BỎ ĐI THÓI VỤ HÌNH THỨC

BỎ ĐI THÓI VỤ HÌNH THỨC

SUY NIỆM - Jun 21/06/2017

Thứ Tư tuần XI TN

Mt 6, 1-6.16-18

Trang Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo: đừng làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy.

Theo luật Môsê, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao quý, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người đời khen ngợi. Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác.

Những việc lành phúc đức người Do Thái ngày xưa thực hành mà ngày nay chúng ta cũng không thể bỏ qua. Mục đích của việc bố thí là giúp cho người được bố thí bớt nghèo đói, túng quẫn và có thêm cơ hội thăng tiến cuộc sống. Chỉ ai biết “vui với người vui, khóc với người khóc” mới thực sự có khả năng bố thí và bố thí một cách kín đáo. 

Chúa không nhắm dạy bố thí, cầu nguyện, và ăn chay. Vì các môn đệ dường như vẫn thường làm các việc ấy. Điều Chúa nhấn mạnh là cách làm: chớ có phô trương! Tin Mừng hôm nay xoáy duy nhất vào điểm này. Phô trương là cám dỗ muôn thuở; nó chọc thẳng vào yếu huyệt thứ nhất của con người là lòng kiêu ngạo. Nó tinh vi vì nó không cố kéo người ta ra khỏi “việc lành phúc đức;” nó chỉ đánh vào cách họ làm mà thôi. Khi người ta phô trương, thì những “việc lành phúc đức” của họ trở thành số không, vì “đã được trả công rồi!”

Chia sẻ hay bố thí, dưới nhiều hình thức khác nhau, được thực hiện trước hết bằng một thái độ từ chối và xa tránh sự bất công, đầu tranh cho một thế giới công bằng hơn, trong mối liên hệ giữa con người với nhau và trong xã hội, bằng một thái độ dấn thân phục vụ những người đau khổ, vô sản, bị loại trừ, để cho con người được hạnh phúc hơn. Bởi vì giúp đỡ một người nghèo sẽ tẩy xóa đươc tội lỗi, và có giá trị như một của lễ dâng hiến.

Điểu quan trọng là, tất cả những việc lành nầy phải được thực hiện với tất cả tấm lòng, một cách cách kín đáo, với một ý hướng siêu nhiên thì mới có giá trị đem lại ơn cứu độ muôn đời.

Cầu nguyện là đặt mình trong tương quan với Thiên Chúa, nhìn nhận mình là thụ tạo với nhiều giới hạn, cần ơn của Đấng Tạo Thành để hoàn thiện đời mình. Cầu nguyện với ý thức như thế ắt phải vào “nhà tâm hồn” đóng cửa lại và cầu nguyện trong kín đáo. 

Cầu nguyện là thân thưa với Thiên Chúa là Cha nhân từ, trình bày với ngài thân phận yếu đuối, mỏng dòn để xin ngài cứu giúp, để cảm tạ những hồng ân được trao ban, nhất là lòng thương xót và tha thứ dành cho những người lầm đường biết quay trở về.

Ăn chay là phương thế giúp mình hướng về con người nội tâm của mình, để đền tội, để thêm ý thức về tình trạng yếu đuối của mình. Ăn chay như vậy thì đâu có lý gì để mà vênh vang! đâu có gì đáng để cho người khác thấy mà khen!

Ăn chay giúp chúng ta hàn gắn lại tình bạn với Chúa, và lớn lên trong sự thân mật đối với Ngài. Ăn chay giúp ta tránh tội và tránh mọi thứ dẫn đến tội. Ăn chay là thoát ra khỏi sự thèm muốn tự nhiên về cơm bánh vật chất, để nếm cảm sự cần thiết của tấm bánh tinh thần. Nhờ ăn chay con người thấy mình được tự do hơn để sống theo ý Chúa. Khi chịu đói nơi thân xác, chúng ta sẽ thấy tim mình đói khát Thiên Chúa và mong Ngài đến với ta để làm ta mãn nguyện.

Ta thấy ăn chay cũng giúp ta mở mắt trước tình cảnh thiếu thốn của tha nhân. Nhờ ăn chay, chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, nhưng biết sống cho Chúa và tha nhân. Ăn chay giúp ta chế ngự được tính ích kỷ làm ta co lại, nhờ đó ta có thể mở lòng ra trước nhu cầu của anh chị em mình và chia sẻ cho họ điều mình đã tiết kiệm được từ ăn chay. Ngay cả một người có hai áo cũng có thể chia sẻ được cho người trần trụi. Người chỉ còn vài lon gạo cũng có thể chia cho người đang đói.

Ăn chay thì có thể làm kín đáo, cầu nguyện thì có thể “vào phòng đóng cửa lại”, còn làm phúc bố thí thì làm sao có thể “không cho tay trái biết việc tay phải làm” được? Thật ra, Chúa dạy chúng ta phải làm những việc tốt đẹp để, giống như “ánh sáng chiếu giãi trước mặt thiên hạ,” người ta “xem thấy mà ngợi khen Cha anh em ở trên trời” (Mt 5,16). Vì thế điểm phân biệt việc làm phúc thật với việc “làm phúc giả” chính là ở ý hướng và thái độ của người làm: làm việc lành phúc đức không phải để “phô trương cho thiên hạ thấy” mà chỉ vì vinh danh Chúa.

Bố thí không khua chiêng đánh trống, cầu nguyện không làm như bọn đạo đức giả và ăn chay không làm cho ra bộ rầu rĩ là cách thực hành đạo đức kín đáo và đẹp lòng Chúa. Thế nhưng ở đời, thường thì ai cũng thích đề cao mình và thích được người khác tán thưởng. Khi ai đó có thái độ khoe khoang, tự đề cao việc tốt mình làm, ta rất tinh tế nhận ra ngay điều đó. 

Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta đề phòng thứ đạo đức vụ hình thức. Nhưng việc đạo đức tự nó rất ích lợi cho bản thân, cho tha nhân và đáng được Thiên Chúa ban thưởng, với điều kiện chúng được thực hiện với ý ngay lành. Chúng ta cần thực hành các việc lành với ý hướng này, vì đó là lẽ sống, là niềm vui và là động lực cho cuộc đời hy sinh phục vụ của chúng ta.

Tuệ Mẫn