HÃY SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG

HÃY SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG

SUY NIỆM - Mar 06/03/2019

Thứ Tư Mùa Chay Năm lẻ

Lễ Tro

 Ge 2, 12-18;2 Cr 5, 20 – 6, 2; Mt 6, 1-6. 16-18

HÃY SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG

Hãy khát khao tìm ơn cứu độ,

Hãy sốt sắng cầu xin ơn cứu độ,

Hãy khiêm tốn đón nhận ơn cứu độ,

Hãy tích cực cộng tác vào công trình cứu độ,

Hãy cảm tạ Chúa vì ơn cứu độ,

Hãy xin Chúa thương ban ơn cứu độ cho thế giới vv…

          Cứ đến mùa Chay, ta lại thấy lòng ta cứ như được nhắc nhở con người hướng đến ơn cứu độ. Hầu như ngày nào Phaụng vụ cũng có lời kêu gọi con người quay về với Thiên Chúa.

          Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. Nghi thức này bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do thái. Trong Cựu ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra.

          Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi. Tội nhân tự nhận mình không xứng đáng được kính trọng, chỉ xứng đáng với tro bụi nhơ bẩn, với áo rách tồi tàn, đáng bị khinh miệt, bị chà đạp như cát bụi bên đường. Và ta thấy việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích. Cuộc đời giống như manh áo, hôm qua còn mới còn đẹp, hôm nay đã cũ kỹ xấu xí, hôm qua còn lành lặn, hôm nay đã sờn rách.

          Thiên Chúa là người cha kiên nhẫn chờ chúng ta là con trở về để đón nhận tình yêu thương. Giống như ngày tết, khi đi xa trở về với cha mẹ, ta chỉ mong được vùi đầu vào vòng tay của cha mẹ, được ngửi mùi thân quen từ thuở nhỏ, thì cũng vậy, Thiên Chúa luôn giang rộng đôi tay để chờ và ôm chúng ta vào lòng, cho chúng ta được cảm nhận lòng thương xót của Chúa, được nếm hưởng lòng khoan dung tha thứ của Chúa. Vì thế, Chúa muốn chúng ta phải có một thái độ chân thành, không hình thức giả dối bên ngoài, trở về với Thiên Chúa không phải vì gượng ép hay sợ hãi, nhưng vì tin vào tình yêu và sự tha thứ của Chúa.

          Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo: đừng làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Theo luật Môsê, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao quý, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người đời khen ngợi. Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác.

          Ăn chay khởi đi từ tinh thần thờ phượng Thiên Chúa và làm đẹp lòng Người (x. Ds 29,7; Cv 13,2),  (x. Tl 20,26; Gđt 8,6). Ăn chay còn có ý nghĩa nữa là thể hiện lòng đạo đức để được Thiên Chúa nhận lời (x. 2Sm 12,16-22; Er 8,21; để đền tội, xin Thiên Chúa tha thứ (x. Lv 23,27; Hc 34,26; Đn 10,2); hỗ trợ việc trừ Quỉ… (x. Mt 17,21).

          Ăn chay còn nói lên tính vị tha là thực hiện công lý và tình thương (x. Is 58,6-7), thánh hóa bản thân, siêu thoát tinh thần để được hưởng sự sống đời đời. Không bám vúi vào của cải, sức riêng cách thái quá, vì: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4).

          Thật vậy, nếu không ăn chay với những mục đích đã kể trên thì sẽ trở thành công dã tràng! Điều này đã được thánh Phaolô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).

          Chay tịnh không có nghĩa là hà tiện, nhưng còn là việc giảm bớt những chi tiêu để có thể chia sẻ với người khác ; không để mình mất quá nhiều thời giờ vào việc ăn uống cùng các thứ hưởng thụ nghiện ngập, nhưng biết dành những thời giờ đó để đến gặp gỡ với Thiên Chúa và chia sẻ với anh em. Hơn nữa qua việc làn chủ bản thân, dành thời giờ đến với Chúa và đến với anh em, việc chay tịnh có thể chữa lành được những vết thương trong tâm hồn, xoá đi những lối sống đơn điệu nhàm chán và làm cho cuộc sống của chúng ta đầy tràn tình yêu thương hơn.

          Chính Chúa Giêsu đã từng chay tịnh để chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa, hoặc chuẩn bị thực hiện công trình cao cả với Thiên Chúa. Như ông Môsê và ông Êlia, Chúa Giêsu đã chay tịnh 40 đêm ngày trong sa mạc (Mc 4, 1; Xh 24, 18; 34, 28; 1V 19, 8), trước khi công bố Luật mới trong bài giảng trên núi. Tuy nhiên Chúa Giêsu cho thấy rằng chay tịnh tự nó chỉ có giá trị tương đối với các môn đệ, những người được mời tham dự bữa tiệc của Đấng Thiên Sai, thì chay tịnh nói lên thái độ sốt sắng đợi chờ Tân lang, tức là Đức Kitô (Mt 9, 14-15).

          Thật là ý nghĩa trong ngày Thứ Tư đầu mùa chay, khi lãnh nhận tro, chúng ta nhớ lại lời dạy của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II: « Việc đặt tro rõ ràng và một cách nhấn mạnh đến thân phận thụ tạo, nhìn nhận mình hoàn toàn lệ thuộc vào Tạo Hóa. Hành động khiêm tốn lãnh nhận tro thánh trên trán… ngược lại hoàn toàn với cử chỉ kiêu ngạo của Adam và Eva, bởi sự bất tuân phục, đã phá hủy mọi quan hệ tình bạn hữu với Thiên Chúa tạo hóa »

Tuệ Mẫn