Thứ Hai tuần 3 Mùa Chay

Thứ Hai tuần 3 Mùa Chay

SUY NIỆM - Mar 16/03/2020

Thứ Hai tuần 3 Mùa Chay

Lc 4, 24-30

BỊ RUỒNG RẪY NƠI QUÊ HƯƠNG

Người nói tiếp: Tôi bảo thật các ông:
không một ngôn sứ nào
được chấp nhận tại quê hương mình”. (Lc 4,24)


 

            Trang Tin Mừng hôm nay như thường lệ Chúa Giêsu vào hội đường Do Thái để cầu nguyện và giảng dạy. Não trạng của người Do Thái không chấp nhận hình ảnh về một Đấng Mêssia như Chúa Giêsu đang khắc họa, một Đấng Mêssia có nguồn gốc xuất thân từ quê hương của họ. Họ đinh ninh rằng chỉ mình họ là dân riêng của Thiên Chúa, họ không tin nhận ơn cứu độ sẽ dành cho dân ngoại.

            Chúa Giêsu vào hội đường đọc một lời tiên tri của ngôn sứ Isaia và loan báo "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe" (Lc 4,21), khiến cho người nghe hiểu rằng lời tiên tri ấy quy chiếu về Người. Ðiều này khơi dậy sự bất bình của dân làng Nagiarét: một đàng, "mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra" (Lc 4,22). Nhưng đàng khác, các người đồng hương biết Người qúa rõ. Họ nói: "ông ta là một người trong chúng ta. Yêu sách của ông chỉ có thể là sự tự phụ" (Ðức Giêsu thành Nagiarét, 11). "Người này không phải là con ông Giuse sao?" (Lc 4, 22), như thể nói rằng: một bác thợ mộc làng Nagiarét có thể có khát vọng gì đây?

            Chúa Giêsu lên tiếng giảng giải cho họ bằng một định đề và hai ví dụ minh họa. Ngài nêu định đề trước : “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Rồi Ngài lấy hai ví dụ dẫn chứng về hai ngôn sứ lớn Êlia và Êlisa được sai đến với hai người dân ngoại đó là bà góa thành bà goá thành Xarépta miền Xiđon và ông Naaman người xứ Xyria. Định đề và hình ảnh minh họa này đã làm cho đám người Do Thái khó chịu. Họ bực tức vì Chúa Giêsu đã khen dân ngoại ngay trước mặt họ, họ cảm nhận như thể dân ngoại đã được Thiên Chúa ưu đãi hơn chính họ. Họ đã phản ứng, và cách họ phản ứng thật đáng cho chúng ta quan tâm : Họ “đầy phẫn nộ”, “lôi Người ra khỏi thành”, “kéo Người lên tận đỉnh núi”, “để xô Người xuống vực”… Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã “băng qua giữa họ mà đi”.

            Qua trang Tin Mừng hôm nay ta dễ dàng nhận ra hai thái độ khi giải quyết một vấn đề cần, mà vấn đề ấy đụng đến một sự thật : – Trước hết là thái độ của đám đông : đám đông đã không chân nhận sự thật, lấy phản ứng của số đông để phủ nhận sự thật và tấn công số ít… Sau là thái độ của Chúa Giêsu : Ngài bình tĩnh bước đi, vượt qua dư luận, mạnh mẽ và tự tin khi sống bằng sự thật.

            Chính sự coi thường, khinh khi, nên lòng họ ra trai cứng, không còn khiêm nhường, nhạy bén để nhận ra Đấng Uy Quyền, là Chúa Tể trời đất đang ở giữa họ, vì thế, họ đã khước từ chân tính đích thực của Đức Giêsu. Thấy vậy, Đức Giêsu mặc khải cho họ biết: họ sẽ không được bằng dân ngoại, và ơn cứu độ lẽ ra đến với họ trước tiên và phong phú, nhưng khi đã từ trối thì ơn đó sẽ đến với dân ngoại.

            Thái độ độ của đám đông thấy được qua bối cảnh của đoạn Tin Mừng này, rằng “số đông không phải là chân lý”. Những người lãnh đạo tầm thường thì lấy số đông để chứng minh chân lý. Chúa Giêsu đã không làm thế, dọc suốt hành trình sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã nhiều lần chứng minh cho mọi người thấy “số đông không phải là chân lý” : Câu chuyện trong Tin Mừng (Mt 21, 12) miêu tả, người ta đem mọi thứ vào đền thờ để bán trong dịp lễ, một mình Chúa Giêsu đã đánh đuổi họ ; Dịp khác, trong Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 8, 1-11), khi người ta định ném đá người phụ nữ ngoại tình, một mình Chúa Giêsu bênh vực ; Trước dinh Philatô trong việc xứ án Chúa Giêsu (Ga 18, 28-40), một mình Ngài thua thiệt, dùng mạng sống để bảo vệ chân lý toàn vẹn…

            Và hôm nay, trước vấn đề Chúa Giêsu trình bày qua định đề : “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”, và hai ví dụ dẫn chứng về hai ngôn sứ lớn Êlia và Êlisa được sai đến với hai người dân ngoại ; “số đông không hề có chân lý”, họ nổi đóa và tìm cách xô Chúa xuống vực, họ phản ứng theo cảm xúc bên ngoài mà không dựa vào chân lý. Quả là phi lí khi giải quyết vấn đề dựa vào uy thế, phản ứng, và câu trả lời của “số đông”, trong khi “Số đông không phải là chân lý”.

            Người dân quê hương của Người đã không mở lòng ra đón nhận Người. Thánh Luca đã ghi lại vài lời cứng rắn của Chúa Giêsu khiển trách “người nhà” đã không đón nhận Lời Người, nên Phúc Âm được mở ra cho lương dân và người xa lạ, là những người tin vào Chúa Giêsu và đón nhận sứ điệp của Người. Còn những người ở trong nhà, do khép kín trong thái độ khước từ, nên họ đã không tin và đón nhận Chúa Giêsu. Kết quả bi thảm của bài tường thuật này đã báo trước những lời la ó đòi đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá, bởi Người đã tự nhận mình là Con Thiên Chúa.

            Thái độ tiếp theo à thái độ của Chúa Giêsu, thái độ đáp trả lại đám đông bằng cách “băng qua giữa họ mà đi”. Tin Mừng đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, làm sao Chúa Giêsu lại có thể “băng qua giữa họ mà đi” đang khi họ “phẫn nộ”… Chúa Giêsu đã mạnh dạn bước trên dư luận, Ngài không bận tâm phản ứng lại đối phương khi họ đang tức giận. Ngài tự tin vì Ngài giữ bên mình một sự thật toàn vẹn. Ngài không cần phản ứng để bảo vệ sự thật, vì sự thật là chính nó, sự thật tự nó đứng vững và sự thật là toàn vẹn. Nếu mỗi chúng ta sống với sự thật, nếu mỗi chúng ta có sự thật trong lòng, chúng ta có thể như Chúa Giêsu, có thể bước qua bất kỳ đám đông nào và băng qua bất cứ phản ứng thắc mắc nào, để hiên ngang bước đi.

            Trong thực tế có người bị coi là không tốt, đồ bỏ, vứt đi ở chỗ này, nhưng họ lại được nhiều người coi trọng và kính nể ở một nơi khác… Còn có nhiều người được xem là nhẹ nhàng, tao nhã, lịch thiệp chốn quan trường, ngoài xã hội, nhưng khi về đến gia đình, họ lại là kẻ bất nhân, vô liêm sỉ với gia đình. Mở miệng ra là quát tháo, chửi bới nên “thượng thẳng tay, hạ thẳng chân” với người thân. Họ thuộc hạng “khôn nhà dại chợ”; “làm phúc nơi nao để cầu ao rách nát”; … hay có những người ăn nói ngọt như đường mía lau, nhưng thực ra họ thuộc dạng: “Đội trên, đạp dưới” nên tâm địa bỉ ổi, xấu xa chẳng khác gì kẻ: “Miệng thì thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.

            Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn của mình để cần đến ơn cứu độ. Cần tránh thói hư là: “Gần Chùa gọi Bụt bằng anh”; hay  “bụt nhà không thiêng”. Hãy biết tôn trọng anh chị em mình trong sự thật, đừng vì ghen ghét, hiềm khích hay sợ người anh em trổi trang hơn mình mà ra tay làm hại hay nói năng những lời nguy hại đến thanh danh tiếng tốt của họ! Làm như thế, ấy là chúng ta đang đi vào vết xe đổ của những người đồng hương với Chúa Giêsu, và như một lẽ tất yếu, chúng ta sẽ mất ơn cứu độ vì không thuộc về Thiên Chúa.

Bìa: Tuệ Mẫn & Video: TGPSaigon.net