LẮNG NGHE VÀ THỰC HÀNH

LẮNG NGHE VÀ THỰC HÀNH

SUY NIỆM - Sep 25/09/2017

Thứ Ba tuần XXV TN  

Lc 8, 19-21

Cả ba tác giả Nhất Lãm đều kể lại sự kiện Ðức Maria và các thân nhân Chúa Giêsu đi tìm Ngài, nhưng mỗi tác giả có một dụng ý riêng: Matthêu, Marcô xếp đoạn này lên trước phần Chúa Giêsu giảng dạy dụ ngôn người gieo giống, còn Luca thì đặt sau dụ ngôn ấy, liền sau dụ ngôn chiếc đèn cháy sáng. Luca không đề cập đến việc các thân nhân đến tìm Chúa Giêsu để đưa Ngài về Nazarét, nhưng nhấn mạnh đến điểm này: "Ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”, đó là người sống trong gia đình Thiên Chúa, là Mẹ, là anh em của Ngài.

Và rồi cần ghi nhận một điểm nữa là trong đời sống thực tế, nhiều khi người ta cảm thấy gần gũi thân thiết với những người cùng chung chí hướng, nguyện vọng, hơn là những người ruột thịt, nhất là khi những người ruột thịt ấy không cùng chí hướng, nguyện vọng. Như thế, mối liên hệ sâu xa giữa con người với nhau không phải là liên hệ huyết thống, mà còn là liên hệ của cả tư tưởng, ý chí, tình cảm.

Xuyên suốt tin mừng thì lòng tôi lại thấy khấp khởi mừng. Câu chuyện mang vẻ bề ngoài gây sốc kia lại có một ý nghĩa sâu xa, đem lại cho tôi một niềm vui và hy vọng. Vì hơn ai hết, Đức Giêsu biết rõ Mẹ của Người, một con người luôn lấy thánh ý Thiên Chúa làm kim chỉ nam hướng dẫn đời mình; Do đó, trong tình huống này, Ngài không hề có ý lạnh nhạt hay chê bỏ Mẹ hay anh em Ngài; nhưng trong khuôn mẫu đó, Đức Giêsu đã mở rộng gia đình của Người; từ nay, tất cả mọi người biết nghe và thực hành Lời Thiên Chúa đều là anh em Người và mẹ của Người – Như Đức Maria hằng lắng nghe lời Thiên Chúa, suy đi nghĩ lại trong lòng, sẵn sàng vâng theo thánh ý của Người như một nữ tì trung tín (x. Lc 1, 38; 3,51)    

“Mẹ và anh em tôi là những người nghe và thực hành lời Thiên Chúa”.

Lắng nghe! Là thái độ biểu lộ mối quan tâm, sẵn sàng mở lòng ra để hiểu, để đón nhận, để cảm thông, để chia sẻ và để đáp ứng…Vì thế, lắng nghe là thái độ của tình yêu. Sách xuất hành nói đến việc Thiên Chúa nghe thấy tiếng rên siết, kêu than của con cái Hip-ri dưới ách nô lệ người Ai cập. Người đã nghe, đã xót thương và đã sai tôi tớ Người là ông Mô-sê giải thoát họ (Xh 2,2 tt). Người đã ký kết giao ước với họ tại Si-nai, trong đó Người hứa sẽ bảo vệ và chúc phúc cho dân và dân hứa sẽ nghe và thực hành lời Người (Đnl 4,13; 7,27 tt). Việc nghe và thực hiện lời Người sẽ bảo đảm sự an ninh, thịnh vượng và hạnh phúc của họ. Như thế sự lắng nghe và thực hiện lời Thiên Chúa như một đáp trả tình yêu cho tình yêu; như là phương thế tuyệt diệu để con người hoàn trọn mục đích đời mình.  

Trong tình yêu thương quan phòng, Thiên Chúa vẫn luôn lên tiếng. Người đã bày tỏ chính mình và ý định của Người qua vũ trụ, qua thiên nhiên, qua các Ngôn sứ, qua các biến cố lịch sử, và đặc biệt qua người con rất yêu dấu của Người – Đức Giêsu Kitô. Sự hiện diện của Người, tiếng nói của Người mời gọi khi cấp bách dữ dội như “khói bốc lửa thiêu” (Xh 20,18…), khi nhẹ nhàng tha thiết như ngọn gió thoảng (1V 19,12), nhưng cũng vẫn rất quyết liệt vì đó là lựa chọn giữa sống – chết của con người. Người ta có thể đặc biệt nghe thấy tiếng của Người trong tĩnh lặng, nơi sâu thẳm tâm hồn – vì lời Người là Lời của tình yêu. Đồng thời người ta cũng có thể nghe được tiếng nói của Người xuyên qua các biến cố trong cái nhìn đức tin và thái độ sẵn sàng lắng nghe. Thiên Chúa luôn quan tâm và yêu thương con người. Người luôn lắng nghe tiếng họ kêu xin, giãi bày, tâm sự… đồng thời Người mời gọi con người lắng nghe Người để được an ủi, hướng dẫn, biết được cách hành động đúng đắn theo thánh ý của Người hầu được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống.

Tôi đã được hồng phúc sinh ra trong bí tích rửa tội, đã được diễm phúc gọi Thiên Chúa là Cha, đã được làm em của Đức Giêsu Kitô – vì Người chính là ‘trưởng tử giữa một đàn em đông đúc’ ( Rm 8, 28 – 29 ). Nhưng tôi phải tự cật vấn chính mình: Tôi có phải là người con hiếu thảo của Thiên Chúa không? Tôi có lắng nghe Chúa, tìm kiếm thánh ý Người để thi hành trong tình yêu hay tôi như đứa con đi hoang từ chối tình yêu của Cha; hoặc như người con sống trong nhà Cha với tư thế của người nô lệ, không nhận ra tình yêu của Cha dành cho mình? Hãy để cho lời Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô trong tin mừng cật vấn và hướng dẫn cuộc sống của tôi, để tôi trở nên người con đích thực của Thiên Chúa và để tôi cảm nhận được hạnh phúc được làm con Chúa.

Chúa Giêsu đến trần gian để xây dựng một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, gia đình của những người cùng một mục đích là nguyện cho Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Ðể cho thấy sự duy nhất về cùng một gia đình đó, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: "Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha". Ðó là hình ảnh Chúa Giêsu muốn diễn tả khi Ngài nói: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".

Câu định nghĩa của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta con đường đi vào gia đình của Thiên Chúa, đó là làm theo thánh ý Chúa Cha. Xin cho chúng ta luôn biết thực thi thánh ý Chúa trong suốt cuộc sống chúng ta, để xứng đáng được thuộc về gia đình của Chúa.

“Một người làm quan cả họ được nhờ” bởi vì từ xưa đến nay trong xã hội, vẫn ngầm tồn tại một quy luật là bất cứ việc gì hễ có “nhất thân nhì thế” lập tức sẽ trôi chảy ngay. Và ngay cả khi không có “dây mơ rễ má” gì, thì người ta cũng cố tìm người sang, bắt quàng làm họ, để còn cậy nhờ khi hữu sự. Não trạng đó đã gây ra biết bao điều tệ hại cho xã hội. Đối lại những người muốn áp dụng điều đó cho Ngài, Chúa Giêsu chỉ ra cách thức để tạo một mối tương giao thân thích đích thực với Ngài: Đó là lắng nghe và thực hành lời Chúa. Chính Chúa Giêsu nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

Với ý nghĩa đó, Ðức Maria hai lần xứng đáng làm Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ thật vì đã sinh ra Chúa Giêsu, mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Cha trên trời. Trong biến cố truyền tin, Ðức Maria đã thưa với Sứ thần: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng theo lời thiên thần truyền". Ðiều đó nói lên suốt đời Ðức Maria, người luôn làm theo ý Chúa.

Tuệ Mẫn