TIN VÀO LỜI CHỨNG CỦA CHÚA GIÊSU

TIN VÀO LỜI CHỨNG CỦA CHÚA GIÊSU

SUY NIỆM - Apr 25/04/2017

THỨ BA TUẦN II PHỤC SINH A
LỄ KÍNH THÁNH MACCÔ – THÁNH SỬ

Người Kitô hữu không những tin có Thiên Chúa, nhưng còn tin vào lời chứng của Chúa Giêsu về Thiên Chúa và về kế hoạch cứu độ của Người.

 Khi được tái sinh bởi nước và Thần Khí, người Kitô hữu còn được tăng thêm niềm tin. Cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên lấy niềm tin vào Chúa Giêsu Phục sinh làm nền tảng, nên họ coi tất cả là của chung. Và điều đó làm nên sức mạnh cho công cuộc loan báo Tin Mừng Phục sinh (Cv 4, 32-37).

Tin Mừng hôm nay tiếp tục cuộc đàm đạo giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô về ơn tái sinh. Nicôđêmô cảm thấy ngỡ ngàng và khó hiểu, cuối cùng thì ông ta cũng không thể hiểu được vì ông ta không thật sự mở lòng ra đón Chúa, còn bị hạn chế bởi cái nhìn của  người  đời  Ngày  hôm  nay  chúng  ta  cũng được tái sinh “ Bởi ơn trên ” qua Bí tích Thánh Tẩy, nhờ đó chúng ta cũng trở thánh con người mới, được sống  hiệp  thông  với  đời  sống  của  Thiên  Chúa  Ba Ngôi.  Do  đó  mỗi  người  chúng  ta  hãy  ý  thức  diễm phúc và vinh dự mình đã lãnh nhận để làm chứng cho Chúa  bằng  đời  sống  và  phẩm  giá  người  Kitô  hữu trong môi trường xã hội mình đang sống.

Chúa Giêsu tiếp tục đối thoại với Nicôđêmô về việc tái sinh. Đại ý bài Phúc Âm hôm nay: “Sinh lại như thế nào”.  Nicôđêmô hỏi: “Việc ấy xảy ra thế nào được?”Chúa Giêsu lại trả lời nhờ tác động của Thánh Linh (“Gió muốn thổi đâu thì thổi… mọi kẻ sinh bởi Thánh Linh cũng vậy”) và nhờ tin vào Chúa Giêsu (“không ai lên trời được ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời”).

Qua cuộc đàm đạo với Ni-cô-đê-mô trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết về nguồn gốc và vai trò của Người trong việc cứu độ con người.

Trước hết Chúa Giêsu minh chứng về nguồn gốc của Người.

Nguồn gốc của Người đến từ trời cao, nên Người biết và thấy hết những điều kiện cần thiết để được sự sống đời đời. Điều kiện cần thiết ấy chính là “phải được sinh lại bởi ơn trên”. Bởi vậy trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã truyền dạy các tông đồ đi loan báoTin Mừng và rửa tội cho muôn dân: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án…” (Mc 16, 15-16).

Tiếp đến Chúa Giêsu cho biết vai trò của Người trong việc cứu độ.

Với hình ảnh con rắn đồng được treo trong sa mạc thời Mô-sê đã cứu chữa những người bị rắn lửa cắn khỏi chết, nhờ tin lời Thiên Chúa, Chúa Giêsu mời gọi Nicôđêmô hãy tin vào Ngài để được cứu độ.

Để được sự sống đời đời ngoài điều kiện được sinh lại bởi ơn trên nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta còn phải can đảm dấn bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, qua việc chấp nhận những thử thách, gian nan, khốn khó ở đời này với lòng tin tưởng vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.

Cuộc đời người Ki-tô hữu luôn hướng về tương lai là sự phục sinh hay Nước Trời, và vì tương lai phục sinh mà chấp nhận đi vào con đường tự hủy. Định luật: “Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24) là một lời kêu mời thiết thực cho những ai muốn được phục sinh với Đức Giê-su.

    Thiên Chúa không muốn con người phải chết muôn đời, vì con người được tạo thành trong một ước mong mãnh liệt của Thiên Chúa là được dự phần vào sự sống của Ngài, nên Ngài đã lên chương trình hành động để cứu chuộc con người. Và cái giá mà Thiên Chúa phải trả cho chương trình này chính là cái chết của Người Con duy nhất như là hiến lễ đền tội thay cho muôn dân trên Thập giá. Và chính từ trên Thập Giá này một sự sống mới được nảy sinh, sự sống đến từ việc Chúa Kitô trên Thập giá gục đầu xuống và trao ban Thần khí. Vâng, sự sống đến từ Thần khí, một sự sống mà, Chúa Giêsu đã nói cho biết:  để được dự phàn vào sự sống này con người cần phải  được sinh ra một lần nữa, sinh ra bởi chính Thần khí của Người.

Việc sinh ra này được thực hiện không do bởi cách thế của trần thế, nhưng bởi thần linh, vì chỉ có như thế sự sống của con người mới tồn tại. Sự hiện hữu của con người trên trần thế là kết quả của tình yêu giữa cha mẹ của đứa bé, vì thế nó mang tính mỏng dòn, chóng qua. Còn việc tái sinh bởi Thần khí Chúa là kết quả một một tình yêu mang yếu tố thần linh, nên nó bền vững.

Thật vậy, việc tái sinh bởi Thần khí Chúa là hành vi bắt nguồn từ một tình yêu trọng đại cùa một vị Thiên Chúa, dám từ bỏ ngai trời,mặc lấy thân phận con người và hiến thân chết trên Thập giá vì yêu thương con người. Quả thật Đức Giêsu Kitô đã yêu thương nhân loại và yêu thương cho đến cùng, và từ tình yêu này Người đã trao ban cho con ngừoi một sự sống mới, sự sống đời đời. Sự sống đó được trao ban cho con ngừoi ngay trên trần gian này qua Bí tích Thanh tẩy và Bí tích Thánh Thể. Nhờ hai bí tích này người tín hữu được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, và được hiệp thông vào sự sống thần linh với Người.

Trong Cựu Ước, hình ảnh con rắn đồng được Môisê treo lên là dấu hiệu cứu độ: Ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng với niềm tin vào Thiên Chúa thì được cứu.

Chúa Giêsu đã từng nói: "Ta và Cha là một". Vậy rõ ràng là: "Ai biết Chúa Giêsu thì cũng biết Chúa Cha". Khi chúng ta nghe lời và hiểu lời Chúa Giêsu, thì chúng ta hiểu biết ý của Chúa Cha. Khi chúng ta thấy việc làm của Chúa Giêsu, thì chúng ta biết công việc của Chúa Cha. Khi chúng ta nhận ra tình yêu của Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng hiểu biết tình yêu của Chúa Cha. Vì Chúa Cha là Thiên Chúa vô hình, nên chúng ta không thể nhìn thấy, biết Ngài được. Chúng ta chỉ có thể thấy biết Chúa Cha, nhờ thấy biết Chúa Con, là Chúa Giêsu mà thôi. Ngoài Chúa Giêsu ra, chúng ta không thể thấy biết Chúa Cha được, vì chúng ta là loài người hữu hình, hữu hạn, không thể hiểu gì về Thiên Chúa là Đấng vô cùng, vô hạn, vô hình.  

Ðể được cứu, loài người cũng phải nhìn lên Ðức Giêsu. Con Thiên Chúa được giương cao trên thập giá, nghĩa là phải tin vào Người. Niềm tin của chúng ta không chỉ là tuyên xưng nơi môi miệng mà bằng chính cuộc sống cụ thể với Chúa và với mọi người.

Tuệ Mẫn