Tuần 57: SÁCH Zacaria II

Tuần 57: SÁCH Zacaria II

Thánh Kinh 100 Tuần - Mar 24/03/2014

Tuần 57:  SÁCH Zacaria II

I. TỔNG QUÁT

Sách Zacaria không cho biết tên tác giả. Mặc dù những phát hiện tại Qumran cho thấy không có sự phân chia giữa Zacaria 1-8 và 9-14 (tức là Zacaria I & II), các học giả ngày nay vẫn cho rằng đây là hai phần tách biệt dựa vào những khác biệt về nội dung, văn phong, và từ vựng. Về nội dung, Zacaria I quan tâm đến việc tái thiết đền thờ, các khuôn mặt lịch sử, và các lời sấm được xác định về thời gian; còn Zacaria II lại quan tâm đến án xử của Thiên Chúa và những lời hứa mang tính cánh chung. Về văn phong, Zacaria là tuyển tập chín thị kiến và những lời giải thích được viết như thơ; còn Zacaria II là một chuỗi những lời sấm quy chiếu về các tiên tri thời trước. Về từ vựng, Zacaria I bắt đầu bằng công thức truyền thống của các tiên tri, còn Zacaria lại bắt đầu hai phần lớn trong sách bằng câu “Lời sấm: Lời của Đức Chúa…” (9,1; 12,1).

Chúng ta cũng không có được những chi tiết xác định thời gian tác phẩm được biên soạn. Tuy nhiên các học giả dựa vào một số điểm để xác định thời gian biên soạn: (1) việc sử dụng các lời tiên tri trước và trong thời lưu đày (Isaia, Hôsê, Giêrêmia, Ezekiel, Gioel); (2) một vài ám chỉ đến những biến cố xảy ra sau năm 333 trước Công nguyên (x. chương 9); (3) văn phong và nội dung mang tính cánh chung, đặc biệt chương 14, gợi ý về thời kỳ sau khi mới từ lưu đày trở về. Dựa vào những chi tiết trên, các học giả cho rằng sách Zacaria II đã được biên soạn sau cuộc chinh phục của Alexander đại đế (năm 333 trước CN) và trước năm 200 trước Công nguyên.

Zacaria II được chia thành hai phần chính:
– Phần I: Án xử của Thiên Chúa (9,1 11,17)
– Phần II: Phục hưng (12,1 – 14,21)

II. CHÂN DUNG ĐẤNG MÊSIA

Từ Mêsia trong tiếng Do thái được dịch sang tiếng Hi Lạp là Christos (tiếng Việt là Kitô), có nghĩa là Đấng-được-xức-dầu. Sách Zacaria II trình bày dung mạo Đấng Mêsia đích thực, và chân dung này sẽ được thể hiện trọn vẹn nơi Chúa Giêsu.

Đấng Mêsia là Đức Vua nhưng không phải vị vua theo quan niệm quen thuộc của người đời. Người là vị vua khiêm tốn, khó nghèo: “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Người là Đấng chính trực, Đấng toàn thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (9,9). Chính vị vua khiêm tốn và nghèo khó đó sẽ “công bố hoà bình cho muôn dân, thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất” (9,10).

Thế nhưng Đấng Mêsia lại bị dân Chúa ruồng bỏ và giết hại như hình ảnh Người Tôi tớ trong sách Isaia, để rồi họ khám phá ra chính Người là nguồn Ơn Cứu độ: “Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng…. Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đavít và dân cư Giêrusalem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế” (12,10 – 13,1).

III. SÁCH ZACARIA II TRONG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

Trong Phụng vụ Mùa Vọng, vào Chúa nhật Hồng giữa mùa Tím, Hội Thánh mượn lời của Zacaria II mà hát lên niềm vui của mình: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi” (9,9). Lễ Giáng sinh đang đến gần, Chúa Kitô sắp được sinh ra, lấp đầy những khát vọng sâu xa nhất của lòng người.

Trong Phụng vụ Mùa Chay, vào ngày Lễ Lá, khi tưởng niệm việc Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem và được mọi người tung hô chào đón, Hội Thánh lại lấy lời của Zacaria II mà nhắc nhớ: “Đức Vua khiêm tốn, ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (9,10). Quả là một hình ảnh khiêm tốn, và hình ảnh ấy là luồng ánh sáng soi chiếu suốt hành trình Tuần Thánh, ở đó chúng ta chiêm ngắm Vua Giêsu hấp hối trong vườn Dầu, bị bắt bớ và đánh đập dã man, bị kết án và vác thập giá lên đồi Canvê, cuối cùng bị đóng đinh vào thập giá, một hình khổ chỉ dành cho quân trộm cướp và phản loạn vào thời đó. Nhưng chính Vua Giêsu đó là Đấng mà người ta phải ngước nhìn và than khóc (12,10). Cũng từ cạnh sườn vua Giêsu ấy, một dòng nước và máu sẽ chảy ra, dòng nước thanh tẩy mọi tội lỗi và ô uế, dòng nước ban tràn đầy ân sủng. Thánh Gioan đã ghi lại thật vắn tắt nhưng cũng thật phong phú ý nghĩa: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin… Có lời Kinh Thánh chép rằng: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,34-37).