Nỗi lòng giáo lý viên

Nỗi lòng giáo lý viên

Thiếu Nhi Thánh Thể - Dec 09/12/2014

giaolyvienTôi vẫn nhớ hình ảnh cha tôi lúc trời chập choạng, trước khi ăn cơm tối lại mang sách giành cho Giáo lý viên ra đọc. Nhanh thì 15, lâu thì 30 phút. Cha tôi đang chuẩn bị bài để lên lớp đấy! Cứ thế, hình ảnh một giáo lý viên in khắc trong tâm trí tôi. Phải chăng vì thế mà tôi cố gắng học thuộc lòng bài trước khi đến lớp? Phải chăng vì thế mà tôi phấn đấu giành thật nhiều giấy khen, bằng khen các cấp để cha tôi vui lòng? Cũng chẳng hiểu hết nguyên do, nhưng có thể đó là cái duyên, là con đường Chúa nhen nhóm và dẫn tôi đến với ơn gọi Giáo lý viên.

Nhớ cái thuở Đồng cỏ non chỉ biết học thuộc các kinh cho tới lớp Sơ cấp, Căn bản, Kinh Thánh rồi Vào đời. Sau ngày vào đại học, tôi lại học tiếp lớp Dấn Thân và đặc biệt là khóa 2 năm Dự bị Giáo lý viên. Mỗi năm học, tôi được tiếp xúc và làm học sinh của những thầy, cô khác nhau. Dù đó là một giáo lý viên với tầm hiểu biết “thường thường bậc trung” hay một giáo lý viên với kho kiến thức uyên thâm sau nhiều năm được đào tạo bên Âu châu. Dù đó là một bác nông dân đơn sơ, chân chất hoặc một công chức nhà nước giỏi giang, sắc sảo. Dù thầy cô là những người giáo dân bình thường hay trong bậc tu sĩ… Tất cả đều đáng kính, đáng trọng. Tất cả là người Chúa chọn và được Chúa dùng làm khí cụ dẫn đưa tâm hồn trẻ thơ về bên Ngài. Mỗi người một vẻ, một kho tàng ẩn chứa bên trong mà không ai có thể thay thế được.

Ngày học lớp Dự bị Giáo lý viên, Thầy dạy con rằng: cái khác và cái khó khi dạy giáo lý so với dạy văn hóa là không chỉ dừng lại ở chỗ nắm được kiến thức, mà quan trọng là phải làm sao để các em thực hành, sống theo những lời ấy. Các con không thể cho cái mà mình không có. Muốn các em nhỏ nghe theo thì trước hết, chính người Giáo lý viên phải thực hiện. Vì thế, thầy khuyên chúng tôi phải chuẩn bị bài thật kĩ trước khi lên lớp thực tập, phải sống những điều mình dạy trước một tuần để rút kinh nghiệm. Thầy chu đáo, tỉ mỉ vậy đấy. Thầy còn nhắc khi đã là Giáo lý viên, cần phải biết khiêm nhường, biết lắng nghe và hạ mình nhỏ lại để các em học sinh được lớn lên. Giáo lý viên là sứ mạng mà Giáo Hội đã giao phó và cũng là một ơn gọi. Sứ mạng ấy thật lớn lao, và chắc chắn sẽ chẳng đơn giản chút nào như người ngoài vẫn nghĩ. Trước guồng quay của xã hội, “giới trẻ hôm nay bước vào đời bằng đôi chân khập khiễng”, trách nhiệm của giáo lý viên quả thật nặng nề biết bao!

Tôi hăng hái mang nhiệt huyết, đam mê của mình cùng chút hành trang bước vào đời. Việc dạy giáo lý song hành cùng dạy văn hóa. Quả thực, từ lí thuyết tới thực hành là cả một khoảng cách xa vời. Kiến thức là thế nhưng mỗi độ tuổi, mỗi lớp học lại khác nhau. Trong một lớp học ba mươi em là ba mươi tính cách, tâm hồn và hoàn cảnh khác nhau. Có đứa nhỏ nghịch phá, lì lợm nhưng cũng có đứa ngoan ngoãn, lễ phép. Có đứa nói chẳng bao giờ ngớt miệng như kiểu giành hết phần nói của thầy cô nhưng có đứa dường như giành trọn vẹn tâm hồn cho sự im lặng. Có em sống trong cảnh gia đình sung túc, ăn ngon mặc đẹp nhưng có em lại phải ra chợ bán bắp giúp mẹ hay làm quán cà phê để kiếm thêm chút tiền học. Có tuổi thơ may mắn sống trong gia đình hạnh phúc nhưng có em phải tủi buồn khi cha mẹ mỗi người một ngả… Mỗi trẻ nhỏ là một tâm hồn mong manh, nhạy cảm và rất dễ tan vỡ. Vì thế, Giáo lý viên không chỉ là người thầy, người cô mà còn là người bạn thân tình luôn động viên và nâng đỡ những tâm hồn non nớt ấy. Tôi yêu tất cả các em! Dù đó là đứa học sinh ngang bướng, coi trời bằng vung, vào học muộn vẫn nghênh ngang vểnh đầu cười ngạo. Có thể là đứa học trò nóng tính chửi tục và đánh bạn trong lớp. Có đứa hỗn hào tới mức lè lưỡi, dùng tay dí đầu thầy từ sau lưng. Hay đó là đứa học trò xấu tính làm bài không được bèn gạch xóa hết rồi vò nát tờ kiểm tra… Người Giáo lý viên lặng lẽ xuống chỗ em ngồi, dùng tay vuốt nhẹ nhàng cho tờ giấy bớt nhăn, nhìn nó với ánh mắt thoáng buồn và quay lên bục giảng. Lớp học chìm trong sự im lặng. Để rồi tối đó, nó nhắn cho cô một tin “Em xin lỗi cô, lúc sáng em không phải. Chắc cô giận em lắm. Em hứa sẽ không thế nữa”… Thiết nghĩ tình yêu của Đức Ki-tô đủ ơn giúp người Giáo lý viên chịu đựng tất cả, tha thứ tất cả, yêu thương tất cả và làm mới tất cả!

Còn niềm vui của Giáo lý viên? Đơn giản chỉ là các em chăm chú lắng nghe khi cô đang say sưa giảng bài, chỉ là ba chữ “cám ơn cô” quen thuộc. Dễ thương hơn là một tấm thiệp nhân ngày lễ; là tin nhắn hỏi thăm hoặc chúc mừng cô thầy; là tấm hình ngộ nghĩnh, đáng yêu có ghi tên cô thầy trên đó và đăng tải lên facebook… Hay đó là những lời tâm sự chân thành của học trò về chuyện gia đình, bạn bè, tình cảm… Giản đơn vậy thôi nhưng hạnh phúc và ấm áp lắm!

Các em à! Giáo lý viên cũng như người cha, người mẹ, là anh em và là bạn bè của các em. Vì tình yêu thương học trò và lương tâm của một người Giáo, có lúc thầy cô tỏ lộ những thái độ và cung bậc cảm xúc khác nhau: mềm dẻo nhưng phải nghiêm nghị, nhẫn nhục nhưng không để ai lấn lướt, quả quyết mà vẫn dịu dàng thông cảm…Các em có tin: vì các em, thầy cô đã phải trăn trở bao đêm? Vì các em, đã không ít lần thầy cô lặng thầm nuốt nước mắt khi nghĩ đến? Nhưng cũng vì các em, thầy cô mỉm cười với niềm vui nhỏ nhỏ và vực dậy niềm tin để tiếp tục lên lớp? Hãy cùng cảm thông và thấu hiểu cho nhau. Ôi! Sứ mạng nồng nàn, tình yêu của ơn thiên triệu nhưng lắm lúc cũng đắng cay tựa nghiệp dĩ… Xin trao hết cho các em!

Hoa Hồng Nhỏ

Nguồn: Lamhong.org