NGUYỆN GẪM

NGUYỆN GẪM

Ban Lễ Sinh - Mar 24/03/2014

Là phương thức cầu nguyện thầm lặng trong tâm hồn không sử dụng một công thức kinh nguyện nào mặc dầu có phương pháp hướng dẫn. Theo phương thức này, chúng ta dùng Trí để suy nghĩ, tìm tòi và nhìn ngắm những chân lý trong đạo

1.Đâu là những từ đồng nghĩa với nguyện gẫm ?

    Những từ đồng nghĩa với nguyện gẫm là : suy gẫm, suy niệm, suy ngắm và tâm nguyện hay là tâm niệm.

2.Nguyện gẫm là gì ?

    Là phương thức cầu nguyện thầm lặng trong tâm hồn không sử dụng một công thức kinh nguyện nào mặc dầu có phương pháp hướng dẫn. Theo phương thức này, chúng ta dùng Trí để suy nghĩ, tìm tòi và nhìn ngắm những chân lý trong đạo ; Dùng ý chí để tác động những tâm tình như : Tin, cậy, mến, suy tôn, tán tụng, cảm mến, tạ tội, cầu xin.

3.Nguyện gẫm được chia làm mấy loại ?

    Có thể chia làm 2 loại :

     -Nguyện gẫm bậc thường cũng gọi là nguyện gẫm hoạt động.

     -Nguyện gẫm thần hiệp cũng gọi là nguyện gẫm thụ động.

4.Tâm nguyện bậc thường có mấy cấp ?

    Tâm nguyện bậc thường gồm có 3 cấp :

     -Nguyện gẫm suy lý gọi tắt là suy nguyện;

     -Nguyện gẫm tâm tình cũng gọi là nguyện gẫm cảm ái được gọi tắt là cảm nguyện ;

     -Nguyện gẫm đơn giản gọi tắt là đơn nguyện.

5.Nguyện gẫm suy lý là gì ?

Nguyện gẫm suy lý là loại nguyện gẫm mà trong đó chúng ta dùng trí khôn suy nghĩ, tìm tòi và nhìn ngắm những chân lý của Chúa, tuy nhiên chúng ta không loại bỏ những tâm tình cần thiết. Vì thế trong thời gian nguyện gẫm mà chúng ta chỉ biết sử dụng trí khôn để suy nghĩ, tìm tòi hay nhìn ngắm mà thiếu sử dụng ý chí tác động tâm tình thì không phải là nguyện gẫn nữa, mà đó chính là giờ học hỏi nghiên cứu thì đúng hơn.

6.Nguyện gẫm tâm tình là gì ?

    Nguyện gẫm tâm tình là cách gẫm trong đó người ta giảm bớt suy nghĩ tìm tòi hay nhìn ngắm để gia tăng tâm tình. Hoạt động của trí tuệ tuy không bị diệt hẳn nhưng giảm bớt rất nhiều có thể cảm nghiệm được, chẳng hạn như trước kia trong một buổi nguyện gẫm nửa giờ, người ta dùng 15 phút suy nghĩ, tìm tòi hay nhìn ngắm và 15 để tâm sự; thì trong cách gẫm này suy luận chỉ còn sinh hoạt trong 5 phút, còn 25 phút kia dành cho cuộc trao đổi tâm tình với Chúa.

7.Nguyện gẫm đơn giản là gì ?

    Nguyện gẫm đơn giản là xét về phần trí khôn ta chỉ cần một tư tưởng có đủ khả năng tác động tâm tình, còn về phần ý chí ta chỉ cần một tâm tình cảm mến.

8.Đâu là phương pháp để giúp ta nguyện gẫm hoàn chỉnh ?

    Phương pháp nguyện gẫm có rất nhiều, mỗi linh đạo trường phái có phương pháp nguyện gẫm riêng như : Phương pháp Cát-Minh, Ý-Nhạc, Xuân-Bích, Lasan, An-Phong, vv… Nhưng tất cả đều giống nhau ở điểm chính, còn chi tiết thì mỗi trường phái nhấn mạnh một điểm riêng biệt, nhất là trong phần thân bài suy niệm chẳng hạn phương pháp Xuân Bích nối kết tâm hồn với Ngôi Hai Nhập Thể để cùng Người thờ phượng, cảm thông và cộng tác.

    Chung qui mỗi phương pháp gồm 3 phần :

     -Mở bài : tức là khởi nguyện

     -Thân bài : tức là tâm nguyện

     -Kết bài : tức là kết nguyện.

9. Phần khởi nguyện gồm hai công tác :

  I. Dọn mình xa là :

   1. Giữ tâm hồn trong sạch,

   2. Canh giữ ngũ quan cùng trí tưởng tượng và trí nhớ

   3. Ở khiêm nhường,

   4. Ban chiều dọn bài gẫm cùng nhớ lại trước khi đi ngủ.

   5. Khi thức dậy, ôn lại điều đã chuẩn bị chiều hôm trước.

  II. Dọn mình gần :

   1. Tin có Chúa hiện diện cùng thờ lạy Ngài.

   2. Giục lòng ăn năn tội.

   3. Xin ơn nguyện gẫm nên.

   4. Hình dung khung cảnh cho điều mình sắp gẫm như thấy hiện có trước mắt.

10. Phần tâm nguyện gồm ba động tác :

  I. Suy luận :

   1. Đọc bài gẫm xong, suy nghĩ những lời ấy dạy ta sự gì ?

   2. Chúa Giêsu và các thánh đã thực hiện như thế nào : trong tư tưởng, ngôn ngữ, tâm tình và hành động ?

   3. Về phần ta, ta đã sống làm sao ?

  II. Tâm tình :

   1. Qui hướng lòng ta về những sự lành : thờ lạy, cám ơn, xin ơn và tạ tội.

   2. Cứ suy gẫm luôn điều nào làm cho mình động lòng .

   3. Cầu xin cùng Chúa.

  III. Quyết tâm :

   1. Đừng dốc lòng cách trống không, song dốc lòng cho ngày hôm nay, trong giờ này, dịp này.

   2. Dốc lòng giữ ít điều, nhưng thiết thực nghĩa là cần kíp và dễ giữ.

   3. Hãy suy nghĩ xem có điều nào cản trở việc thực thì quyết tâm và ta phải dùng phương thế nào giúp ta dễ thực hiện.

   4. Đừng cậy sức mình.

   5. Kiếm dịp mà giữ lời dốc lòng.

11. Phần kết nguyện gồm 6 việc sau đây :

   1. Cám ơn.

   2. Xin lỗi nếu ta lo ra chia trí hay suy gẫm cách nguội lạnh.

   3. Dâng mọi ý ngay lành cùng sự dốc lòng trong tay Đức Mẹ.

   4. Cầu xin cho mọi người.

   5. Kết hoa thiêng liêng.

   6. Xét mình coi đã suy gẫm làm sao ?

12. Nguyện gẫm có cần thiết không ?

   Muốn nên thánh, ta cần phải biết mình, mà ta muốn biết con người thực của ta, ta phải hồi tâm suy nghĩ, đó là công tác nguyện gẫm.

13. Biết con người thật của mình là gì ?

   Là biết ta có sống trong tình nghĩa của Chúa hay không, là biết ta vướng mắc tính hư tật nào hầu lo bài trừ rèn luyện nhân đức đối lập. Chẳng hạn người mắc tật phung phí tiền của, phải tập nhân đức tiết độ, người có tính nóng nảy, phải tập nhân đức hiền lành.

14. Làm sao biết được ta nguyện gẫm tốt hay không ?

   Chúng ta phải căn cứ vào lời Chúa :

  "Xem quả biết cây" (x.Mt 7,17-20) 

   Hoa quả của Chúa Thánh Thần là :

  "mến yêu, tốt lành, bình an, đại lượng, nhân hậu, vui mừng, tín trực, hiền từ và tiết độ" (Gal 5,22).

   Hay nói cách thông thường, sau một thời gian luyện tập nguyện gẫm mà ta thấy ta đại lượng, hiền từ, tiết độ…hơn trước là dấu ta nguyện gẫm tốt.

15. Nếu chúng ta không nguyện gẫm theo phương pháp trên, ta có thể nguyện gẫm cách nào nữa không ?

   Ngoài nguyện gẫm theo phương pháp trên, ta có thể dùng cách khác tuy đơn sơ chất phác nhưng mang lại hiệu quả cũng không kém gì phương pháp trên.

   Đã hẳn có một số khá nhiều cách, nhưng đây chúng ta chỉ học ba cách dễ dàng nhất :

   – suy niệm một kinh quen thuộc,

   – vừa đọc vừa suy niệm sách đạo đức, nhất là sách Phúc Âm,

   – viết nhật ký thiệng liêng.

16. Suy niệm một kinh quen thuộc là gì ?

   Là ta dùng một kinh quen thuộc làm phương tiện khởi điểm giúp ta gặp gỡ, tiếp xúc với Chúa. Cuộc gặp gỡ tiếp xúc này có thể diễn tả tâm tình : tin, cậy, mến, suy tôn, cảm tạ, thú tội, xin ơn, vv…

17. Đâu là cuộc diễn tiến của nó ?

   Chúng ta đừng quên ngoài cách sử dụng phương pháp tổng quát, chúng ta thêm những diều riêng biệt vào vị trí của chúng :

     1. Đọc tất cả kinh ta sẽ suy niệm, nếu kinh dài thì chia ra từng phần.

     2. Đọc lại chậm từng câu, từng chữ để suy đi nghĩ lại ý nghĩa và tâm tình do một câu hay một tiếng của kinh này gợi lên, rồi biến nó thành lời nguyện dâng lên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần… Nhịp điệu ngắn dài tùy theo cảm hứng mà ta gặp do kinh này gây nên.

     3. Lúc suy niệm hết câu hay từ ngữ này, ta bước sang câu hay từ ngữ kế tiếp và cứ đà này mà tiến bước.

18. Sau 15 phút suy niệm, ta chỉ suy nghĩ được có một câu hay vài từ ngữ mà thôi,thì có thành giờ suy niệm như đã qui định không ?

   Chúng ta hãy yên tâm, vì ta đã thực thi giờ nguyện gẫm tuyệt hảo rồi.

19. Chúng ta phải kết nguyện theo lối suy niệm này như thế nào ?

   Để kết thúc giờ nguyện gẫm này, ta hãy đọc lại tất cả kinh mà ta đang nguyện gẫm, chậm rãi và chú ý, rồi thêm một hay hai kinh nào khác để bế mạc.

20. Vừa đọc vừa suy niệm một sách đạo đức là gì ?

   Là vừa đọc vừa tìm hiểu lời sách dạy tôi điều gì ? Tôi đã biết điều đó chưa ? Nếu đã biết rồi, tôi có lo tuân giữ chăng ? Trong trường hợp đã tuân giữ, tôi lo cám ơn Chúa, còn nếu tôi biết mà chưa giữ hay là không thèm giữ, thì tôi mắc lỗi với Chúa. Vậy tôi phải xin lỗi với Ngài. Nếu là điều mới biết nhờ sự suy gẫm này, tôi lo cám ơn Chúa và xin Ngài ban ơn giúp sức cho tôi tuân giữ chu đáo.

21. Mối lợi của sách đạo đức là gì ?

   Sách đạo đức là bạn trung thành, dám nói sự thật đâu là sự thật gây mích lòng, hầu dìu dắt tôi trên đường hoàn thiện.

22. Trong các sách đạo đức,sách nào là quí báu nhất ?

   Sách quí báu nhất là sách Kinh Thánh, vì sách này chứa đựng những chân lý mạc khải, tức là những chân lý nhờ Chúa dạy chúng ta mới biết.

23. Đâu là cuộc diễn tiến của cách nguyện gẫm này ?

   Ngoài cách sử dụng phương pháp tổng quát, chúng ta thêm những điều riêng biệt sau đây :

    – Chúng ta đọc một câu, rồi dừng lại để tìm hiểu ý nghĩa câu ấy. Nếu câu nào gợi hứng nhiều, ta dừng lâu hơn, còn câu nào không gợi hứng, ta lướt nhanh qua.

    – Chúng ta nên nhớ rằng sách chỉ là bản văn khai mào giúp ta cầu nguyện, cho nên khi đã tìm được cảm hứng, thì ta đừng ngần ngại , xong trái lại phải sẵn sàng để sách qua một bên, ngõ hầu ta dễ dàng gặp gỡ và tâm sự với Chúa.

24. Làm sao tạo cho mình có chất liệu suy gẫm theo lối này ?

   Để có chất liệu suy gẫm theo lối này, ta nên lưu ý là khi đọc sách đạo đức, chỉ những câu nào, chương nào gây cảm hứng, tức là ta cảm thấy nó thiết thân với ta, gây cảm hứng nơi ta, thì phải chăng đó là do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, vì thế ta hãy dùng những khoản đó làm chất liệu suy gẫm.

TikTok Views und Follower kaufen Paypal https://tiktokfollowerkaufen.de/tiktok-views-kaufen/