Tháng Hoa lại về, lai thêm một lần con tim dao động trước những lời kinh tiếng hát ngợi khen Mẹ Diễm Phúc ,Ðây hoa chúng con cùng dâng lên Mẹ lành.
Tháng Hoa lại về, lai thêm một lần con tim dao động trước những lời kinh tiếng hát ngợi khen Mẹ Diễm Phúc (“Ðây hoa chúng con cùng dâng lên Mẹ lành. Bông hoa ngát hương trầm mầu sắc tươi xinh. Mẹ ơi! đoái nhận lòng thành kính. hoa kia dẫu xinh, và hương có đậm đà, nhưng đem sánh với Mẹ còn kém thua xa. Vì đây, Mẹ là Mẹ ngàn hoa.” – TCCĐ “Mẹ Ngàn Hoa”), cùng những đoá hoa muôn màu tươi thắm toả ngát hương lòng dâng lên Mẹ Ngàn Hoa (“Hoa muôn sắc con dâng trước toà, màu tươi thằm hương ngát tốt xinh. Hoa muôn sắc con dâng trước toà, còn thua kém Đức Mẹ Chúa Thiên Đình” – TCCĐ “Hoa Muôn Sắc”).
Trong kinh cầu Đức Bà, có một câu ví: “Đức Bà như hoa hường mầu nhiệm vậy”. Ví Mẹ như một bông hoa hồng là thưòng tình, nhưng ở đây là bông Hoa-Hồng-Mầu-Nhiệm, thì quả là xứng hợp. Mẹ Maria là kết tinh những đức tính dịu hiền, khiêm nhường, quảng đại và bao dung, luôn tin tưởng và phó thác cuộc đời cho sự quan phòng của Thiên Chúa, đặc biệt nhất là Mẹ đã dâng trót xác hồn đáp lại lời mời gọi cộng tác vào chương trình mà Thiên Chúa đã hoạch định, hầu đem lại cho nhân loại nguồn ơn cứu độ và hạnh phúc Nước Trời. Quả thật Mẹ chính là Bông-Hoa-Hồng-Mầu-Nhiệm mà Thiên Chúa đã mặc định từ trước vô cùng.
Nếu hiểu Thánh Kinh là Lời Chúa (“Thánh Au-gus-ti-nô đã minh xác về điều này như sau: ‘Hãy nhớ rằng Thiên Chúa chỉ nói một lời; lời ấy đã diễn biến trong toàn bộ Thánh Kinh, và lời duy nhất đó đã vang dội trên môi miệng mọi tác giả thánh” – T/H Lời Chúa, số 12), mà Lời Chúa là Tin Mừng, thì ngay từ khởi thuỷ của lịch sử loài người đã có một “Tin Mừng Tiên Khởi” (Protoevangelium) nói về Mẹ Maria: Khi người mẹ đầu tiên (Eva) nghe lời cám dỗ của ma quỷ, bị tội lỗi thống trị, thì Thiên Chúa đã phán với con rắn xảo quyệt là kẻ đã cám dỗ người nữ (Eva): “Ta sẽ làm cho các ngươi thù nghịch nhau; mi và người nữ, dòng dõi mi và miêu duệ người nữ. Miêu duệ người nữ sẽ đạp nát đầu mi và mi sẽ cắn gót chân người đó” (St 3, 15).
Miêu duệ người nữ ấy chính là người được đón nhận lời hứa của Thiên Chúa: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7, 14). Người nữ ấy, nhờ lòng tin đã vâng phục tuyệt đối Thánh ý của Thiên Chúa Cha, nên “Ngài đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, mà không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ. Như một Eva mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Nhưng Người Con mà Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (Rm 8, 29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ.” (Hc “Lumen Gentium”, số 63).
Và cũng từ tấm lòng vâng phục trung kiên ấy, Mẹ đã một lần nữa được Thiên Chúa – qua miệng của Đức Giê-su Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ – khẳng định Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội (bao gồm tất cả dân Thiên Chúa). Đó chính là mầu nhiệm phó thác dưới chân thập tự (“Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà’, rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh’. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” – Ga 19, 26-27). Chính Đức Giê-su Thiên Chúa – Trưởng Tử của Mẹ – đã phó thác các môn đệ của Người (qua thánh Gio-an) được làm con của Mẹ, mà người đứng đầu trong đám môn đệ ấy đã được truyền dạy: “anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16, 18). Như vậy, Giáo Hội là thân mình, là các chi thể của Đầu là Đức Giê-su Ki-tô, tất cả đều là con của Mẹ ("Ngài thật là Mẹ các chi thể (của Chúa Kitô)… vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Ðầu ấy" – “Lumen Gentium”, 53).
Vì được Thiên Chúa chọn làm người cưu mang, sinh hạ và dưỡng dục Đấng Cứu Thế từ trước vô cùng, nên Mẹ đã được hưởng hồng ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, hồng ân Trinh Nữ. Mẹ được tuyển chọn, nên Mẹ là dân Thiên Chúa từ trước khi Mẹ được sinh ra, nhưng Mẹ lại được cưu mang chính Con Một Thiên Chúa và trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Mẹ luôn sát cánh cùng Trưởng Tử Giê-su để hướng dẫn, dạy dỗ các môn đệ, các tín hữu, cho nên chính nơi Mẹ đã là dấu chỉ Dân Thiên Chúa. Mẹ là dân Thiên Chúa, dân Thiên Chúa ở trong Mẹ; cũng vậy, Mẹ là Giáo Hội, Giáo Hội ở trong Mẹ, Mẹ là Mẹ Giáo Hội, Mẹ và Giáo Hội là một thực thể bất biến, cùng đồng hành, cùng tiến bước trên hành trình Cứu Độ của Trưởng Tử Giê-su – con Thiên Chúa, Đầu của Giáo Hội (“Ngày nay Mẹ Chúa Giê-su đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (2Pr 3, 10), Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành” – “Lumen Gentium”, số 68).
HOA LÒNG DÂNG MẸ
JM. Lam Thy ĐVD.