THIÊN CHÚA VÀ LÒNG CHẠNH THƯƠNG

THIÊN CHÚA VÀ LÒNG CHẠNH THƯƠNG

SUY NIỆM - Jan 19/01/2019

Thứ Bảy Tuần I Mùa Thường Niên 

Dt 4, 12-16; Mc 2, 13-17

THIÊN CHÚA VÀ LÒNG CHẠNH THƯƠNG

          Sau khi nhận phép rửa từ sông Giordan, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai của Người. Tại Galilê, Người đã kêu gọi một số môn đệ đầu tiên, giảng dậy và chữa lành các bệnh nhân đau khổ về thể lý cũng như tinh thần. Hôm nay, thánh Marcô muốn làm nổi bật tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giêsu cho những người bị coi là tội lỗi như Lêvi, một trong những người thu thuế cho Đế Quốc Rôma.

          Ðối với người Do thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc; thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. Ðối với những vị có trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền thờ không được nhận; họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng nhân, tất cả những tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.

          Lêvi làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma, lúc đó đang cai trị xứ Palestina. Những người làm nghề thu thuế được hưởng lợi tức cao, nhưng bị dân chúng ghét bỏ vì thường xảy ra những vụ gian lận hoặc lạm thu.  Chúa đi ngang qua trạm thu thế, thấy ông Lêvi đang ngồi ở đó liền bảo ông: “hãy theo tôi”. Có lẽ những người Pharisiêu và Biệt phái hiểu rằng, Chúa Giêsu hướng đến ông để cố lôi ông ra khỏi môi trường tội lỗi, nhưng ngài có sự phân biệt rõ ràng từ môi trường ấy.

          Người không chỉ nói mà còn ăn uống với họ, khiến cho những người tự coi mình là công chính và giữ mình cho khỏi ô uế càng trở nên bực bội, họ phàn nàn, chỉ trích với các môn đệ: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Nghe vậy, Người liền nói: “người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17).

          Quả vậy, Chúa Giêsu đã không chọn những người tự cho mình công chính làm môn đệ của Người, nhưng đã chọn Lêvi, còn gọi là Mathêu (tác giả sách Tin Mừng), gia nhập vào hàng ngũ của các tông đồ.

          Nhưng đó không phải là thái độ của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi. Việc Chúa kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi và ghi tên ông vào số các Tông đồ, đã bị những người Biệt phái chỉ trích và bị coi như một gương mù: "Sao ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi". Chúa Giêsu nghe những lời chỉ trích này và Ngài giải thích: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi".

          Lòng thương xót đó được biểu lộ qua việc Chúa kêu gọi ông Lêvi, một kẻ thu thuế. Vì ông làm nghề thu thuế nên dân chúng đồng hoá ông với kẻ tội lỗi, trộm cướp, bất lương, bất chính, đáng khinh bỉ và phải tránh né. Nhưng hôm nay Chúa đến với ông bằng ánh mắt yêu thương trìu mến. Ngài dịu dàng nói với ông: “Hãy theo Ta” (c 14). Ông đã đứng dậy đi theo Người. Ánh mắt đầy yêu thương và lời nói dịu dàng đá biểu lộ tấm lòng đầy xót thương của Chúa, đã giải thoát ông khỏi nô lệ tiền bạc. Cũng như xưa ánh mắt của Chúa nhìn ông Phêrô đã thôi thúc ông ăn năn hối cải. “Ông đứng dậy đi theo Người”, đó là biểu lộ tấm lòng ăn năn, từ bỏ mọi sự và đi theo Chúa. Hành động ấy còn nói lên tâm hồn đơn sơ thành thực, thái độ ngoan ngùy tuân theo ơn Chúa soi sáng. Như thầy thuốc chữa bệnh cho con bệnh, Chúa đến để kêu gọi người tội lỗi. Không phải Chúa chấp nhận tội lỗi của họ, nhưng kêu gọi họ ăn năn trở về với Chúa.

          Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người chúng ta: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng xót thương” (Lc 6,36). Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông thư Năm Thánh Lòng Thương Xót, đã khẳng định: “Chúng ta cần phải chiêm ngắm mầu nhiệm lòng Chúa thương xót” (số 1-2), “vì lòng Chúa thương xót vừa là nguồn mạch của niềm vui, sự thanh thản và bình an, vừa là “điều kiện để chúng ta được ơn cứu độ” (số 2), đồng thời chúng ta cũng cần phải có những việc làm biểu lộ lòng thương xót (số 3). Điều khẳng định này của Đức Thánh Cha cho chúng ta hiểu rằng không có cầu nguyện, không có sự chiêm ngắm lòng thương xót Chúa, chúng ta sẽ không thể có lòng thương xót như Chúa Cha. Lòng thương xót khởi đi từ cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu cũng đã cầu nguyện trước khi bước vào cuộc tử nạn là đỉnh cao của lòng thương xót.

          Thời xưa và ngày nay cũng thế ! Ngày nay ta thấy không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức, thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác. Cần phải sống kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay. Không gì an ủi hơn việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi.

          Ta thấy Thiên Chúa đã so sánh mình với vị Mục Tử nhân lành dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về đàn chiên. Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Ngài.

          Với và qua trang Tin Mừng hôm nay dạy mỗi người chúng ta phải biết sống khiêm nhường, hiền hoà, bao dung, ý thức mình là người mang thân phận mỏng dòn, yếu đuối và tội lỗi để cậy trông vào lòng thương xót của Chúa. Nếu chúng ta có được nên công chính hoá, thì cũng là ân sủng Chúa ban cách nhưng không, chứ không do công trạng của chính chúng ta. Vậy, để nên người tông đồ đích thực của Chúa, thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta phải là người có đức khiêm nhường, hiền hoà và kiên nhẫn theo gương thầy chí thánh là Đức Kitô.

Tuệ Mẫn