Để hiện hữu trên đời, mỗi ngày, chúng ta được nuôi sống bằng biết bao sản vật của trái đất: khí trời, nước sạch, thảo vật, thịt các loài thú nuôi… nhưng ít khi chúng ta quan tâm do đâu mà chúng ta được hưởng những điều đó. Người cung cấp cho chúng ta mọi nhu cầu cấp thiết của cuộc sống, đó là Mẹ Thiên Nhiên.
Tác giả sách Sáng thế kể lại với chúng ta, sau khi tạo dựng mọi loài mọi vật, Thiên Chúa tạo dựng con người (x. St 1,1-28). Sự xuất hiện của con người ở thời điểm sau cùng muốn khẳng định: Thiên Chúa quan tâm đến con người và Ngài chuẩn bị mọi sự cho họ, giống như cha mẹ chuẩn bị đầy đủ mọi đồ dùng cần thiết trước khi đứa con yêu quý chào đời. Thế rồi, khi đã tạo dựng Ađam và Evà, Thiên Chúa trao cho ông bà quyền điều khiển mọi loài và khai thác đất đai. Ngài phán: “Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28). Vũ trụ được Thiên Chúa sáng tạo có mối tương quan hài hoà với Thiên Chúa và với con người, còn gọi là mối tương quan “Thiên – Địa – Nhân”. Con người gọi thiên nhiên với một danh xưng thân thương trìu mến: Mẹ Thiên Nhiên. Như người mẹ nuôi con bằng dòng sữa ngọt ngào, Mẹ Thiên Nhiên luôn hào phóng cung cấp cho chúng ta đủ lương thực và những nhu cầu của cuộc sống hằng ngày, nhờ đó mà nhân loại từng thế hệ nối tiếp nhau sinh sống và phát triển.
Nhận lãnh quyền điều khiển từ Thiên Chúa, con người được mời gọi thay Ngài canh tác đất đai và tiếp tục làm cho công trình sáng tạo của Thiên Chúa tới mức hoàn mỹ. Tuy vậy, con người đã lạm dụng quyền Thiên Chúa phú ban để khai thác thiên nhiên một cách vô trách nhiệm. Những hành động như khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, phá rừng, thải chất độc làm ô nhiễm môi trường và nguồn nước… đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng công trình sáng tạo của Thiên Chúa, đi ngược với ý định của Ngài. Những lạm dụng này đã làm cho Mẹ Thiên Nhiên “nổi giận” và hậu quả là sóng thần, bão tố, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Các vụ thiên tai ngày càng tăng về số lượng cũng như về mức độ gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân sinh.
Ngày 24-5-2015 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một Thông điệp với tựa đề “Laudato Si’ – Ca ngợi Chúa đi”. Nội dung Thông điệp liên hệ đến tầm quan trọng của Mẹ Trái Đất và môi trường sinh thái, đồng thời mời gọi mọi người hãy cùng cộng tác để bảo vệ thiên nhiên, dừng ngay lại những hành động vô thức hay cố ý phá hoại thiên nhiên và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường. Theo bản “Tóm lược của Hội Đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình”, nội dung của Thông điệp là một “nền môi sinh học toàn diện, bao gồm rõ rệt các chiều kích nhân bản và xã hội”, gắn chặt với vấn đề môi trường. Thông điệp được chào đón với nhiều nhận định tích cực, như một dấu chỉ thời đại. Vừa khi Thông điệp được công bố, ông Ban Ki-moon, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, đã cám ơn Đức Thánh Cha vì “đã có một lập trường mạnh mẽ như vậy về việc cần thiết phải hành động cấp bách trên quy mô toàn cầu”. Bà Naomi Klein, một nữ văn sĩ gốc Do Thái, đã kêu gọi các vị lãnh đạo chính trị đọc toàn bộ bản văn của thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Bà nói: “Quý vị hãy đọc và giữ nó trong tim quý vị. Hối tiếc những gì chúng ta đã đánh mất, và biểu dương những gì chúng ta có thể còn bảo vệ được… Chúng ta có một cơ hội đáp lại một thách đố khí hậu và đồng thời giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng chồng chất lên nhau. Chúng ta có thể chuyển sang một khí hậu ổn định hơn và đúng đắn hơn”. Bảo vệ môi trường, đó là tiếng nói chung các tổ chức xã hội thuộc nhiều ý thức hệ khác nhau hưởng ứng, vì nó mang tính cấp thiết cho cuộc sống của chúng ta.
Đức Jorge Mario Bergoglio, vị Giáo Hoàng nhận danh xưng Phanxicô – vị thánh của hoà bình trong ngày đắc cử, đã thể hiện mối quan tâm đặc biệt của ngài đối với môi sinh. Được gợi hứng bởi “Bài ca tạo vật” của vị Thánh Nghèo thành Assisi, Đức Giáo Hoàng đã liên hệ đến mối thân thiết giữa con người và thiên nhiên. Trái đất vừa là Mẹ vừa là Chị của chúng ta, luôn đón tiếp chúng ta với cánh tay rộng mở. Nhưng, người Chị này dang kêu cứu vì chính chúng ta đang gây nên những tàn phá khủng khiếp (x. số 1). Theo Đức Thánh Cha, cách con người đối xử với thiên nhiên là do ảnh hưởng của tội lỗi trong lòng họ. Con người đang tàn phá ngôi nhà chung của mình và như thế là họ tự hủy diệt chính mình. Hậu quả của việc tàn phá thiên nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng đến những thế hệ tương lai. Đức Thánh Cha đã trích dẫn Đức Thượng phụ Bartholomeos: “Tội phạm đến thiên nhiên là tội ác chống lại chính chúng ta và chống lại Thiên Chúa” (số 8). Bảo vệ môi sinh là bảo vệ cuộc sống hiện tại và tương lai của nhân loại.
Trái đất đang oằn mình gánh chịu biết bao hành động phá hoại của con người. Mẹ Thiên Nhiên đang lên tiếng kêu cứu trước sự vô cảm của con người đối với môi trường sống. Do sự vô trách nhiệm của con người, “Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, đang nhanh chóng biến đổi thành một bãi rác” (số 21). Hậu quả là môi trường sinh thái bị hủy hoại nghiêm trọng. “Mỗi năm, hàng vạn sinh vật và động vật biến mất, chúng ta cũng như con cháu chúng ta không bao giờ nhìn thấy chúng nữa” (số 33). Mỗi người chúng ta hãy hành động để gìn giữ và làm sạch môi trường. Đây là trách nhiệm của mọi người. Không ai có quyền dửng dưng thờ ơ với việc bảo vệ thiên nhiên. “Tất cả chúng ta đều có thể cộng tác như những khí cụ của Thiên Chúa để bảo vệ công trình sáng tạo, mỗi người tùy theo văn hoá, kinh nghiệm, sáng kiến và khả năng của mình” (số 14).
Trước tình trạng nêu trên, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người hãy quan tâm cộng tác phần mình để ngăn chặn những hành động hủy hoại môi sinh. Ngài cũng đề nghị thực hiện một cuộc “hoán cải môi sinh”, theo kiểu nói của Thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng. Một cách cụ thể, “hoán cải môi sinh” là chân thành nhận ra thế giới này là một quà tặng yêu thương của Thiên Chúa là Cha; đồng thời biết luôn gắn bó với mọi tạo vật, tạo nên một mối dây hiệp thông trong vũ trụ; một sự hoán cải môi sinh đích thực còn giúp ta biết phát triển những tài năng Chúa ban, cộng tác với Ngài để làm cho công trình sáng tạo ngày một phát triển, để rồi, mỗi tín hữu có thể hiến dâng chính mình làm “của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1), như một nghĩa cử tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa (x. số 220).
Tại Việt Nam chúng ta, vấn đề môi sinh chưa được chú trọng. Những quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường chưa có tính nghiêm ngặt triệt để, cộng với ý thức của người dân còn quá kém. Nói đến bảo về môi trường, phần đông người Việt Nam chúng ta rất dửng dưng, coi như đó là chuyện xa lạ hoặc là chuyện trong sách vở, vì thế, chẳng mấy người quan tâm đến môi trường. Nhiều phong trào đã được khởi xướng nhằm mục đích bảo vệ môi trường, nhưng cũng chỉ làm cho lấy lệ. Lâu lâu lại phát hiện có dòng sông bị “bức tử”, ao hồ nhiễm độc nặng, lâm tặc phá rừng, chất thải công nghiệp xả vào môi trường vô tội vạ. Đây đó lại có những “làng ung thư” hoặc “những căn bệnh lạ”. Khắp nơi đâu đâu cũng thấy người dân vô tư xả rác. Diện tích rừng ở Việt Nam đang bị thu hẹp với tốc độ chóng mặt. Theo Báo điện tử Người Lao Động, số ra ngày 20-10-2011, mỗi năm ở Việt Nam chúng ta có khoảng 31.000 ha rừng bị tàn phá. Diện tích cây xanh là lá phổi cần thiết cho sự sống đang bị tổn thương. Một điều nghịch lý là đang khi các tổ chức quốc tế tìm cách giúp Việt Nam giảm thiểu mọi hậu quả của hiệu ứng nhà kính và đưa ra những nỗ lực đầu tư, tuyên truyền để làm sạch môi trường, thì phần lớn người Việt chúng ta vẫn cứ dửng dưng, coi như đó là chuyện của thiên hạ. Tại một nơi kia, người dân chài thường đánh cá bằng điện, làm chết hết các sinh vật trong nước. Khi một tổ chức nước ngoài tìm cách giúp họ bằng việc thu hồi phương tiện đánh cá bằng điện và giúp họ một số vốn để chăn nuôi, những người dân chài này vừa nhận tiền để phát triển chăn nuôi, đồng thời vẫn tiếp tục đánh cá “trộm”.
Trong thư đề ngày 06-08-2015 gửi đến Đức hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, và Đức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, vừa được công bố hôm thứ Hai 10-08-2015 tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thiết lập “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên”. Ngày này được ấn định cử hành vào 01 tháng Chín hằng năm (theo WHĐ). Ước mong những lời mời gọi của vị Cha Chung giúp chúng ta suy nghĩ và hành động để bảo vệ Mẹ Thiên Nhiên. Nội dung của Thông điệp “Laudato Si’” cần được học hỏi và áp dụng trong cuộc sống chúng ta hôm nay, nếu chúng ta muốn chuyển giao cho các thế hệ tương lai một thế giới tốt đẹp, hài hoà và lành mạnh.
(Nguồn: WHĐ)