Tuần 51: Sách Isaia II

Tuần 51: Sách Isaia II

Thánh Kinh 100 Tuần - Mar 24/03/2014

Tuần 51: Sách Isaia II

(Chương 40-48)

Câu hỏi đặt ra là tại sao đã đọc sách Isaia từ trước, bây giờ lại quay lại? Bắt đầu từ Isaia 40,1 chúng ta được đưa vào bối cảnh mới là thời điểm chấm dứt cuộc lưu đày Babylon (539 trước Công nguyên), và những lời sấm được trình bày trong những chương sau này mang một cung giọng khác với các chương 1-39. Vì thế những chương sau này được gọi là Isaia II hay Sách an ủi. Các chương sau này có thể được chia thành hai phần chính: phần thứ nhất (40-48) chủ yếu nói đến cuộc giải thoát khỏi cảnh lưu đày Babylon, phần thứ hai (49-55) nói về việc khôi phục Sion. Một số chủ đề lớn sẽ được đề cập tới ở đây.

I. LOAN BÁO NGÀY GIẢI THOÁT (40,1-11)

Chủ đề chính ở đây là sự giải thoát Israel khỏi cảnh lưu đày. Trong Ezra 1, biến cố giải thoát này được gán cho Kyrô vua Ba Tư vì ông đã ra chiếu chỉ cho phép dân hồi hương. Nhưng ở đây tiên tri Isaia làm nổi bật nguyên do sâu xa của ơn giải thoát là chính Thiên Chúa, Đấng tuyên bố rằng “Thời phục dịch của Giêrusalem đã mãn, tội của Thành đã đền xong” (câu 1). Vì thế, cuộc giải thoát này làm nổi bật quyền năng và vinh quang Đức Chúa. Ai cũng nghĩ Babylon hùng mạnh lắm nhưng thực ra cũng không hơn gì hoa cỏ ngoài đồng, chỉ có lời Thiên Chúa đời đời bền vững, “Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí Đức Chúa thổi qua… nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững” (câu 7-8).

Trong Tân ước, thánh Matthêu và Gioan trích dẫn Is 40,3 “có tiếng hô trong sa mạc” để áp dụng cho thánh Gioan Tẩy giả (Mt 3,3 và Ga 1,23). Cách trích dẫn này giúp ta hiểu vai trò của Gioan Tẩy giả là loan báo và chuẩn bị cho hành động cứu độ mà Thiên Chúa sẽ thực hiện cho nhân loại nơi Chúa Giêsu Kitô.

II. CUỘC XUẤT HÀNH MỚI (43,14-44,5)

Is 43,15-21 là lời sấm về việc dân Israel sẽ được giải thoát khỏi cảnh lưu đày bên Babylon, và lời sấm này được xây dựng dựa trên biến cố Xuất Hành:

“Đây là Lời Đức Chúa,
Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương,
Một lối đi giữa sóng nước oai hùng,
Đấng đã cho xuất trận
Nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng:
Tất cả đã nằm xuống và không còn trỗi dậy,
Đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn” (43,16- 17)

Xuất hành là biến cố trung tâm của lịch sử Israel, cũng là tâm điểm niềm tin của Israel. Qua cuộc Xuất hành, Thiên Chúa tạo dựng dân Israel. Nhưng trong lời sấm của tiên tri Isaia, dân Israel được nhắc nhớ: “đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước” vì “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy sao?” (43,17).

Như thế, Xuất hành không chỉ là biến cố của quá khứ mà là biến cố của hôm nay. Xuất hành trở thành mẫu mực cho hành động của Thiên Chúa trong lịch sử và trong từng giây phút hiện tại. Điều quan trọng không phải là những gì Thiên Chúa đã làm thời Môsê mà là những gì Thiên Chúa làm hôm nay. Vì vậy Isaia khuyến khích ta đọc lại câu chuyện Xuất Hành để áp dụng cho chính hoàn cảnh hiện tại.

III. CUỘC XUẤT HÀNH VÀ ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Phụng Vụ Chúa nhật V Mùa Chay (năm C) chọn lời sấm trên đây của tiên tri Isaia làm bài đọc I và trình thuật về người nữ ngoại tình (Ga 8,1-11) làm bài Tin Mừng. Việc kết hợp hai bài đọc cho ta một cái nhìn mới về câu chuyện Tin Mừng. Thiên Chúa là Đấng luôn mở cho con người cánh cửa đi về phía tương lai. Ngài đã mở cánh cửa hi vọng cho dân lưu đày, và Ngài cũng mở cánh cửa hi vọng cho người nữ ngoại tình, “Tôi không lên án chị đâu! Hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Niềm tin vào Thiên Chúa của hi vọng, Thiên Chúa của tương lai không cho phép ta tuyệt vọng trong bất cứ hoàn cảnh nào, không cho phép ta khoá chặt mình trong những mặc cảm tội lỗi, nhưng luôn mời gọi ta đứng dậy và đi về phía đằng trước. Hơn ai hết, thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu sắc chân lý này khi ngài viết, “Tôi chỉ chú ý đến một điều là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích để chiếm được phần thuởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Phil 3,13-14). Đồng thời, trong mối quan hệ với người khác, ta cần học với Chúa cách ứng xử này, là không bao giờ khóa chặt anh em mình trong những định kiến về họ hoặc những lỗi lầm của họ, nhưng phải mở cho họ một cánh cửa đi về phía tương lai. Cuộc sống sẽ đẹp biết bao nếu con người biết đối xử với nhau như thế.

Cuộc xuất hành mới mà tiên tri Isaia loan báo cho dân lưu đày còn giúp người Kitô hữu ý thức về cuộc xuất hành nội tâm của chính mình. Dân Israel đã được giải thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập nhưng rồi họ lại tiếp tục rơi vào tình trạng nô lệ khác khi họ rời bỏ Thiên Chúa của giao ước để chạy theo các thần ngoại lai. Vì thế họ cần một cuộc xuất hành mới, ban tặng tự do mới, tự do đích thực. Mỗi Kitô hữu cũng có kinh nghiệm tương tự trong đời sống. Đã được trở nên tạo vật mới trong bí tích Thánh Tẩy nhưng ta lại tiếp tục làm nô lệ cho những đam mê và dục vọng xấu. Vì thế ta cần phải tham dự vào cuộc xuất hành mới được hoàn thành trong Chúa Giêsu chịu đóng đinh, cuộc xuất hành ban tặng cho ta sự tự do nội tâm đích thực. Mùa Chay là thời gian đặc biệt hằng năm để ta ý thức và sống lời mời gọi này.