Tuần 81: (Tuần 6 phần Tân Ước) Thư thứ nhất Côrintô (chương 8 – 12)

Tuần 81: (Tuần 6 phần Tân Ước) Thư thứ nhất Côrintô (chương 8 – 12)

Thánh Kinh 100 Tuần - Mar 24/03/2014

TUẦN 81 (Tuần 6-Tân Ước)

THƯ 1 CÔRINTÔ
(chương 8-12)

I. CỬ HÀNH BỮA TỐI CỦA CHÚA (11,17-34)

Sự kiện: những lạm dụng trong cộng đoàn khi cử hành Thánh Thể (11,17-22). Các tín hữu Côrintô không tụ họp để cử hành bữa tối của Chúa cho đúng nghĩa. Cụ thể là có sự chia rẽ trong cộng đoàn (câu 18). Đồng thời, đức ái bị vi phạm trầm trọng khi mỗi người chỉ lo ăn bữa riêng của mình, hậu quả là người thì đói, kẻ lại say sưa (câu 21).

Nền tảng giáo thuyết: bài tường thuật việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể (11,23-27). Trước khi tường thuật việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể, thánh Phaolô nhấn mạnh đây là điều ngài đã nhận lãnh và bây giờ ngài truyền lại (câu 23). Khẳng định này nói lên tầm quan trọng của truyền thống trong Giáo Hội. Tiếp đó, khi vào bài tường thuật, cũng như Tin Mừng nhất lãm, thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự phản bội của các môn đệ. Sự phản bội này cùng với những yếu đuối của con người đã dẫn đến việc Chúa Giêsu bị nộp (câu 23). Phải chăng những lạm dụng của cộng đoàn Côrintô cũng là một thứ phản bội mệnh lệnh của Chúa?

Trong phần chính của bài tường thuật, thánh Phaolô nhấn mạnh cụm từ “vì anh em” (câu 24), và như thế, làm nổi bật ý nghĩa đích thực của cử hành Thánh Thể. Bất cứ khi nào các tín hữu họp nhau để cử hành bữa tối của Chúa, là họ thi hành mệnh lệnh của Chúa “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (câu 24 & 25). Và khi làm như thế, họ vừa nhớ lại cái chết của Người, đồng thời trông mong Người ngự đến trong vinh quang. Ba chiều kích thời gian hoà chung với nhau: quá khứ (bữa Tiệc Ly và sự chết của Chúa), hiện tại (cộng đoàn cử hành) và tương lai (Ngày Chúa quang lâm). Chính vì thế, các tín hữu phải lo chuẩn bị để cử hành Thánh Thể cách xứng đáng.

II. CÁC ĐẶC SỦNG VÀ ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN (12,1 – 14,40)

Thánh Phaolô nhấn mạnh, tuy có nhiều ân huệ thiêng liêng nhưng chỉ có một nguồn gốc là Thánh Thần và một mục đích là phục vụ ích chung: “Có nhiều hoạt động khác nhau nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thánh Thần tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì ích chung” (câu 6 & 7). Đây là tiền đề dẫn thánh Phaolô đến chỗ so sánh cộng đoàn như một thân thể (12,12-31).

Hình ảnh thân thể vừa diễn tả tính duy nhất vừa trình bày tính đa dạng của cộng đoàn. Thân thể cần đến sự đa dạng của các chi thể, đồng thời mỗi chi thể lại tuỳ thuộc vào sự phối hợp của các chi thể khác, có thế toàn bộ thân mình mới hoạt động được. Hình ảnh này được thánh Phaolô vận dụng để trình bày về Hội Thánh: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (câu 27). Ân huệ Thiên Chúa ban xuống trên Giáo Hội rất đa dạng, từ ơn làm tông đồ cho đến ơn nói tiếng lạ, nhưng tất cả các ân huệ đều phải phối hợp với nhau nhằm phục vụ ích chung. Lưu ý một điều là trong khi các tín hữu Côrintô đề cao ơn nói tiếng lạ và coi đó như ân huệ quan trọng nhất, thì thánh Phaolô lại xếp ơn này vào hàng cuối cùng!

Từ đó, thánh Phaolô viết đoạn văn nổi tiếng: Bài ca đức ái (13,1-13). Cần nhớ rằng thánh Phaolô mô tả đức ái như ân huệ của cộng đoàn, và là con đường nền tảng, tuyệt hảo. Ngài đã viết trong thư Rôma, “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (5,5). Đó là ân huệ căn bản và lớn lao nhất. Không có tình yêu, mọi ân huệ khác đều vô nghĩa. Để cụ thể hoá, thánh Phaolô nói đến ba ân huệ: nói được các thứ tiếng, nói tiên tri, làm việc bác ái, nhưng nếu không có đức ái thì tất cả đều vô ích (câu 1-3):

“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, nhưng nếu không có đức ái, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và biết được hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được đức tin mạnh mẽ đến chuyển núi dời non, nhưng nếu không có đức ái, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, nhưng nếu không có đức ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi”.

Sau đó ngài mô tả những đặc tính của tình yêu đích thực (câu 4-7):

“Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.

và sự bền vững của đức ái (câu 8-12):

“Đức ái không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi… Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức ái, cả ba đều tồn tại nhưng cao trọng hơn cả là đức ái”.

Đức ái là ân huệ thiết yếu làm cho cộng đoàn xứng với danh nghĩa là Kitô hữu. Đức ái là chuẩn mực để đánh giá những ân huệ khác, vì mọi ân huệ được ban cho là nhằm xây dựng cộng đoàn (14,1-5). Từ đó thánh Phaolô áp dụng vào đời sống cụ thể của cộng đoàn (14,6-19) và đưa ra những quy luật thực tiễn (câu 26-39).