Chúa Nhật thứ Hai Mùa Vọng : Dọn đường cho Chúa

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Dec 07/12/2024

Chúa Nhật thứ Hai Mùa Vọng

Is 40:1-5,9-11; Tv 85:9-10,11-12,13-14; 2 Pr 3:8-14; Mc 1:1-8

Dọn đường cho Chúa

 

Vọng là chờ và chờ thì phải có tinh thần sẵn sàng, chuẩn bị, đón…

Là người, ai trong chúng ta cũng có tâm thức, cũng có cảm thức về sự chờ đợi. Có thể là chờ đợi một chuyến xe, có thể là chờ đợi một con đò hay có thể chờ người mẹ thân thương đi chợ về. Mỗi sự chờ đợi đều có kết quả nhất định của nó. Chờ xe để ta được đến nơi ta đến, chờ đò để được sang bờ bên kia và chợ mẹ đi chợ về chắc chắn không ít thì nhiều ta cũng có bịch chè táo xọn hay túi chè bà ba.

Ngoài sự chờ đợi thường ngày, chờ đợi mang tính con người, mang tính vật chất như chờ mẹ về có quà chợ thì người Kitô hữu lại có sự chờ đợi lớn hơn những chờ đợi thường ngày đó. Chờ đợi này của con người mang tính cách thiêng liêng, mang tính cách quyết liệt và quyết định cho đời của con người.

Chính vì vậy với Mùa Vọng, Hội Thánh kêu mời chúng ta sẵn sàng cho cuộc chờ đợi thiêng liêng, chờ đợi ơn cứu độ, chờ đợi, chuẩn bị, dọn đường cho Đức Kitô ngự đến.

Sự chờ đợi này hẳn nhiên là quan trọng hơn đợi đò, đợi xe, đợi mẹ bởi lẽ đợi xe không có thì đợi chuyến sau, đợi đò không được thì đợi thêm chuyến nữa và có thể hôm nay mẹ đi chợ về không có gì và mẹ hẹn ngày mai bởi lẽ mẹ… hết tiền. Sự chờ đợi này hẳn nhiên căn cốt cũng không phải là dọn dẹp làm hang đá cho đẹp, hoành tráng, mà là dọn con đường tâm hồn mình.

Trang Tin Mừng rất ngắn hôm nay thánh Luca gợi lên cho ta thấy cách thức đón Chúa trở lại theo lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả là “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-6).

Chúa Giêsu Kitô đang ngự đến. Chúa đã đến rồi đó nhưng rồi có rất nhiều ‘núi cao, hố sâu’ ngăn cản giữa ta và Chúa và giữa Chúa với ta để Chúa khó đến hay thậm chí với chúng ta.

Đơn giản một con đường đang đi thênh thang bỗng dưng có hố sâu và có những đồi cao thì không tài nào qua được dù con người có cố gắng cách mấy. Với hố sâu, qua thì lọt tỏm xuống hố ngay và với đồi cao thì không tài nào đi qua được dù có đổ mồ hôi sôi con mắt.

Hố sâu ngăn cách làm cho con người khó và không gặp được Chúa đó chính là hố sâu tội lỗi và núi đồi kiêu căng, tự phụ. Và hẳn nhiên, dễ hiểu đó là để Chúa đến được với ta và ta đến được với Chúa chỉ có một cách thế duy nhất là phải bạt mọi núi đồi, san phẳng mọi hố sâu để Chúa ngự đến chiếm lĩnh tâm hồn ta.

Khởi đi bằng hành động sám hối. Sám hối là dọn con đường của lòng mình để Chúa ngự đến như có lời chép rằng: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, chỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5,14).

Rất khó để con người biết mình sai lỗi đó là căn bệnh thời đại của con người ngày hôm nay. Chính vì thế, khởi đầu là mình biết mình sai lỗi, rồi chấp nhận lỗi của mình để mình hoán cải bằng một hành động thiết thực.

Hành động thiết thực nhất ta có thể làm đó là ta quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi, ăn năn dốc lòng chừa vì lòng mến Chúa và lãnh nhận Bí tích Hòa Giải để ta hòa giải với Chúa.

Tâm tình hòa giải đó là tâm tình mà Thiên Chúa mong muốn, Thiên Chúa mời gọi nơi mọi người chúng ta. Ta, một khi được giải thoát khỏi tội lỗi, ta được trở nên thánh thiện và được sống đời đời (x. Rm 6,22-23).

Trở lại với những trang đầu của Thánh Kinh và lịch sử cứu độ, ta không thể nào quên được cái biến cố định mệnh tách lìa ta với tình yêu Thiên Chúa đó là do con người kiêu ngạo. Chỉ vì tưởng chừng ta bằng với Thiên Chúa để rồi kiêu căng huênh hoang như ông bà nguyên tổ giơ tay hái trái cấm.

Khởi đi sự kiêu căng của ta từ trong suy nghĩ đến việc làm. Sự kiêu căng ấy thể hiện ở chỗ tự cho mình là ‘cái rốn của vũ trụ’, không coi ai ra gì, dần dần dẫn đến một tình trạng nguy hiểm hơn cả là cũng chẳng còn kính sợ Thiên Chúa. Sống tự phụ, cứ nghĩ rằng mình có thể làm được tất cả mà chẳng cần ơn Chúa, và đây là một thái độ hết sức nguy hiểm, vì người đó loại Chúa ra khỏi cuộc sống của mình.

Khi ta kiêu căng, chắc chắn Chúa không đến được với ta và ngược lại tha nhân cũng chẳng đến với ta được.

Khi ta kiêu căng, ta sẽ cô độc trong sự tự phụ của mình. Kết quả là ta đi đến chỗ bất mãn với tất cả và tự diệt vong (x. 2Tx 1,7-9). Cho nên phải bạt những núi đồi kiêu căng này.

Và chính khi ta biết khiêm nhường, ta mới thấy được rằng nếu không có Chúa thì tất cả những gì mình có, mình làm ra được chỉ là con số không. Chính thánh Phaolô đã cảm nghiệm được điều này khi ngài nói: “Tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2Cr 12,9).

Chúa Giêsu đến với ta hàng ngày không phải dưới hình ảnh Hài nhi Giêsu hay hình ảnh vị Thẩm phán cánh chung trong ngày Quang Lâm, nhưng dưới hình ảnh những người anh em thân cận, những người Chúa gởi đến với ta trong cuộc sống.

Có vô vàn ngăn trở khiến chúng ta không thể gặp Chúa nơi tha nhân. Đức Giêsu đã nói rõ: “Từ lòng con người, phát xuất những ý định xấu như tà đâm, trộm cướp, giết người, ngoại tình tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21-22).

Vì những ngăn trở như thế này đã khiến cho hai người láng giềng cách nhau một bức vách không thể đến với nhau được, khiến cho hai người bạn cùng chung sở làm không nhìn mặt nhau; thậm chí cha mẹ, con cái, anh em ruột thịt… chung sống dưới một mái nhà, ngồi quanh một mâm cơm, nhưng tâm hồn xa nhau vạn dặm.

Đặt mình trước mặt Chúa trong mùa Vọng này, ta nhớ lại chính Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Ngài hiện diện trong các anh chị em chung quanh nên những gì chúng ta làm cho những người chung quanh là làm cho chính Ngài (Mt 25,40).

Khi cảm nhận được điều đó, dọn đường Chúa đến với ta không gì khác hơn là dọn đường cho anh chị em chung quanh có thể đến được với mình, là xoá bỏ đi những ngăn cách giữa ta với tha nhân mà ta giáp mặt hằng ngày. Chỉ khi nào giữa chúng ta và mọi người chung quanh không còn phân ly ngăn cách, thì lúc con đường mới dọn xong và Chúa mới có thể đến được với ta.

“Hãy dọn đường Chúa đến” bằng những hành động cụ thể: sửa đường cong queo của tinh thần vô trách nhiệm, của lòng ích kỷ, của tính hay mánh mung lừa đảo bằng những con đường ngay thẳng của tinh thần liên đới, chia sẻ, thật thà, biết tôn trọng sự thật; lấp mọi hố sâu của ganh ghét, chia rẽ, hận thù, thiên kiến, nghi kỵ bằng sự khoan dung tha thứ, bằng sự tin tưởng thiện chí vào nhau; bạt mọi núi đồi của lòng kiêu hãnh, thói kiêu căng tự mãn bằng tinh thần khiêm nhu; lấp đi những hố sâu lòng tham lam, vơ vét, bất hoà bằng cách đặt lợi ích chung lên trên quyền lợi của cá nhân; san bằng những lượn sóng gồ ghề nói hành, nói xấu nhau bằng nói tốt, nghĩ tốt về nhau; san bằng những con đường bi quan yếm thế của những thất vọng, của những ngày đen tối, của những lỗi lầm trong quá khứ bằng những cái nhìn tích cực, lạc quan tràn đầy hy vọng nơi chính mình, nơi kẻ khác và nơi cuộc sống… Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đón Chúa đến nơi tha nhân giữa lòng xã hội của ngày hôm nay.

Trong sâu lắng của tâm hồn, ta hãy xin Chúa hãy cất khỏi chúng ta tất cả những gì làm cho chúng ta xa lìa Chúa, và xin ban cho chúng ta tâm tình thống hối ăn năn để hoán cải theo tinh thần Tin mừng, để ngày Chúa đến chúng ta hân hoan đón tiếp Ngài.

Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR