Thứ Bảy tuần XXIII TN
Lc 6, 43-49
Những thiên tai như bão lụt cũng có thể dạy ta bài học này: ngôi nhà nào càng nhiều tầng mà nền móng lại không vững chắc thì chỉ cần một cơn gió xoáy đã sụp đổ tan tành. Những cái nổi lên bên trên hay tô vẽ bên ngoài chưa hẳn là cái làm cho ngôi nhà đứng vững, nhưng chính cái nền móng vùi sâu dưới lòng đất mới là cái bảo đảm cho sự bền vững của ngôi nhà. Giữa ngôi nhà xây trên cát “không nền móng” và ngôi nhà xây trên nền đá, bề ngoài chẳng khác nhau bao nhiêu. Nhưng khi bão táp mưa sa ùa đến lúc đó mới thấy rõ. Trong đời sống thiêng liêng, người không xây dựng đời mình trên nền tảng của việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì được ví như người xây nhà trên cát dù bề ngoài hào nhoáng đến đâu nhưng chỉ một đợt vần vũ của trời đất sẽ sụp đổ tan tành.
Nhà xây trên cát ít tốn kém, có mặt bằng sử dụng ngay. Trong khi đó nhà xây trên nền đá tốn của, tốn công hơn, nhưng có thể đứng vững trong phong ba bão táp. Chúa Giê-su ví người nghe và thực hành Lời Chúa, niềm tin họ kiên vững trước mọi thử thách như nhà của người khôn xây trên nền đá vững chắc.
Đức Giêsu kết thúc Bài Giảng của mình bằng dụ ngôn về hai người xây nhà. Nhiều người đã nghe Bài Giảng này, đã cảm thấy hay, nhưng có bao nhiêu người sẽ thực hành những giáo huấn trong đó ? Người thực hành Lời Chúa được ví như người xây nhà có nền vững chắc. Còn người không thực hành thì giống như người làm nhà không nền. Bề ngoài có vẻ hai căn nhà không khác nhau. Chỉ khi nước lụt dâng lên, và dòng nước ùa vào nhà, mới thấy sự khác biệt. Một căn đứng vững vì có nền tử tế, căn kia bị sụp đổ tan tành.
Trang Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta điều ấy, mượn hình ảnh của cây và trái, của ngôi nhà và nền móng Ngài kêu gọi chúng ta sống điều chúng ta tin, thực hành điều chúng ta rao giảng. Thánh Giacôbê tông đồ đã diễn đạt một cách tuyệt hảo lời dạy của Chúa Giêsu khi ngài nói: "Ðức tin không có thực hành là đức tin chết". Tin mà không sống điều mình tin thì cũng chẳng khác nào không có đức tin.
Ðức tin có thể ví như một căn nhà Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho con người. Tuy nhiên, đón nhận và xây dựng căn nhà ấy là phần của con người; căn nhà ấy có bền vững và đẹp đẽ hay không là tùy ở con người; căn nhà ấy có làm cho con người được hạnh phúc hay không là tùy ở việc xây dựng của con người. Chúa Giêsu đã nói: Ngài đến để con người được sống và sống dồi dào. Sự sống dồi dào ấy không chỉ ở đời sau; hạnh phúc thật không chỉ được hứa hẹn cho mai sau, nhưng ngay từ đời này, khi con người đón nhận và sống đức tin một cách sung mãn, con người sẽ cảm nếm được hạnh phúc.
Chính Chúa Giêsu đã hứa cho các môn đệ và những ai từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài sẽ được gấp trăm ngay từ đời này. Và nhận được gấp trăm ngay từ đời này là gì, nếu không phải là niềm vui và bình an trong tâm hồn. Niềm vui và bình an ấy, con người chỉ có được khi sống cho đến tận cùng những cam kết của niềm tin.
Thời đại chúng ta đang sống, niềm tin tôn giáo bị thử thách nặng nề. Các hiện tượng như: giới trẻ mất niềm tin, nhà thờ nguy nga người đến tham quan thì nhiều nhưng ít người đi lễ, ơn gọi sút giảm,… là thực tế đang diễn ra tại nhiều nơi, thậm chí tại những quốc gia trước đây đa số là Kitô giáo và dấu ấn Ki-tô giáo còn ghi đậm nét trong đời sống xã hội (kiến trúc, lễ hội,…). Đời sống đạo đó đây như căn nhà xây trên cát đang lún sụp trước sức tấn công của cơn bão tục hóa, vô thần, hưởng thụ, cá nhân chủ nghĩa…. Giáo Hội đang kêu mời tái truyền giáo, tân phúc âm hóa để phục hồi đời sống đức tin nơi cá nhân cũng như trong cộng đoàn và xã hội.
Ai cũng hiểu muốn cho cái nhà vững bền thì nó phải được xây dựng trên nền móng vững chắc. Ở thời Chúa Giêsu thì đó là nền đá, ngày nay là bêtông cốt thép và tương lai sẽ là vật liệu nào đó. Nhưng ý nghĩa thì vẫn vậy, nghĩa là cần một nền móng vững chắc.
Từ kinh nghiệm ấy, Chúa Giêsu dạy các môn đệ xây dựng cuộc đời của mình bền vững muôn đời bằng cách nghe những lời Thầy dạy và đem ra thực hành. Vấn đề có vẻ đơn giản nhưng thực tế không phải như vậy. Chúng ta hãy nhìn vào chính cuộc đời của Chúa Giêsu để thấy Người đã phải chiến đấu cam go và phấn đấu liên lỉ như thế nào, hầu có thể thi hành thánh ý Chúa Cha. Trong cuộc Thương Khó, Chúa đã sợ hãi tột đỉnh đến nỗi đổ mồ hôi máu ra ;Lc 22,44), Người thốt lên: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” ;Mt 26,38), và Người xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể… Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” ;Mt 26,39).
Ta luôn xác tín những điều Chúa Giêsu dạy đều rất hay, rất cao quý và có sức mạnh cứu rỗi. Nhưng nếu chỉ có nghe và xác tín suông thì chẳng ích lợi gì, chẳng trổ sinh được hoa trái tốt, chẳng xứng đáng là môn đệ Ngài. Người chỉ nghe mà không thực thi Lời Chúa dạy thì khác chi cây xấu cho trái xấu, hoặc như căn nhà được xây trên nền cát mà thôi. Chúa Giêsu đã dạy: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14,21). Người môn đệ đích thực là người biết để cho Lời Chúa tràn ngập lòng mình, soi sáng tâm hồn và kiên trì sống theo những đòi hỏi của Lời ấy.
Lời Chúa hôm nay chỉ rõ phải làm gì trong cách sống đạo, làm việc mục vụ tại xứ đạo. Phải đề cao việc sống Lời Chúa: sám hối, kết hiệp với Chúa Giêsu trong các bí tích, gây ý thức về sự linh thánh, sống khó nghèo, bác ái, bảo vệ sự sống… Những việc này tuy dài hơi, vất vả, vì phải “cuốc, đào sâu, đặt nền móng” nhưng đây là cách làm cho ngôi nhà đức tin được kiên vững.
Tuệ Mẫn