NHÌN LẠI PHÉP RỬA CỦA MÌNH

NHÌN LẠI PHÉP RỬA CỦA MÌNH

SUY NIỆM - Jan 06/01/2018

Thứ Bảy trước Lễ Hiển Linh

1 Ga 5, 5-6. 8-13 (Hl 5-13); Mc 1, 6b-11

Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu cùng với đoàn người đông đảo đến để xin Gioan làm phép rửa cho mình. Khi chấp nhận đứng xếp hàng cùng với những người tội lỗi để đón nhận ơn sám hối từ Gioan là người cũng cần sự sám hối, Đức Giêsu đã khiêm nhường tuyệt đối.

          Gioan Tẩy Giả biết rõ mình chỉ là người chuẩn bị cho Đấng đến sau, Đấng ấy cao trọng đến mức ông không đáng phục vụ cho Ngài, dù chỉ làm công việc của người nô lệ như cởi quai dép. Đấng ấy còn là Đấng Gio-an hằng trông đợi, nên Gio-an có lý do từ chối: “Chính tôi là người cần Ngài làm phép rửa.” Nhưng Chúa Giê-su đã cho Gio-an biết việc ông phải làm: “Hãy cứ làm như thế.” Như vậy, việc Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giê-su không phải tự ý của ông và việc Chúa Giê-su chịu phép rửa cũng là để thực hiện thánh ý Chúa Cha: Chúa Giê-su là Đấng thánh, nên Ngài chẳng cần sám hối; nhưng Ngài chịu phép rửa thống hối để gánh lấy tội lỗi nhân loại để đền bù. Tất cả đều là để cho ý Cha được thể hiện.

Vâng phục thánh ý Cha, Chúa đã đến, đã đi xuống tận vực thẳm sâu nhất của phận người, để bàn tay của Chúa đưa ra nắm lấy chúng con và dẫn chúng con vượt lên từ bóng tối tội lỗi, để thấy lại ánh sáng mà chúng con đã được tạo dựng để vui hưởng muôn đời. Chúa đã đến để chữa lành chúng con, cả thể xác lẫn tâm hồn, bằng cách khôi phục lại nhân loại trong chương trình thuở ban đầu mà Thiên Chúa tạo dựng. Chúa đến để ban cho chúng con sự sống thần linh, là Thánh Thần tình yêu của Chúa, để mỗi người chúng con có thể kín múc nơi mạch suối ơn cứu độ không hề vơi cạn

Qua hành vi này, Chúa Giêsu đã tự hạ để chấp nhận mang trong mình tội lỗi của mọi người, mặc dù nơi Ngài không tỳ tích của sự tội. Ngài làm như thế để nâng con người lên làm con Chúa và nhất là cứu chuộc con người. Qua hành vi này, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta bài học về sự khiêm nhường và liên đới.

Chúa Giêsu là Đấng được Gioan Tẩy Giả nhìn nhận là Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, là vị Ngôn sứ cao cả mà ngay cả bản thân Gioan Tẩy giả, vốn là vị ngôn sứ cao cả bậc nhất, cũng không xứng đáng cởi quai dép cho (Mc 1,7-8), lại tìm đến với Gioan như một người tội lỗi, đứng trà trộn với những người thu thuế, với những kẻ trộm cướp, quân giết người, với những người đàng điếm, những tên côn đồ đạo tặc và với bao nhiêu người tội lỗi khác, chăm chú nghe Gioan rao giảng và chờ đến phiên mình bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ Gioan làm phép rửa cho mình (Mc 1, 7-11).

Và Chúa Giê-su đã đi đến tận cùng của tự hạ, tự huỷ khi Ngài để cho người ta bắt bớ Ngài như một tên gian phi trong đêm tối, để cho người ta phỉ nhổ, đánh đập, xỉ vả tàn tệ, bị điệu ra pháp trường với thập giá đè nặng trên vai và cuối cùng phải chịu chết trần truồng trên thập giá giữa hai tên tử tội khốn cùng nhất và bị mai táng trong mồ. Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa toàn năng mà phải chết trần, chết trụi, phải chịu chôn vùi trong lòng đất như thế thì quả là đã hạ mình đến tận đáy rồi.

Chính nhờ hạ mình xuống tận đáy sâu, nên Ngài xứng đáng là “Con yêu dấu của Chúa Cha”, hằng làm “hài lòng Chúa Cha” trong mọi sự (Mc 1,11) và “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa" (Pl 2, 9-11).

Chiêm ngắm Đức Giêsu lặng lẽ xếp hàng cùng với các tội nhân, chúng ta hiểu được thế nào là liên đới với người khác. Đức Giêsu, Đấng thánh thiện và cao cả, Đấng mà Gioan tự nhận là không đáng cởi dây giầy cho Người, lại xếp hàng xin Gioan làm phép rửa. Đấng Cứu độ đã chọn đứng đồng hàng với những người cần được cứu độ. Con Thiên Chúa muốn đi xuống tận đáy vực thẳm của phận người tội lỗi để gánh lấy tội trần gian và nâng con người lên hàng con Thiên Chúa.

Ðức Giêsu đến chịu phép rửa hôm nay rất hiền lành và khiêm tốn. Người tỏ ra cương nghị khi nói với Yoan đến nỗi Nhà Tiên tri thời danh đầy uy tính này phải cúi đầu vâng lệnh. Người được Thánh Thần ngự xuống và được Thiên Chúa tỏ lòng sủng mộ. Ðức Yêsu, Chúa chúng ta có đủ mọi tư cách ấy. Người là Vị "Tôi Tớ của Thiên Chúa" nói trong sách Isaia. Người đến làm trọn những lời tiên tri này. Và người ta thấy cuộc đời công khai mà Người khởi sự hôm nay sẽ diễn ra như thế, đặc biệt trong cuộc Tử nạn-Phục sinh.

Đây là dịp rất tốt để ý thức lại, nhờ bí tích rửa tội, chúng ta trở nên thành viên trong gia đình Thiên Chúa, trở thành con yêu dấu của Thiên Chúa Cha. Đồng thời, mỗi người có sứ mạng bày tỏ cho những người chung quanh đức tin, tình yêu và niềm hy vọng nơi chính mình, bằng chính cuộc sống đời thường mỗi ngày. Và, mỗi người hãy sẵn lòng cộng tác với Chúa Thánh Thần để trở thành những kitô hữu trưởng thành, có trách nhiệm và có hiệu quả trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

 

Tuệ Mẫn