Thứ Năm tuần XXIV TN
Lc 9, 9-13
Tin mừng hôm nay ghi lại một sự kiện được diễn tả tỉ mỉ về người phụ nữ tội lỗi tìm gặp Chúa Giê-su. Khởi đầu là hoàn cảnh của người phụ nữ trong tâm trạng ảo não tuyệt vọng của kẻ sống trong tội, nhưng kết thúc là ra về trong tâm trạng an bình, hân hoan.Trang Tin Mừng Chúa hôm nay cho thấy Chúa Giêsu tiếp xúc, hướng dẫn, chỉ dạy mỗi người một cách, thật khéo léo và đầy yêu thương. Chúng ta cùng quan sát hai người tiếp xúc với Chúa hôm nay xem họ thế nào, và Chúa đã dạy họ làm sao ?
Tin Mừng hôm nay kể rõ người phụ nữ đã biết mình là kẻ tội lỗi, nhận ra sự cần thiết của sự trở về và đã tìm gặp Chúa Giêsu. Bà đã chuẩn bị chu đáo cho việc quan trọng này, từ tâm hồn cho đến vật chất để thể hiện lòng mình, bất chấp những con mắt định kiến ích kỷ, những lời dị nghị, bất chấp sự khinh bỉ của những người đang hiện diện xung quanh.Bà đã thể hiện trọn vẹn lòng sám hối ăn năn.“Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.”Chúa Giêsu đã công khai bênh vực hành động của người phụ nữ này.Với câu chuyện hai con nợ kể cho Simon nghe, Ngài nhấn mạnh : càng cảm nhận được ơn tha thứ, con người càng được thôi thúc thể hiện lòng yêu mến nhiều hơn.
Trước tiên với ông Simon là người thuộc nhóm Pharisiêu, ông thuộc giai cấp lãnh đạo trí thức, một người danh giá trong xã hội Do Thái. Ông có địa vị và tư cách bậc thầy. Ông đã mời Chúa đến dùng bữa tại nhà mình. Nhưng thánh Luca thuật lại, ông Simon không hề tiếp đón Chúa Giêsu với tư cách của người lãnh đạo, của bậc thầy tôn giáo. Bằng chứng là những hành vi giao tiếp cơ bản đối với một vị khách được mời theo tục lệ Do Thái như là hôn chúc bình an, đổ nước rửa chân, xức nước hoa lên đầu khách khi khách đến nhà, ông chẳng màng thực hiện cho Chúa Giêsu. Xem bên ngoài ông có vẻ thiện cảm với Chúa Giêsu khi mời Chúa dùng bữa, nhưng theo cách diễn tả của thánh Luca, thì ông lại đang dò thử xem Chúa phản ứng thế nào, Chúa nói năng những gì, Chúa hành xử ra sao với người tội lỗi và người thu thuế, ông đang thầm nghĩ và đánh giá không mấy tốt về Chúa theo kiểu đánh giá bề ngoài của chính ông.
Nhân vật thứ hai xuất hiện trong bữa ăn tại nhà ông Simon hôm nay, một vị khách không được mời mà đến, một người chỉ được biết đến với một tiểu sử là “một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành”, ngay cả đến tên chị người ta cũng không nhắc hoặc không muốn biết.
Quan sát người phụ nữ tội lỗi gần bên Chúa Giêsu, chị lặng thinh không thốt một lời, mọi ngôn từ giờ biến thành hành động: “Đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm” (Lc 7, 38). Chị gạt bỏ mọi rào cản để đến gần Đức Giêsu và ở lại bên Ngài. Đức tin sống động nơi chị khởi đi từ lòng mến thiết tha. Chị đặt trọn niềm cậy trông vào Đức Giêsu là nguồn cội của tình yêu thương tha thứ.
Chị chẳng quan tâm người khác thế nào, chị chỉ biết trước mặt Chúa chị đang như thế nào mà thôi. Thánh Luca không thuật lại một lời nào của chị, mà chắc chị cũng chẳng nói được lời nào. Thánh sử chỉ nói rằng chị khóc, khóc tối tăm đến nỗi nước mắt ướt đẫm chân Chúa, chị hôn chân Chúa, chị xức dầu thơm lên chân Ngài.
Những cử chỉ xã giao của chủ nhà đã không dành cho Chúa Giêsu giờ đây chị đã làm với tư cách của một người khốn cùng. Cái ôm hôn chúc bình an chào thăm gởi nhau khi khách đến nhà lẽ ra ông Simon phải trao cho Chúa, bây giờ chị thay bằng nụ hôn vào chân Chúa. Nước rửa chân lẽ ra ông Simon dành cho Chúa khi Chúa đến nhà ông chị đã thay bằng nước mắt mình.
Cả ông Simon và cả người phụ nữ tội lỗi, không ai quan tâm đến ai. Cả hai người đều biết rất rõ về mình. Cả hai người đang nhìn vào Chúa Giêsu bằng hai cái nhìn khác nhau. Cả hai người đang tìm Chúa Giêsu để thỏa mãn các khát khao của mình bằng hai cách khác nhau. Ông Simon thì ra vẻ thách thức và soi mói. Ông suy nghĩ thầm trong bụng cách đánh giá về Chúa của ông. Chị phụ nữ thì tìm mong sự thông cảm và ơn tha thứ, vì chắc chị đã nghe nhiều về sự tha thứ của Chúa đã đem lại ơn chữa lành.
Chúa Giêsu ở giữa hai con người này, Ngài nhạy bén với tội lỗi của họ : của chị phụ nữ và của ông Simon. Cách hành xử của Ngài đầy tình yêu :
Với người đàn bà tội lỗi, mọi người xa lánh. Riêng Chúa Giêsu lại không hành xử như vậy. Ngài chẳng lên tiếng, Ngài im lặng đón nhận thái độ thành kính như cầu mong ơn tha thứ của chị. Ngài cảm nhận tấm lòng thành của chị, Ngài nhìn ra thái độ khiêm tốn, cử chỉ chuộc lỗi, mặc dù chị không hề nói lời nào. Ngài đón lấy chị bằng cử chỉ để nguyên cho chị khóc, để nguyên cho chị xức thuốc thơm, để im cho chị lấy tóc mà lau. Cuối cùng vì thái độ của ông Simon và những khách mời trong nhà ông nên Ngài mới nói : "Tội của chị đã được tha rồi, lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an".
Với ông Simon, vì thái độ cố chấp của ông, nên Chúa Giêsu phải dùng lời nói dịu dàng : "Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông!"… Rồi Chúa lấy ví dụ mà giải thích cho ông.
Người phụ nữ phạm tội lồ lộ, còn ông ông phạm tội giả hình. Người phụ nữ nhận được lời tha tội rõ ràng, còn ông thì Chúa chỉ bỏ lửng, ai yêu mến nhiều thì sẽ được tha nhiều mà thôi.
Cũng sám hối, nhưng thể hiện như cách của Giuđa thì không thể hiện được lòng sám hối đích thực. Nó triệt tiêu đi sự trở về và lòng yêu mến cần có với Chúa. Và cũng với lòng sám hối, Phê-rô đã không dừng lại ở thâm tâm ghét tội lỗi của mình vì đã chối thầy, mà đã xoay biến thành lòng yêu mến nhiệt thành với Chúa đúng như những lần thưa lên với Chúa Giêsu : “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa”.Hành động của Phê-rô sau đó đã mạnh mẽ đáp báo với lòng tin yêu của Thầy Chí Thánh, và có sự tương tác, lòng mến của Phê-rô ngày một mãnh liệt hơn, sự thể hiện ra hành động đến tột bậc là chết vì lòng tin, cậy, mến Chúa.
Cách Chúa Giêsu kết luận để lại cho chúng ta suy nghĩ, điều kiện để được tha thứ là phải yêu mến. Yêu mến sẽ dạy cho chúng ta biết sám hối thế nào. Yêu mến sẽ dạy cho chúng ta biết thái độ thể hiện làm sao. Yêu mến sẽ hướng dẫn cách đánh giá của chúng ta về người khác và đón nhân họ như thế nào.
Với lòng ý thức sâu xa về tội lỗi của mình, chúng ta tìm về với Chúa, thể hiện lòng ăn năn và hoán cải, trong lòng không còn tiếc nuối những gì trong quá khứ, những gì đã có. Dẫu là bình bạch ngọc, dầu thơm quý giá. Hành động thể hiện lòng yêu mến cách tích cực với Chúa..
Tuệ Mẫn