Đức tin là 1 trong 3 nhân đức đối thần hay thần học (Theological Virtue) nhờ đó chúng ta nhận biết và tin có Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo dựng muôn loài muôn vật trong đó có con người, “được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,27).
Đức tin là gì và phải sống đức tin như thế nào?
Hỏi: Nhân Năm Đức Tin sắp mở ra trong Giáo Hội, xin cha giải thích tầm quan trọng của đức tin trong đời sống Kitô giáo.
Trả lời:
Đức tin là 1 trong 3 nhân đức đối thần hay thần học (Theological Virtue) nhờ đó chúng ta nhận biết và tin có Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo dựng muôn loài muôn vật trong đó có con người, “được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,27).
Nhưng muốn có đức tin thì trước hết phải có ơn Chúa ban cho như một quà tặng quý giá mà không ai có thể tự sắm cho mình hay nhờ phương thế tự nhiên nào, hoặc học ở trường học nào trên thế giới mà có được đức tin.
Nghĩa là tiên vàn phải là ơn Chúa ban cho ai thì người đó được đức tin. Qua quà tăng này, Thiên Chúa đã tự mặc khải mình để cho phép ta tin có Chúa, dù không hề trông thấy Người mà vẫn vững chắc tin và sống theo Thánh ý của Người để được chúc phúc và cứu rỗi. Nói khác đi, nếu Thiên Chúa không tự mặc khải Người cho chúng ta thì không bao giờ chúng ta có thể biết Ngài là AI để tin và yêu mến, đúng như Chúa Giêsu đã nói:
“Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (Ga 6,65).
Có nghĩa là không ai có thể biết Chúa Con, nếu Chúa Cha không ban ơn mở trí cho người ấy.
Nơi khác, Chúa Giêsu đã cảm tạ Chúa Cha về ơn mặc khải dành cho những người bé mọn, tức những người thấp hèn như chúng ta mà lại được hạnh phúc biết Chúa qua đức tin:
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngượi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, đó là điều đẹp ý Cha” (Mc 10,21).
Như thế, chính nhờ ơn mặc khải đức tin mà chúng ta, những kẻ bé mọn đã nhận được, nên chúng ta mới biết và tin có Thiên Chúa là Cha toàn năng, tin Chúa Ngôi Hai đã xuống trần gian làm Con Người để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tội, cũng như tin Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý và là Đấng ban sự sống.
Đó là Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi (The Holy Trinity), tức Một Thiên Chúa với Ngôi vị riêng rẽ nhưng cùng một bản thể (Consubstantial) và uy quyền như nhau. Mầu nhiệm này đòi hỏi phải có đức tin thì mới chập nhận được, mặc dù không thể giải thích hợp lý theo luận lý (logic) hay bất cứ khoa học nào của con người. Khoa học và thông thái của con người chỉ giúp sáng tạo ra những tiện nghi cho cuộc sống vất chất cũng như chế tạo ra những vũ khí cực mạnh để giết hại lẫn nhau chứ không thể giúp con người nhận biết có Thiên Chúa là Chủ Tể của mọi loài, mọi vật hữu hình và vô hình. Chỉ có đức tin mới giúp con người khám phá ra Thiên Chúa để tin yêu mến Ngài mà thôi.
Thật vậy, khi Chúa Giêsu sinh xuống trần gian làm Con Người, chính Chúa Cha đã mở trí cho những kẻ chăn chiên và 3 đao sĩ phương Đông, nên họ đã mau mắn đi tìm để thờ lạy “một Hài Nhi” nằm trong máng cỏ, vì họ tin đó “là Đấng Thiên Sai (Messiah) đã đến để giải thoát cho con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và hy vọng được cứu rỗi, nhờ tin vào Người và sống theo đường lối của Người là “Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).
Ngược lại, đa số người Do Thái, đặc biệt là các trưởng lão, đạo sĩ, và luật sĩ – đã không đến thờ lạy Chúa vì họ không có đức tin để nhận biết Chúa Giêsu là chính Đấng Thiên Sai, Messiah, mà các ngôn sứ đã loan báo trong thời Cựu Ước, vì thế họ đã thờ ơ, không đón tiếp Người như Tin Mừng Thánh Gioan đã viết: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
Chẳng chịu đón nhận vì họ không tin rằng Đấng Thiên Sai lại có thể giáng sinh trong cảnh khó hèn như vậy. Chính sự cứng lòng tin này từ đầu của dân Do Thái mà cuối cùng đã đưa họ đến đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá. “Một điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, dân ngoại cho là điên rồ, nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,23-24).
Như thế, chỉ có đức tin mới cho phép con người nhận ra trước hết: “Một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12) và sau này một “tử tội bị đóng đinh cách nhục nhã trên thập giá” là Đức Kitô, Đấng Thiên Sai đã đến để “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20,28).
Qua những bằng chứng Kinh Thánh trên đây, chúng ta thấy rõ đức tin là điều kiện căn bản tối cần cho phép con người đến với Thiên Chúa là Đấng vô hình nhưng đã mặc khải Người cách hữu hình nơi Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, để “ai thấy Thầy thì thấy Chúa Cha” (Ga 14,9) như Chúa Giêsu đã trả lời cho môn đệ Philipphê. Nhưng, như đã nói ở trên, đức tin phải là một ơn sủng đặc biệt của Thiên Chúa ban cho con người, như Chúa Giêsu đã nói với Phêrô khi môn đệ này tuyên xưng Chúa là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Chúa nói: “Này anh Simon, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên cao” (Mt 16,17).
Như vậy, chứng tỏ cho thấy đức tin là một ơn mặc khải của Thiên Chúa ban cho con người để giúp con người tin có Ngài là Đấng đã vì yêu thương mà tạo dựng con người, cũng như đã cứu chuộc con người nhờ Chúa Kitô, Đấng đã “yêu mến tôi và hiến mạng sống vì tôi” (Gl 2,20).
Nhưng hạt giống đức tin mà chúng ta nhận được qua phép Rửa không thể tự nó lớn lên và sinh hoa kết trái trong tâm hồn ta được, nếu ta không cộng tác với ơn Chúa để nuôi dưỡng hạt giống đức tin đó được lớn lên trong ta đến mức trưởng thành.
Thật vậy, đức tin đòi hỏi việc lành, việc đạo đức để tăng trưởng như hạt giống cần được tưới nước để nẩy mầm, sinh cây kết trái. Đó là lý do tại sao Thánh Tông Đồ Giacôbê đã nói:
“Thật thế, một thân xác không có hơi thở là một xác chết. Cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26).
Hành động mà Thánh Giacôbê nói trên đây là những việc đạo đức mà ta cần làm để thể hiện đức tin như siêng năng cầu nguyện để thắt chặt tình thân với Chúa. Sau đó, đọc, suy gẫm Lời Chúa, và năng lãnh nhận các bí tích ban sự sống như Thánh Thể và Hoà Giải để đức tin được lớn mạnh thêm trong ta. Nghĩa là ai không cầu nguyện, không tham dự Thánh Lễ, không nghe Lời Chúa và nhất là không rước Mình và Máu Chúa Kitô, thì đức tin của người ấy sẽ ví như cục than hồng bỏ ra ngoài lò sưởi và sẽ mau chóng tự tàn lụi thành tro mà thôi.
Đó là tất cả ý nghĩa của lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa:
“… phàm ai đã có thì được cho thêm và sẽ dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi” (Mt 25,29).
Đã có đức tin thì sẽ được cho thêm nếu biết vun sới đức tin đó bằng những việc đạo đức. Ngược lại, thờ ơ hay dửng dưng mọi việc đạo đức thì đức tin sẽ chết dần mòn trong tâm hồn đến mức không còn tin tưởng gì nữa. Thực tế đã chứng minh điều này: Trong số những kẻ đang phạm tội ác, đang giết người, trộm cắp và hiếp dâm… cũng có người trước đây đã được rửa tội, đã mang danh Kitô hữu, nhưng nay đã dấn thân vào con đường tội lỗi chỉ vì không lo nuôi dưỡng đức tin bằng việc lành, đạo đức nên đức tin đã như cây cỏ chết khô vì không được tưới nước đầy đủ.
Khi đã không còn đức tin nữa, thì người ta dễ buông thả chiều theo những đòi hỏi bất chính và dễ dàng đi vào con đường tội lỗi để làm những sự dữ, ví như chiếc xe lao xuống dốc, xuống vực thẳm vì không có thắng ngăn chặn.
Đây là kinh nghiệm thiêng liêng của mỗi người tín hữu chúng ta sống giữa trần gian với bao quyến rũ và dịp tội thách đó đức tin của chúng ta. Chỉ cần nhìn qua cách sống của những người quanh ta cũng đủ cho ta thấy rõ lằn ranh giữa những người tin và không tin có Chúa hiện nay ở khắp nơi trên thế giới.
Trước hết là những kẻ sống theo “văn hoá của sự chết” đang mải mê tìm tiền của và mọi thú vui vô luân vô đạo, hoặc đang cai trị với bạo lực để vơ vết của cải và bóc lột người dân cách vô nhân đạo. Đây chính là những kẻ không có niềm tin vào một Thiên Chúa cực tốt cực lành. Ngược lại, có những người đang xả thân phục vụ cho người nghèo khó, bệnh tật, đói khát theo gương Mẹ Têrêxa, nay là Chân phước (Blessed), hoặc đang dấn thân, hy sinh đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ ở những nơi xa xôi nghèo đói bên Phi châu và Ấn Độ. Họ là ai? Phải chăng đó chính là những người có niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa nên đã hăng say thể hiện niềm tin của mình bằng việc tông đồ, truyền giáo rất đáng ca ngợi?
Tóm lại, nếu ta thực tâm tin có Chúa, tin có sự sống mai sau trên Nước Trời, thì ta phải tỏ thiện chí quyết tâm sống theo đường lối của Chúa ngay từ bây giờ, có như thế đức tin của chúng ta mới có giá trị cứu rỗi. Ngược lại, nếu chỉ tuyên xưng ngoài môi miệng là có Thiên Chúa, nhưng lòng trí lại hướng chiều theo những lôi cuốn của các khuynh hướng xấu trong bản năng, chạy theo những quyến rũ của thế gian, nhất là những cám dỗ rất tinh vi, xảo quyệt của ma quỷ, địch thù của chúng ta, ví như “sư tử gầm thét rao quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8), thì chắc chắn đức tin sẽ không giúp ích gì cho ta được sống đẹp lòng Chúa, như Chúa Giêsu đã nói rõ với các môn đệ xưa:
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy, Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên Trời mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
Nói khác đi, không phải cứ nhận mình là người Công giáo, cứ nói tôi tin có Chúa, nhưng đời sống của tôi lại hoàn toàn mâu thuẫn với niềm tin đó, vì vẫn ăn gian nói dối, ngoại tình, gian tham, tôn thờ tiền bạc và của cải vật chất, oán thù, nghen ghét, cờ bạc, mãi dâm, nhảy nhót, ca hát vui chơi sa đoạ… thì có nói cả ngàn lần “Lạy Chúa, Lạy Chúa” cũng vô ích mà thôi! Chắc chắn như vậy.
Do đó, muốn đứng vững trong đức tin, trong ơn nghĩa Chúa để bảo đảm ơn cứu độ, chúng ta phải luôn tỉnh thức và cầu nguyện để “khỏi lâm vào cơn cám dỗ, vì tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26,41) như Chúa Giêsu đã nói với mấy môn đệ đi theo Người vào vườn Giệtsêmani trong đêm Người bị nộp vì Giuđa phản bội.
Phản bội vì mê tiền của hơn yêu mến Thầy, vì yêu mến tôn thờ tiền bạc và của cải vật chất hơn tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất là cội nguồn mọi giàu sang phú quý và hạnh phúc bất diệt.
Nói rõ hơn, người tín hữu Chúa Kitô ngày nay bán Chúa hay phản bội Chúa chỉ vì không sống đức tin thực sự, đòi hỏi phải cương quyết xa tránh mọi tội lỗi do ma quỷ xúi giục với sự tiếp tay của thế gian và chiều theo những khuynh hướng xấu còn tồn tại trong mỗi người chúng ta. Không nỗ lực chiến đấu chống lại những nguy cơ này thì không thể tự nhận mình là người có đức tin được.
Cho nên, phải tuyên xưng đức tin bằng chính đời sống của mình, từ bên trong tâm hồn sâu thẳm cho đến lời nói và hành đông bên ngoài trước mặt người đời và trong mọi hoàn cảnh sống để có thể nói được như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).
Ước mong mọi người tín hữu chúng ta ý thức đúng mức sự cần thiết phải sống đức tin cách cụ thể như các Thánh Tông đồ Giacôbê và Phaolô dạy trên đây trong Năm Đức Tin (The Year of Faith) sẽ được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chính thức khai mạc tại Toà Thánh La Mã ngày 11-10 năm nay và sẽ bế mạc vào ngày 24-11-2013.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho sự thành công tốt đẹp của Năm Đức Tin nhằm quảng bá sâu rộng thêm Tin Mừng Cứu Độ và củng cố đức tin Kitô giáo sao cho thích ứng với hoàn cảnh thế giới ngày nay.
Lm. P.X. Ngô Tôn Huấn
(emty.org Cập nhật: 11/09/2012 – 00:36:28)