THỨ BA SAU CHÚA NHẬT I THƯỜNG NIÊN
Mc 1:21-28
Trong “một ngày ở Caphácnaum” được coi như một ngày “mẫu”, Đức Giêsu giảng dạy và trừ quỷ: Thiên Chúa đang biểu lộ quyền năng để giải phóng con người. Các tông đồ cũng có mặt: những môn đệ tương lai sẽ nối tiếp Chúa Giêsu giảng dạy và trừ quỷ.
Maccô diễn tả cho ta một “Ngày tiêu biểu” của ông Giêsu và nhóm này, một ngày hiển hách tại Caphácnaum, bằng cách kể lại bốn “hành động” đặc trưng của toàn thể tác vụ Chúa Giêsu (cũng như tác vụ của Giáo hội): Chúa Giêsu giảng dạy; Chúa Giêsu xua trừ quỷ; Chúa Giêsu chữa lành người bệnh; Chúa Giêsu cầu nguyện. Tất cả những việc làm đó diễn ra trong một ngày: từ bình minh hôm nay đến bình minh hôm sau, từ sáng hôm nay đến sáng ngày mai (Mc 1,21,35).
Máccô đã đặt câu truyện này ngay sau khi Chúa Giêsu gọi bốn ngư phủ, mà coi như là hoạt động công khai đầu tiên Chúa Giêsu hoàn tất với sự hiện diện của các môn đệ kể từ nay sẽ “ở với Người” (3,14). Thế mà Chúa Giêsu đến để loan báo Tin Mừng, loan báo rằng Nước Thiên Chúa đã có đó, quyền năng cứu độ đã đi vào hoạt động, một thế giới mới đã được mạc khải. Trong Lời mang sức giải thoát mà Chúa Giêsu nói ra, chính Thiên Chúa hành động; Chúa Giêsu, vị ngôn sứ đầy quyền năng trong lời nói và việc làm, chính là Tin Mừng đang tiến hành.
Chúa Giêsu trình bày uy quyền và mục tiêu của sứ mạng của Người như nằm trong một chương trình đã được thiết lập. Trong Máccô, điều đầu tiên chúng ta thấy là sự xuất hiện của Đức Giêsu tại hội đường Caphácnaum.
Caphácnaum ở trên bờ phía tây bắc hồ Ghennêxarét, cách cửa sông Giođan vài cây số. Kết quả các cuộc khai quật khảo cổ cho ta gặp lại những di tích của thế kỷ IV kỷ nguyên chúng ta, nhưng vẫn ở ngay tại nơi có hội đường vào thời Chúa Giêsu. Điều lạ lùng là Máccô không kể gì về giáo huấn của Chúa Giêsu, mà chỉ nêu sự kiện là Người đã giảng dạy và ấn tượng mà các lời Người nói gây nên nơi dân chúng. Quả vậy, tác giả đặt ở hàng đầu không phải là giáo lý của Đức Giêsu, mà là con người của vị Tôn sư.
Chúa Giêsu đã bắt đầu hoạt động công khai của Người bằng việc “Đi khắp miền Galilê rao giảng trong các hội đường và trừ quỉ” (Mc 1,39). Sau khi kêu gọi những môn đệ đầu tiên, hôm nay Người dẫn các ông đến hội đường Caphácnaum vào ngày sa bát. Tin Mừng hôm nay được xem như bài tóm tắt hoạt động của Chúa Giêsu: giảng dạy và trừ quỷ. Cả hai đều tỏ cho thấy uy quyền có sức cứu độ của Ngài.
Các kinh sư thường nhất là những người có bằng cấp học vị, được đào tạo trường lớp về những cách thức giải thích Kinh Thánh một cách tinh tế và uyên bác. Vì thế, những giáo huấn của họ dựa trên những truyền thống của các bậc tôn sư danh tiếng của họ.
Riêng Chúa Giêsu, Ngài không xuất thân từ bất cứ trường lớp nào và cũng không quy chiếu đến bất kỳ “kinh sư” hay“bậc tôn sư” nào. Ngài giải thích và khai triển Kinh Thánh từ uy quyền của riêng Ngài và loan báo rằng mọi điều Kinh Thánh loan báo đều được ứng nghiệm ở nơi Ngài.
Chúa Giêsu đang thực thi sứ mạng của mình. Người là Đấng Thiên Sai. Lời giảng dạy của Người có sức thu hút người nghe, bởi vì là Lời chân thật, Lời có sức thu hút , vì là Lời siêu nhiên.
Ta thấy một yếu tố thần học hiện rõ nơi Lời rao giảng của Chúa Giêsu , bởi vì là Lời Hằng Sống theo Thiên Tính của Người, còn theo nhân tính thì Lời ấy được phát ra từ chính một Con Người, có sức thu hút người nghe, bởi vì, Lời ấy không phải giảng dạy theo ý riêng của người rao giảng, mà là theo ý của Thiên Chúa.
Ta thấy ý nghĩa rõ rệt hiện ra ngay khi Chúa Giêsu rao giảng.Vì Người giảng dạy như Đấng có thẩm quyền. Điều ấy có nghĩa là giá trị Lời nói của Chúa Giêsu hiện rõ lên. Nhưng người nghe có đón nhận hay không, và đón nhận như thế nào là tùy thuộc vào “mảnh đất tâm hồn” của người đó. Chúng ta thấy sự khác biệt giữa sự giảng dạy của Chúa Giêsu và các kinh sư. Họ cũng giảng giải Thánh Kinh, nhưng theo ý của họ, chứ không theo ý của Thiên Chúa. Vì “họ nói mà không làm”, hoặc làm theo một cách máy móc, chứ không phát xuất từ tấm lòng.
Chúa Giêsu đến để loan báo Thiên Chúa như là vị Chúa tể đích thực và về sự hiện diện chan hòa ân huệ của Ngài. Chính là với sứ điệp này mà Người đến hội đường Caphácnaum. Đây là nơi dân chúng một làng tụ họp lại để cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa. Đức Giêsu không đến làm việc trong hoang địa như Gioan Tẩy Giả, nhưng đến hội đường. Người tháp hoạt động của Người vào trong nền phụng tự của Israel, như sứ giả của vị Thiên Chúa mà dân Israel thưa gửi với trong hội đường.
Chúng ta biết là có ma quỷ. Tuy nhiên, không nên nghĩ nó giống như một con quái vật. Đúng hơn nó là sức mạnh làm cho con người chúng ta hành động không đúng với nhân tính chúng ta nữa. Ta chỉ thắng được tà thần không phải bằng một thỏa hiệp và nhượng bộ, nhưng nhờ thẳng thắn chiến đấu chống lại nó nhân danh Triều Đại Thiên Chúa: nó đã và sẽ phản ứng thô bạo, nó kháng cự, la hét. Chúng ta có tin tưởng mạnh mẽ và sống động vào Đức Giêsu chăng?
Chúng ta có xác tín rằng Người vượt lên trên tất cả các sức mạnh đối kháng, và nếu kết hợp với Người, chúng ta có thể đánh bại sự dữ và các sức mạnh thù nghịch?
Ngày nay, ma quỷ rất tinh khôn nên thường xuất hiện dưới những hình dáng bên ngoài xinh đẹp, hấp dẫn. Chúng xuất hiện dưới những đồng tiền bất chính và hứa hẹn cho ta một cuộc sống thoải mái. Chúng xuất hiện dưới chiêu bài tự do hưởng thụ để xúi giục ta lao mình vào những nơi ăn chơi độc hại. Chúng kích thích sự tò mò của thanh niên muốn thử sức với ma túy.
Với bàn tay nham hiểm, ma quỷ âm thầm len lỏi vào tận đáy tâm hồn, khơi lên những làn sóng chia rẽ, ganh ghét, thù hận, bất hòa. Chúng kích thích lòng tham lam vô đáy, đưa ta đến chỗ trộm cắp, kiện cáo và tranh giành. Chúng khơi dậy thói kiêu căng, lòng tự ái để ta ham hố vinh danh và quyền lực. Chúng vuốt ve thói ích kỷ để xui giục ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, làm ngơ trước những nhu cầu của người khác. Chúng lừa gạt ta để ta coi thường tội lỗi, mất ý thức về tội.
Chúa Giêsu đã chứng tỏ người thực là uy quyền trong lời nói và việc làm và trong ý chí của người chống lại ma quỉ và ác thần. Những người trong hội đường đã rất ngạc nhiên về lời giảng dạy và uy quyền của người trên ma quỉ. Người tín hữu cũng được mời gọi cùng với Chúa Giêsu khai triển đời sống thần linh đã lãnh nhận để chiến đấu chống lại ma quỉ và ác thần.
Qua đời sống hằng ngày, người tín hữu được mời gọi kết hợp với Chúa Giêsu nhiều hơn nữa bằng cách lắng nghe lời Chúa, bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh chu toàn công việc bổn phận cách trung tín và khiêm nhường. Người tín hữu luôn nhận thức là họ đã nhận đời sống thần linh và họ càng lúc càng phải làm cho đời sống thần linh này được lớn lên trong chính mình bằng những cố gắng để chiến đấu chống lại những cám dỗ của ma quỉ luôn rình rập họ, lôi kéo họ lạc xa khỏi đời sống thần linh, làm cho họ mất đi tương quan sự sống thần linh với Thiên Chúa.
Tuệ Mẫn