LẠY CHÚA ! CON NHƯ NGƯỜI THỢ DỆT

LẠY CHÚA ! CON NHƯ NGƯỜI THỢ DỆT

Cuộc Sống - Nov 18/11/2017

    Một thân hình nhỏ nhắn, một tâm hồn đơn sơ, một cung cách bình dị … đó là những điều mà người ta có thể nói, có thể nhận định về một Đức Ông mang tên Phanxicô Borgia Trần Văn Khả.
    Đức Ông sinh ra và lớn lên ở Quân Triêm, Phát Diệm và rồi bước theo đường tu. Sau những năm dùi mài kinh sách, Đức Ông khăn gói lên đường qua Roma và rồi dường như cả cuộc đời Đức Ông đã phục vụ tại Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích một cách âm thầm và nhẹ nhõm.
    Những năm gần đây, người Công Giáo Việt Nam lại thấy thấp thoáng hình ảnh của vị cha già đáng kính đâu đó trong các cuộc hội thảo, Thánh Lễ … một cách trầm lặng. Gần nhất, hình ảnh đơn sơ đi vào hàng ghế đồng tế cùng với các linh mục trong ngày lễ thụ phong của Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng. Vị trí của Đức Ông không phải ở chỗ đó, phải ở một chỗ trang trọng hơn nhưng Đức Ông đã lặng lẽ chọn cho mình chỗ sau hết cùng với các linh mục trẻ. Tiếc thay một số linh mục trẻ đã không kịp nhận ra khuôn mặt thân thương của cha già kính yêu để nhường cho Đức Ông một chỗ thuận tiện chứ không cần phải xê xích.
    Đức Ông là như vậy đó ! Nhẹ nhàng và trầm lắng, sâu đậm và yêu thương.
    Sau những năm miệt mài làm việc, Đức Ông đã chọn cho mình nơi nghỉ hưu đó là quê nhà. Gọi là nghỉ hưu đó nhưng dường như chưa có ngày nghỉ, đơn giản rằng những thao thức, những trăn trở về một nền Phụng Tự, một làn gió mới về Bí Tích được thổi vào trong cung lòng của Giáo Hội Việt Nam khiến Đức Ông vẫn còn mãi thao thức.
    Thế nhưng rồi, Thiên Chúa có cách của Ngài mà không ai hiểu thấu được.
    Thiệp đã in sẵn nhưng nay Người chẳng còn.
    Dự định gần nhất rằng ngày 21 tháng 12 tới đây, sẽ là ngày ghi dấu ấn 50 năm đời tận hiến của Đức Ông trong Thánh chức linh mục nhưng không còn nữa.
    Và rồi, giờ này, hơn bao giờ hết, Đức Ông đã nói với Chúa như tâm tình của Isaia :
Lạy Chúa, con như người thợ dệt, 
đang mải dệt đời mình,
bỗng nhiên bị tay Chúa 
cắt đứt ngay hàng chỉ. (Is 38, 12)
    Vâng ! Cả cuộc đời người thợ dệt mang tên Phanxicô Borgia đã miên man, đã mải miết dệt đời mình nhưng rồi Chúa mới là người chủ của thợ dệt để Chúa gọi người thợ dệt trung tín và khiêm nhường về với Ngài.
    Có khi ta cứ mãi miết dệt những ước mơ, những hoài bão của mình thế nhưng rồi Thiên Chúa mới là chủ những ước mơ và hoài bão đó của ta. Phần số của ta, tương lai của ta và nhất là mạng sống của ta đều nằm trong vòng tay của Thiên Chúa, sự quan phòng của Ngài.
    Nhìn như vậy, nghĩ như đây để rồi ta hãy bình tĩnh sống giữa chợ đời. Mặc ai bon chen tranh giành đấu đá, nhưng ta, ta vẫn nhẹ nhàng và trầm lắng để cho Thánh ý của Chúa thực hiện trên cuộc đời của ta. Và, ta cũng hãy noi gương sống hiền lành và khiêm hạ mà Đức Ông đã sống cả cuộc đời của Người.
    Nhẹ nhàng mà sâu lắng lắm ! Âm thầm mà tiếc thương ghê ! Đó là tâm tình của những người ở lại khi đón nhận sự ra đi của Đức Ông.
    Cũng chả cần làm cái gì đó huênh hoang giữa đất trời, 
chỉ cần một chút lắng đọng để yêu thương.
    Đức Ông không có mừng kỷ niệm Kim Khánh Linh Mục của mình ở trần gian mà Đức Ông mừng ngày hồng phúc đó ở trên Thiên Đàng – nơi mà cả đời Đức Ông mơ ước và hy vọng. Và, hẳn nhiên, trong niềm tin và Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, ta tin tưởng và tín thác Đức Ông trong vòng bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.
    Đức Ông ra đi ở giữa cái tháng mà mọi người Kitô hữu cách riêng nhớ đến những người thân yêu đã ra đi trước để như nhắc nhớ cái phận người của cuộc đời mỗi người chúng ta là vậy.
Và, ở Thánh Vịnh 90, ta lại thấy thấp thoáng phận của con người:
"Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!" (c. 4)
"Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi." (c. 9-10).
Không ai thoát khỏi cái chết bởi lẽ cái chết là định mệnh của đời người.
“Sống sao chết vậy”, đó là câu mà nhân gian đã truyền miệng từ rất lâu, và câu đó cũng ứng nghiệm trên cuộc đời của Đức Ông. Đức Ông sống cả một đời nhẹ nhàng và sâu lắng để rồi cuộc ra đi của Đức Ông cũng trầm lắng và nhẹ nhàng như vậy.
    Giờ này đây, trong cõi lặng của tâm hồn, ta lại cất lên lời kêu xin Chúa thương dủ lòng đoái đến thân phận nhỏ bé của Đức Ông Phanxicô Borgia. Và giờ này, cũng trong cõi lặng của tâm hồn, ta cũng hãy hướng lòng đến cái chết, đến ngày cuối cùng của ta khi Chúa đến để ta chuẩn bị những bình dầu thật đầy để khi Chảng Rể đến, ta cùng bước vào dự Tiệc Vui muôn đời cùng với các Thánh, cùng với Đức Ông Phanxicô Borgia kính yêu của chúng ta.

Tuệ Mẫn