Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng Năm lẻ
St 49, 2. 8-10; Mt 1, 1-17
NGUỒN GỐC CỦA ĐẤNG CỨU ĐỘ TRẦN GIAN
Khi đề cập đến Con Thiên Chúa, mỗi người chúng ta không khỏi băn khoăn về niềm tin của mình đối với Ngài, bởi vì Ngài vô hình nên chúng ta không thể nhìn thấy Ngài. Cũng chính vì vô hình mà niềm tin của chúng ta mới không chắc chắn nên có những lúc chúng ta tự hỏi rằng Ngài có thật không hay chỉ là giả tạo, truyền thuyết mà thôi.
Kể từ ngày 17 đến 24 tháng 12, nghĩa là một tuần trước ngày áp lễ Giáng Sinh, Giáo Hội dành những ngày này để chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh gần kề. Các bài đọc trong Thánh lễ đều được chọn với mục tiêu trên, và rải đều trong các sách Tin Mừng, nhất là Tin Mừng của thánh Mathêu và thánh Luca. Bài đọc Tin Mừng hôm nay giới thiệu gia phả của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, qua đó nhằm cho thấy dấu chỉ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được chuẩn bị từ ngàn đời trong lịch sử ngang qua dòng tộc này.
Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mátthêu thuật lại cho chúng ta biết rõ hơn về thân thế của Chúa Giêsu qua gia phả của chính Người, khi ngài mở đầu đoạn Tin Mừng: "đây là gia phả của Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu ông Apraham". Vì vậy gia phả của Chúa Giêsu, chứng tỏ Con Thiên Chúa nhập thể là một người thực sự trong lịch sự dân Chúa.
Theo niềm tin của người Do Thái, Đấng Mêsia được xuất thân từ dòng tộc vua Đa Vít sẽ làm vua cai trị dân Israel. Nhưng vị Vua Giêsu còn cao trọng hơn rất nhiều lần so với vua Đa Vít, vì Ngài là Vua cả trời đất, muôn vật muôn loài do Người tạo thành mà có; cũng nhờ vào Ngài mà được tồn tại, để tất cả cùng quy hướng về Ngài.
Thiên Chúa yêu thương và quan phòng sắp đặt cho từng người chúng ta. Ngài ban đủ các ơn cần thiết để chúng ta sống xứng đáng là con cái của Ngài, để phụng sự Ngài và yêu thương anh chị em đồng loại như yêu chính bản thân mình.
Thiên Chúa muốn cứu độ con người bằng cách sai Con Một Chúa xuống thế gian, nhập thể làm người. Cách làm người của Con Thiên Chúa vừa bình thường lại vừa tuyệt đối khác thường. Bình thường vì Người được sinh ra bởi một người nữ (Gl 4, 4). Khác thường vì Người không được sinh ra bởi người nam (cha ruột), nhưng do quyền năng Chúa Thánh Thần (Mt 1, 18. 20). Mátthêu diễn tả một cách tinh tế như sau: "Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, từ bà Đức Giêsu được sinh ra, cũng gọi là Đức Kitô" (c. 16).
Có thể nói, Đức Giêsu có dược "nhập khẩu" vào dòng dõi vua Đavít hay không đều tùy thuộc vào lời đáp trả của thánh nhân. Nên Thánh Mátthêu đã làm nổi bật dung mạo vị cha nuôi của Chúa Giêsu, vừa nhấn mạnh rằng, nhờ qua thánh nhân, Con Trẻ được đưa vào trong dòng dõi vua Ðavít một cách hợp pháp, và như thế thực hiện những Lời Kinh Thánh, trong đó Ðấng Thiên Sai được các tiên tri loan báo như là "Con của Vua Ðavit". Như thế Con Thiên Chúa đã có một người mẹ để trọn vẹn là người. Ngài có cha nuôi là thánh Giuse để được thuộc về dòng Đavít với một gia phả. Có một gia đình cần thiết để sống và lớn lên.
Mỗi khi lắng nghe đoạn Tin Mừng này, có lẽ chúng ta dễ dàng cảm thấy nhàm chán, vì một chuỗi rất nhiều cái tên khác nhau, dường như chúng ta chẳng biết họ là ai. Tuy nhiên, Giáo Hội ít nhất hai lần trong năm (trong mùa vọng và trong lễ sinh nhật Đức Mẹ) cho chúng ta lắng nghe những cái tên của những con người góp phần vào trong lịch sử dân Thiên Chúa và trong mầu nhiệm cứu độ.
Những cái tên trong gia phả Đức Giêsu cho thấy mầu nhiệm của ơn gọi từng người chúng ta, cho thấy tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người. Abraham chọn Isaac, đứa con của lời hứa (con của vợ ông là Sara), thay vì người con trưởng Ismael (con trai của người hầu Agar). Đến lượt Isaac chúc lành cho người con thứ là Giacob, thay vì người con trưởng Esau. Giacob lại chọn Giuđa là người con thứ tư, thay vì người con cả Ruben, hay thay vì người con ông yêu thương nhất là Giuse, người đã bị các anh em bán sai Ai Cập, đã tha thứ và cứu sống cả gia đình. Tình thương của Chúa thật bao la và tình yêu của Chúa vượt trên mọi lý lẽ con người, “Không phải anh em đã chọn thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16).
Trong các vị vua được đề cập đến trong gia phả, thì chỉ có 2 vua Ezechia và Giosia là trung thành với Thiên Chúa. Sau thời lưu đày cũng chỉ có vị là Salatiel và Zorobabele trung thành với Thiên Chúa, còn những người khác thì không; trong những vị vua bất trung người được biết đến nhiều nhất là vua Đa-vit.
Những phụ nữ được đề cập đến trong gia phả đều là những người ngoại giáo và thuộc những trạng huống xã hội khác nhau. Bà Tamar là một người tội lỗi. Racab là một gái điếm, nhưng cô đã bảo vệ người của Thiên Chúa. Rut là một người ngoại giáo, khi người chồng qua đời thì bà vẫn sống tốt lành và trung thành với mẹ chồng. Người thứ tư tác giả Tin Mừng không ghi tên, nhưng đó là Betsabea (vợ của ông Uria), người mà vua Đavit đã ngoại tình, sau này nhà vua tỏ lòng thống hối với thánh vịnh 50.
Trong dòng lịch sử giữa tội lỗi như thế vọt lên một suối nguồn tinh tuyền là Mẹ Maria, và qua Mẹ là Đức Giêsu, ân sủng cho con người, vì “muôn ngàn đời chúa vẫn trọn tình thương”.
Lời Fiat của Mẹ Maria là không gian, mà bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể bước vào.Và Tin Mừng này đang mời gọi chúng ta bước vào : Ở đó sự khởi đầu đang xảy ra, ở đó chúng ta có thể đụng được “mầu nhiệm làm người của Thiên Chúa”, mầu nhiệm mà Tin Mừng nói với chúng ta. Ở đó chúng ta có thể đạt được mức độ hiện thực hóa thật trọn vẹn cho lời cầu xin, mà Giáo Hội vẫn thường kêu cầu trong những ngày Giáng Sinh. Đó là lời cầu xin cho chúng ta được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, qua việc thông phần với Đức Kitô và trong Đức Kitô : “Nguyện xin Con của Chúa, Đấng đã đón nhận thân phận làm người của chúng con, ban tặng cho chúng con hồng ân được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa”.
Ta cùng nhau khiêm tốn dâng lời cầu nguyện, xin Chúa thương thánh hóa đời sống mỗi người chúng ta, giúp chúng ta luôn biết noi gương đời sống của Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh là những Đấng đã luôn sống đẹp lòng Chúa, để chúng ta có thể sống một cuộc sống cao đẹp, biết quên mình, khiêm tốn phục vụ Chúa qua mọi người, nhất là những người đau khổ. Xin cho chúng ta luôn biết chung tay xây dựng gia đình, xã hội và thế giới, cũng như góp phần vào việc rao giảng Phúc Âm tình thương của Chúa cho mọi người chúng ta gặp gỡ hàng ngày trong cuộc sống.