Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên : Cỏ Lùng và Lúa

Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên : Cỏ Lùng và Lúa

SUY NIỆM - Jul 23/07/2021

Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên

Xh 24,3-8; Mt 13,24-30

Cỏ Lùng và Lúa

         "Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.
Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt:
hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi,
còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."

(Mt 13,30)

 

 

 

Những ai đã từng biết về nghề nông, hoặc giả biết sơ về việc gieo trồng cây, cũng đều không muốn cỏ dại mọc chen vào cây mà mình đã gieo trồng. Nhất là giống cây ấy là cây lúa, khi được trồng luôn phải được chăm sóc kỹ lưỡng thì mới mong lúa phát triển tươi tốt và được mùa.

          Trong Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Mat-thêu kể lại Chúa Giê-su đã dùng dụ ngôn về nước Trời và Ngài đã dùng hình ảnh rất gần gũi với dân chúng là cây lúa và cỏ lùng trong cùng một thửa ruộng. Cây lúa là cây sinh ra lợi ích cho loài người, mang tính tượng trưng cho người lương thiện. Còn cỏ lùng, một loài cây cũng có dáng dấp và sự tăng trưởng tương tự cây lúa.

          Chúng chỉ khác đi là không những không sinh hoa trái có lợi cho con người, mà còn làm tổn hại cây lúa xung quanh nó. Một hình ảnh mới nghe qua thì hầu như ai cũng có thể nghĩ ngay đến việc người thợ sẽ phải tức khắc bỏ công ra tìm cách dọn nhổ loài cỏ ấy trong đám ruộng của mình.

          Thiên Chúa toàn Chân toàn Thiện toàn Mỹ, đã tạo dựng ra loài người và khởi đầu con người là sự tốt đẹp. Ngài để cho con người tự do trong cuộc sống. Tâm tính của mỗi người phát triển theo tâm sinh lý và môi trường chung quanh cùng với thời gian. Các tâm hồn ấy là những mảnh ruộng chờ sinh lợi hoa trái. Nhưng theo dòng đời trong tâm hồn có thể bị biến đổi, bị biến dạng bởi những điều xấu, như cây lúa tốt lành đã được gieo trồng bị giống cây cỏ lùng chen lấn.Thế nên, trong xã hội có những người có tâm tính tốt lành, nhưng đồng thời có những kẻ thâm hiểm, độc ác.

          Mặt khác, trong lời thuật dụ ngôn Thánh Mat-thêu cho thấy, cỏ lùng được gieo trong lúc mọi người đang ngủ, điều này nhắc nhở chúng ta luôn cần khiêm nhường nhìn lại mình, vì sự chủ quan của mình không dễ gì nhận ra khiếm khuyết của bản thân, hoặc có nhận ra, thì lại tìm những lý lẽ tự bào chữa, quên đi mảnh ruộng tâm hồn mình đã dần nhiều cỏ hơn lúa.

          Về khía cạnh giáo dục cũng thế, các bậc phụ huynh, bấy lâu nay có quan tâm chặt chẽ đến các trẻ thơ, thiếu nhi ? Đấy là những mảnh đất màu mỡ mà những điều xấu xa luôn được lén lút gieo trồng và phát triển nếu cha mẹ lơ đãng, kém tỉnh táo thì hậu quả thật khôn lường.

          Dụ ngôn cũng cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa. Chúa kiên nhẫn đợi cho đến ngày tận thế phân loại lúa và cỏ lùng. Chúa kiên nhẫn chờ mong những người tội lỗi ăn năn sám hối. Chúa rộng lượng tha thứ không nỡ trừng phạt người tội lỗi tức khắc. Chúa yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày hoán cải nên tốt. Nếu như lời người đầy tớ trong Phúc Âm, điển hình cho tâm lý chung của loài người, nói thì Chúa trừng phạt ngay những kẻ xấu, còn đâu Kẻ trộm lành, các thánh như Ma-đa-lê-na, Au-gut-ti-nô, …và ngay cả chính ta, có thể cũng không thoát khỏi sự trừng phạt do cái xấu còn tồn tại, do cỏ lùng nhiều hơn lúa trong ta.

          Dụ ngôn cho ta hiểu tất cả là hồng ân của Chúa. Có sự tốt lành để ta hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa nhân lành. Có những sự dữ để ta không phán xét anh em nhưng là để khiêm nhu nhìn lại chính mình, cần ta “thật sự cải thiện lối sống và hành động” như trong bài đọc 1, tiên tri Giê-rê-mia .Chỉ có tình yêu mãnh liệt mới làm Chúa kiên nhẫn chờ đợi sự đổi thay nơi tâm hồn thay đổi từ sự lành ra sự dữ. Chúa không vội trừng phạt vì sự không đón tiếp khi đi qua làng Sa-ma-ri-a như lòng mong muốn nóng nảy của Gioan và Gia cô bê. Chúa không ngoảnh mặt với một Phê-rô chối từ Ngài. Nhưng Ngài trông đợi thật sự cải thiện lối sống và hành động.

          Chúa Giêsu kể dụ ngôn cỏ lùn để dạy chúng ta về tình thương và sự nhẫn nại của Thiên Chúa đối với loài người tội lỗi. Qua đó, Ngài muốn cảnh báo chúng ta, chính Thiên Chúa mới là Đấng phán công lượng tội nhân loại. Nhưng con người hay lầm lẫn bởi tính hay so đo, xét đoán và khắc khe với anh em. Nhưng Thiên Chúa luôn nhẫn nại, Ngài không phán xét ai trong hiện tại vì Ngài tin sự bíên đổi của con người trong tương lai. Không có vị thánh nào không có quá khứ, cũng không có tội nhân nào mà chẳng có tương lai. Hôm nay, anh là tội nhân. Ngày mai, anh có thể là một vị thánh và ngược lại. Nên chúng ta đừng vội ngủ mê trong tính tự phụ không nỗ lực sửa mình để kẻ thù thừa cơ lợi dụng. Hãy tận dụng phút giây hiện tại để vun đắp đức tin, tăng cường đức mến và uốn nắn đời sống để không hổ thẹn khi gặp Chúa trong giờ phán xét.

          Chúa dạy chúng ta bài học yêu thương.“Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em”.(Ga 13, 34) Chúng ta hãy tập yêu thương mọi người, nhất là những người đang sống xung quanh chúng ta, cố gắng nghĩ tốt về họ, nói tốt về họ, tập quên đi những sai sót của họ như Chúa Giê-su yêu thương chúng ta. Nước Trời chỉ dành cho những người biết chiếm lấy bằng sức mạnh từ Thiên Chúa. Sức mạnh đó chính là sự kiên nhẫn, tha thứ, yêu thương, chờ đợi . . .để chúng ta đủ kiên nhẫn để chịu đựng những đau khổ mà người ác tâm gây ra cho mình. Chúng ta cần mặc lấy tâm tình yêu thương và cứu độ của Đức Giêsu : «Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi». (Mt 9,13). Chúng ta có yêu thương họ thì mới giúp họ được và có khả năng sống với cả những người khác ý với mình. 

          Giáo Hội vốn không phải là một xã hội hoàn hảo. Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện, nhưng lại gồm những con người tội lỗi, đó là ý nghĩa của dụ ngôn mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và suy niệm hôm nay. Chúng ta có một Giáo Hội gồm nhiều vị thánh, nhưng cũng có vô số tội nhân. Những tội nhân vẫn có thể trở thành các thánh trong giây phút, còn các vị thánh thì trở nên thánh thiện hơn; các tội nhân cần sự tha thứ của chúng ta; còn các thánh thì khơi dậy sự cảm phục và quyết tâm cải hóa của chúng ta. Người Pháp thường nói: "Ðể hiểu mọi sự, thì cần phải tha thứ mọi sự". Chúng ta luôn được mời gọi để nhìn Giáo Hội như một đoàn người đang lữ hành, trong đoàn người này, có người đang cố gắng tiến đến gần Chúa, có kẻ lại xa rời Ngài.

          Làm người Kitô hữu chính là nhập cuộc vào đoàn người lữ hành ấy với cố gắng, với thiện cảm và nhất là với cảm thông. Những kẻ cuồng tín cũng giống như một vụ cháy rừng. Lửa bốc cháy và tiêu diệt cả những mầm non: lửa cần thiết cho cuộc sống, nhưng lửa cần phải được làm chủ và sử dụng vào mục đích. Yêu mến Giáo Hội là luôn thức tỉnh để nhận ra những tiêu cực và tệ đoan trong Giáo Hội. Ðó là sự thức tỉnh của thánh Phanxicô Assisiô thời Trung cổ.

          Thế nhưng, con đường canh tân mà thánh nhân đã chọn không phải là nổi loạn hoặc lìa bỏ Giáo Hội, mà là canh tân chính bản thân bằng cuộc sống hy sinh, từ bỏ, và nhất là cảm thông. Ðó là cách thế tốt nhất để đương đầu với cỏ lùng chen lẫn lúa tốt trong cánh đồng Giáo Hội.

Bài : Tuệ Mẫn & Video: TGPSaigon.net