Kitô hữu phải tươi vui mới có thể loan báo Tin Mừng cho thế giới

Kitô hữu phải tươi vui mới có thể loan báo Tin Mừng cho thế giới

Loan Báo Tin Mừng - Aug 31/08/2017

** Một môn đệ của Nước Thiên Chúa mà không tươi vui thì không thể rao giảng Tin Mừng cho thế giới. Ơn gọi là một khởi đầu của tình bạn với Chúa Giêsu dẫn đến chỗ chia sẻ cuộc sống và các đam mê với Ngài, trao ban niềm vui sâu thẳm và một niềm hy vọng mới mẻ và khiến cho chúng ta trở thành các nhà truyền giáo. 

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên khoảng 10.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài tương quan giữa niềm hy vọng và ký ức, đặc biệt là ký ức về ơn gọi, bằng cách giải thích trình thuật ơn gọi của các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu ghi ấn tượng sâu đậm tới nỗi khi thuật lại ơn gọi của mình thánh sử Gioan còn nhớ cả giờ nữa và viết trong chương 1 Phúc Âm: “Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều” (Ga 1,39). Thánh sử Gioan kể lại giai thoại này như một kỷ niệm trong sáng của tuổi trẻ, vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người già của mình, bởi vì thánh nhân viết lại các điều này khi ngài đã già.

Cuộc gặp gỡ xảy ra gần sông Giordan, nơi Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Và các người trẻ vùng Galilea đã chọn Gioan Tẩy Giả làm vị linh hướng. Một ngày nọ Chúa Giêsu đến và lãnh phép rửa trên sông. Ngày hôm sau Ngài lại đi ngang qua đó, và khi ấy Gioan Tẩy Giả nói với hai môn đệ của mình: “Này là Chiên Con Thiên Chúa!” (c. 36).  Trên đường, Chúa Giêsu quay lại và hỏi họ: “Các anh tìm gì?” (c. 38)

Và đối với hai người đó là “tia lửa”. Họ bỏ vị thầy đầu tiên và bắt đầu theo Chúa Giêsu. ĐTC định nghĩa con người của Chúa Giêsu như sau:

Chúa Giêsu xuất hiện trong các Phúc Âm như một chuyên viên về trái tim con người. Trong lúc đó Ngài đã gặp gỡ hai người trẻ đang kiếm tìm, âu lo một cách lành mạnh. Thật vậy, một tuổi trẻ thỏa mãn không có một câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống thì là loại tuổi trẻ nào vậy? Các người trẻ mà không tìm kiếm gì cả, thì không phải là người trẻ, họ đã về hưu, họ đã già trước tuổi. Thật là buồn khi thấy người trẻ về hưu…Và qua toàn Phúc Âm, trong tất cả các cuộc gặp gỡ xảy ra trên đường,  Chúa Giêsu xuất hiện như “một người đốt cháy” các con tim. Từ đó Ngài đưa ra câu hỏi làm nổi lên ước muốn sự sống và niềm hạnh phúc mà mỗi một người trẻ mang trong mình: “Bạn tìm gì?”  Hôm nay tôi cũng muốn hỏi các bạn trẻ hiện diện tại quảng trường này, và các bạn trẻ đang lắng nghe qua các phương tiện truyền thông: “Bạn là người trẻ, bạn tìm gì? Bạn tìm gì trong con tim của mình?”

** Ơn gọi của thánh Gioan và thánh Anrê khởi đầu như thế: đó là lúc bắt đầu của một tình bạn với Chúa Giêsu, mạnh mẽ tới độ áp đặt một sự chung sống và các đam mê với Chúa. Hai môn đệ bắt đầu ở với Chúa Giêsu và lập tức trở thành các thừa sai thực sự, bởi vì khi cuộc gặp gỡ kết thúc, họ không về nhà bình an: tới độ hai người anh là Simon và Giacôbê mau chóng bị lôi cuốn vào con đường theo Chúa. Họ đã dến với hai người và nói: Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Cứu Thế, chúng tôi đã tìm thấy một ngôn sứ lớn”: họ thông tin tức. Họ là các thừa sai của cuộc gặp gỡ. Đó đã là một cuộc gặp gỡ đánh động và hạnh phúc tới độ các môn đệ sẽ nhớ luôn mãi ngày hôm đó, ngày soi sáng và định hướng cho tuổi trẻ của họ. Tiếp đến ĐTC đưa ra câu hỏi sau đây:

Làm sao khám phá ra ơn gọi trong thế giới ngày nay? Có thể khám phá ra nó trong biết bao nhiêu cách thế, nhưng trang này của Phúc Âm nói với chúng ta rằng dấu chỉ đầu tiên  là niềm hy vọng của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Hôn nhân, cuộc sống thánh hiến, linh mục: mỗi một ơn gọi đich thực đều bắt đầu với một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, là Đấng trao ban cho chúng ta một niềm vui và một hy vọng mới; và Ngài dẫn chúng ta tới một cuộc gặp gỡ luôn luôn tràn đầy hơn với ngài và tới niềm vui tràn đầy, lớn lên, cuộc gặp gỡ đó, lớn hơn, cuộc gặp gỡ với Ngài, cả qua các thử thách và khó khăn.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Chúa không muốn các người nam nữ bước theo Ngài một cách miễn cưỡng, không có trong tim ngọn gió của niềm vui. Các bạn đang hiện diện tại quảng trường này, tôi xin hỏi các bạn – mỗi người hãy trả lời cho chính mình – các bạn có trong tim ngọn gió của niềm vui không? Mỗi người hãy tự hỏi: “Tôi có trong tôi, trong tim, ngọn gió của niềm vui không? “

** Chúa Giêsu muốn các con người đã sống kinh nghiệm rằng ở với Ngài trao ban một niềm hạnh phúc vô biên, mà ta có thể canh tân mỗi ngày trong cuộc sống. Một môn đệ của Nước Thiên Chúa mà không tươi vui, thì không loan báo Tin Mừng cho thế giới. Họ là một ngưòi buồn. Ta trở thành người rao giảng Chúa Giêsu không bằng cách trau truốt vũ khí của hùng biện, bạn có thể nói, nói và nói nhưng nếu không có một cái khác… Làm thế nào để trờ thành những ngưòi rao giảng Chúa Giêsu? Bằng cách

giữ gìn trong đôi mắt của mình tia sáng long lanh của niềm hạnh phúc. Chúng ta trông thấy biết bao nhiêu kitô hữu, cả giữa chúng ta ở đây nữa, những người thông truyền cho chúng ta với đôi mắt niềm vui của đức tin: với đôi mắt!

Chính vì thế kitô hữu – như Đức Trinh Nữ Maria – giữ gìn ngọn lửa say mê của mình: say mê Chúa Giêsu. Chắc chắn là có các thử thách trong đời, có các lúc trong đó cần tiến bước mặc dù có lạnh lẽo và gió ngược, mặc dủ có biết bao cay đắng. Nhưng các kitô hữu biết con đường dẫn tới ngọn lửa thiêng đã đốt họ lên một lần cho luôn mãi.

Nhưng tôi xin anh chị em: Chúng ta đừng cho là đúng những người thất vọng và bất hạnh; chúng ta đừng nghe theo người khuyên chúng ta một cách vô luân đừng vun trồng các niềm hy vọng trong cuộc sống; chúng ta đừng tin cậy người dập tắt từ trứng nước mọi hăng say, khi nói rằng chẳng có một dấn thân nào xứng đáng để hy sinh toàn cuộc đời; chúng ta đừng nghe theo những người có con tin già nua bóp nghẹt mọi hứng khởi của tuổi trẻ. Chúng ta hãy đến với những người già có đôi mắt long lanh của niềm hy vọng. Trái lại chúng ta hãy vun trồng các ảo tưởng lành mạnh: Thiên Chúa muốn chúng ta có khả năng mơ mộng như Ngài và với Ngài, trong khi bước đi chú ý tới thực tại. Mơ một thế giới khác. Và nếu một dấu chỉ tắt đi, thì hãy lại mơ tưởng nó, bằng cách kín múc với niềm hy vọng nơi ký ức của thủa ban đầu, nơi các lò lửa mà có lẽ sau một cuộc sống không tốt lành lắm vẫn còn dấu dưới tro của cuộc gặp gỡ dầu tiên với Chúa Giêsu.

Đó là một năng động nền tảng của cuộc sống kitô: nhớ tới Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói với môn đệ của ngài: “Hãy nhớ tới Chúa Giêsu Kitô” (2 Tm 2,8); lời khuyên này của thánh Phaolô thật lớn lao: “Hãy nhớ tới Chúa Giêsu Kitô”. Nhớ tới Chúa Giêsu, nhớ tới lửa tình yêu, mà với nó một ngày nọ chúng ta đã cưu mang cuộc sống như một dự án sự thiện, và làm cho sống dậy niềm hy vọng của chúng ta với ngọn lửa ấy.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp hiện diện, đặc biệt là các chủng sinh và người trẻ giáo phận Meaux và tín hữu Guinea, do các Giám Mục hướng dẫn hành hương Roma. Ngài cũng chào các đoàn nói tiếng Anh đến từ đảo Malta, Philippines và Canada. ĐTC cầu chúc chuyến viếng thăm Roma làm sống dậy nơi họ ký ức về Chúa Giêsu và Giáo Hội. Trong các nhóm nói tiếng Đức, ngài đặc biệt chào các tu sĩ Biển Đức đan viện Admont và các cặp mừng ngân khánh thành hôn thuộc giáo phận Graz-Seckau, cũng như các sinh viên nhận học bổng “Chương trình hàn lâm cho người ngoại quốc” của HĐGM Đức. Ngài khích lệ mọi người hãy đem ngọn lửa tình yêu của Chúa Kitô tới cho nhân loại đang rất cần đến niềm hạnh phúc và hoà bình đích thực.

Trong các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, TC đặc biệt chào các thành viên Hiệp hội bóng đá Chapecoense và các linh mục sinh viên hai trường thánh Phaolô và Brasil tại Roma. Ngài cầu chúc các sinh viên lớn lên trong sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa để có thể trở thành các chuyên viên thông truyền sự hiền dịu và tình yêu của Chúa cho tha nhân.

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC cầu chúc kỷ niệm đẹp và ký ức các lúc gặp gỡ Chúa Kitô củng cố niềm hy vọng nơi họ,nhất là trong những lúc khó khăn đau khổ.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào đặc biệt các nữ tu dòng Dâng Đức Maria trong đền thờ đang họp tổng tu nghị, các chủng sinh Milano, các trẻ em mới chịu phép Thêm Sức của hai giáo phận  Verona và Lucca, các hướng đạo sinh vùng Marche do ĐHY Edoardo Menichelli hướng dẫn, các người tỵ nạn giáo phận Montepulciano-Chiusi-Pienza mới lãnh nhận bí tích rửa tội do ĐC Stefano Manetti hướng dẫn, hiệp hội các nạn nhân Forteto do ĐHY Giuseppe Betori hướng dẫn, nhân viên hãng điện thoại Vodafon. Ngài cầu mong chuyến hành hương mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô  Phaolô giúp họ gắn bó với Chúa Kitô hơn và làm chứng cho Chúa trong gia đình và các cộng đoàn.

Chào người trẻ ĐTC khích lệ họ biết tìm giờ để đối thoại với Chúa và giãi toả ánh sáng và niềm an bình của Chúa cho những người chung quanh. Ngài cầu mong các bệnh nhân biết dâng khổ đau cho Chúa để cứu độ nhân loại, và các đôi tân hôn biết cùng nhau cầu ngyện trong gia đình để cho tình yêu của họ luôn ngày càng đích thật, phong phú và lâu bền hơn.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải