BIỂN ĐỔI ĐỜI MÌNH

BIỂN ĐỔI ĐỜI MÌNH

SUY NIỆM - Feb 23/02/2019

Thứ Bảy Mùa Thường Niên 

 BIỂN ĐỔI ĐỜI MÌNH

          Sau khi loan báo về cuộc Thương khó và Phục Sinh lần thứ nhất, Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ và các môn đệ, là những người đi theo Ngài về Thập Giá, về Từ bỏ. Sau đó Ngài liền củng cố ngay niềm tin cho các Tông đồ bằng biến cố hiển dung như một lời trấn an trước đau khổ, Thập giá và cái chết, hơn nữa như một lời khẳng định : chỉ có con đường Thập giá mới dẫn tới cuộc sông vinh quang Phục sinh. Giơ đây, chúng ta hãy cùng ba môn đệ lên núi, chiêm ngắm cuộc biến đổi kỳ lạ này để học được tâm tình của Chúa Giêsu.

          “Núi cao” ý nói vinh quang Thiên Chúa sẽ được tỏ hiện trên đó và đúng thế “ Người biến dổi hình dạng trước mắt các ông”. Đây chính là mục đích mà Chúa Giêsu dẫn ba ông đi riêng ra, tách biệt khối nhóm 12. Sự biến đổi của Ngài được miêu ta phủ đầy ánh sáng chói loà. Ánh sáng trắng ấy không có thợ nào ở trần gian làm được. Đây chính là vẻ huy hoàng từ nơi Thiên Chúa, ánh sáng chiếu dọi của Con Chiên trong sách Đaniel và sách Khải Huyền.

          Và rồi ta thấy cùng lúc ấy, các ông thấy Môsê và Êlia xuất hiện, trò chuyện với Chúa Giêsu. Hai vị thuộc thế hệ Cựu Ước, đại diện cho lề luật và các Ngôn sứ, có ảnh hưởng rất lớn đối với người Do Thái. Hai vị đàm đạo với Chúa Giêsu về cuộc vượt qua của Ngài tại Giêrusalem (Lc 9,31 )

          Như thế, ta thấy ý nói toàn bộ lề luật và các Ngôn sứ; nói đúng hơn toàn bộ Kinh Thánh đều qui về Chúa Giêsu và làm chứng rằng Chúa Giêsu là người hoàn tất mọi lời hứa về Đấng Mêsia. Ngài là Người Tôi Tớ đau khổ trong Isaia,  là Đấng Mêsia, Đấng Cứu độ nhân loại ẩn mình. Ngài chính là Thiên Chúa đến gánh tội trần gian (Ga 1,29 ), là Đấng Trung gian đưa Thiên Chúa đến với con người và qui tụ con người đem về cùng Thiên Chúa.

          Lúc này, Phêrô theo cảm tính đã bày tỏ tâm tình muốn ở lại trong vinh quang này mãi. Ông thưa rằng : Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay. Ông không biết ý kiến của hai ông kia thế nào, nhưng ông cảm thấy ý của mình có lẽ là tốt nhất, tuyệt vời nhất. Nếu Chúa đồng ý, ông sẽ dựng ba cái lều cho ba vị, còn ông và các bạn không cần chốn nương thân. Thấy sự lúng túng và chỗ hổng này, Thánh Sử Maccô viết một câu như muốn biện minh cho câu nói thiếu hụt ấy : Ông không biết phải nói gì vì kinh hoàng. Qua câu này, chúng ta lại thấy rõ hơn vẻ huy hoàng chói lọi toát ra từ con người Giêsu, một con người cùng ăn cùng uống “ người trần mắt thịt” mà nay đột nhiên biến đổi kỳ diệu, đến nỗi người môn đệ cùng sống với Ngài đã thốt lên những lời vô nghĩa, còn hai ông kia không nói được gì cả.

          Ta thấy Chúa Giêsu đưa ba tông đồ thân tín lên đỉnh núi, biến hình cho họ thấy cảnh vinh quang của nước Chúa. Việc Chúa Giêsu biến hình có mục đích là củng cố đức tin và đức cậy của các tông đồ, trong viễn tượng của cuộc khổ hình và thánh giá. Giáo Hội coi việc tổ phụ Ápraham sẵn sàng hiến tế con mình làm lễ vật hi sinh là hình bóng của lễ vật hi sinh của Chúa Giêsu làm của lễ đền tội cho nhân loại.

          Hết sức thực tế, ta thấy để thử thách đức tin của Áp-ra-ham, Thiên Chúa muốn ông dâng con mình, là Ixaác làm lễ vật toàn thiêu, một người con duy nhất mà Chúa đã hứa cho ông bà, khi bà xã ông là Sara sinh con lúc bà đã cằn cỗi (St 18, 12), còn ông được xấp xỉ một trăm tuổi xuân (St 21, 5). Và rồi qua đức tin, nhờ đức tin Ápraham sẵn sàng chấp nhận hi sinh hiến tế con mình mặc dù đã nhận được lời hứa là nhờ I-xa-ác mà ông sẽ có được một dòng dõi (St 21, 12). Kết quả là Chúa sai sứ thần bảo ông dừng tay lại và còn hứa cho dòng dõi ông trỏ nên đông đúc như sao trời và cát biển (St 22, 17).

          Từ trên núi xuống, Chúa ra lệnh cho bộ ba tông đồ không được thuật lại cho ai nghe những điều họ vừa xem thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại (Mc 9:9). Các tông đồ tuân giữ lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì? Từ đó các tông đồ quan sát và suy niệm những cảnh chống đối và lăng nhục xẩy ra như: Thày mình bị bách hại trong vườn cây dầu, bị dân chúng lăng nhục, nhạo cười, bị quân lính tra tấn và đánh đòn, cuối cùng chịu đội mão gai, vác thánh giá và chịu chết trên thập giá. Những cảnh bách hại và nhục mạ Thày mình phải chịu khiến các tông đồ nản lòng, khiếp sợ. Họ nản lòng vì cái chết của Thày mình đã làm tiêu tan những mối hi vọng của họ. Họ khiếp sợ vì bị người Do Thái truy nã, bách hại. Rồi khi được loan tin là Thày mình đã sống lại họ trở nên hoang mang, không biết đâu là thực hư.

            Ngày nay, mỗi người chúng ta được biến đổi hàng ngày. Chúng ta thường chú ý về những biến đổi về thể xác, về kiến thức, về địa vị, danh vọng… Có bao giờ chúng ta để ý chăm chút, nuôi dưỡng để biến đổi về tâm hồn, về đời sống tâm linh của chúng ta chưa?. Nếu chưa, chúng ta hãy mau đến với Bí Tích Thánh Thể, nơi đó chính Chúa Giêsu sẽ dạy chúng ta cách biến đổi theo ý Chúa Cha, biến đổi để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng vời Con Chí Ái của Người là Đức Giêsu Kitô khổ nạn và Phục Sinh. 

Tuệ Mẫn