Thứ Năm trong tuần thứ Năm Mùa Chay
St 17:3-9; Tv 105:4-5,6-7,8-9; Ga 8:51-59
Trang Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một bức tranh, và cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người Do Thái. Không mấy có sự liên kết từ bức tranh này sang bức tranh kia. Chính người thưởng lãm, nhờ vào sự quan sát tường tận và cầu nguyện của mình, mới có thể thành công khám phá chủ đề vô hình gắn kết các bức họa, các cuộc đối thoại giữa các bức tranh. Vì vậy, chúng ta đi sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa đang bao trùm con người của Chúa Giêsu.
Trong cuộc đối thoại với những người Do Thái, Chúa Giêsu càng muốn mạc khải cho biết thân thế của Ngài là ai? Về nếp sống phải có của những ai tin nhận Ngài: "Ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết". Trong cái nhìn phàm trần, ỷ lại vào kiến thức cũng như kinh nghiệm sống của mình, những người Do Thái không thể nào nhìn nhận thực thể của Chúa: "Ông là ai? Ông chưa được 50 tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?"
Thật là quá lắm đối với quan điểm hiểu biết phàm trần của họ: "Ông này quả thật là bị quỉ ám". Một vị Thiên Chúa đã bị con người bôi nhọ chụp mũ. Bởi vì con người dễ dàng tin theo những sự thật khác xuôi tai hơn là sự thật của Chúa. Vả lại, sự thật của Chúa rất đòi hỏi, đòi buộc con người phải từ bỏ nếp sống cũ và tội lỗi, những mưu tính vụ lợi cho các nhân, những ganh tị, ham quyền, ham danh vọng.
Đây không phải là lần duy nhất Đức Giêsu cho biết khả năng “không bao giờ phải chết” của những ai tin vào Người, tuân giữ lời Người (x. Ga 11,26). Đã không bắt được ý nghĩa “tự do/nô lệ” trong phần trước của diễn từ này, những người Do Thái tiếp tục bắt hụt ý nghĩa của “sống/chết” mà Đức Giêsu muốn vén mở. Và một lần nữa, chính não trạng tự mãn và ỷ lại đã giam hãm họ trong ngục tù u minh: “Bây giờ chúng tôi biết chắc là ông bị quỉ ám. Ông Ápraham đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết… Ông tự coi mình là ai?” Họ không thấy được cái “chết” có ý nghĩa nào khác hơn là cái chết thể lý ở cuối đường đời của mỗi người – và vì thế cũng chẳng có được ý niệm gì về sự sống tâm linh, về đời sống vĩnh cửu…
Nhiều người thời nay cũng không thể chấp nhận sự thật về Chúa Giêsu. Họ không tin Ngài là Đấng Cứu Thế, càng không tin Ngài là Con Thiên Chúa. Bởi vì họ đã có quá nhiều thành kiến về đạo, trong đó cũng có những thành kiến do những kẻ có đạo tạo nên. Mỗi người hãy tự kiểm điểm xem có khi nào vô tình mình khiến người ta có thành kiến với Chúa và với Giáo Hội không?
Lời Chúa Giêsu khi nói với những người Do-thái lúc bấy giờ đã làm tăng thêm sự bất mãn của họ. Nhưng đối với chúng ta hôm nay là những người đã tin và nhận ra lời của Chúa chính là lời hằng sống, Sự sống của con người trên trần gian này không phải là duy nhất là cùng tận cùng đích. Sự sống trên trần gian này chỉ là cơ hội để tôi luyện với bao thử thách, dẫn bước tiến vào vĩnh cửu. Chỉ những ai tin và giữ lời của Chúa Giêsu dạy, mới hiểu biết về Thiên Chúa, về thân xác phục sinh. Bởi vì Ngài là Đấng từ trời mà đến, Ngài là Đấng duy nhất biết về Chúa Cha. Ngài là Đấng duy nhất vâng lời Chúa Cha. Khi chúng ta nhìn vào cách sống, cách phục vụ của Ngài chúng ta sẽ nhận ra Thánh ý của Thiên Chúa để chúng ta sống và được sống.
Thiên Chúa yêu thương những ai tuân giữ lời Người, Người không những yêu, mà còn đến cư ngụ trong họ. Chúa Kitô mạc khải Thiên Chúa Ba Ngôi đến lập cư trong lòng họ (Ga 14, 23). Họ được nên một với Chúa trong ý nghĩ, hành động. Những điều Chúa muốn cũng là điều họ muốn. Mặc dù cuộc sống gặp nhiều gian chuân thử thách, họ cũng sẵn sàng chấp nhận. Mọi sự xảy đến, đều trở nên tốt lành cho những người yêu mến Chúa. Tình yêu luôn phải được chứng minh bằng hành động, bằng những hy sinh ngay cả đến mất tính mạng, như các thánh đã trở nên chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa.
Người tuân giữ Lời Chúa là người mến yêu Chúa, họ luôn muốn đáp lại tình yêu Chúa đã chọn gọi, họ sống hiệp thông và lưu lại trong tình yêu Chúa, họ muốn tuân giữ Lời Người, sống theo đường lối của Người và Người sẽ ra tay bênh đỡ họ (TV 37, 5). Họ như những người con ngoan vâng lời, làm theo những điều cha mẹ dạy bảo.
Những người con ấy không khi nào bị cha mẹ ruồng bỏ, trái lại, họ được ấp ủ, thương yêu và giáo dục để trở nên những người tốt. Mặc dù cha mẹ phải vất vả, lam lũ, ngay cả đến phải mất mạng sống để cho con mình được sống. Cũng thế, Thiên Chúa dựng nên con người và muốn cho họ hưởng hạnh phúc với Người. Người luôn khát khao mong mỏi và chờ đợi họ trở nên hoàn thiện. Ngài chuẩn bị cho họ từ thuở đời đời. Mỗi người sinh ra đều nằm trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.
Tuệ Maẫn