Có hai bản văn của Kinh Lạy Cha: Trong Tin Mừng Luca (Lc 11, 1-4) và Tin Mừng Mátthêu (Mt 6, 7-13). Trong Tin Mừng Luca, Kinh Lạy Cha thì ngắn hơn. Thánh Luca viết cho các cộng đoàn đến từ Dân Ngoại. Trong Tin Mừng Mátthêu, Kinh Lạy Cha được tìm thấy trong Bài Giảng Trên Núi, trong phần mà Chúa Giêsu giới thiệu cho các môn đệ sự thực hành ba việc lành phúc đức: bố thí (Mt 6, 1-4), cầu nguyện (Mt 6, 5-15), và ăn chay (Mt 6, 16-18). Kinh Lạy Cha tạo nên một phần của nền giáo huấn cho những người Do Thái cải đạo. Họ đã quen thuộc với việc cầu nguyện, nhưng đã có một số thiếu sót mà thánh Mátthêu cố gắng cải sửa.
Kinh Lạy Cha là kiểu mẫu cho tất cả việc cầu nguyện. Trong 4 Tin Mừng, chỉ có Tin Mừng theo thánh Matthêu và Tin Mừng theo thánh Luca là ghi lại kinh Lạy Cha của Chúa Giêsu. Nhưng có sự khác biệt đôi chút đó là, Kinh Lạy Cha trong Tin Mừng theo thánh Matthêu (Mt 6, 9-13) có 7 lời nguyện : 3 lời nguyện đầu nói về Thiên Chúa và 4 lời nguyện sau liên quan đến con người. Trong khi đó, Kinh Lạy Cha trong Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 11, 2-4) chỉ có 5 lời nguyện: 2 lời nguyện đầu nói về Thiên Chúa và 3 lời nguyện sau nói về con người.
Chúa Giêsu nhắc chúng ta nhớ rằng cầu nguyện không phải là dùng những lời kinh như một thứ ma thuật, để lèo lái hay cưỡng bách Thiên Chúa phải theo ý mình. Cầu nguyện là mềm mại để uốn mình theo ý Chúa. Sức mạnh của cầu nguyện không nằm ở chỗ lắm lời, vì không phải cứ nói nhiều là được ưng nhậm (c. 7). Cầu nguyện cũng không phải là thông tin cho Ngài biết về tình trạng của ta, sợ rằng nếu ta không nói thì Ngài không biết (c. 8). Thật ra, Thiên Chúa đã biết trước nhu cầu của từng người rồi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần bày tỏ để có tương quan với Thiên Chúa, thổ lộ với Ngài cách đơn sơ hồn nhiên như con thơ nói với cha.
Kinh “Lạy Cha” mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ không phải chỉ có Giáo Hội và các tín hữu mới đọc khi cầu nguyện. Xem ra đây là lời cầu nguyện thông dụng nhưng cũng thường hay bị hiểu sai.
Thật ra, Chúa Giêsu nhiều lần nói về sự cầu nguyện và chính bản thân Ngài cũng cầu nguyện rất nhiều. Trong khi rao giảng, có đến 42 lần Ngài nhắc đến việc cầu nguyện và các Tin Mừng ghi lại chính Ngài cũng đã cầu nguyện đến 28 lần. Các Tin Mừng ghi lại rằng Ngài cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu: ở trên núi (Mt 14, 23; Mc 6, 46; Lc 6, 12; 9, 28), nơi hoang mạc, trong Đền Thờ, Vườn Giếtsêmani và ngay cả trên Thập giá. Lời cầu nguyện là một phần trong cuộc sống như hơi thở của Ngài. Chính vì thế mà các môn đệ đến và xin Ngài dạy họ cách cầu nguyện (Lc 11, 1). Và Chúa Giêsu ban cho họ cũng như cho chúng ta lời kinh này là để giúp khỏi phải dài dòng kinh kệ những lời cầu vô ích như người Do Thái thường làm.
Cầu nguyện được hiểu cách đơn sơ, đó là “ở với Chúa”, là kết hiệp tâm tình với Chúa. Khi cầu nguyện, điều cần hơn cả, đó là tâm tình đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận sự hèn mọn thiếu thốn của mình, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững lòng trông cậy tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy những trống rỗng của ta, mà còn ban cho chúng ta nhiều hơn điều ta xin. Và xin Chúa nói cho chúng ta biết Chúa muốn gì nơi ta.
Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ lời kinh Lạy Cha, như những lời dạy nói về tinh thần phải có khi cầu nguyện. Ðó là tinh thần tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình, và tinh thần đơn sơ khiêm tốn nhằm gặp gỡ thân tình với Chúa hơn là nói nhiều lời ngoài môi miệng: "Khi anh cầu nguyện thì đừng nhiều lời như những kẻ ngoại giáo, vì họ nghĩ rằng nói nhiều thì được nhiều". Vì suốt ngày mỏi mệt rao giảng Tin Mừng, nên mỗi khi đêm về quì gối trước Chúa Giêsu Thánh Thể, thánh Phanxicô có những lúc quá mệt mỏi phải ngủ gục trên bàn thờ. Lúc ấy Ngài thường cầu nguyện với Chúa một cách đơn sơ như sau: "Lạy Cha, nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa, thì ít nữa xác con đây muốn ở gần Chúa".
Cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa là Cha, chứ không phải là giờ làm bài. Giờ cầu nguyện là giờ của quả tim, chứ không phải là giờ của luận lý. Ðừng nặn óc bóp trán để trình bày với Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta không cô độc lẻ loi một mình. Thánh Phaolô tông đồ giãi bày như sau: "Chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào cho phải, nhưng Chúa Thánh Thần cầu nguyện cho chúng ta với những lời kêu van không thể diễn tả được" (Rm 8, 26).
Đôi lúc chúng ta vẫn thường hay phàn nàn rằng Thiên Chúa không đáp ứng những lời cầu xin của con người. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn trả lời cho mọi lời cầu xin và nhu cầu của con người nhưng đôi khi câu trả lời của Ngài là “Không!”, và điều đó mang đến cho chúng ta một sự tốt đẹp hơn. Chính Chúa Giêsu trên thập giá đã cầu xin cho thoát khỏi chén đắng nhưng câu trả lời của Chúa Cha vẫn là “Không!”
Có khi lời nguyện của chúng ta quá qui về mình, loay hoay với cái tôi, với những ước mơ tính toán, những âu lo cho nhu cầu vật chất. Hãy xin Chúa những điều lớn lao cho Nước Chúa trên trần gian, còn mọi sự khác nho nhỏ, Ngài sẽ ban thêm cho ta.
Mỗi người Kitô hữu sẽ được kết hợp với Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cố gắng sống trong Chúa Thánh Thần, để phát triển đời sống con người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Nếu ta không phải là người cầu nguyện, thì không ai tin ta làm việc vì Chúa. Nếu muốn biết công việc tông đồ của ai như thế nào, thì hãy xem người đó có cầu nguyện hay không? Và cầu nguyện ra sao đó là lời đáp trả của ta ?
Tuệ Mẫn