HÃY ĐỂ ĐỜI MÌNH BỊ NGHIỀN NÁT NHƯ ĐỨC KITÔ 

HÃY ĐỂ ĐỜI MÌNH BỊ NGHIỀN NÁT NHƯ ĐỨC KITÔ 

SUY NIỆM - Mar 17/03/2018

Chúa Nhật thứ Năm Mùa Chay
Gr 31:31-34; Tv 51:3-4,12-13,14-15; Dt 5:7-9; Ga 12:20-33

 Trang Tin Mừng mà nói về : “hạt lúa mà chết đi không sinh được nhiều bông hạt” , có lẽ chúng ta nghe rất quen. Bởi lẽ bài Tin Mừng này, thường hay chọn đọc trong các thánh lễ an táng.

Đây là một cái lời rất quen thuộc với chúng ta. Thì để rồi người ta vẫn thường nói với nhau rằng là : quen quá hóa nhàm! Chính vì quen quá hóa nhàm,   hay là nghe cho nó xong cái bài Tin Mừng, rồi nghe vội cái bài cha giảng,  mà không nhớ đến không nghĩ đến, không lưu tâm đến cái nội dung bên trong mà Hội Thánh muốn công bố cho chúng ta trước khi chúng ta bước vào tuần thánh với Chúa Giêsu.

Tất cả các Trang Tin Mừng không có thánh sử nào nói về hình ảnh này, chỉ đặc biệt ở chương 12 của Thánh Gioan thôi. Và trong cái mạch văn này thì  trước đó ;  Thánh Gioan  thuật lại cái sự kiện sống động, chấn động, lay động lòng người  đó là việc Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại.

Và với các biến cố mà Lazarô sống lại này, chúng ta thấy người chết và sống lại thì chưa nghe bao giờ. Chính vì thế mà cái tin mà Lazarô chết bốn ngày rồi sống lại, làm rung động. Và người Do Thái quan tâm và kéo về đó để mà tìm hiểu,  cũng như muốn tận mắt nhìn coi Lazarô sống lại như thế nào!  

Và đồng thời bên cạnh việc mà, nhìn mặt Lazarô như thế nào.  Thì người ta tìm coi cái người mang tên là Giêsu, đã làm cho Lazarô sống lại là ai ?

Có những người Hy Lạp đến mới hỏi Philipphê: chúng tôi đến gặp Đức Giêsu. Quần chúng thì xin gặp Chúa Giêsu một cách rất là nồng nhiệt và hăng hái bởi vì họ thấy sự lạ. Ngược lại thì lãnh đạo Do Thái thì rất sợ, bởi vì quyền lực cũng như ảnh hưởng của mình sẽ mất đi, bởi vì cái sự xuất hiện của một cái người: quyền lực, quyền năng làm cho người ta chết sống lại như  Giêsu. Và chính vì thế qua cái biến cố này, những nhà lãnh đạo Do Thái tìm mọi cách để mà thanh toán  Chúa Giêsu  nhanh chừng nào tốt chừng đó! Càng lẹ thì càng tốt. Bởi vì càng để thì càng nguy hiểm.

Và rồi với cái hình ảnh này, chúng ta thấy  hình ảnh của Chúa Giêsu trên đồi Canvê  ngày mỗi ngày gần hơn. Và cái hình ảnh của đồi Canvê đó chính là nơi mà hạt giống Giêsu,  hạt lúa Giêsu: “ Hạt lúa Giêsu rơi xuống đất mà không thối đi thì  chỉ trơ trọi một mình. Nếu mà thối đi thì sinh được nhiều bông hạt.”

 Chúa Giêsu muốn mời gọi các môn đệ nhìn vào khía cạnh tích cực, chứ không phải là sợ hãi cũng như khổ đau! Và với ý nghĩ đó, chúng ta cùng bước vào tuần thánh với Chúa Giêsu bằng niềm vui, chứ không phải bằng cái bộ mặt ủ rũ, thất vọng, chán chường…

Tất cả chúng ta được mời gọi tập trung suy niệm Trang Tin Mừng hôm nay. “Hạt lúa” rõ ràng rằng trong cái định luật của thế giới tự nhiên, trong cái sinh học của con người thì  không ai không có  chấp nhận, và không ai  phủ nhận phản ứng được rằng:  hạt lúa rơi xuống đất thì phải chết thôi. Và chúng ta có thể áp dụng định luật đó cho con người không?  

Không ai làm chuyện đó  hết ! vô lý! Bởi vì  con người mà chết đi rồi!   Thì chẳng lẽ 10 người, 100 người khác mọc lên giống như cái con người đó. Và rồi chúng ta thấy rằng là nếu mà nhân bản thì may ra làm được. Nhưng mà có nhân bản thì mới làm được như thế !

Và rồi nếu mà hiểu như vậy thì, chúng ta hiểu lời Chúa Giêsu nói như thế nào?

Chúng ta không thể hiểu được cái hình ảnh mà cái hạt lúa rơi xuống đất mà không thối đi trên bình diện sinh học và thể lý được, nhưng mà chúng ta lại nhìn trên bình diện khác.

Nhìn vào khuôn mặt của người Kitô để chúng ta thấy được cái hình ảnh hạt lúa rơi xuống đất.  Và rồi gần nhất trong chúng ta, ở thế kỷ 20 này chúng ta hãnh diện bởi vì có những khuôn mặt rất dễ thương đã sống  như cái hình ảnh hạt lúa rơi xuống đất đấy!  Và rồi qua cuộc đời của những người đó!  chúng ta đặt câu hỏi họ đã sống như thế nào? họ đã cảm nhận chân lý Tin Mừng ngày hôm nay như thế nào?

Chắc có lẽ, chúng ta không quên được hình ảnh của một cha Thánh Maximiliano Kolbe.  Khi bị giam trong tù, có một tù nhân đã trốn trại. Thế là trưởng trại quyết định bắt 10 người chết thay. Mười người mà bị  điểm danh chết thay đó     không biết họ vui hay mừng.  Chắc có lẽ là đau khổ lắm ! Bởi vì chẳng ai muốn chết cả, và có một người trong nhóm 10 người khóc lóc ỉ ôi.

Tôi không muốn chết bởi vì tôi còn tám, chín đứa con và bà vợ ở nhà.  Tôi mà chết đi thì ai lo cho vợ con tôi.

 Và nghe lời này cha Kolbê đã xin được chết thay cho người này.  Và sau đó ngài bị tống giam chờ ngày chết. Chính nhờ cái chết của ngài mà một gia đình được cứu sống và trong ngày tuyên chân phúc và hiển thánh của ngài, cụ già mà ngài chết thay đó, đã lên làm chứng cho cái chết của Ngài.

Cái chết của Kolbê là cái chết  cho tình yêu, với tình yêu và trong tình yêu.Một cái chết của Kolbê quá đẹp! Chết thay cho một người,  cứu cả gia đình của họ.

Một cái chết thật tuyệt vời!  Cái chết của Kolbê  như hạt lúa đã không thối đi, mà sinh  nhiều bông hạt, đó là sinh cái bông hạt của Tình Yêu.

 Chắc có lẽ chúng ta không thể nào quên được khuôn mặt của Mục sư Luther King một khuôn mặt rất là lớn trong thế kỷ 20. Ông là khuôn mặt của một người Mục Tử, cũng như là một ngôn sứ vĩ đại. Từ một cái sự kiện rất là đơn giản thôi:   Luther King  thấy một người phụ nữ da đen bị khước từ không ngồi trên xe buýt, chung với hàng ghế dành cho người da trắng.  Và thế là ông đòi nhân quyền cho người da đen thôi.

 Thế là phong trào mà đòi nhân quyền cho người  da đen được lan rộng. Phong trào càng lan rộng càng phát triển, thì ông lại càng đối diện với cái chết, bởi vì người ta đe dọa và ám sát ông. Nhưng ông vẫn quyết tâm đi đến cùng khi đòi hỏi cái phong trào này bằng con đường bất bạo động. Và rồi ông đã chết lúc 39 tuổi thôi. Đến lúc mà luật pháp Hoa Kỳ phải nhìn nhận Quyền bình đẳng giữa người da màu và da trắng.  Và chính Luther King đã đổ máu mình ra để cho mọi người da đen được hưởng cái quyền bình đẳng với mọi người.

Một cái chết không phải là một cái chết phí phạm, một cái chết vô ích, mà một cái chết trổ sinh bông hạt như Chúa Giêsu nói.

Và đặc biệt, một hình ảnh của một người phụ nữ da nhăn nheo, người phụ nữ đó có tên là Calcutta. Người phụ nữ này đã từ bỏ một cuộc sống an bình trong một tu viện để dấn thân với người nghèo.  Trong tay bà, nghèo đến độ bà không có gì cả ! Thế nhưng, bà có đó là : một trái tim nhân hậu.

Bà đã nỗ lực sống với những người nghèo và chấp nhận chết đi. Chính cái sự chết của bà đánh thức lương tâm cũng như đánh thức nhiều tâm hồn, nhiều người thiếu nữ đã theo lời mời gọi của bà và đi theo hội dòng của bà. Bà không có gì cả, nhưng nhiều người trên thế giới đã mang tiền đến để mà cùng cộng tác với công trình của bà là lo cho người nghèo.   

Bà không đổ máu mình ra như  Luther King, bà không đổ máu mình ra như  Kolbe, bà chết trong tuổi già . Nhưng khuôn mặt của bà đã lóe lên, lấp lánh hình ảnh của  một Giêsu mà đặc biệt,  có một trái tim nhân hậu.

Và chúng ta thấy những khuôn mặt đó đã sống đời sống Phúc Âm như thế nào?

Chúng ta không thể nào áp dụng Lời Chúa « cái hạt lúa » đó!  trên cái bình diện sinh học hay thể lý! Nhưng mà chúng ta nhìn đến góc cạnh khác: đó là «Tình yêu.» Chấp nhận chết thì nảy sinh nhiều bông Hạt. Bởi vì cái chết đó là cái chết của tình yêu, sẽ sinh ra bông hạt của tình yêu.  

Khuôn mặt của những người  mà chúng ta vừa điểm lại đó, phản ánh phần nào đó một cái nhung nhan của Chúa Giêsu trên thập giá.

Cái chết của Chúa Giêsu đã thức tỉnh lương tâm của con người. Đặc biệt chính khi Chúa Giêsu gục đầu phó thác cho Thần khí trên thập giá. Chúa Giêsu đi vào cái chết thể lý đời đời đó ! Thì chính viên đại đội trưởng đã thốt lên : Ông này là Con Thiên Chúa.

Và chính cái chết của Chúa Giêsu đã thức tỉnh lương tâm của con người. Chúa Giêsu  tắt thở để rồi nhiều người đấm ngực ăn năn trở về.  

Cái chết của Chúa Giêsu, chết vì tội lỗi của chúng ta . Khi đó chúng ta thấy rõ nét hơn phần nào, lời của Chúa Giêsu : «Hạt lúa chết đi sẽ sinh nhiều bông hạt.»

Nếu chúng ta bước vào tuần thánh trong niềm tin, niềm vui với tích cực, chúng ta không dừng lại ở  cái chuyện mà khóc lóc, rồi rượt Chúa, đánh Chúa rồi Chúa đau quá, rồi ỉ ôi, rồi để tang đó! Tất cả những hình thức đó chẳng đi đến đâu nếu mà chúng ta không chịu nhìn trong cái nhìn của tích cực.

 Đó là cuộc khổ nạn thương khó, nhưng mà mang tính cách Cứu Độ. Và mỗi người chúng ta mời gọi khi đối diện với Thập Giá chúng ta có để cho Thập Giá đánh thức lương tâm mình hay không?  Có đánh thức cái phần sâu thẳm nhất và đẹp nhất  trong tâm hồn mình hay không?

Chúng ta có chấp nhận bước theo Chúa Giêsu trong cái quỹ đạo chết đi chính mình không?  Trong mối quan hệ của xã hội của mình.

Đặc biệt, mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta sống lại cái Huyền Nhiệm lạ lùng! Hạt Lúa đã chấp nhận bị nghiền nát để trở nên tấm bánh, linh mục cầm trên tay: đó chính là Đức Giêsu.

Cái Tấm Bánh đó được làm bằng hàng ngàn hạt lúa. Và hạt lúa không mãi là hạt lúa mà chấp nhận nghiền nát đi để tấm bánh đó trở thành tấm bánh nuôi sống con người, và biến thể thành Mình và Máu Chúa Kitô.  

Đời Chúa Kitô bị nghiền nát để chúng ta nhai trong miệng. Nhờ đó, sự sống của Chúa Giêsu đã được mang trong mình chúng ta, và đuợc trở thành sự sống của chúng ta.

Theo tiếng Latinh, thì khi chúng ta rước Chúa đó, cái hạt lúa mà chúng ta rước vào trong người của chúng ta, không còn là hạt lúa, cái bánh nữa! mà là chính thân mình CHÚA Giêsu, để trở nên một với Ngài để rồi: lối đi, suy nghĩ, hành động của Ngài, cũng là lối đi và suy nghĩ của mỗi người chúng ta.

Mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta tham dự một cách Huyền Nhiệm  vào cuộc đời của Chúa Giêsu.

Xin Chúa Giêsu cho chúng ta, mỗi lần tham dự thánh lễ không phải là tham dự một nghi thức, mà là đón nhận một lối sống, một vốn sống và một cung cách sống của Chúa Giêsu trong đời chúng ta.

Và chúng ta rất vui, chúng ta vui khi chúng ta là con cái của Chúa.  Và chúng ta cũng đi theo con đường của Chúa:  con đường của hy sinh, con đường của hủy mình, con đường của tan biến mình để trở thành tình yêu cho người khác.

 Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta, để mỗi một lần chúng ta tham dự thánh lễ, là mỗi lần chúng ta biến đổi cuộc đời chúng ta nên một như Đức Kitô.  Đức Kitô sống trong ta và ta sống trong Đức Kitô. Amen.

Tuệ Mẫn