Các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của E. Erikson

Các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của E. Erikson

Giới trẻ, hôn nhân và gia đình - Mar 12/03/2015

Sự phát triển nhân cách, theo Erikson, được quy định bởi những gì mà xã hội đòi hỏi ở con người. Đứa trẻ lớn lên, cần trải qua một loạt các giai đoạn phát triển. Mỗi giai đoạn, ở con người hình thành những phẩm chất nhân cách nhất định. Những phẩm chất này không mất đi mà được giữ thành những nét nhân cách trong suốt quãng đời sau đó.

 ly-thuyet-erkson

Ông chia đời người thành 8 giai đoạn, mỗi giai đoạn chứa đựng một sự khủng hoảng tâm lý xã hội nhất định. Đó là thời điểm lựa chọn giữa tiến bộ và phản tiến bộ, là điểm rẽ tiềm tàng theo các hướng phát triển trái ngược nhau diễn ra ở tất cả các lứa tuổi. Sự thất bại trong việc giải quyết khủng hoảng ở bất kỳ giai đoạn nào đều có thể gây nên những khó khăn tâm lý, ảnh hưởng đến giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. Chi tiết các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội đó như sau:

1.1. Giai đoạn 1: Tin tưởng >< không tin tưởng (từ khi sinh đến 1 tuổi)

Nếu những nhu cầu của trẻ luôn được cha mẹ chú ý đáp ứng, trẻ được cha mẹ quan tâm, chăm sóc, yêu thương thì trẻ sẽ có ấn tượng tốt về thế giới, có cảm nhận tin tưởng vào thế giới xung quanh. Nhìn bề ngoài sẽ thấy trẻ hạnh phúc và khỏe mạnh. Mặt khác, nếu môi trường xung quanh gây cho trẻ nhiều nỗi đau và sự bất ổn, trẻ không được đáp ứng nhu cầu và không được cha mẹ yêu thương, chăm sóc thì thế giới xung quanh trở nên không an toàn và trẻ không tin vào nó. Sức khỏe của trẻ cũng bị ảnh hưởng.

1.2. Giai đoạn 2: Chủ động >< xấu hổ, nghi ngờ (từ 1 đến 3 tuổi)

Những trẻ có cảm giác tự lập sẽ thích thú khám phá thế giới xung quanh, tìm kiếm những đồ chơi mới. Những trẻ có cảm giác xấu hổ, nghi ngờ thường hay lẩn tránh, thiếu tự tin, không dám đi xa khỏi nơi quen thuộc.

Trên thực tế, khi trẻ tự làm được một cái gì đó, chúng có được cảm giác tự kiểm soát và tin vào bản thân mình. Nhưng nếu cha mẹ không khuyến khích trẻ tự làm hoặc thường xuyên làm hộ trẻ thì trẻ sẽ không tự làm được việc gì, bị mọi người cười chê, thì trẻ sẽ quen trải nghiệm xấu hổ và nghi ngờ vào khả năng của mình.

1.3. Giai đoạn 3: Sáng tạo >< cảm thấy tội lỗi (từ 3 đến 6 tuổi)

Những trẻ có cảm giác về sáng tạo thường có xu hướng hoàn thành những việc đã bắt đầu. Những trẻ có mặc cảm tội lỗi thường không có xu hướng tìm kiếm những thử thách, và có xu hướng kìm nén những biểu hiện cảm xúc thể hiện trẻ là ai và trẻ muốn gì.

Nếu việc khám phá môi trường xung quanh có hiệu quả và được khích lệ thì trẻ trở nên hoạt bát, sáng kiến và tích cực. Nhưng nếu chúng luôn bị người lớn ngăn chặn các hoạt động khám phá, bị phê bình hoặc trừng phạt thì chúng luôn cảm thấy có lỗi và trở nên nhút nhát, sợ sệt.

1.4. Giai đoạn 4: Yêu lao động >< cảm thấy thấp kém (từ 6 đến 12 tuổi)

Những trẻ cảm thấy mình “làm được việc” thường tỏ ra thích thú khi tham gia các hoạt động nhà trường hay khi làm những công việc được giao ở nhà; các em này luôn thể hiện thái độ có trách nhiệm với công việc. Ngược lại, những trẻ có cảm giác mình “không làm được việc” có xu hướng không quan tâm đến các hoạt động nhà trường hay không thích được giao việc vì chúng cảm thấy không đủ khả năng để hoàn thành những công việc đó một cách tốt đẹp.

Ở giai đoạn này, trẻ có thể phát triển rất nhiều kỹ năng, kỹ xảo trong nhà trường, trong gia đình và trong giao tiếp với bạn bè. Trẻ thường tự đánh giá mình trên cơ sở so sánh với các bạn, trên cơ sở nhận xét đánh giá của người lớn, thầy cô giáo. Nếu trẻ tự đánh giá mình tương đối cao thì sẽ tự tin, yêu thích lao động, học tập. Nếu trẻ tự đánh giá mình thấp sẽ dẫn đến tự ti và cảm thấy mình yếu kém.

1.5. Giai đoạn 5: Tính đồng nhất >< lẫn lộn vai trò (từ 12 đến 18, 19 tuổi)

Nếu ở trẻ vị thành niên hình thành tính đồng nhất (bản sắc) thì các em cảm nhận khá rõ mình là người như thế nào, hoặc ít nhất các em cũng biết mình muốn trở thành người như thế nào trong tương lai. Ngược lại, những trẻ không xác định được vai trò sẽ cảm thấy không có phương hướng hay mục tiêu trong cuộc sống, không biết rồi cuộc đời sẽ đi đến đâu.

Bước vào tuổi vị thành niên, trẻ nhận thức được các vai trò xã hội của mình: người học sinh, người bạn, người anh/chị, người con… Điều quan trọng là trẻ phải biết tích hợp các vai trò khác nhau của mình để đi tới một sự đồng nhất về cái Tôi của bản thân. Nếu trẻ không hình thành được tính đồng nhất của mình thì sẽ dẫn đến sự lẫn lộn các vai trò, không tự xác định được bản thân và ứng xử không phù hợp.

1.6. Giai đoạn 6: Gần gũi >< cô đơn, cách biệt (từ 19, 20 đến 35, 40 tuổi)

Những người trẻ tuổi có khả năng gần gũi thân tình sẽ có xu hướng thiết lập các mối quan hệ thân thiết với bạn bè, mối quan hệ lãng mạn với người khác giới và cuối cùng là hướng tới hôn nhân. Ngược lại, những người không có khả năng trên thường cảm thấy cô đơn. Họ cảm thấy rất khó khăn để thiết lập mối quan hệ thân tình với người khác, không có khả năng hiểu suy nghĩ và tình cảm của người khác. Kết quả là phần lớn thời gian họ chỉ ở một mình, không có hoặc có rất ít bạn bè. Trên thực tế, kết quả của việc thiết lập các quan hệ gần gũi này phụ thuộc vào việc giải quyết các vấn đề ở các giai đoạn trước. Những ai tin tưởng mọi người xung quanh, tự tin, sáng tạo, yêu lao động, hình thành được cái Tôi thống nhất thì sẽ dễ dàng tạo lập các mối quan hệ gắn bó thân tình.

1.7. Giai đoạn 7: Tạo giá trị >< trì trệ (từ 35, 40 đến 60, 65 tuổi)

Những người trưởng thành có xu hướng tạo giá trị mới thường có khả năng làm công việc, mà thường là công việc họ đảm nhận trong nhiều năm, một cách hiệu quả. Tính cách này thường đưa họ đến với những hoạt động trợ giúp người khác. Còn những người theo hướng trì trệ thường quan tâm vào các vấn đề của bản thân nhiều hơn những người khác.

Ở giai đoạn trưởng thành, sau khi giải quyết được các mâu thuẫn của các giai đoạn trước, con người thường dành sự quan tâm, chú ý của mình cho những người khác nhiều hơn. Họ thường quan tâm đến gia đình, xã hội và giúp đỡ thế hệ tương lai. Một số người có thể tập trung năng lực của mình để giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, việc không giải quyết được các vấn đề trước đó có thể dẫn tới việc con người tự nuông chiều mình, chối bỏ người khác, quan tâm tới sức khỏe, các nhu cầu cá nhân, sự bình yên của bản thân mình quá mức.

1.8. Giai đoạn 8: Sự toàn vẹn, thống nhất >< nỗi thất vọng (từ 60, 65 tuổi trở đi)

Những người đạt tới sự thống nhất bản ngã thường đối mặt với cái chết một cách bình thản, vì họ biết rằng họ đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, và họ đã đạt được những gì họ muốn làm trong cuộc sống. Ngược lại, nhiều người cảm thấy thất vọng vì cuộc đời sắp kết thúc mà họ chưa thực hiện được những dự định của mình. Họ cảm thấy mình đã phung phí thời gian và công sức cho những việc không có ý nghĩa.

Giai đoạn này, con người có xu hướng đánh giá lại những việc mình đã làm. Nếu họ hài lòng với quãng đời đã qua, với những công việc, sự kiện mà họ đã tích cực tham gia và cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống thì họ có được cảm nhận về sự thống nhất bản ngã. Ngược lại, nếu họ cảm thấy rằng họ đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội, chịu nhiều thất bại và có nhiều lỗi lầm thì ở họ xuất hiện sự hối tiếc và nỗi thất vọng.

Theo Erikson, mỗi giai đoạn phát triển được xây dựng trên cơ sở những gì tạo ra trước đó. Mặc dù con người có thể giải quyết các vấn đề của giai đoạn trước ở những giai đoạn tiếp theo, nhưng sự phát triển tốt nhất là giải quyết kịp thời các xung đột và khủng hoảng trong những giai đoạn tương ứng.

Nguồn: Tâm lý học phát triển, PGS. TS. Trương Thị Khánh Hà