Thứ Tư Tuần XII Mùa Thường Niên
Mt 7, 15-20
ĐỪNG GIẢ TẠO
Ngày nay, ta sống trong thời khoa học kỹ thuật tiến bộ, máy móc tinh vi là những phương tiện làm cho đời sống chúng ta được tốt đẹp, nhưng có người lại dùng máy móc kỹ thuật tiến bộ ấy mà làm ra những hàng giả tạo, trông thì đẹp mắt mà sử dụng thì mau hư, có khi sinh ra độc hại cho chúng ta nữa. Người ta rất sợ hàng giả, thức ăn giả tạo. Về lãnh vực tôn giáo, cũng có những tín đồ sống đạo thật, nhưng cũng không thiếu tín đồ sống đạo giả dối hình thức, gây nên nhiều nguy hiểm cho người khác. Vì thế, Chúa Giêsu nói lời cảnh giác chúng ta “anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả”, và Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta phương cách để nhận ra một kitô hữu, một môn đệ, một ngôn sứ giả hay thật.
Theo Kinh Thánh Cựu Ước, ngôn sứ giả là những kẻ man trá, khoe khoang nói phách, không tin tưởng vào Chúa (Xp 3,4), dua nịnh vua chúa hay dân chúng với những lời sấm lừa bịp làm kẻ dữ chai đá trong đường tà; chúng còn củng cố tay lũ ác ôn, khiến không ai bỏ đường tà mà trở lại (Gr 23,14), lôi kéo người ta quên danh Chúa (Gr 23,27), làm cho dân lầm lạc (Gr 23,22). Còn trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một nhận định: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt” (Mt 7,16;17-18).
Chúa Giêsu đã dựa theo kinh nghiệm thông thường của người làm vườn, với việc dùng những hình ảnh quen thuộc của cây và quả, để dạy các môn đệ biết phân định tốt-xấu, nhằm cảnh tỉnh các môn đệ về lối sống giả tạo của các ngôn sứ giả: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai?” (Mt 7,15-16a). Quả thật, vấn đề ngôn sứ giả không chỉ vào thời Chúa Giêsu mới xuất hiện nhưng thời nào cũng có. Họ dùng lời lẽ khéo léo để mê hoặc người khác, nhưng việc của họ làm thì hoàn toàn khác. Họ thường đặt lên vai người khác những gánh nặng, còn chính họ thì không muốn đụng vào: “Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23, 3-4).
Hãy xem quả thì biết cây, đó là luật nhân quả, trong đó có sự tương quan giữa con người với cuộc sống của họ, cũng như tương quan giữa cây và trái cây. Cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh trái xấu. Vậy hãy xem cuộc sống và việc làm cụ thể của một kitô hữu, một môn đệ hay một ngôn sứ sinh được những hoa quả nào thì chúng ta biết họ là ai. Tính chất của hoa quả tùy thuộc vào tính chất của cây, và cây lành hay cây xấu là do bản chất tự nhiên không thay đổi được.
Nhưng với con người thì khác, con người tốt hay xấu không phải do bản tính mà là do cách sống nên có thể thay đổi được. Một lời khác Chúa Giêsu tuyên phán: “Cây nào không sinh quả tốt thì bị chặt đi và quăng vào lửa”. Lời này có giá trị là một lời cảnh giác, thúc bách chúng ta xét lại chính mình, và mau mắn cải thiện đời sống, lo sao cho đời sống và việc làm cụ thể của chúng ta sinh được những hoa trái tốt cho sự sống đời đời của chúng ta.
Một điều khác Chúa Giêsu căn dặn chúng ta là: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả”. Coi chừng chính mình và coi chừng người khác. Trong Giáo Hội không thiếu những con sói nhưng đội lốt chiên, đó là những người sống đạo giả dối, sống đạo theo hình thức mà không có ý hướng ngay lành, siêu nhiên từ nội tâm. Chính hình thức bên ngoài ấy mê hoặc chúng ta, làm cho chúng ta dễ nhầm lẫn, có khi đến mức thần tượng hóa và dễ thuận theo con đường đối nghịch với giáo huấn của Đức Kitô, bằng những lối ngụy biện rất sắc bén tinh vi lôi kéo niềm tin của chúng ta, để rồi giả mà chúng ta thấy là thật, đưa chúng ta đến những tai hại nguy hiểm cho vận mạng đời đời của chúng ta.
Và rồi hôm nay Chúa mời gọi ta đừng bao giờ lợi dụng lòng đạo đức của chúng ta để lừa dối người khác, để trục lợi cho mình. Chúng ta không nên làm viêc đạo đức giả hình, vụ hình thức, những việc lành chúng ta làm bên ngoài phải trung thực với ý hướng ngay lành siêu nhiên tự nội tâm. Chúng ta biết cây độc không thể trở nên cây lành được, nhưng với con người thì không phải như thế, nếu chúng ta là một kitô hữu đã bị biến chất, không còn là một kitô hữu chính danh, thì chúng ta có thể trở nên một kitô hữu đích thực được, nếu chúng ta nhanh chóng hoán cải chính mình, hòa giải với Thiên Chúa và với mọi người, thì mọi việc lành chúng ta làm mới có giá trị cho sự sống đời đời của chúng ta. Vì cây tốt mới sinh được trái tốt, một kitô hữu tốt mới có những việc bác ái, yêu thương, hiệp nhất với mọi người, làm ích cho mọi người và đem lại sự sống đời đời cho chúng ta.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước thói giả hình. Bao lâu giữa niềm tin và cuộc sống còn có khoảng cách, thì bấy lâu chúng ta vẫn còn là những kẻ giả hình; trên cây đức tin của chúng ta chỉ có những quả xấu; cuộc sống chỉ còn là những phản từ, hay nói theo ngôn ngữ quen thuộc: chúng ta làm ố danh sự đạo. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ tín hữu Côrintô: Những người rước Mình Thánh Chúa mà vẫn tiếp tục sống trong chia rẽ và kỳ thị, là những người sống trong mâu thuẫn không thể chấp nhận được, và họ rước Mình Thánh Chúa một cách bất xứng. Bí tích Thánh Thể không thể tách rời khỏi giới răn yêu thương: người ta không thể rước Mình Thánh Chúa mà đồng thời lại sống xa lạ với anh em đang bị đói khát, đau yếu, tù đày. Từ việc rước lễ phải nẩy sinh trong chúng ta sức mạnh của niềm tin yêu khiến chúng ta cởi mở với tha nhân, có lòng từ bi đối với những người sống trong túng thiếu và quẫn bách.
Một kitô hữu chính danh, một môn đệ đích thực, một ngôn sứ chính hiệu là người biết làm việc và sống trong đời sống cụ thể thường ngày phù hợp với giáo huấn Tin Mừng của Đức Giêsu, đó là tiêu chuẩn, là thước đo mà Chúa Giêsu đưa ra để giúp chúng ta tự kiểm và nhận định về người khác.
Bài: Tuệ Mẫn & Video: TGPSaigon.net