Trên chuyến bay từ Rio trở lại Rôma, Gianguido Vecchi, phóng viên của báo Corriere della Sera (Người đưa tin chiều), đã dựa trên sự nhấn mạnh của ngài vào lòng thương xót để hỏi về trường hợp “các người đã ly dị và tái hôn” xem có khả thể thay đổi nào về luật lệ đối với họ hay không, “hay chúng lại là một rào cản chia rẽ họ với các tín hữu khác”.
Đáp lời, Đức Phanxicô quả quyết tuy lòng thương xót bao la hơn điều Vecchi hỏi, nhưng quả đây là “thời của lòng thương xót… Giáo Hội là Mẹ phải ra đi chữa lành các người bị thương với lòng thương xót”.
Chưa hết, trong cùng một câu trả lời này, không xa, ngài lặp lại một lần nữa: “Giáo Hội là Mẹ và phải đi trên con đường này của lòng thương xót. Và tìm ra một lòng thương xót đối với tất cả mọi người”. Và để làm mạnh hơn câu vừa nói, ngài thuật lại dụ ngôn người con hoang đàng, với hệ luận là “nhưng không phải chỉ chờ đợi họ, mà là ra đi tìm kiếm họ. Đó là lòng thương xót. Và tôi tin rằng đây là thời điểm của lòng thương xót”.
Áp dụng vào trường hợp “những người đã ly dị mà tái hôn”, Đức Phanxicô lặp lại giáo huấn hiện nay của Giáo Hội: “những người đã ly dị có thể rước lễ mà không có vấn đề. Nhưng khi họ tái hôn họ lại không thể rước lễ”.
Có đúng đây là giáo huấn hiện hành của Giáo Hội không? Thoạt đầu nghe ra có vẻ không đúng, trong Giáo Hội không hề có việc ly dị, chỉ có việc tuyên bố vô hiệu một hôn nhân vốn vô hiệu ngay từ lúc kết giao, chứ không hề có việc hủy tiêu một hôn nhân đã thành hiệu.
Câu trả lời trên đây của Đức Phanxicô làm người viết nhớ lại câu của Đức Cha David Cremin tuyên bố tại Sydney năm 1993: ly dị không có tội! Mà đã không có tội thì đương nhiên được lãnh các bí tích “kẻ sống”như Thánh Thể chẳng hạn. Đọc kỹ mới hay Đức Cha Cremin hiểu chữ ly dị đây là ly dị phần đời, theo luật dân sự, vì những người ly dị theo luật dân sự vì nhiều lý do chính đáng nhưng không tái hôn, thì thực tế, theo giáo luật, họ ly thân, chứ không ly dị. Giáo luật có dự liệu việc ly thân này (Các điều 1151-1155). Nên họ đâu có phạm tội.
Tin Mừng Mátthêu 19:9 cũng dạy rằng “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” là tội theo giáo luật, người phạm không được rước lễ. Tin Mừng Luca 16:18 cũng dạy như thế “Bất cứ ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”. Thư Côrintô thứ nhất phát biểu giáo huấn này rõ hơn một chút theo chiều ly thân: “vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng thì phải ở độc thân” (7:10-11), nghĩa là có những trường hợp được bỏ chồng hay bỏ vợ; điều quan trọng là đừng tái hôn, phải ở độc thân. Như thế giáo huấn của Chúa Giêsu mà Giáo Hội hoàn toàn dựa vào bao gồm hai yếu tố: bỏ vợ, bỏ chồng và tái hôn. Phải hội đủ hai yếu tố ấy mới có tội và mới không được rước lễ. Chỉ bỏ chồng hay bỏ vợ, điều mà luật dân sự gọi giản tiện là ly dị, vì những lý do chính đáng như Giáo Luật dự trù tức ly dị hay bị hà hiếp (các điều 1152-1153) thì chưa hẳn đã là có tội.
Trên thực tế, nhiều người, rất nhiều người Công Giáo, sau khi bỏ vợ bỏ chồng, đã tái hôn. Một số được tuyên bố vô hiệu, tức được tuyên bố rằng cuộc hôn nhân đầu của họ bất thành ngay từ lúc kết giao, nghĩa là thực sự không phải là một cuộc hôn nhân đúng nghĩa, nên cuộc hôn nhân mà ta vẫn gọi là cuộc hôn nhân thứ hai có giá trị, hợp pháp, hợp lệ, thành hiệu, hay hôn nhân thực sự, nghĩa là đây mới là cuộc hôn nhân đầu tiên thực sự.
Một số khác không được tuyên bố như thế, nên cuộc hôn nhân thứ hai là cuộc hôn nhân không thành hiệu, vì cuộc hôn nhân đầu vẫn còn giá trị, vẫn đã thành hiệu. Tình thế này bị mang cái tên đáng buồn là ngoại tình như hai Tin Mừng Mátthêu và Luca đã long trọng xác nhận. Bên cạnh đó, còn có những người Công Giáo không cần đến tòa án Giáo Hội, không cần chờ tuyên bố vô hiệu, vẫn cứ tái hôn. “Siêu” hơn nữa, vì những rắc rối này, có những người tỉnh bơ chung sống mà không cần bất cứ hình thức luật lệ nào công nhận. Nếu không ngoại tình, họ cũng thuộc loại dâm bôn (fornication) như những người không có gia đình.
Những người này cho đến nay vẫn bị Giáo Hội từ khước không cho rước lễ, dù họ vẫn được chào đón trong cộng đoàn như anh chị em trong phụng vụ lời Chúa, trong mọi cử hành và sinh hoạt của Giáo Hội.
Nếu rước lễ là biểu hiệu hiệp thông hoàn toàn với Chúa và với anh chị em, thì những sinh hoạt kia quả là không thoả đáng và đó là điều đang gây đớn đau cho biết bao triệu người Công Giáo. Khi nói đến lòng thương xót, Đức Phanxicô hẳn đã thấm cái đau của họ. Nhưng phải thương xót ra sao? Đức Phanxicô dường như muốn mở ra một khả thể mới khi ngài mở ngoặc nhắc tới mô thức “nhiệm cục” (nhân từ đối với những trường hợp khó khăn) của Giáo Hội Chính Thống để cho phép “ly dị và tái hôn”. Nhưng ngài không vội vã quyết định, chờ nghiên cứu và đề nghị của hai cơ chế cố vấn quan trọng là Ủy Ban 8 Hồng Y có nhiệm vụ xem sét việc cải tổ Giáo Hội (sẽ họp tháng Mười) và Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới sắp tới.
Tóm lại vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo hơn.
Điều đổi mới hơn cả
Sandro Magister coi câu trả lời trên của Đức Phanxicô là điều đổi mới hơn cả trong các điều được ngài phát biểu trên chuyến bay trở lại Rôma. Nhưng theo Magister, Đức Phanxicô rõ ràng nhắc tới công trình của vị tiền nhiệm là Đức Bênêđíctô XI, căn cứ vào khảo luận khá dài viết năm 1998, lúc còn đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức tin và được ngài cho công bố lại vào năm 2005, nhân buổi nói chuyện với các linh mục tại Aosta.
Trong khảo luận này, Đức Bênêđíctô đưa ra hai khả thể có thể được xem sét: Thứ nhất, có thể nới rộng việc thừa nhận tính vô hiệu của những cuộc hôn nhân cử hành “mà không có đức tin” bởi ít nhất một trong hai người phối ngẫu, dù cả hai đều đã chịu phép rửa.
Thứ hai, có thể nại tới quyết định “của tòa trong” (lương tâm) để người Công Giáo ly dị mà tái hôn được rước lễ khi việc không được nhìn nhận tính vô hiệu cho cuộc hôn nhân đầu của họ, hoặc vì phán quyết bị coi là lầm lẫn hoặc vì việc bất khả không thể chứng minh được tính vô hiệu theo thủ tục, đi ngược lại xác tín mạnh mẽ của họ rằng cuộc hôn nhân kia vô hiệu một cách khách quan.
Hôn nhân cử hành mà không có đức tin
Khảo luận của Đức Bênêđíctô XVI phân biệt hai loại hôn nhân: hôn nhân bí tích và hôn nhân không bí tích. Ngài nói rằng đối với Thánh Phaolô, tuyệt đối bất khả tiêu chỉ áp dụng cho hôn nhân bí tích mà thôi, nghĩa là hôn nhân giữa hai người đã chịu phép rửa. Hôn nhân giữa một người đã chịu phép rửa và một người chưa chịu phép này không được coi là bí tích và do đó có thể bị hủy tiêu, nếu mục đích là để bảo vệ đức tin.
Loại hôn nhân sau nằm ngoài phạm vi thảo luận ở đây. Ta chỉ đề cập tới loại hôn nhân đầu hiện đang gây đớn đau cho nhiều người Công Giáo, cái đớn đau mà người Chính Thống đã dựa vào thần học “nhiệm cục” để giải quyết. Cách giải quyết này không được Đức Bênêđictô ủng hộ.
Ngài cho hay dù trong các thế kỷ đầu, một số giáo phụ có “tìm các giải pháp mục vụ cho các trường hợp nhập nhàng” như Đức Lêô cả chẳng hạn. Nhưng đại thể, “các tín hữu ly dị mà tái hôn chưa bao giờ chính thức được rước lễ cả” dù sau một kỳ đền tội. Sau đó, tới thế kỷ 11, đã có sự mềm dẻo và sẵn sàng thỏa hiệp cho các hoàn cảnh hôn nhân khó khăn. Các Giáo Hội Đông Phương đã cho phép một thực hành rộng rãi hơn. Tuy nhiên, tại Tây Phương, dựa vào sự cải tổ của Đức Grêgôrianô, quan niệm nguyên thủy của các giáo phụ đã được phục hồi và chiều hướng này được chính thức chấp nhận tại Công Đồng Trent và cuối cùng tại Công Đồng Vatican II.
Nhưng phải nói sao về trường hợp những người Công Giáo ly dị mà tái hôn dựa vào lương tâm cứ quyết định rước lễ, nghịch với qui định ngăn cấm của giáo luật? Đức Bênêđíctô vẫn cho rằng “nếu cuộc hôn nhân trước của hai tín hữu đã chịu phép rửa mà tái hôn thành hiệu, thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, cuộc phối hợp mới của họ cũng không được coi là hợp pháp và do đó, lãnh nhận các bí tích là điều, từ trong nội tại, không thể có được. Lương tâm cá nhân bị cột vào qui luật này, không trừ trường hợp nào cả. Tính bất khả tiêu của hôn nhân thuộc “thiên luật”, luật mà “Giáo Hội không có bất cứ thẩm quyền tùy ý nào”.
Nói thế rồi, ngài thêm ngay rằng: “Tuy nhiên, Giáo Hội có thẩm quyền xác minh đâu là các điều kiện làm cho một hôn nhân được coi là bất khả tiêu theo nghĩa trong giáo huấn của Chúa Giêsu”. Và đối với ngài, dựa vào các tòa án Giáo Hội là điều không đủ. Một là các diễn tiến ở đấy rất mất thì giờ, hai là các tòa này có những phán quyết đáng nghi, đôi khi lầm lẫn nữa. Thành thử, nguyên tắc 'epikeia' (lệ đình luật?) tức nguyên tắc: luật có thể vi phạm vì lợi ích tốt hơn, ở tòa trong, không bị tự động loại bỏ. Tuy nhiên, điều này cần được nghiên cứu nhiều hơn, để tránh những quyết định chủ quan.
Một phạm vi cần được thăm dò ngay là vấn đề liệu các Kitô hữu không tin, tức là những Kitô hữu tuy đã chịu phép rửa nhưng chưa bao giời tin hay không còn tin Thiên Chúa nữa, có thực sự bước vào một hôn nhân bí tích hay không. Nghĩa là cần xác định xem có phải mọi cuộc hôn nhân giữa hai người đã chịu phép rửa đều ‘tự động’ (ipso facto) là một cuộc hôn nhân bí tích hay không. Vì thực sự, Giáo Luật nói rằng chỉ những cuộc hôn nhân ‘thành hiệu’ giữa hai người đã chịu phép rửa mới đồng thời là một bí tích mà thôi (xem điều 1055, tiết 2). Mà đức tin nằm ở chính yếu tính của bí tích; thành thử vấn đề là chứng cớ nào cần để việc “thiếu đức tin” khiến bí tích không hiện hữu.
Chính đó là nội dung một chú thích được Đức Bênêđíctô thêm vào khảo luận trên nhân cuộc nói chuyện với các linh mục tại Aosta năm 2005:
“Những ai kết hôn trong Giáo Hội vì truyền thống mà không thực sự tin, và những ai sau này thấy mình trong cuộc hôn nhân mới và bất thành và cuối cùng trở lại, khám phá ra đức tin và cảm thấy mình bị loại không được lãnh bí tích, đều là những người có hoàn cảnh cực kỳ đau khổ. Đây quả là nguyên nhân gây đau khổ lớn lao; nên lúc còn là bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, tôi đã mời nhiều hội đồng giám mục và nhiều chuyên viên nghiên cứu vấn đề này, tức vấn đề bí tích được cử hành mà không có đức tin. Thực tế, tôi không dám nói liệu ở đây ta có khám phá ra giây phút bất thành vì thấy bí tích thiếu một chiều kích nền tảng hay không. Bản thân tôi nghĩ như vậy, nhưng qua nhiều cuộc thảo luận của chúng ta, tôi hiểu rằng đây là một vấn đề phức tạp cao độ và cần được nghiên cứu thêm. Nhưng vì số phận đau khổ của những người này, cần phải có nghiên cứu thêm”.
Khó khăn giáo luật, không hẳn khó khăn luân lý
Hy vọng rằng, với thúc đẩy cụ thể của Đức Phanxicô lần này, Giáo Hội Công Giáo sẽ tìm ra phương thế thích đáng giải tỏa được cơn đau của rất nhiều người con của mình hiện nay. Động thái của ngài được linh mục Alexander Lucie-Smith coi là cách mạng (Xem catholicherald.co.uk, 31 tháng 7, 2013).
Linh mục Lucie-Smith cho rằng phương thức Chính Thống cho phép ly dị và tái hôn hiển nhiên đi ngược lại giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng những người ly dị và tái hôn mắc khó khăn giáo luật hơn là khó khăn luân lý vì rất có thể cuộc kết hợp sau của họ mới là cuộc kết hợp thật sự, chứ không phải cuộc kết hợp đầu.
Linh mục Lucie-Smith cũng cho rằng nhiều người sống trong cuộc kết hợp sau vẫn cứ rước lễ, dù không được phép như thế. Cùng với họ còn là những người sống trong các kết hợp bất hợp lệ, tức những người chỉ sống chung với nhau chứ không cưới nhau dù theo giáo luật hay theo dân luật. Nhóm sau hiện rất đông. Tại Anh chẳng hạn, con số những người ly dị và tái hôn chẳng mấy chốc sẽ bị qua mặt bởi những người chưa bao giờ cưới nhau, hay ít nhất chưa cưới nhau theo giáo luật. Định chế hôn nhân đang bị đe dọa nặng, nhường chỗ cho những cuộc chung sống không cần được Giáo Hội chúc phúc. Một giải pháp cho vấn đề càng sớm có càng tốt.
Vũ Văn An