BIẾN ĐỔI NHƯ CHÚA

BIẾN ĐỔI NHƯ CHÚA

SUY NIỆM - Feb 22/02/2020

Mc 9, 2-13

BIẾN ĐỔI NHƯ CHÚA

           Chúa biến hình trên núi nhằm củng cố niềm tin cho các tông đồ.

            Thật vậy, đứng trước thập giá, khổ đau và cái chết, chẳng có ai lại không lo sợ, hoang mang, thậm chí thất vọng. Sợ rằng các tông đồ không thể đứng vững để chứng kiến cái chết tủi nhục đau thương của mình, Chúa Giêsu đã cho các ông nếm trước vinh quang phục sinh. Được chứng kiến Chúa biến hình trên núi cao, Phêrô đã cảm nghiệm được hạnh phúc lớn lao nên quên tất cả mọi thứ. Ông nói với Chúa: “Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là hay! Nếu Ngài muôn con xin dựng tại đây ba cái lều: một cho Chúa, một cho Môsê, và một cho Êlia”.

            Và khi dừng lại, ta thấy thật ra ông nói thế, nhưng ông chẳng hiểu mình nói gì bởi niềm hạnh phúc đã làm cho ông quên đi thực tại. Hy vọng niềm hạnh phúc lớn lao được chiêm ngưỡng trước vinh quang của Chúa phục sinh sẽ giúp các ông vượt qua khó khăn để đặt trọn niềm tin vào Chúa.

            Và rồi ta thấy việc Chúa biến hình trả lời cho ý nghĩa của đau khổ, thập giá và cái chết. Quả vậy, nhiều người cho rằng đau khổ, thập giá và cái chết hoàn toàn vô nghĩa, thậm chí là thất bại thảm hại nhất của con người. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, đau khổ, thập giá, vài cái chết không phải là đường cùng ngõ cụt, nhưng là cánh cửa mở ra cho sự phục sinh vinh quang. Chính Chúa Giêsu đã tiên báo cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang cho các tông đồ: “Con người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị các kinh sư loại bỏ, chịu đau khổ và chịu chết, sau ba ngày mới sống lại”.

            Chúa Giêsu hẳn nhiên là biết trước con đường đau khổ phải chịu và tự nguyện đón nhận đau khổ, cho dù Ngài có thể từ chối thập giá và cái chết: “Lạy Cha, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha” và rồi Chúa đã chấp nhận vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá vì tội lỗi của nhân loại. Chứng kiến đau khổ, thập giá và cái chết của Chúa Giêsu, các tông đồ hiểu được rằng: phải trải qua đau khổ, thập giá, và cái chết mới đạt tới vinh quang phục sinh.

            Sau hết, ta thấy Chúa biến hình mời gọi các tông đồ không ngừng biến đổi cuộc đời nên giống Chúa Giêsu làm đẹp lòng Chúa Cha, biến đổi bằng việc tuân giữ lời của Chúa Giêsu như Chúa Cha đã căn dặn: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.” Như thế, để được biến đổi, các tông đồ phải cố gắng nên giống Chúa Giêsu, sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa; nỗ lực vâng nghe lời Chúa Giêsu.

            Thật vậy, Chúa Giêsu đã làm đẹp lòng Chúa Cha ở thái độ hoàn toàn vâng phục, vâng phục trong điều tốt lành, thuận lợi; vâng phục trong khó khăn thử thách và thậm chí là cái chết. Biết rõ thập giá, khổ đau và cái chết đang chờ, Chúa Giêsu vẫn can đảm đón nhận thánh ý Chúa Cha. Ngài không chạy trốn thập giá, khổ đau và cái chêt. Ngài chấp nhận mọi sự để cho thánh ý Chúa Cha dược thực hiện. Trên thập giá trước khi tắt thở, Chúa Giêsu đã thân thưa với Chúa Cha: “Mọi sự đã hoàn tất”. Các tín hữu cũng phải noi gương Chúa Giêsu vâng phục Chúa Cha. Cách vâng phục tốt nhất là sống theo lời dạy và gương sáng của Chúa Giêsu.

            Chúa Giêsu biến hình mời gọi ta cũng cần phải được biến đổi để nên giống Chúa Giêsu hơn.

        Cuộc biến hình nào cũng là một cuộc ra đi, một cuộc đổi đời. Cuộc sống của người Kitô hữu là một chuỗi những ra đi, những cái chết từng giây từng phút. Ðó là điều Chúa Giêsu đòi hỏi nơi chúng ta: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sai, thì không xứng đáng là môn đệ Ta".

        Nhân chi sơ tính bản thiện. Con người ban đầu là tốt, là thiện. Bản chất đích thực của con người trước khi sa ngã là tốt đẹp, thánh thiện, là con cái của Thiên Chúa, vì được tạo dựng giống hình ảnh Chúa.

            Tuy nhiên, sau khi nguyên tổ sa ngã phạm tội, con người đã đánh mất tất cả sự thiện nơi bản thân và cuộc sống. Vì thân phận tội lỗi, yếu đuối, con người phải chết. Con người đã phá hủy khuôn mặt của chính mình, và đánh mất đi chức vị làm con cái Thiên Chúa.

            Qua Bí tích Rửa tội, Chúa đã biến đổi ta trở nên tạo vật mới, nhờ việc Chúa chịu chết và sống lại.

            Tuy nhiên, ta mang thân phận loài người, ta đã sa ngã nhiều lần trong đời. Vì thế, ta cần phải sám hối về những tội lỗi, thiếu sót của ta.

            Phải sám hối, vì nhiều lần ta sống thờ ơ nguội lạnh với Chúa, không đi nhà thờ dự lễ, không cầu nguyện tối sớm. Vì nhiều lần ta sống chưa trung thực, ta gian dối, lừa đảo, chiếm đoạt của người khác cách bất công. Vì nhiều lần ta chưa có lòng bác ái yêu thương anh chị em, mà còn tỏ ra độc ác, kiêu căng, khinh bỉ, thiếu lòng khoan dung, tha thứ cho người khác, nhỏ nhen, ích kỷ với nhau,…Sám hối để được ơn biến đổi và canh tân đời sống.

            Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nghiêm chỉnh tự đặt cho mình câu hỏi: Tôi có thực sự muốn được biến hình không? Tôi có thực sự muốn sống sự sống thần linh của Chúa không? Tôi có thực sự muốn làm môn đệ của Chúa không? Ðức tin của tôi có đủ mạnh để biến đổi cuộc sống của tôi không? Mỗi quyết định của tôi trong cuộc sống có là một bước tiến để đưa tôi đến gần cuộc sống vĩnh cửu không?

            Nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, và nhờ công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, mà ta được biến đổi. Ngài sẽ làm cho ta trở thành con cái của sự sáng chứ không còn ở trong tăm tối nữa.

Tuệ Mẫn