LÒNG BIẾT ƠN

LÒNG BIẾT ƠN

SUY NIỆM - Nov 14/11/2018

Thứ Tư Tuần XXXII TN

Tt 3, 1-7; Lc 17, 11-19

LÒNG BIẾT ƠN

Lòng biết ơn biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi sự. Biết ơn là một trong những đức tính tốt đẹp của con người đối với Đấng Tạo Hoá. Vì Ngài đã ban muôn vàn phúc lộc cho chúng ta: từ không khí để ta hít thở, mặt trời để soi sáng ta, cho nước để ta uống, cho muôn loài muôn vật để ta sử dụng và làm thức ăn. Ngài luôn quan phòng, giữ gìn ta trong mọi nơi, mọi lúc… Thiên Chúa còn ban cho ta biết bao điều cao cả qua cha mẹ, qua anh chị, qua thầy cô, qua bạn hữu, qua tất cả những người đã giúp đỡ và làm ơn cho ta… Thể hiện lòng biết ơn là một nghĩa vụ hàng đầu trong cuộc sống con người.

Với truyền thống văn hóa người Việt nam thường nói: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. “Uống nước nhớ nguồn”. “Hòn đất ném đi hòn chì nám lại”. Lời “cám ơn” rất đơn sơ bé nhỏ, nhưng đem lại cho người làm ơn một sự vui thỏa, ấm áp. Đó là phép lịch sự, tế nhị tối thiểu, bình thường, và phải cư xử như vậy mới là người biết điều. Việt Nam cũng có những câu nói diễn tả người vô ơn: “Ăn cháo đá bát”. “Vắt chanh bỏ vỏ”. “Có trăng phụ đèn”. “Ăn mật trả gừng, ăn sung trả ngải”. Kẻ muốn được ơn thì nhiều, kẻ biết ơn thì quá ít. Câu chuyện Phúc âm hôm nay có tỷ số là một phần mười mà thôi.

Tạ ơn là tâm tình của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria, và của các tông đồ, tâm tình đó ta thấy đầy dẫy trong Tin Mừng.

Chúa Giêsu luôn là mẫu mực của lòng tri ân. Cả cuộc sống của Chúa Giêsu là một bài ca tạ ơn liên lỉ dâng lên Thiên Chúa: Ngài tạ ơn Chúa Cha trước khi hồi sinh Ladarô, Ngài tạ ơn Chúa Cha khi nhân bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Khi lập bí tích Thánh Thể, Ngài đã cầm bánh và rượu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Chính vì thế, Chúa Giêsu rất coi trọng lòng biết ơn trong cuộc sống của con người.

Thiên Chúa thi ân một cách nhưng không thì con người cũng phải đáp trả một cách tự do. Một tương quan như thế không thể có được trong một xã hội lề luật, trong đó con người chỉ biết tính toán theo thứ công bình hoán đổi. Người Do thái vốn quen thuộc với tâm thức ấy, họ tính toán chi ly về công đức của mình, họ lượng giá phần thưởng dựa trên công nghiệp của mình. Chúa Giêsu đã đánh đổ một quan niệm như thế về tương quan giữa con người và Thiên Chúa: ơn cứu rỗi mà Ngài loan báo và thực hiện là ơn cứu rỗi nhưng không, đến độ con người chỉ được cứu độ nhờ lòng tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa, đến độ những kẻ tội lỗi là những người đầu tiên được vào Nước Chúa.

Và rồi ta thấy Thánh Luca nhắc cho ta nhớ lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành mười người phong hủi, tất cả đều được khỏi bệnh. Nhưng chỉ có một người đến tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa. Chúa Giêsu không khỏi buồn lòng trước sự vô ơn của con người, nên Ngài đã thốt lên: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”? (Lc 17, 17-18).

Lời kinh “Magnificat” là lời tạ ơn trọn hảo của Đức Maria dâng lên Thiên Chúa. Đây cũng là lời kinh ca ngợi đẹp lòng Thiên Chúa “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi…” (Lc 1, 47-56).

Trong các thư của Thánh Phaolô, thánh nhân cũng nhấn mạnh đến lời tạ ơn. Hơn nữa, ngài luôn sống trong tâm tình tạ ơn. Ngài nói: “Tôi luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa” (Plm 1, 4). Ngài còn nhắc nhở mọi người “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn” (1 Tx 5, 18).

“Cảm ơn” là tỏ lòng biết ơn với người đã làm điều tốt cho mình. Mỗi khi ta nhận được một ơn huệ gì, thì ta phải biết tạ ơn Chúa và cảm ơn những người làm ơn cho ta. “Cảm ơn” ấy là hai từ mà ta vẫn nói hàng ngày. “Cảm ơn”, lời nói cửa miệng tưởng như có thể nói với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, nhưng nhiều khi ta không biết nói lời cảm ơn.

Cám ơn Chúa vì những điều may lành như ý thì dễ, nhưng cám ơn về những điều rủi ro trái ý lại không dễ chút nào. Vì thế chúng ta cần tập cám ơn Chúa về mọi điều xảy đến cho ta: vui cũng như buồn, thành công cũng như thất bại, an lành khỏe mạnh cũng như rủi ro tật bệnh… Vì những điều đó đều hữu ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta, như thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã xác quyết: “Tất cả đều là hồng ân”.

Trong xã hội ngày nay, con số những người biết ơn Chúa, tôn thờ Chúa, vẫn còn là một con số rất khiêm tốn. Còn những kẻ vô ơn thì nhiều vô kể. Chúa luôn ban ơn cho người lành cũng như kẻ dữ, cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Thế mà con người ngày càng kiêu ngạo, vô ơn đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

         Chúa Giêsu coi trọng và đề cao lòng biết ơn cũng vì ích lợi của kẻ biết ơn mà thôi. Người xứ Samaria trở lại tôn vinh Thiên Chúa vì Đức Giêsu đã chữa lành phần xác cho anh mà còn ban ơn phần hồn cho anh là củng cố niềm tin và xác định tư cách tôn giáo của anh: “Đứng dậy về đi, lòng tin của anh đã chữa anh” (Lc 17,19). Như thế, cám ơn Chúa lại là cơ hội để nhận được thêm ơn phúc. Trong kinh tiền tụng chung thứ 4 đã xác định:

          “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban. Vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ”.

          Lòng biết ơn biểu lộ một con người tử tế, đạo đức, có văn hóa, biết cư xử ở đời. Có lẽ không có gì tử tế và tốt đẹp hơn trong cuộc sống làm người bằng hai tiếng cám ơn luôn được thốt lên với tất cả tấm lòng chân thành và trân trọng của mỗi người chúng ta

          Hỏi rằng trong chúng ta có mấy người biết cảm tạ Chúa và cảm ơn anh em? Biết bao nhiêu lần chúng ta than vãn, kêu la, trách móc hết việc này đến việc khác, hết người này đến người kia, Hơn thế nữa, nhiều người còn oán trách cả Thiên Chúa. Vậy, Lời Chúa hôm nay dạy mỗi người chúng ta hãy biết nói lời cảm ơn từ những chuyện nhỏ nhất, bởi vì chúng ta đã nhận được biết bao nhiêu hồng ân Chúa ban cho ta qua vũ trụ vạn vật, qua mọi người trên trái đất này và nhất là qua những người thân cận, những người xung quanh ta.

Và trong lắng đọng, ta nhìn lại cuộc đời của ta và mỗi người kitô hữu chúng ta được dệt nên từ biết bao ân huệ Chúa đã thương ban. Ân huệ này nối tiếp ân huệ khác. Chính vì thế, chúng ta hãy sống tâm tình tạ ơn như Thánh Phaolô: “Anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là điều Thiên Chúa muốn” (Tx 5, 18).

Tuệ Mẫn