Thứ Năm tuần XIII
Am 7:10-17; Tv 19:8,9,10,11; Mt 9:1-8
CẨN THẬN VÌ THIẾU LÒNG TIN
Không như trong tin mừng theo thánh Marcô và Luca, câu chuyện Chúa Giêsu chữa anh bại liệt do thánh Matthêu kể lại khá đơn giản, chỉ tập trung vào hai vấn đề chính của cuộc gặp gỡ: niềm tin và quyền tha tội. Hành vi tin phát xuất từ con người, còn lời tha thứ đến từ Thiên Chúa.
Tin mừng hôm nay thuật lại một phép lạ xảy ra nhờ ảnh hưởng của tập thể. Một người tê liệt được khiêng đến cho Chúa Giêsu. Phúc Âm Mácô và Luca cho thấy rõ hơn quang cảnh của phép lạ này: vì không còn chỗ để chen vào, người ta leo lên gỡ mái nhà và thòng người tê liệt xuống trước mặt Chúa Giêsu. Tất cả sự việc diễn ra không kèm theo một câu nói hay một lời van xin nào, thế nhưng hành vi của họ đã đủ diễn đạt tấm lòng của họ. Chúa Giêsu thấy lòng tin của họ, tức lòng tin của những người khiêng người tê liệt, Ngài đã chữa lành bệnh nhân.
Dấu lạ đòi hỏi lòng tin. Một khi lòng tin đã đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa, thì con người sẽ dễ dàng gặp được dấu lạ và lòng tin có thể chuyển dấu lạ hay ơn lành sang cho người khác. Với đám đông đang vây quanh Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng, thì việc đưa bệnh nhân đến gần Ngài quả là một cố gắng vượt mức. Nhìn vào cố gắng này, chắc chắn nhiều người sẽ đặt câu hỏi về Chúa Giêsu: Ngài là ai mà con người phải cố gắng tìm gặp đến thế? Đặt câu hỏi tức là bắt đầu tiến đến gần Thiên Chúa.
Dân chúng đem một người bất toại đến xin Chúa Giêsu chữa lành. Ngài đã làm hơn cả điều dân chúng và người bất toại yêu cầu và mong đợi. Chúa không chỉ chữa lành người bệnh, mà trước tiên còn tha tội cho anh.
Chúng ta thấy được những điều cần làm – đó là mang đến cho Chúa Giêsu những ai đau khổ do tội lỗi và bệnh tật. Chúng ta mang họ đến với Chúa trong lời cầu nguyện của mình.
Tin là điều kiện cần để con người đón nhận phúc lành của Thiên Chúa. Niềm tin giúp ta khao khát tìm gặp Người. Niềm tin cho ta hy vọng đủ lớn để vượt qua những cản trở bởi thế lực xấu xa, bởi mưu mô của Tên Dối Trá và bởi yếu đuối phận người. Niềm tin còn cho ta cơ hội hàn gắn những gì đã gãy đứt do tội lụy, như thể Adam tìm lại được thiên đàng, như thể đôi phu phụ nối lại mối tình xưa, như thể đứa con đi hoang tìm lại được mái ấm, …
Thật vậy, khi bày tỏ niềm tin vào Thiên Chúa, là ta sẵn sàng để cho Người hợp lòng hai mối cầu yêu thương đang xa cách, cho Người nối hai đầu dây tình nghĩa đang đứt lìa. Khi đó, tâm linh chết dở của ta được cứu sống, xác thân tật bệnh của ta được chữa lành.
Anh bại liệt hôm nay được đón nhận cả hai: phúc lành và ơn tha thứ. Anh được chữa lành cả hồn lẫn xác. Gân cốt anh hết bị trói buộc bởi bệnh tật, tâm hồn anh thoát khỏi xích xiềng của tội lỗi. Anh nối lại tương quan nghĩa tình với cộng đồng và tái hiệp thông với sự sống của Thiên Chúa. Anh được hưởng trọn vẹn hoa trái của niềm tin và ơn tha thứ.
Đời nào cũng thế, rất cần những tâm hồn nhân loại biết đặt trọn niềm tin vào Tạo Hóa như trẻ thơ tin tưởng cha mẹ mình. Biết bao cuộc hành hương thành kính, biết bao phép lạ được thực hiện mà chẳng kể đến sự chữa lành thể xác, nhưng là sự hồi sinh tâm linh cách diệu kỳ. Hóa ra, lời tha thứ – cái lành lặn bên trong lại cần thiết hơn cả. Tiếc là không phải ai cũng nhận ra sự cần thiết này. Đám đông dân chúng bên anh bại liệt hôm nay được một phen kinh hãi vì nhận ra điều xưa nay chưa từng thấy: Thiên Chúa đã trao quyền tha tội cho loài người ngang qua Đức Giêsu. Còn những luật sĩ học rộng biết nhiều lại không thể biết cái biết của thường dân, họ không thể chấp nhận phép lạ trong phép lạ họ vừa chứng kiến: Quyền tha tội đã làm một hành trình dài từ thiên giới đến trần gian.
Khi thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi". Chúa Giêsu gắn liền việc chữa lành với lời tha tội, Ngài chứng minh điều Cựu ước đã nói nay đã ứng nghiệm: thời sau hết là đây, và chính Ngài là Con Người nắm quyền xét xử trong thời gian sau hết, và ở dười đất Ngài dùng quyền đó để tha tội cho con người. Bằng chứng là Chúa Giêsu đến đưa con người ra khỏi bệnh tật và tội lỗi. Tuy nhiên, Ngài không ám chỉ tội của người bệnh là nguyên nhân gây bệnh và Ngài cũng không cho rằng tội của anh bại liệt nặng hơn những người khác. Chính Ngài chữa và tha tội cho người bất toại, là cách Ngài công khai tỏ mình là Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội.
Chúa đã ra lệnh cho anh bất toại trỗi dậy, anh được sống lại bằng đời sống mới và không còn trong kiếp tội nhân. Hôm nay, Chúa cũng truyền lệnh cho mỗi chúng ta cũng hãy trỗi dậy từ sự bất toại của mình. Đó là bất toại do tội lỗi và hệ lụy của nó. Việc Chúa Giêsu xác nhận niềm tin của thân hữu bệnh nhân và tha tội cho bệnh nhân là lời mời gọi mỗi người Kitô hữu cũng phải biết cầu nguyện cho tội nhân được ơn trở lại, để được ơn tha thứ. Đồng thời, những việc làm, lời nói biểu lộ lòng tin vào Thiên Chúa trong cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta cũng có ảnh hưởng đến anh chị em mình.
Lãnh nhận quyền xá giải từ Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn thi hành cách trung thành và quảng đại nơi con cái mình. Nhưng ở đâu và đời nào cũng vậy, năng quyền này ít nhiều bị chất vấn, bị nghi ngờ cách này cách nọ với muôn vàn lý lẽ lớn nhỏ khác nhau. Có thể nói những vấn nạn về năng quyền xá giải của Giáo hội đều phát xuất từ cái thiếu căn bản này: thiếu lòng tin.
Chính vì thiếu lòng tin, nên ta để vuột mất những hoa trái đẹp đẽ do lòng tin mang lại như đã kể trên đây. Chính vì thiếu lòng tin, nên ta cứ trật trầy trong cõi u mê đời người với đủ thứ tật bệnh xác hồn. Chính vì thiếu lòng tin mà con đường gặp gỡ Giêsu của ta cứ mãi mịt mờ và tiếng gọi về đây bên Chúa, ta nối lại tình xưa Chúa vẫn cứ nghìn trùng xa cách.
Thành tâm và khiêm hạ, mỗi người chúng ta hãy để Lời Chúa hôm nay soi sáng và chất vấn mỗi người chúng ta để chúng ta rà soát lại xem chúng ta tin Chúa thế nào và ở mức độ nào? Ta tin vào quyền tha tội của Giáo hội ra sao? Hãy để trái tim yêu khoan hậu và toàn năng của Chúa chạm vào đáy lòng ta, sáng soi mọi ngõ ngách của hồn ta, cho ta gặp được Người, để Người ban lời tha thứ và chữa lành xác hồn ta.
“Tin là chấp nhận những điều mình không thấy, và hoa trái của lòng tin là chúng ta sẽ thấy những gì chúng ta tin”, ước gì kinh nghiệm này của thánh Augustinô thêm vào với tiếng gọi của sứ điệp Lời Chúa hôm nay thúc bách mỗi người chúng ta tìm đến tòa giải tội, phơi bày trước Chúa tâm linh khuyết tật của ta, để Người chữa lành và ban ơn tha thứ kịp thời, cho ta được hồi sinh trong sự sống mới, được nối lại mối tình xưa nồng nàn thương mến giữa Chúa và ta.
Tuệ Mẫn