Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên
Dcr 8,1-8; Lc 9,46-50
NHỎ BÉ THÔI
Thánh nhân là người đạo đức,thánh thiện và sự từ bỏ không ham gì lợi danh trần thế. Lịch sử ghi rằng:thánh Giêrônimô sinh ra trong một gia đình ngoại giáo, Ngài chưa hề biết Chúa,Ngài cất tiếng khóc chào đời tại Stridon, miền Dalmatie thuộc nước Nam Tư. Lớn lên vì gia đình có tiền bạc, có thế giá, thánh nhân được gửi đi du học ở Roma, tại đây Ngài được lãnh nhận bí tích rửa tội trở thành con Chúa và con của Giáo Hội. Với lòng nhiệt tình, hiếu học, Ngài đã tốt nghiệp sau những năm dài miệt mài học tập. Cha mẹ nào lại không muốn cho con mình thành tài và có danh trong xã hội.
Chính vì thế, cha của Ngài bắt Ngài trở về quê hương để làm việc cho triều đình tại Trêve, nhưng thánh nhân đã tìm các từ chối. Thánh nhân cảm nghiệm sâu xa lời Chúa:” Hãy từ bỏ, hãy về bán hết của cải,phân chia cho kẻ nghèo khó,rồi đi theo Ta". Thánh nhân đã đi rao khắp Palestina và sau cùng ẩn tu trong sa mạc Syrie để đắm mình trong chiêm niệm,suy nghĩ về thân phận con người và phúc lộc quê trời. Ngài miệt mài học, nghiên cứu Thánh Kinh .
Rời sa mạc Syria, Ngài được Giáo Hội cất nhắc và được lãnh nhận sứ vụ linh mục. Và vào năm 382, Ðức giám mục Paulinô mời Ngài cùng đi Roma để tham dự công đồng. Vì tài đức, sự thánh thiện và trí thông minh của Ngài, ngài được vô số người ái mộ. Ðức Thánh Cha Ðamasô đã đặt Ngài làm bí thư riêng của Người và trao cho Ngài trách nhiệm nghiên cứu phiên dịch Thánh Kinh sang tiếng La Tinh. Ngài thông thạo nhiều thứ tiếng: Latinh, Hy Lạp, Do Thái và Chaldée. Thánh nhân sửa chữa các bản dịch Thánh Kinh theo nguyên bản Hy Lạp. Bản Vulgata tiếng La Tinh vẫn còn được Giáo Hội dùng cho mãi tới ngày hôm nay.
Thánh nhân có tấm lòng quả cảm,thái độ cương quyết: Ngài đả phá những thái độ quá khích và sai lạc của một số tu sĩ. Ngài đề cao đức khiết tịnh và lấy Thánh Kinh làm cơ sở, nền tảng, căn bản cho đời sống tu đức. Ðời luôn không suông sẻ như con người nghĩ tưởng, thánh nhân thành công nhiều, nhưng đó cũng là cái cớ cho nhiều người ghen ghét Ngài. Năm 385 sau khi Ðức Giáo Hoàng Ðamasô tạ thế, Ngài trở về Palestina sống những ngày cuối đời tại Bêlem. Năm 393, Ngài phải đương đầu quyết liệt với một thầy Dòng Giovênê về đức khiết tịnh và tranh luận với ông Origène về những vụ án sai lầm có liên quan đến tín lý và tinh thần Phúc Âm của Chúa Kitô.
Năm 420, quân Hung Nô tiến chiếm Palestina, phá hủy Tu Viện của Ngài tại Bêlem và Ngài đã tạ thế tại đây. Xác của Ngài được đem về Roma và chôn cất trong đại thánh đường Ðức Bà Cả. Thánh nhân đã được thưởng công và Ðức Giáo Hoàng Bonifaciô VII suy tôn Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh.
Trong cuộc sống, theo lẽ thường ai cũng mong muốn mình làm lớn, là người lớn nhất, người có địa vị cao nhất, người đứng đầu trong một tổ chức, một tập thể, một cộng đoàn. Sở dĩ như vậy vì địa vị luôn gắn liền với lợi ích, danh tiếng và sự kính trọng. Các tông đồ Chúa Giêsu cũng không ngoại lệ khi Tin Mừng hôm nay trình bày việc bàn luận giữa các ông xem ai là người lớn nhất. Đối diện với câu hỏi trên, Chúa Giêsu đã cho thấy một cái nhìn hoàn toàn mới, ngược lại với quan niệm lớn – nhỏ của các tông đồ : “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20, 26).
Ta thấy Tin Mừng Chúa Giêsu dường như có nét nghịch lý, vì đối với Ngài người ta chỉ trở nên lớn khi người ta biết hạ mình xuống phục vụ người khác: “Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất” (Lc 9, 48). Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp cho câu hỏi các môn đệ đặt ra nhưng Ngài khuyên các ông hãy trở nên bé nhỏ, bởi vì trong Nước Chúa Giêsu không có chỗ cho sự tranh giành quyền lực nhưng mọi thứ được dựa trên tiêu chuẩn yêu thương, phục vụ. Người làm lớn trong Nước Trời không phải là người đứng trên vai kẻ khác nhưng dám để cho người khác đứng trên đôi vai của mình. Người làm lớn trong Nước Trời không phải là người ngồi trên ngai cao nhưng là người dám cúi xuống thấp để giúp đỡ những con người nhỏ bé.
Noi gương Chúa Giêsu, dọc suốt chiều dài lịch sử đã có nhiều người trở nên những vĩ nhân qua việc chọn cho mình con đường nhỏ bé, âm thầm phục vụ. Đó là Têrêsa Hài Đồng Giêsu, người đã chọn cho mình con đường thơ ấu chỉ với một tâm nguyện là trở nên tình yêu trong lòng Giáo Hội. Đó là Mẹ Têrêsa Calcuta, người đã đi khắp mọi hang cùng ngõ hẻm để giúp đỡ những người yếu đau, bệnh tật đang cần sự yêu thương, che chở. Và biết bao người vô danh vẫn đang âm thầm phục vụ.
Với bản tính loài người, sống trên đời ai ai cũng muốn hơn người khác, muốn làm lớn, muốn đứng đầu mọi lĩnh vực trong xã hội, trong cộng đoàn hay trong Huynh Đoàn cũng vậy. Con người khổ sở vì sự thua thiệt trong thân phận và trong ganh đua, tự xếp loại mình và xếp loại nhau; từ đó trong trong thâm tâm không chấp mình không chấp nhận nhau, nảy sinh ra sự ghen ghét, ganh đua, dù biết rằng họ xứng đáng. Chính như Chúa Giêsu đã nói rằng “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4, 24).
Ngày nay, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi trở nên những con người bé nhỏ vì Thiên Chúa yêu thương những người phận nhỏ và vì chúng ta chỉ thực sự lớn lên khi tâm hồn chúng ta tràn ngập tình yêu.
Chúa Giêsu muốn chúng ta được lớn lên bằng cách phải trở nên nhỏ bé đi, sống khiêm nhu với tinh thần phục vụ nhưng không và phải từ bỏ chính mình vác Thập Giá mà theo Ngài. Được – mất ở thế gian với bao vinh hoa bổng lộc sẽ chẳng làm dày thêm cho ta công trạng gì trước mặt Chúa cho bằng tìm vinh phúc Nước trời qua việc san sẻ, giúp đỡ những người anh em nghèo khó chung quanh ta.
Tuệ Mẫn