Thứ Tư. ĐẠI LỄ GIÁNG SINH
HƠI ẤM GIÁNG SINH
“Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng”
(Ga 1,5).
Cách đây hơn hai ngàn năm, có một người được Thiên Chúa ban cho ơn đặc biệt, đó là tiên tri Isaia, ông hướng về tương lai của nhân loại mà thần của Thiên Chúa đã hé mở cho ông, ông nói những lời mà chúng ta vừa được nghe lại.
Kể từ ngày đó, nhân loại đợi trông Con trẻ đã được tiên báo ra đời. Rồi người ta thấy một Người có những điểm rất kì diệu xuất hiện.
Ngài là Con Trời nhưng lại chịu làm con một người thợ mộc tầm thường. Dầu sống bình thường, nhưng tuổi thơ ấu của Ngài làm cho vị Vua Hêrôđê đầy kiêu ngạo và gian ác phải khiếp sợ. Ngài là Đấng Tạo Hóa quyền năng, nhưng gặp nhiều hiểm nguy có liên hệ đến tính mạng nên cha mẹ Ngài đã phải ẵm Ngài đi tị nạn.
Vì yêu thương nhân loại, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Vì yêu thương nhân loại, Ngài tự nguyện trở nên một trẻ thơ yếu ớt. Vì yêu thương nhân loại, Ngài tự nguyện làm con của loài người, sinh ra bởi một người phụ nữ. Vì yêu thương nhân loại, Ngài đã muốn trở nên một thành viên trong gia đình nhân loại, có một gia đình như những người khác.
Thiên Chúa đến ở với loài người để cho loài người được ở với Ngài ; chính Thiên Chúa đi vào trong thế giới của chúng ta để chúng ta đi vào thế giới của Ngài , chính Con Một của Thiên Chúa đến hiệp thông với cuộc sống chúng ta để cho sự sống chúng ta được hiệp thông với sự sống của Ngài và sự sống của Thiên Chúa, thân phụ Ngài. Sứ điệp ấy chính là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, mang lấy nhân tính của chúng ta để chúng ta mang lấy thiên tính của Ngài. Đó là sứ điệp bao giờ cũng mới mẻ, cũng đẹp đẽ, cũng phấn khởi, cũng tuyệt vời, từ năm này qua năm khác.
Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta Ngài trở thành một người trong nhân loại, Ngài trở nên thiết thân với mọi người và mỗi một người được sinh ra. Ngài muốn nói với chúng ta rằng : sự sống của con người là một thánh thiêng bất khả di nhượng, bất khả xâm phạm. Ngài muốn nói với chúng ta rằng, mỗi một người sinh trong thế gian này dù có xấu xa, thấp hèn mạt rệp đến đâu cũng đều được đóng ấn tình yêu của Thiên Chúa, cũng đều là hình ảnh của Thiên Chúa, là con cái Thiên Chúa. Phẩm giá cao cả ấy Chúa Giêsu muốn khẳng định với chúng ta qua cuộc sống thinh lặng, lam lũ nghèo hèn của Ngài, cũng như qua những kết thân của Ngài với những người bị xã hội đẩy ra bên lề.
Trong ngày lễ Giáng Sinh, chúng ta có được một cảm giác về sự gần gũi, ấm áp, và về lòng từ ái của Thiên Chúa. Chúng ta cảm nhận được rằng mình không cô độc, rằng cuộc sống của chúng ta có một ý nghĩa, rằng có một ai đó đang săn sóc và hướng dẫn đường lối cho chúng ta. Đó là ý nghĩa cốt lõi của ngày lễ Giáng Sinh. Chúng ta không nên e ngại trong việc sưởi mình nhờ hơi ấm này, giống như chúng ta vẫn vui mừng tắm mình trong ánh nắng ấm áp vào một ngày lạnh lẽo.
Giáo Hội mời gọi chúng ta không được đóng khung, nhưng mở rộng lòng chia sẻ nổi khổ của tha nhân. Hãy chia sẻ cho họ những Hồng Ân chúng ta đã nhận lãnh do lòng từ bi của Thiên Chúa. Thánh Nữ Têrêsa đã thường nói: "Tất cả những gì chúng ta có đều do Hồng Ân của Chúa ban". Chúng ta được mời gọi chia sẻ cho tha nhân những Hồng Ân đã nhận được bằng cách nầy hay cách khác để tha nhân cũng nhận biết Ánh Sáng Chúa Kitô. Đây là những điều thiết thực chúng ta sống và thực thi sứ điệp Giáng Sinh trong thế giới hôm nay.
Để mừng lễ Chúa Giáng Sinh cho đúng ý nghĩa, tôn thờ Thiên Chúa vẫn chưa đủ, ta còn phải yêu thương kính trọng con người. Dịp lễ Giáng Sinh, chỉ đến viếng hang đá thôi chưa đủ, ta còn phải đến viếng những nhà tranh vách đất, giúp dựng lại những túp lều xiêu vẹo. Chỉ đến viếng Chúa Giêsu bé thơ thôi chưa đủ. Ta còn phải đến viếng những trẻ em bị bỏ rơi, vực dậy những tuổi thơ bất hạnh. Chỉ cảm thương Thánh Gia trong hang đá nghèo nàn thôi chưa đủ. Ta còn phải cảm thương những anh chị em nghèo khổ, thiếu may mắn ở quanh ta.
Hãy bắt chước Ngài chia sẻ đau khổ với những người chung quanh ta, nhất là những người nghèo túng, bị áp bức bất công Nếu tình yêu đích thực đã thúc đẩy Thiên Chúa phải chia sẻ thân phận đau khổ và nghèo nàn của chúng ta, thì ta có thể rút ra một kết luận cho việc thể hiện tình yêu của chúng ta đối với tha nhân. Nếu chúng ta nói mình yêu ai, mà khi người ấy gặp đau khổ, chúng ta không hề cảm thấy phải làm điều gì để giảm bớt đau khổ cho người ấy, hoặc không tìm cách cùng chia sẻ đau khổ với người ấy, thì chúng ta chỉ là kẻ nói dối, tình yêu ấy chỉ là tình yêu ngoài môi miệng. Hễ yêu ai, thì khi thấy người ấy đau khổ, ta không thể khoanh tay đứng nhìn mà không làm gì. Nếu không làm giảm được đau khổ với người ấy, thì cũng có thể làm một việc gì để tỏ ra thông cảm. Chúng ta nghèo, Thiên Chúa cũng đã trở nên nghèo cùng với chúng ta.
Ngày hôm nay, Đấng ban hòa bình cho thế gian Giáng Sinh. Hôm nay Đấng Cứu Thế Giáng Sinh cho chúng ta. Ngôi Lời nằm khóc trong máng cỏ, Ngài được gọi là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa Cứu Rỗi, bởi vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi mọi tội lỗi.
Không phải trong một lâu đài mà Đấng Cứu Chuộc sinh ra, Đấng có sứ mạng thiết lập lại Vương Quốc đời đời và phổ quát. Ngài sinh ra trong một chuồng loài vật và sống giữa chúng ta, Ngài thắp lên trong thế giới ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa và ngọn lửa này sẽ không bao giờ tắt. Ước chi ngọn lửa này cháy lên trong các tâm hồn như một ngọn lửa tình bác ái hữu hiệu, tình bác ái trở thành sự tiếp đón, nâng đỡ cho biết bao anh chị em bị thử thách bởi sự nghèo cùng và đau khổ.
Bài: Tuệ Mẫn & Video: TGPSaigon.net