Là một phụ nữ Công giáo, người mẹ, giáo viên và nhà hoạt động, bà Marguerite là một người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ khác; nhưng khi phải đối diện với một tình huống xấu xa khủng khiếp, bà đã đáp lại bằng một cử chỉ anh hùng mà thực tế hiếm người có thể làm như vậy.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1993, bà Marguerite nuôi 7 đứa trẻ tại Tòa giám mục của Giáo phận Ruyigi ở Burundi, vùng biên giới với Rwanda. Sự bình yên đã bị phá vỡ do căng thẳng sắc tộc kéo dài bùng phát thành một vụ thảm sát đẫm máu. Chỉ trong ba tháng, cuộc diệt chủng ở Rwanda đã làm cho một triệu người Tutsi bị giết hại tàn nhẫn, nửa triệu phụ nữ bị tấn công tình dục. Sau đó tình hình đảo ngược, người Tutsi ở Burundi đã tấn công người Hutu.
Trong tuyệt vọng tôi nhớ Ngài luôn ở bên tôi
Vào ngày 24 tháng 10 năm 1993, một đám đông người Tutsi tấn công nơi bà làm việc. Bà tìm cách che giấu những đứa trẻ Hutu, nhưng đám đông đã tìm thấy cha mẹ của chúng và giết hết, trong khi bà buộc phải chứng kiến. Họ đánh và tra tấn bà, bắt bà chỉ nơi trú ẩn của những đứa trẻ, nhưng bà cương quyết từ chối. Bà thú nhận: “Nếu không phải là Kitô hữu, tôi không biết mình có thể vượt qua nỗi kinh hoàng đó được không. Tôi nghĩ đến Chúa Giêsu, Ngài đã chết trên thập tự giá. Khi tôi muốn tuyệt vọng, tôi nhớ rằng Ngài luôn ở bên tôi”.
Tin tưởng nơi Chúa
Ngày đó đã thay đổi cuộc đời của Marguerite. 25 đứa trẻ Hutu vẫn được giấu kín và sống sót sau vụ thảm sát, nhưng mồ côi. Ai có thể chăm sóc chúng? Bà không thể bỏ rơi chúng. Bà giấu chúng trong một ngôi trường gần đó và chăm sóc chúng. Sau đó, ngày càng có nhiều trẻ em tìm đến bà. Chẳng mấy chốc, công việc của bà trở thành nơi trú ẩn an toàn cho tất cả trẻ em. Có những ngày bà cũng gặp khó khăn về thức ăn, nhưng bà tin Chúa sẽ chăm sóc chúng.
Nhà hòa bình
Khi các em lớn lên, bà quyết định thành lập một cơ sở với tên gọi Maison Shalom, Nhà hòa bình, đón tiếp trẻ em thuộc mọi dân tộc,Tutsi, Hutu và Twa. Nhà hòa bình đã trở thành một nơi trú ẩn cho trẻ mồ côi. Rồi sau đó, như bà nói bà không muốn chỉ tạo ra một trại trẻ mồ côi. Vì thế, bà làm thư viện, trường học, ngân hàng tín dụng vi mô, nhà hàng … Bà muốn cho các em có cơ hội lớn lên trong một cộng đồng vững mạnh. Bà yêu thích giáo dục, đối với bà, không chỉ là giáo dục kiến thức, mà còn giáo dục nhân bản. Bà trích dẫn một nói của Nelson Mandela: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất có thể được sử dụng để thay đổi thế giới".
Nhà hòa bình tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu cộng đồng địa phương. Trong nhiều năm, ngay sau cuộc diệt chủng, đây là một nơi ở Burundi mà người Hutu và Tutsi sống chung hòa hợp. Kể từ khi mở cửa, hơn 20.000 trẻ đã được hưởng lợi. Tổ chức đã phát triển trên quy mô lớn. Bà Marguerite tạo công việc cho hơn 270 người, gồm các nhà tâm lý học, y tá và nhà giáo dục cho trẻ em.
Trong những năm gần đây, công việc của bà Marguerite đã có một bước ngoặt lớn khi bà tham gia vào một cuộc biểu tình ôn hòa chống Tổng thống Burundi vào năm 2015. Bà bị đe dọa và phải chạy trốn. Tại Rwanda bản thân là một người tị nạn như nhiều người khác mà bà đã giúp đỡ. Tuy nhiên, Marguerite không mệt mỏi, đã nhanh chóng mở một chi nhánh của Maison Shalom ở Rwanda. Năm 2016, bà đã được trao giải Aurora về sự thức tỉnh của con người, với số tiền một triệu đô la, bà để tiếp tục nỗ lực cho các hoạt động nhân đạo.
Tin vào Chúa quan phòng
Khi thực hiện sứ mệnh của mình, Marguerite tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, bà ý thức rằng mọi việc mình làm đều đến từ Chúa. Bà nói: "Đó không phải là công việc của tôi. Tôi chắc chắn rằng Maison Shalom là một thông điệp đến từ Thiên Chúa. Nó cho chúng ta một điều răn: Hãy yêu thương nhau. Chúng ta không thể sống một mình và thờ ơ. Chúng ta phải là những người hòa giải. Với Chúa, chúng ta có thể biến thế giới này thành một thiên đường. Đó là một ơn gọi cao siêu, yêu thương, từ bi, phân phát niềm vui. Chúng ta xây dựng một thế giới nơi mà mọi người sống như anh chị em”.
Ngọc Yến – Vatican News