Hay có thể nói rằng chúng ta tuyên xưng Chúa là Cha mà thật là Chúa là Cha khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội. Thế nhưng chúng ta có tin thật Chúa là Cha hay chúng ta chạy theo tà thần, chúng ta chạy theo danh vọng, dục vọng, tiền bạc …
Chúng ta thừa biết Dụ ngôn “Tình Phụ Tử” là đoạn Tin Mừng tuyệt đẹp của Thánh Luca. Hình ảnh người cha nhân hậu, yêu thương và trân trọng từng người con. Ông yêu mỗi người con theo từng cá tính của chúng. Và dù mỗi người con có xử thế nào, cha vẫn ân cần biểu lộ tình yêu thương và muốn dùng tình yêu thương để cảm hóa chúng. Chính nhờ tình yêu thương, người con hoang đàng mới trở về thực sự.
– Thưa Cha, con thật đắc tội vì đã rời bỏ nhà Cha để chạy theo những cám dỗ của thế gian. Xin Chúa thương xót…
Ý niệm về đức tin được gửi gắm trong bản nhạc thiếu nhi: “Ngài nắm gọn cả thế giới trong tay Ngài.” Ý nghĩa của nhạc khúc này là chúng ta không cô đơn nơi thế giới. Thiên Chúa không dựng nên thế giới và rồi bỏ rơi nó. Cuộc đời của chúng ta hoàn toàn ở trong tay Thiên Chúa. Điều này xem ra là một đức tin rất giản đơn và ngây thơ, nhưng lại là cốt lõi của đức tin Kitô Giáo. Chúng ta phải sống tín thác vào Thiên Chúa như trẻ thơ. Điều này không có nghĩa là chúng ta né tránh trách nhiệm, nhưng đúng hơn, chúng ta phải sống và yêu hết mức có thể, và đặt mọi sự khác trong bàn tay Thiên Chúa. Dẫn chứng kinh điển cho điều này là tổ phụ Abraham ở trong Cựu Ước. Ông đã tín thác vào lời Thiên Chúa hứa nên được gọi là cha của một dân tộc lớn.
Thái độ tín thác cũng được thể hiện nơi cuộc đời và sứ điệp của Chúa Giêsu. Ngài dạy các môn đệ rằng:
Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? … Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. (Mt 6, 26-27. 31-33)
Hơn hết, Chúa Giêsu đã rao giảng đức tin là sự tín thác vào Thiên Chúa và chính Ngài đã sống điều đó. Ngài bị từ chối bởi hầu hết những người nghe Ngài giảng, một trong những môn đệ thân tín nhất cũng phản bội Ngài, và tận cùng là việc Ngài bị giết chết vì sứ điệp Ngài rao giảng. Trong đêm trước cái chết của Ngài, chúng ta biết rằng, Ngài đã hết mực cầu xin được theo con đường khác, nếu có thể. Tuy nhiên, cuối cùng Ngài vẫn đặt sự tín thác vào Thiên Chúa, dẫu cho phải đối mặt với một cái chết nhục nhã và tàn khốc trên thập giá.
Lời cầu nguyện ẩn danh “Những dấu chân”diễn tả thái độ đức tin này:
Một đêm kia tôi bỗng nằm mơ,
Thấy tôi cùng Chúa bước ven bờ
Bầu trời biển là gương phản chiếu,
Quãng đời tôi từ thuở còn thơ.
Với mỗi cảnh hai dấu tôi nhận ra:
Chân in cát trắng bước gần xa
Dấu của tôi kề bên của Chúa
Dấu ân tình người con nép bên Cha.
Rồi trông lại những dấu chân trên cát,
Tôi nhận ra có những lần mất mát
Trong cuộc đời gặp những lúc đắng cay
Một dấu chân khiến lòng thêm tan nát.
Tôi hoang mang chua xót mới hỏi rằng,
Chúa ơi Ngài có biết cho chăng
“Này con khi quyết lòng theo Chúa,
Suốt cuộc đời khỏi hối tiếc ăn năn.
Ta sẽ mãi bước cùng con yêu dấu,
Lúc an bình trong hiểm nguy chiến đấu.”
Phải lời Ngài âu yếm nói con nghe
Sao hiểm nguy chỉ cô đơn nung nấu?
Và tôi nghe tiếng Chúa trả lời,
“Này con yêu dấu của Ta ơi,
Nào có bao giờ Ta quay gót
Để mình con nguy khốn Ta bỏ rơi?”
Ta đã yêu và mãi mãi bên con,
Lúc con đau buồn – lẫn cô đơn
Lúc duy còn một dấu chân trên cát
Là chính lúc Ta đang ẵm bồng con!”
Chúng ta tin tưởng vào ai nhất trong cuộc đời chúng ta? Có lúc nào chúng ta phải đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa chưa? Đó là hoàn cảnh nào?
Hơn cả sự tín thác vào Chúa, đức tin là mối tương quan với Ngài mà chúng ta được sinh vào đó. Vì thế, đức tin là ơn Thiên Chúa ban, nó cũng là tên gọi của tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Đôi khi con người khám phá nơi mình lòng khao khát Thiên Chúa – lòng khao khát biết và yêu mến Thiên Chúa cách tròn đầy hơn. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn nỗi khao khát này. Bởi vì, chúng ta không phải là Thiên Chúa nên chúng ta không bao giờ có thể biết Ngài cách trọn vẹn. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản chúng ta tìm biết Thiên Chúa là ai và điều Ngài mong muốn nơi chúng ta. Trong Cựu Ước, tác giả Thánh Vịnh 42 đã diễn tả lòng khao khát nhận biết Thiên Chúa thế này:
Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?
Chúa Giêsu cũng nói về lòng khao khát này, “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7, 7). Ngài không có ý nói về những thỉnh cầu chúng ta muốn Chúa thực hiện cho ta (“xin giúp con vượt qua bài kiểm tra môn toán này!”), nhưng muốn nói về một cuộc sống liên lỉ tìm kiếm Chúa. Nếu chúng ta lên đường tìm kiếm, chúng ta sẽ đạt được mục đích của mình.
Lòng khao khát này nằm ở tâm điểm hiện hữu của chúng ta. Mọi ao ước và hy vọng được hạnh phúc và thành toàn của chúng ta thực sự chính là lòng khao khát Thiên Chúa, Đấng là cùng đích và là sự thành toàn đích thực của đời sống chúng ta. Thế nhưng, sự đói khát Thiên Chúa trong chúng ta có nguy cơ dẫn chúng ta đi sai đường. Thông thường, những người tìm kiếm sự thành toàn của mình nơi các sự vật thì sẽ không thể nào tìm được. Chẳng hạn, thánh Augustino dấn mình vào việc nghiên cứu triết học và tương quan với một người phụ nữ, người đã sinh cho ông một đứa con, nhưng, cuối cùng, triết học cũng như cô tình nhân không làm thỏa mãn nhu cầu sâu xa nhất của ngài. Để rồi, khi trở thành một kitô hữu, ngài đã nhận ra mình được dựng nên vì tình yêu và vì vinh quang của Thiên Chúa. Nhìn lại cuộc đời, Augustino thốt lên, “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và lòng con hằng khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Ngài”.
Đối với Dân Do Thái, cách thức tốt nhất để biết Thiên Chúa và yêu mến Người là trung thành với Torah (giáo huấn hay “giới luật”). Đức Tin không đơn giản là một tập hợp những ý tưởng – đó là một lối sống. Torah là một hướng dẫn chắc chắn để có thể bước đi trong đường lối của Thiên Chúa. Do vậy, tác giả Thánh Vịnh 1 viết:
Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
nhưng vui thú với lề luật CHÚA,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày…
Vì CHÚA hằng che chở nẻo đường người công chính,
còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong.
(Tv 1, 1-2.6)
Một điều rất quan trọng cần lưu ý: đức tin liên quan đến mọi ngõ ngách nơi đời sống của chúng ta. (Đó là “nẻo đường của người công chính”). Người Do Thái bị cám dỗ giảm thiểu đức tin thành những nghi thức tôn giáo thuần túy. Điều này đã bị các ngôn sứ lên án gay gắt. Các ngôn sứ nhấn mạnh, đức tin chân thật phải liên hệ đến đời sống và nhu cầu thực của người khác. Ngôn sứ Amos đã kết án đức tin sai lầm trong thời của ông, khi họ dùng lễ hội và lễ vật thay cho lẽ phải và lòng thương xót. Hãy lắng nghe lời công bố của Amos về sấm ngôn của Đức Chúa:
Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường;
hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú.
Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu. ..
những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận,
chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài.
Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi
Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.
Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào,
cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.
(Am 5, 21-24)
Vấn nạn này cũng đã tồn tại trong thời Giáo Hội sơ khai (và trong suốt lịch sử của Giáo Hội). Rõ ràng, vấn đề này đã diễn ra nơi một trong những cộng đoàn sơ khai khi một số người trong cộng đoàn ấy không sống đức tin của mình. Dưới đây là những điều thánh Giacôbe viết cho họ trong thư của ngài:
Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. (Gc 2, 14-17)
Ngày nay, dường như có một xu hướng tồi tệ khi liên kết đức tin với một giờ đồng hồ mỗi tuần vào ngày Chúa Nhật. Chắc chắn Thánh Thể hết sức quan trọng, nhưng Thánh Thể không phải toàn bộ của đức tin. Người kitô hữu tụ họp với nhau vào ngày Chúa Nhật để cử hành đức tin mà họ được mời gọi sống hàng ngày và hàng giờ. Cần nhớ rằng Kitô Giáo khởi đầu có nghĩa là “con đường” và dấu chỉ để nhận ra người kitô hữu là kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Chính Chúa Giêsu đã không ngừng khẳng định điều này. Ngài nói:
“Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7, 24-27).
Những tương quan quan trọng nhất trong cuộc sống luôn được bám rễ sâu xa nơi con tim của chúng ta. Nơi những tương quan này, mối dây liên kết bằng tình yêu mạnh mẽ đến mức người ta thực sự trở nên một phần của nhau. Cũng thế, tương quan của chúng ta với Thiên Chúa cũng cần một mối liên kết tương tự. Khi tương quan của chúng ta với Thiên Chúa càng lớn mạnh, thì tương quan ấy ngày càng trở nên một phần con người của chúng ta chúng ta. Chúng ta không thể hình dung được chúng ta sẽ thế nào nếu không có những tương quan tình bạn thân thiết hay gia đình. Tuy nhiên, không dễ để chúng ta có được một đức tin như vậy, và nhiều người (nếu không muốn nói là tất cả mọi người,) không thể đạt đến chiều sâu như vậy cho đến tuổi trưởng thành. Tin Mừng Maccô trình bày một câu chuyện minh họa ba cách hiểu đức tin khác nhau, nhưng chỉ có một cách đúng đắn. Câu chuyện này diễn ra khi Chúa Giêsu đang ở trong đền thờ Giêrusalem.
Trong lúc giảng dạy, Đức Giêsu nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”
Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Mc 12, 38-44).
Câu chuyện này minh họa ba cách hiểu ý nghĩa của đức tin rất khác nhau. Với những kinh sư, đức tin là những hình thức đạo đức bề ngoài hầu được người khác kính trọng. Không có phân biệt nào giữa người đạo đức và người sống đức tin. Tuy nhiên, các kinh sư thực sự chỉ chú tâm đến địa vị và danh dự của mình. Họ dùng đức tin của dân Israel để tôn vinh bản thân. Đó cũng là cám dỗ rất thường gặp đối với những người “đạo đức”một cách chuyên nghiệp.
Cách hiểu thứ hai về đức tin được trình bày bởi người giàu có đang dâng cúng trong đền thờ. Chúa Giêsu không bình luận người ta phải dâng cúng bao nhiêu tiền, nhưng Ngài dùng số tiền họ dâng cúng như một biểu tượng về đức tin của họ. Theo câu chuyện, người giàu có chỉ dâng một phần của họ. Đức tin là một phần của cuộc sống, nhưng không phải là cốt lõi của họ. Những bổn phận tôn giáo cũng là một phần trong số các phần khác như việc họ có gia đình, bạn bè, công việc, sở thích riêng. Họ trung thành với những bổn phận tôn giáo, nhưng Thiên Chúa chỉ chiếm một phần trong cuộc sống của họ.
Trái lại, bà góa cho thấy một người có niềm tin đích thật. Bà đã dâng hết tất cả những gì bà có. Bà thực hiện giới răn đứng đầu trong số các giới răn mà Chúa Giêsu đã chọn:
“Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. (Mc 12, 29-30).
Một sự thật đáng buồn là có vô số kitô hữu chỉ mang danh kitô hữu mà thôi. “Đức tin” của họ không gì hơn là một sự tình cờ của cuộc đời. Họ được rửa tội khi mới sinh, được gia nhập Giáo Hội, và thế rồi đã trở thành “Kitô hữu” hay “người công giáo.” Điều này khác xa với cách hiểu về đức tin của Chúa Giêsu. Với Chúa Giêsu, đức tin có nghĩa là sự hoán cải cá vị. Chìa khóa của đức tin phải là tự mình chọn đức tin cho chính bản thân mình. Đức tin cho thấy họ là ai và điều họ tin quan trọng thế nào.
Trong Giáo Hội Công Giáo, bí tích Thêm Sức thường được liên kết với việc cá nhân chọn lựa để dấn thân trở thành một Kitô hữu. Nhưng, những người lãnh nhận bí tích này có thực sự hiểu như thế, hay đây chỉ là một minh chứng cho thấy đức tin là một “hệ thống”? Chỉ việc xếp hàng và lãnh nhận các bí tích. Nhiều khi những người trẻ gặp khó khăn khi dấn thân trong đời sống đức tin của mình. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Khả năng dấn thân của chúng ta chỉ bắt đầu vào thời niên thiếu. Nếu từng lứa tuổi đều gặp phải những bối rối, thì đức tin cũng không ngoại lệ. Có lẽ, câu hỏi quan trọng thời niên thiếu là liệu tôi có đang cố gắng lớn lên trong đức tin hay không? Tôi có sống các giá trị của đức tin không? Tôi đang tìm kiếm thời gian để cầu nguyện? Tôi đang tìm đáp án cho các câu hỏi của tôi? Đối với nhiều người, đây là thời gian chuẩn bị nền tảng cho sự dấn thân trong tương lai. Trong khi đó, cũng có những người đã và đang dấn thân rồi!
Trong ngày hôm nay, chúng ta dừng lại để nhìn đời sống đức tin cũng như tương quan giữa ta với Chúa. Nếu như ta tin Chúa thật thì chả bao giờ ta bỏ cha mà đi hay đòi chia gia tài khi Cha còn sống.
Rồi, ta nhìn lại ngày sống của ta với Chúa.
Ngày hôm nay, bỏ Lễ, nhạt nhẽo với đạo giáo là điều đáng báo động trong cuộc đời. Vì không tin Chúa nữa nên chuyện bỏ Lễ Chúa Nhật xem chừng là chuyện quá sức bình thường với người Kitô hữu. Kèm theo đó, chuyện kinh hạt, cầu nguyện, tham dự các giờ phụng vụ như Chầu Thánh Thể … hoàn toàn không thấy mặt chúng ta.
Chúng ta là cha là mẹ, đời sống đức tin nhạt nhòa như thế thì con cái cũng sẽ ảnh hưởng theo.
Chúng ta đặt mình trước mặt Chúa để xem lại tương quan giữa ta với Chúa.
Lm Anton Tuệ Mẫn