CÓ NÓI CÓ – KHÔNG NÓI KHÔNG

CÓ NÓI CÓ – KHÔNG NÓI KHÔNG

SUY NIỆM - Jun 17/06/2017

THỨ BẢY TUẦN X THƯỜNG NIÊN A

CÓ NÓI CÓ – KHÔNG NÓI KHÔNG


Chúa Giêsu nói với người Do Thái: “Đừng thề chi cả…”, nhưng xem ra Chúa Giêsu không cấm chúng ta thề hứa, bằng chứng là trong Giáo Hội vẫn cho phép các linh mục, tu sĩ thực hiện điều đó qua những lời khấn dòng, lời hứa khi lãnh nhận chức thánh. 

Thế nhưng, ta thấy Chúa Giêsu khuyến cáo ta tuyệt đối không được thề gian dối: vì bản chất của việc thề nguyền là muốn lấy chính Thiên Chúa làm chứng thật cho điều mình nói, thế mà mình lại ăn gian nói dối thì như vậy bắt Thiên Chúa làm chứng cho sự gian dối của mình, và như thế là xúc phạm đến sự thánh thiện, chân thật tuyệt đối của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu “là đường, là sự thật và là sự sống”, Ngài nói: “Tôi sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18, 37b). Trình thuật tin mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta lời dạy của Chúa Giêsu: “Có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (c. 37) là điều mà chúng ta phải để tâm suy ngẫm, xác định lại lối sống của mình theo Tin mừng hầu có thể là người ‘ đứng về phía Đức Ki-tô – về phía sự thật’.

Có thể nói, cách khác thề gian thề dối cũng là một trọng tội mạ lỵ chính Thiên chúa. Người thời nay cũng giống như những người thời Chúa Giêsu là thích thề thốt để cho người khác tin mình. Nguyên nhân sâu xa của việc làm này là vì con người thiếu sự chân thật, thiếu điều mà Chúa Giêsu đã nói: “có thì nói có, không thì nói không”. Chúa Giêsu dạy chúng ta: nếu diệt được tận căn nguyên nhân đó – nghĩa là nếu luôn luôn thành thật – thì không cần thề thốt chi cả, ai ai cũng đều tin chúng ta. Chỉ có những người có tâm địa gian manh thì mới cần thề thốt. Và chúng ta cũng có thể suy ngược lại: người nào càng thề thốt nhiều, người đó lại càng hay gian dối.

Nhìn lại, bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, một cách nào đó nền giáo dục chạy theo thành tích đã đào tạo ra cả một thế hệ  mang não trạng gian dối – từ giáo viên cho đến học sinh.

Chuyện có thật kể rằng: Ở một trường tiểu học X nọ, trong tiết thi kiểm tra học kỳ môn toán của học sinh lớp 5, giáo viên coi thi đã giải đề thi toán trên bảng rồi bảo học sinh chép và sửa vào bài thi, cô giáo nói: “Chuyện này chỉ có cô cháu mình biết với nhau thôi nhé.” Còn các em học sinh hầu hết đa số đi thi đều không tự tin, dù các em đã có học bài. Các em luôn có các tài  liệu, câu trả lời đề cương thi được photo rất nhỏ mang theo bên mình để ‘quay phim’. Và cũng hầu hết các em coi đó là chuyện bình thường tự nhiên ‘ai cũng làm’ – Ai mà không làm là dại! Tội gì mà phải hao hơi tốn sức học cho nhọc công(?) Một nền giáo dục đậm màu gian dối mà các em học sinh hấp thụ ngay từ tấm bé, thì thử hỏi thế hệ tương lai của xã hội, đất nước, Giáo hội Việt Nam sẽ như thế nào? Đúng là một thực tại đau lòng!

Trong một bối cảnh như thế thì sự thật, chân lý chỉ còn là những thuật ngữ xa vời. Ở khắp nơi đâu người ta cũng thấy đồ ‘Zỏm’ (người dỏm, văn bằng dỏm, hàng hóa dỏm…), không tinh ý, ham rẻ, ham vẻ bề ngoài sẽ dễ dàng bị mắc lừa.

Con người thường hay thề thốt để dối gạt người khác. Người ta dùng lời thề như là phương thế để che đậy những giả dối bên trong. Người sống sự thật thì không phung phí những lời thề cho qua chuyện. Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy  có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện bởi ma quỷ mà ra.

Trong cuộc sống của chúng ta có những lúc muốn bào chữa cho chính mình, hay khẳng định điều gì đó; để gây tin tưởng nơi người anh em. Nên đã tự đòi hỏi chúng ta cần phải nhân danh một đấng nào đó, hoặc một biến cố nào đó để mà thề. Điều này Chúa Giêsu cấm. Cấm chúng ta không được nhân danh bất cứ ai, bất cứ sự gì trong trời đất này mà thề.

Lời Chúa Giê-su: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì đều là do ác quỉ.” lại một lần nữa như tiếng chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở Ki-tô hữu chúng ta: Ở trong chúng ta còn có bao nhiêu phần trăm sự thật? Chân lý đối với chúng ta có còn đáng giá? Chúng ta có còn là môn đệ của Đức Ki-tô hay chúng ta đang làm đệ tử của satan?

Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật trừ trong giới răn này: "Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỉ mà ra". Nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá của con người. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Ðấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản nhất của con người cũng phải là chân thật. Thiên Chúa phán một lời liền có trời đất muôn vật, không có quãng cách giữa lời và hành động của Thiên Chúa. Người tôn trọng phẩm giá cao cả của minh đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình, đó là đòi hỏi của bất cứ nền luân lý đạo đức nào.

Thời nay, nói thay vì để thông đạt sự thật, đã trở thành phương tiện giúp đạt được điều người ta mong muốn: nói sao cũng được miễn đạt được mục đích thôi. Trong làm ăn, trong chính trị đã thế, mà buồn thay trong Giáo Hội và trong những cộng đoàn huynh đệ nhiều khi cũng thế.

Ðón nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa về con người, người Kitô hữu phải ý thức hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của mình. Phẩm giá ấy được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trung thực của họ. Bản sắc của người Kitô hữu có được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trong suốt của cuộc sống của họ. Niềm tin của người Kitô hữu có khả tín hay không là tùy họ có can đảm để lội ngược dòng giữa một xã hội mà dối trá đã trở thành luật sống.

Trang Tin Mừng hôm nay thức tỉnh chúng ta suy xét cả về lời ăn tiếng nói, cho đến cách sống của chính mình phải luôn chân thật trước mặt Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa. Thiên Chúa là Đấng chân thật thì ta là con cái của Ngài, được dựng nên theo hoạ ảnh của Ngài, cũng phải là những con người chân thật. Nhưng than ôi! Xem ra sự thành thật đang là một “xa xí phẩm” trong thế giới ngày nay, kể cả trong số những người xưng mình là Kitô hữu!
 
Là người Kitô hữu ta phải hoàn toàn trông cậy nơi Thiên Chúa, nếu những sự thật của ta làm hay đã nói ra, mặc dù tha nhân không hiểu không tin là sự thật thì có Thiên Chúa biết cho mình, bởi tất cả mọi sự thật theo thời gian sẽ được phơi bày trước thiên hạ, nên ta phải tuân phục lời Chúa Giêsu dạy mà sống.
 
 

Huệ Minh