Hầu như quốc gia nào cũng có vài con sông, không lớn thì nhỏ. Tuy nhiên chỉ có vài con sông nổi tiếng trên giới mà thôi, bởi vì nó dài hoặc là biên giới tự nhiên của nhiều quốc gia, đó là sông Amazon ở Châu Mỹ, sông Mêkong tiếng Việt là Cửu …
Hầu như quốc gia nào cũng có vài con sông, không lớn thì nhỏ. Tuy nhiên chỉ có vài con sông nổi tiếng trên giới mà thôi, bởi vì nó dài hoặc là biên giới tự nhiên của nhiều quốc gia, đó là sông Amazon ở Châu Mỹ, sông Mêkong tiếng Việt là Cửu Long ở Á Châu, sông Danube ở Âu châu, sông Nile ở Phi Châu, sông Murray ở Úc Châu. Con sông “Danube”, chảy ngang nhiều quốc gia và đổ ra Biển Hắc Hải. Bài nhạc ca ngợi dòng sông nầy được nhạc sĩ Johann Strauss người Áo sáng tác vào năm 1867 “The Blue Danube”, Nhạc sĩ Phạm Duy đổi lời qua Tiếng Việt tựa là “Dòng Sông Xanh”.
Xứ Dothái là sông Jordan, tiếng Việt là Giôđanh, Chúa Jêsus chịu báptêm dưới sông nầy. Riêng Việt Nam chúng ta, Miền bắc có sông Hồng, sông Mã. Miền Trung có sông Hương ở Huế, có bài hát ca ngợi sông Hương nầy. Nhưng hai con sông ở miền Trung nổi tiếng đi vào lịch sử, đó là sông Gianh ở tỉnh Quảng Bình, dòng sông nầy chia hai đất nước thời chiến tranh giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy bút hiệu là Ðằng Phương viết bài thơ Hận Sông Gianh, xin ghi lại vài câu để chúng ta hiểu nỗi lòng tác giả “Ðây sông Gianh đây biên cương thống khổ, đây sa trường đây nấm mộ dân nam…Và còn đấy hận phân chia nòi giống, và còn đây cơn ác mộng tương tàn…Ðây sông Gianh nơi nồi da xáo thịt…máu nhơ bẩn muôn đời không rửa sạch”. Con Sông thứ hai nổi tiếng là sông Thạch Hãn ở tỉnh Quảng Trị, dòng sông nầy chia hai đất nước năm 1954, con sông nầy cũng chứng kiến biết bao trận đánh “Nồi da xáo thịt”.
Bài hát nói về sông thì có “Ngợi Ca Quê Hương Em”, “Dòng An Giang”. Ca dao nói về sự đợi chờ “Sông sâu cá lặn mất tăm, chín tháng cũng đợi một năm cũng chờ”. Không biết nàng có thương mình không “Sông sông cá lội ngù ngờ, biết em có đợi mà chờ uổng công”. Không ai biết được lòng người thì “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”.
Nói về sự ngăn cách “Sông sâu sào ngắn khó dò, muốn qua thăm bạn sợ đò không đưa”. Nói về thời kỳ “Sông có khúc người có lúc, nước dưới sông khi trong khi đục, người đời lúc nhục lúc vinh”. Nguyễn Bá Học có nói “Ðường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”.
Sông Cửu Long là nguồn sống hằng bao triệu người bao đời nay bởi nguồn nước, phù sa cho ruộng lúa, và nghề nuôi cá. Con sông nầy đã chia ra rất nhiều sông nhỏ, giúp cho Vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long chằng chịt sông ngòi, rất ích lợi cho việc di chuyển bằng xuồng ghe, cho nên Miền Tây còn gọi là Vùng Sông Nước.
Nhưng nước sông chỉ nuôi thể xác chúng ta một thời gian, còn nước sông của Chúa nuôi linh hồn ta sống đời đời, Chúa Jêsus phán “Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy trong lòng mình” (Giăng 7:38).
Bạn có nước sông hằng sống của Chúa chưa?
MS Trần Ngọc Chánh