CHẤP NHẬN NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA NHAU

CHẤP NHẬN NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA NHAU

Giới trẻ, hôn nhân và gia đình - Dec 23/12/2019

CHẤP NHẬN NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA NHAU
{BÍ QUYẾT NHỎ ĐỂ CÓ HẠNH PHÚC LỚN TRONG HÔN NHÂN GIA ĐÌNH)

Người ta thường nói : Yêu nhau vạn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng(Ca dao-tục ngữ VN). Đó là kinh nghiệm phổ biến của dân gian và cũng là cảm nghiệm rất thực của tất cả những ai đã yêu và đang yêu. Quả vậy tình yêu trong hôn nhân sẽ có khả năng kết hợp hài hòa hai người nam – nữ lại với nhau, thành một cặp vợ chồng “tâm đầu ý hợp”. Tình yêu ấy cũng có phép mầu giúp hai người vượt qua những khác biệt của nhau, nhờ đó họ sẵn sàng chia vui sẻ buồn, sẵn sàng đồng cam cộng khổ với nhau trong suốt cuộc hành trình “đồng hội đồng thuyền” duyên kiếp này… 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng cuộc đồng hành của đôi bạn không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió cả đâu ! Đến một lúc nào đó, sóng gió sẽ ào đến, bão tố sẽ ụp đến đe dọa niềm hạnh phúc và sự bền vững “con thuyền lứa đôi”. Sức mạnh như gió bão, như sóng ngầm của những mối bất hòa bất đồng, những mâu thuẫn trái ý, những xung khắc xung đột – chủ yếu nảy sinh từ những khác biệt giữa hai người – sẽ có nguy cơ làm tiêu tan sự nghiệp “hai-nên-một” của đôi bạn. Tình trạng “Cơm chẳng lành canh chẳng ngon” sẽ xảy ra như “cơm bữa” và hiện tượng “Ông nói gà bà nói vịt” sẽ diễn ra thường xuyên, đến nỗi, những người ở trong cuộc sẽ phải ngao ngán mà than thở rằng : “Ôi, tình chỉ đẹp khi còn dang dở !…”. 

Thực vậy, nhìn vấn đề một cách nghiêm túc, ta thấy rằng quá trình hôn nhân là quá trình sống với nhau, làm việc cùng nhau và chịu trách nhiệm như nhau…Và trong quá trình chung sống ấy, tất nhiên người ta phải đối mặt với những thách thức rất lớn mà nếu chúng ta không sáng suốt nhận ra để sẵn sàng đối phó, đương đầu và giải quyết kịp thời thì khó lòng tránh khỏi hiểm họa tan vỡ. 

Các nhà nghiên cứu về hôn nhân gia đình đã đưa ra những số liệu chứng cứ sau đây, như một lời cảnh báo : 
“Theo quy luật phổ biến trên thế giới thì ly hôn ở độ tuổi dưới 30 bao giờ cũng chiếm tỷ lệ cao nhất. Tức là họ chia tay nhau chỉ sau vài năm chung sống. Chẳng hạn ở các nước phương Tây hiện nay, hơn 65% các cặp ly hôn rơi vào nhóm tuổi dưới 35. Điều đó phản ánh một thực tế là những năm đầu tiên chung sống của các đôi vợ chồng trẻ là những năm thử thách gay go nhất, đó là giai đoạn ráp nối của hai cá nhân hoàn toàn khác biệt nhau về tính cách, sở thích, tâm sinh lý, học vấn, lối sống, giới tính…cho nên rất nhiều cặp đã không vượt qua được giai đoạn cam go này và phải bỏ cuộc. 
“Đây là giai đoạn mỗi người phải bộc lộ hết cái tốt và cái xấu thật của mình ra trong đời thường mà trước đó họ không muốn phô bày ra trong khi đang chinh phục lẫn nhau. Chính vì thế mà hầu như sau ngày cưới ai cũng ‘sốc’ hoặc nhẹ hoặc nặng. Một số người đã vượt qua được cú ‘sốc’ đó, còn một số người thì không thể chịu đựng nổi và tự nguyện rời bỏ cuộc tình một thời lãng mạn đó. ” 
(TS Nguyễn Minh Hòa – Hôn nhân gia đình trong xã hội hiện đại – NXB Trẻ năm 2000, trang 85-86).

Do đó, các chuyên viên tư vấn về tình yêu – hôn nhân – gia đình, khi phải đưa ra những lời khuyên cho vấn đề giữ gìn hôn nhân bền vững đã thường nêu một nguyên tắc ưu tiên hàng đầu, đó là “HÃY TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HAI VỢ CHỒNG”. Bởi theo họ, vợ chồng thường không chỉ khác biệt nhau về tuổi tác, trình độ học vấn, sức khỏe, kiến thức, kỹ năng…mà còn chênh lệch và khác biệt nhau về những phương diện sâu xa và tế nhị khác thuộc lãnh vực tinh thần, tâm hồn, tâm lý, lòng đạo vv. Vì thế trong quá trình chung sống với nhau, nếu muốn đạt hạnh phúc lâu dài, bền vững, họ cần tìm được tiếng nói chung để sống hòa hợp, để chấp nhận những khác biệt, để tôn trọng cái riêng tư độc đáo của nhau…

Ta hãy nghe D. Wahrheit, tác giả cuốn “Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô” (Mục Vụ HN&GĐ – Tp HCM 1993) đã phân tích và nhận định như sau : ”Đời sống hôn nhân là khởi đầu của một cuộc khám phá. Yêu nhau, nên một với nhau, không có nghĩa là xóa bỏ mọi khác biệt, cũng không có nghĩa là bắt người khác phải nên giống mình. Sự hòa hợp chỉ có, khi hai bên biết tôn trọng những khác biệt của nhau. Mãi mãi người phối ngẫu vẫn là một mầu nhiệm để chiêm ngưỡng” (x. D. Wahrheit – Sđd trang 13).

Chẳng hạn phía người chồng thì nên suy nghĩ và hành động như sau : 
“Bao lâu người chồng ý thức rằng vợ mình có những khác biệt trong suy nghĩ, trong hành động, trong cách cư xử, và cố gắng để tôn trọng và hòa hợp những khác biệt ấy thì đó là dấu chỉ cho thấy người chồng còn tha thiết với tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Trái lại, khi người chồng không nhìn nhận những khác biệt ấy và cưỡng bách người vợ phải khuôn rập theo cách suy nghĩ, hành động và ý muốn của mình, lúc đó sẽ không có tình yêu nữa mà chỉ có nô lệ và sợ hãi.Khởi đầu cuộc sống vợ chồng, người chồng trẻ nên tâm niệm mỗi ngày rằng vợ mình có những điểm khác biệt với mình, và những khác biệt ấy không phải là một cản trở cho tình yêu, mà trái lại, là một yếu tố giúp cho mình được thêm phong phú, và cần thiết cho việc vun xới và củng cố tình yêu vợ chồng” (x. D. Wahrheit – Sđd trang 13-14). 

Có một điều đặc biệt khá quan trọng mà các đôi vợ chồng chúng ta nên quan tâm, đó là muốn nên một trong cuộc sống hôn nhân gia đình, chúng ta cần có một tấm lòng thật sự bao dung. Ai cũng biết rằng, lòng bao dung (tolérance) khác với lòng khoan dung (indulgence). Bao dung là tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, sự đa dạng giữa người với người trong đủ mọi chiều kích. Trong khi đó, khoan dung là dễ dàng chấp nhận và tha thứ những lỗi lầm hay khiếm khuyết của người khác. Trên thực tế, có người từng khoan dung, nhưng chưa hẳn đã từng bao dung. Họ có thể tha thứ, thông cảm những sai lỗi của người khác, nhưng không chấp nhận người khác suy nghĩ, hành động khác mình. 

Với nhận thức “Bao dung là chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, đa dạng của con người” thì vợ chồng sẽ dễ dàng xích lại gần nhau, dễ dàng bổ túc cho nhau, dễ dàng giúp đỡ nương tựa nhau, dễ dàng cần đến nhau, nhờ đó họ kiện toàn sự hiệp nhất yêu thương nhau. Một danh nhân đã nói : “Yêu ai là yêu trọn vẹn con người đó y nguyên như trong thực tế, chứ không phải như trong ước muốn của ta” (Leon Tolstoi ). Ca dao VN ta cũng có câu : “Yêu nhau vạn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng…”. 

Thực vậy, “Sự hiệp thông trong gia đình đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau, và hòa giải với nhau.” (FC 21). Khi hai người phối ngẫu biết mở lòng ra để đón nhận người bạn đời thì có nghĩa là, một mặt họ phải sẵn sàng chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người ấy, mặt khác họ cần khiêm tốn quảng đại tự điều chỉnh mình kịp thời và thường xuyên, để sự hiệp nhất luôn được bảo toàn, tránh xảy ra những rạn nứt, mâu thuẫn nghiêm trọng.

Tác giả cuốn sách “Hôn nhân gia đình trong xã hội hiện đại” cũng đã đưa ra một đúc kết ngắn gọn như sau : “Để cho gia đình mãi mãi là ‘một bến cảng yên tĩnh’, để cho chỉ có cái chết mới chia lìa được đôi lứa thì mỗi cặp vợ chồng cần phải biết : Chấp nhận – Chịu đựng – Điều chỉnh – Thích ứng” (x.TS Nguyễn Minh Hòa – Sđd trang 103). 

Tóm lại, chúng tôi tán thành ý kiến sau đây của tác giả D. Wahrheit : “Hôn nhân là một công trình xây dựng của hai vợ chồng. Hai tâm lý khác nhau, hai lối suy nghĩ khác nhau, hai sở thích khác nhau…Đó là kho tàng quý giá nhất của đời sống vợ chồng. Sự khác biệt đó không phải là hố ngăn cách hai người mà trái lại, bổ túc cho nhau, làm cho nhau nên phong phú hơn…” (x. D. Wahrheit – Sđd trang 33). 

* CÂU TRUYỆN SUY TƯ 

“Bài Học Từ Con Ngọc Trai”
Bạn có biết con ngọc trai không ? Ngọc trai đã phải chịu đựng đau đớn biết bao nhiêu khi có những hạt cát rơi vào. Nhưng rồi mặc cho nỗi đau dày vò, ngọc trai vẫn can trường bọc lấy những hạt cát để từng ngày tạo nên những viên ngọc đẹp tuyệt vời.
Ngọc trai là loài động vật có hai mảnh vỏ. Một đôi vợ chồng cũng như con ngọc trai vậy. Người vợ và người chồng như hai mảnh vỏ ngọc trai gắn kết với nhau để rồi một ngày tạo ra viên ngọc trai quí.
Khi có vật lạ rơi vào bên trong, nếu hai mảnh vỏ trai chỉ làm điều đơn giản là đẩy nó ra bên ngoài, hoặc tách rời nhau và không phối hợp với nhau sẽ không bao giờ có những viên ngọc trai quí báu.
Đầu tiên, chúng phải biết chấp nhận những điều khó chịu như những hạt cát, và rồi tận dụng những hạt cát đó để tạo ra một cái gì đó tuyệt vời hơn.
Cuộc sống hôn nhân cũng thế.

(Theo Như Nguyễn – Tuần báo TTCN số 39-2002, ngày 6-10-2002)

***** 

Aug. Trần Cao Khải