Ẩm thực ngày Tết của một số quốc gia

Ẩm thực ngày Tết của một số quốc gia

Mùa Xuân - Mar 24/03/2014

Thịt mỡ, dưa hành, bánh trưng xanh… luôn là những món ăn truyền thống của người Việt Nam mỗi khi tết đến xuân về.

Thịt mỡ, dưa hành, bánh trưng xanh… luôn là những món ăn truyền thống của người Việt Nam mỗi khi tết đến xuân về. Cũng như ở Việt Nam, tại một số nước trên thế giới người dân rất chú trọng tới văn hóa ẩm thực ngày Tết. Ăn Tết làm sao cho an toàn, đủ chất dinh dưỡng và hơn nữa, thức ăn còn mang đến cho họ nhiều hy vọng thành công trong năm mới.
 
Trung Quốc:
Xủi cảo là món ăn phổ biến ngày Tết, được giới doanh nhân ưa chuộng nhất. Họ ăn loại bánh này trong ngày Tết không chỉ lấy ngon mà còn hy vọng nó sẽ đem lại nhiều điều may mắn cho việc kinh doanh sau này. Ở Trung Quốc, thứ gạo được chế biến trong ngày Tết để cho nhiều người ăn cảm thấy may mắn là gạo trắng và gạo nếp. Người làm kinh doanh quan niệm rằng, khi ăn hai loại gạo trên sẽ gặp được nhiều cơ hội giao thương trong năm mới. Ngoài ra, hai loại gạo này cũng khiến cho người ăn dễ "cầu được ước thấy" trong các chuyện làm ăn.

Mông Cổ:
Hầu hết các món ăn cho ngày Tết đều chế biến từ sữa. Người Mông Cổ còn có tục uống trà đầu năm. Giờ giao thừa, người ta pha trà rót ra chén thứ nhất đem ra sân trước nhà vẩy khắp bốn phương, đến chén thứ hai dành cho chủ nhà và sau đó đến mọi thành viên trong gia đình.

Hàn Quốc:
Những ngày đầu xuân ở nước này, có nhiều món ăn được làm từ gạo và khoai tây. Có một điều đặc biệt là, món thịt chó vốn được xem là món khoái khẩu của người dân Hàn Quốc lại không được  xem là món ăn truyền thống trong ngày Tết; trong khi kim chi là món ăn cổ truyền, đồng thời cũng là món ăn thường ngày của người Hàn Quốc vẫn được dùng đến. Dùng món này nhiều trong năm mới, mọi người cảm thấy sẽ có nhiều điềm lành hơn, đặc biệt là đối với giới doanh nhân.
Ngoài ra, tok và garettok cũng là hai món ăn bắt buộc trong ngày Tết ở Hàn Quốc. Đây là các món ăn từ các loại thịt gia súc và gia cầm, chế biến bằng cách đem chiên. Sau bữa ăn, mọi người thường uống poricha, được làm từ trà pha chế với bột lúa mạch. Riêng loại rượu gui balki sool là thức uống bắt buộc trong ngày Tết, ai cũng phải uống dù ít hay nhiều để lấy may mắn. Người Hàn Quốc còn có quan niệm cho rằng các món trên khi tự tay chế biến sẽ mang lại nhiều tài lộc hơn là đi mua.

Indonesia:
Ngày Tết thường các món bánh tựa như cây bánh tét ở xứ ta. Họ dùng gạo tẻ đem gói lá dừa rồi hấp chín. Ngoài ra, còn có các món sate hay gulai làm bằng ruột dê hay bò với thịt, mỡ, đậu rang tán nhỏ cùng các gia vị như: Chanh, muối, ớt, hành khô… Còn món ren đan (món thịt kho với nước dừa) và món đen đan (thịt thái nhỏ ướp muối rồi phơi khô) khi ăn đem rán rồi dầm vào dấm và nước tương ớt.

Ấn Độ:

Người theo Ấn Độ giáo và giới doanh nghiệp nước này thường tổ chức đón năm mới vào ngày Lễ hội Ánh sáng (Diwali). Lễ hội này thường diễn ra vào ngày 25.10 hằng năm. Khi màn đêm buông xuống, người dân Ấn Độ bắt đầu đốt đèn, bắn pháo hoa và vui mừng đón một năm mới. Lễ hội trên bắt nguồn từ sự trở về của thần Rama, đem sức mạnh và ánh sáng cho nhân loại. Trong những ngày này, mọi người trao quà lưu niệm, đồng thời chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

Món ăn trong ngày Tết ở Ấn Độ là các loại trái cây đắng để cầu lấy điều may mắn. Ngoài ra, người dân Ấn Độ tin tưởng rằng, ăn món này sẽ đuổi được nhiều ma quỷ thường quấy quả họ trong công việc làm…Các món của họ ngày thường đã cay, nhưng ngày Tết thì độ cay… hết chê! Bánh kẹo thì thật ngọt. Họ còn có tục uống trà pha sữa trâu có bỏ nhiều đường và gừng tươi vào cho thơm và uống lúc còn nóng.

MaRốc:
Bữa cỗ đầu năm có những món đặc biệt như: Bánh Baxtilat (bánh nhồi một con chim bồ câu kèm theo hạnh nhân, trứng rán, gia vị có nhiều tiêu và riềng). Họ thích uống trà bằng cả hai ấm, một ấm bằng một loại trà hảo hạng, còn ấm kia chứa nước thơm như bạc hà, ngải cứu. Chủ nhà lần lượt rót trà rồi cho thêm nước thơm vào cốc để đãi khách.

Tây Ban Nha:
Đêm giao thừa, hễ nghe thấy đồng hồ gõ một tiếng thì lấy một hột nho bỏ vào miệng nhai cho thật nát. Nhai như vậy họ cho là năm mới đã cầu được sự bình yên và phúc thọ.

Hoà Lan:
Người dân nước này thích làm bánh nướng bằng trái nho khô. Đây là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết.

Ả rập:
Các quốc gia Ả Rập có tục uống trà đen pha đường cho thật nóng và thường bỏ vào chén trà một vài lá húng cho thơm. Bánh kẹo thì được chế biến cực kỳ ngọt. Còn các món ăn mặn có thịt cừu, nhà sang thì quay nguyên cả con, moi hết ruột cho nhồi vào bụng cừu nào là: Gạo, lạc, đậu Hà Lan và nhiều thứ hương liệu. Thịt cừu rán ăn với rau thơm, cà chua sống, dưa chuột và quả ôliu muối.

Nga:
Bàn cỗ đầu năm luôn có bánh nướng cổ truyền rất ngon. Bánh nướng cổ nhất là bánh “Culebeác”. Món bánh nướng này là niềm tự hào của các bà nội trợ Nga vì theo câu tục ngữ Nga “Nhà đẹp không phải do đồ đạc trưng bày mà nhờ có bánh nướng để đãi khách”. Chiếc bánh nướng truyền thống đó chỉ xuất hiện trên mâm cỗ vào ngày Tết.

Lào:
Tết của Lào thường diễn ra trễ hơn, vào giữa tháng 4 dương lịch, khi bầu trời thanh cao, các dòng sông lớn ở đây đều dồi dào nước tượng trưng cho một năm mới nhiều lộc.
Trong ngày Tết, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân. Theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa lộc. Lạp ở đây thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi, sau đó đem trộn với gia vị. Đặc biệt, món này mà không có thính thì sẽ làm giảm hương vị độc đáo của chúng. Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, món lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu, vì nếu món này trong ngày Tết mà không ngon thì họ thường ví năm mới làm ăn có nhiều điềm xui. Lạp thường được ăn với xôi nóng.
Theo nhiều chuyên gia văn hóa Lào thì lạp được xem như là "linh hồn" của người Lào trong năm mới. Người ta có thể tặng nhau món lạp thay lời chúc may mắn đầu năm. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều tài lộc…

Nhật Bản:
Những ngày đầu năm ở Nhật Bản, các món không thể thiếu trong mỗi bữa ăn đó là các sản phẩm được chế biến từ đậu đen, cá và các loại hải sản khác nhau.
Theo quan niệm của người Nhật Bản, cá gần gũi với cuộc sống của con người và loại này cũng rất thông minh. Vì vậy, khi ăn các loại động vật trên sẽ giúp cho con người năng động hơn, tâm trí sẽ sáng suốt trong công ăn việc làm. Ngoài các món trên, trong ngày Tết còn có nhiều loại nước sốt được làm từ các loại đậu để chấm các loại bánh, chả và cá nướng. Thực phẩm để ăn cùng với nước sốt và gỏi cá là các loại bánh, mì sợi được chế biến từ các loại gạo.
Người dân Nhật Bản thường tâm niệm rằng, các sản phẩm được làm từ gạo là món ăn gốc để làm nên cội nguồn thành đạt ở mỗi con người. Các loại bánh được làm từ gạo thường có tên là omochi. Tất cả những món ăn trong năm mới thường được bảo quản trong những chiếc hộp quét sơn đỏ. Hộp gói thức ăn càng đẹp bao nhiêu thì niềm hy vọng bội thu trong năm mới càng lớn bấy nhiêu.

Sưu tầm và tổng hợp