính và lãnh thổ của các thổ dân là điều càng hiển nhiên phải có khi xác định các cơ cấu hoạt động kinh tế có thể ảnh hưởng đến các nền văn hóa của thổ dân và quan hệ truyền thống ngàn đời của họ với đất đai. Theo nghĩa này cần phải luôn dành ưu tiên cho quyền được đồng thuận và thông tin như điều số 32 của “Tuyên ngôn về các quyền của thổ dân bản xứ”. Chỉ như thế mới có thể bảo đảm một sự cộng tác hòa bình giữa chính quyền và các thổ dân bản xứ, vượt thắng những đối nghịch và xung đột”.
Đức Thánh Cha cũng kêu gọi “các chính quyền nhìn nhận rằng các cộng đồng thổ dân là thành phần của dân tộc và họ cần được đề cao giá trị, được tham khảo ý kiến và được những điều kiện để hoàn toàn tham gia vào đời sống quốc gia trên bình diện địa phương và quốc gia. Không thể chấp nhận gạt họ ra ngoài lề hoặc phân chia thành giai cấp. Cần hội nhập họ với sự tham gia hoàn toàn”.
Sau cùng Đức Thánh Cha khích lệ các thổ dân bản xứ tiếp tục sống sự phát triển và tiến bộ trong tinh thần chăm sóc đặc biệt đến trái đất. Ngài nói: “Trong lúc này đây nhân loại đang phạm lỗi nặng vì không chăm sóc thiên nhiên, tôi khuyên anh chị em tiếp tục làm chứng về điều đó và đừng để cho các kỹ thuật mới – vốn là điều hợp pháp và tốt – phá hủy đất đai, môi sinh, sự quân bình sinh thái và rốt cuộc chúng sẽ phá hủy sự khôn ngoan của các dân tộc”.
12. Đức Thánh Cha sẽ hành hương Fatima
Linh mục Carlos Cabecinhas, Giám đốc Đền thánh Đức Mẹ Fatima, Bồ đào nha, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Fatima như một người “hành hương”, cầu nguyện với các tín hữu hành hương tại đây.
Cha Cabecinhas đã được Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha bổ nhiệm làm Tổng điều hợp viên cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Fatima trong hai ngày 12 và 13-5 tới đây, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ bắt đầu hiện ra tại đây ngày 13-5 năm 1917 với 3 mục đồng.
Cha nói với với báo chí rằng chương trình chi tiết chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ được công bố 2 tháng trước khi cuộc viếng thăm diễn ra. Ban tổ chức sẽ tôn trọng ý muốn rõ ràng của ngài và dành ưu tiên cho chiều kích tinh thần. Cha cho biết công việc tổ chức cùng với chính phủ Bồ đào nha đang tiến hành. Đức Thánh Cha sẽ tới phi trường Monte Real và thẳng Fatima chứ không khởi sự từ thủ đô Lisboa.
13. Án phong chân phước cho chị Lucia
Cũng liên quan đến Fatima, nữ tu Angelo Coelho, Phó thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho chị Lucia, cho biết đã hoàn tất bộ hồ sơ dài 15 ngàn trang về Chị Lucia sinh năm 1907 và qua đời năm 2005 để gửi về Bộ Phong Thánh ở Roma xin cứu xét.
Các tập hồ sơ gồm tất cả các bút tích, thư từ của chỉ Lucia, cũng như chứng từ của các nhân chứng về đời sống và các nhân đức của chị Lucia một trong 3 mục đồng đã được Đức Mẹ hiện ra năm 1917 và qua đời năm 2005 thọ 98 tuổi. Cuộc điều tra ở cấp giáo phận đã được khởi sự hồi năm 2008 sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 chuẩn chước và cho mở án phong cho chị Lucia sớm hơn 2 năm, so với thời hạn phải đợi ít là 5 năm sau khi qua đời.
14. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi Tổng thống Donald Trump ban hành sắc lệnh bảo vệ tôn giáo tự do.
Bốn giám mục chủ tịch các ủy ban của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã kêu gọi Tổng thống Donald Trump sớm ban hành sắc lệnh bảo vệ tôn giáo tự do.
Một dự thảo sắc lệnh đã được công bố trên các phương tiện truyền thông, nhưng tổng thống chưa chính thức ký ban hành sắc lệnh này.
Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, Charles Chaput, Tổng Giám Mục William Lori, và Đức Giám Mục Frank Dewane nói.
“Trong vài năm qua, chúng ta rất thất vọng trước việc chính phủ liên bang đã xói mòn quyền cơ bản này, là quyền tự do đầu tiên và cao quý nhất của chúng ta”.
Các ngài nói thêm:
“Tổng thống Trump đã cam kết rằng ‘chính quyền ông sẽ làm mọi việc trong khả năng của mình để bênh vực và bảo vệ tự do tôn giáo ở đất nước chúng ta.’ Chúng tôi kêu gọi tổng thống thực hiện lời hứa này, kể cả việc ngưng ngay tức khắc các quy định và các đòi buộc khác mà chính phủ liên bang đã áp đặt trên những người có đức tin, không cho họ có sự lựa chọn nào khác.
Thực sự là một điều đáng khích lệ khi chúng tôi biết rằng Tổng thống có thể đang xem xét một sắc lệnh để thực hiện sự bảo vệ mạnh mẽ quyền tự do tôn giáo trên toàn liên bang, trong rất nhiều các lĩnh vực đã bị xói mòn bởi chính quyền trước đó, chẳng hạn như bảo hiểm sức khỏe, nhận con nuôi, công nhận là tổ chức tôn giáo, miễn thuế, và tài trợ của chính phủ và các hợp đồng với chính phủ. Chính chúng tôi, cũng như những người chúng tôi chăn dắt và phục vụ, sẽ biết ơn rất nhiều nếu Tổng thống thực hiện bước đi tích cực này theo đó cho phép tất cả người Mỹ có thể thực hành đức tin của họ mà không bị trừng phạt bởi chính phủ liên bang.”
15. Quan điểm của các nước về Syria tại hội nghị G20
G20 là một diễn đàn quốc tế được thành lập vào năm 1999 với mục đích nghiên cứu, và thúc đẩy các cuộc thảo luận cấp cao về các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy sự ổn định tài chính quốc tế. G20 tìm cách giải quyết những vấn đề vượt xa trách nhiệm của một quốc gia riêng lẻ. Các thành viên của G20 bao gồm 19 quốc gia là Á Căn Đình, Úc Đại Lợi, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mễ Tây Cơ, Nga, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
Một trong những nghị trình chính tại cuộc họp G20 lần này là vấn đề cuộc nội chiến tại Syria. Trong cuộc họp báo, bộ trưởng ngoại giao Đức là ông Sigmar Gabriel ghi nhận rằng:
“Rõ ràng tất cả các tham dự viên muốn có một giải pháp cho cuộc chiến tại Syria vì một giải pháp quân sự mà thôi sẽ không dẫn đến hòa bình tại Syria và rằng giải pháp chính trị này phải đạt được tại Geneva dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và không có các cuộc thương lượng song song bên ngoài.”
Trong khi đó, ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault, người vừa được bổ nhiệm vào chức vụ này hồi tháng Hai năm ngoái 2016, đòi phải có sự thay đổi hàng lãnh đạo tại Syria nếu quốc gia này muốn nhận được viện trợ tái thiết.
“Ai có thể tài trợ cho công cuộc tái thiết Syria đây? Trên hết là Âu Châu. Chúng tôi lập lại điều này một lần nữa sáng hôm nay là việc đóng góp cho việc tái thiết Syria dưới chế độ hiện nay là không thể được.”
Theo: Vietcatholic.org