ĐỨC TIN LÀM NÊN SỨC MẠNH

ĐỨC TIN LÀM NÊN SỨC MẠNH

Năm Đức Tin - Mar 24/03/2014

Đức tin thật sự không phải là kết quả của việc chấp nhận xuông một số tín điều nào đó là đúng, hoặc là tuyên xưng những tín điều ấy ra một cách thật mạnh mẽ, rao giảng những tín điều ấy thật hùng hồn, như rất nhiều Kitô hữu đang làm

1.      Đức tin cần thiết cho đời sống

Nói đến đức tin, rất nhiều Kitô hữu nghĩ đến một số những tín điều mình đang chấp nhận là đúng. Đức tin thật sự không phải là kết quả của việc chấp nhận xuông một số tín điều nào đó là đúng, hoặc là tuyên xưng những tín điều ấy ra một cách thật mạnh mẽ, rao giảng những tín điều ấy thật hùng hồn, như rất nhiều Kitô hữu đang làm. Rất nhiều Kitô hữu có thứ đức tin kiểu ấy. Nhưng đó không phải là đức tin đích thực. Đức tin đích thật phải là một lực mạnh mẽ từ nội tâm, thúc đẩy người tin phải hành động, bất chấp hy sinh hay đau khổ. Thánh Giacôbê nói: «Đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2,26). Nghĩa là đức tin đích thực thì tự nó phải hướng đến việc làm, nếu không có việc làm thì đó chỉ là thứ đức tin giả hiệu. Nhiều người tưởng mình có đức tin, nhưng thật ra đức tin của họ là đồ giả, vì nó chẳng đem lại một lợi ích thực tế nào cho đời sống của họ. Nghĩa là chẳng làm họ hạnh phúc hơn, mạnh mẽ hơn, yêu thương tha nhân hơn… Nếu có đức tin hay không có đức tin, đời sống của ta cũng chẳng thay đổi bao nhiêu, thì thứ đức tin ấy chỉ là đức tin giả hiệu. Nếu ta có đức tin đích thực, đức tin ấy sẽ làm đời sống ta thay đổi lớn lao.

Ta thử tưởng tượng một anh chàng chuyên môn ăn trộm. Khi có người nói cho anh biết gần nhà anh có một người rất giàu có với một gia tài kếch xù, và gia tài ấy đang được để trong một cái tủ chắc chắn trong nhà người ấy. Anh trộm ấy sẽ không hành động gì nếu anh cho rằng thông tin đó chỉ xác thực được 30, 40%. Nhưng nếu anh biết nguồn tin đó là xác thực, có thể đúng tới 80, 90%, thì anh bắt đầu ăn ngủ không yên. Lòng trí của anh không thể không tính toán xem có cách nào chiếm đoạt được kho tàng ấy. Và sau khi suy nghĩ ra kế hoạch an toàn nhất để xâm nhập nhà đó, anh ta không thể không hành động. Chắc chắn anh ta phải thực hiện dự tính của mình. – Cũng thế, chúng ta không thể không hành động nếu chúng ta có đức tin thật sự.

2.      Tác dụng của đức tin đích thực.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu cho thấy hiệu lực rõ rệt của đức tin đích thực. Nếu là đức tin đích thực, thì dù chỉ là một chút, cũng có tác dụng to lớn: «Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em» (Lc17, 6). Đương nhiên chúng ta không nên hiểu lời Kinh Thánh này theo nghĩa đen, vì Thánh Kinh hay dùng những hình ảnh cụ thể để diễn tả những thực tại trừu tượng. Câu trên có nghĩa: đức tin đích thực, dù chỉ nhỏ bé, cũng có tác dụng thật sự, khiến người có đức tin có được một năng lực hay sức mạnh tinh thần lớn lao để thực hiện được những việc mình muốn.

Không có đức tin, không cậy dựa vào Thiên Chúa, chúng ta không thể làm được gì, đúng như Đức Giêsu nói: «Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được» (Ga15, 5). Nhưng nếu tin vào Thiên Chúa, ta sẽ có năng lực để làm được tất cả mọi sự, như thánh Phaolô đã từng cảm nghiệm: «Tôi có thể làm được tất cả nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13). Vì lúc đó, năng lực mà tôi sử dụng không phải đến từ bản thân bất lực của tôi, mà đến từ Thiên Chúa, nguồn của mọi sức mạnh trong vũ trụ, là Đấng «không có gì là không thể làm được» (Lc 1,37). Lời Chúa rõ ràng như vậy, nên nếu ta không có đủ năng lực, chính là vì ta chưa có đức tin đích thực, mà chỉ có đức tin trên lý thuyết. Nghĩa là ta chỉ chấp nhận là đúng những gì Chúa hay Giáo Hội dạy, và ta chỉ tuyên xưng những điều đó ra ngoài miệng mà thôi, chứ chưa xác tín thật sự từ trong đáy lòng. Chỉ cần một chút thử thách là ta có thể nghi ngờ những điều đó ngay.

3.      Những sự kiện trong Kinh Thánh về đức tin

Một vài sự kiện trong Kinh Thánh đáng chúng ta lưu ý suy gẫm:

a. Khi về Nazarét, Đức Giêsu không làm được nhiều phép lạ nào. Tin Mừng Matthêu nêu rõ lý do: «vì họ không tin» (Mt 13,58). Như vậy, điều kiện để phép lạ có thể xảy ra là phải có đức tin.

b. Khi chữa lành bệnh cho ai, Đức Giêsu không nói rằng «Tôi đã cứu anh», mà nói: «Đức tin của anh đã cứu anh» (Mt 9,22; Mc 5,34; Lc 8,48; Lc 17,19). Như vậy, đức tin là yếu tố chủ quan chính yếu nhất để ta được cứu hay làm được chuyện này việc kia.

c. Đức Maria được bà Êlizabét khen: «Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em» (Lc 1,45). Như vậy, điều khiến cho Đức Maria có phúc chính là Mẹ đã dám tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Chúng ta cũng có phúc nếu chúng ta dám thật sự tin vào Thiên Chúa như Mẹ.

d. Khi Phêrô thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển, ông tin rằng ông cũng có thể đi trên mặt biển đến với Ngài, và với niềm tin ấy, ông đã đi trên mặt nước không khác gì đi trên mặt đất. Nhưng khi thấy gió thổi mạnh thì ông đâm ra nghi ngờ, đức tin của ông bị chao đảo. Chính vì thế ông bị chìm xuống (x. Mt 14,22-33). Điều đó cho thấy việc Phêrô đi được trên mặt nước hay bị chìm xuống là do đức tin của ông có mạnh mẽ hay không. Trường hợp này có thể nói: ông đi trên đức tin của ông, hay đức tin của ông chính là mặt đất nâng đỡ bước chân ông đi, cũng như nâng đỡ toàn bộ cuộc đời ông. Cũng vậy, khi đức tin ta vững vàng, đời sống nội tâm của ta luôn luôn an bình hạnh phúc bất chấp nghịch cảnh. Nhưng khi đức tin của ta bị chao đảo, đời sống của ta cũng bị chao đảo theo.

Phân tích những sự kiện Kinh Thánh trên, ta thấy: để thành tựu được một phép lạ, phải có hai yếu tố quan trọng: (1) quyền năng của Thiên Chúa(2) lòng tin của con người vào quyền năng của Ngài. Thiếu một trong hai thì phép lạ không thể thành tựu được. Tuy nhiên, quyền năng của Thiên Chúa thì bao giờ cũng có, lúc nào cũng sẵn sàng tác động, không bao giờ thay đổi hay mất đi. Nên yếu tố thường hằng ấy không cần xét tới nữa. Vấn đề còn lại chỉ là lòng tin của con người. Phép lạ hay điều ta cầu xin Thiên Chúa có xảy ra hay không, hoàn toàn do ta: do ta có thật sự tin vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa hay không.

4. Hãy tự xét xem mình có đức tin đích thực không

Khi nói về đức tin, người Kitô hữu nào cũng đều tưởng rằng mình có đức tin. Nhưng trong thực tế, chỉ cần trải qua một vài thử thách nho nhỏ là ta có thể chứng tỏ mình có đức tin thật sự hay không. Lúc đó, nếu hồi tâm phản tỉnh, nhiều người sẽ khám phá ra mình hành xử chẳng khác gì người không có đức tin. Thông thường, người Kitô hữu nào cũng tuyên xưng mạnh mẽ vào sự quan phòng đầy tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, thậm chí rao giảng rất hùng hồn về niềm tin ấy. Chính vì tuyên xưng và rao giảng như thế, ta cứ ngỡ rằng mình tin rất vững vào sự quan phòng của Ngài. Nhưng khi tình yêu hay lương tâm ta đòi buộc phải hành động, phải hy sinh, phải chấp nhận nguy hiểm, hay khi gặp những giông tố của cuộc đời, bấy giờ ta mới thấy ta lo sợ đủ thứ và hành động y hệt như những kẻ không tin. Ta không dám phó thác vận mệnh của mình trong tay Thiên Chúa để có thể an tâm làm theo đòi hỏi của tình yêu hay lương tâm mình. Lúc ấy ta mới thấy niềm tin của ta rất mong manh, chỉ mong nó lớn «bằng hạt cải» thôi cũng không chắc đã được.

Nếu «ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?» (Nguyễn Công Trứ), thì cũng vậy, nếu không có những thử thách, khó khăn trong cuộc sống, người có đức tin và người không có đức tin chẳng khác nhau bao nhiêu. Nhưng chính trong những thử thách, giống tố của cuộc đời, người có đức tin đích thực sẽ chứng tỏ được đức tin của mình.

Nguyễn Chính Kết