Thứ Năm Mùa Phục Sinh – Tuần Bát Nhật Lễ Phuc Sinh
Cv 3, 11-26; Lc 24, 35-48
SỰ HIỆN DIỆN MỚI
Chúa Giêsu phục sinh hôm nay hiện ra ban bình an và gửi cho chúng ta sứ điệp của Chúa Cha. Đó là tin vui về bình an, hạnh phúc và sự sống đời đời nơi Nhà Cha trên trời. Chúng ta đang bước đi trên con đường về Nhà Cha ấy, xưa kia từng bị đóng lại khi Ađam-Eva ra đi, ngày nay nhờ cuộc Tử Nạn-Phục Sinh của Chúa Giêsu, lại rộng mở cho chúng ta. Nơi Nhà Cha đó, không còn đau khổ, lo âu, sợ hãi của những cuộc chia ly, từ biệt, cũng chẳng còn nước mắt nhớ thương.
Khi đồng hành với hai môn đệ Emmau và khi bẻ bánh trước mặt các ông, Chúa Phục sinh từ nay muốn cho thấy một cách hiện diện mới của Ngài: cùng đi đường, cắt nghĩa Kinh thánh, cử hành nghi thức bẻ bánh và sai các môn đệ đi làm chứng cho Ngài. Nói là mới vì những việc này không còn hạn hẹp trong khung cảnh đền thờ, cũng không đóng khung trong phạm vi địa lý là đất nước Do Thái lúc Chúa còn ở với các môn đệ.
Cách thức hiện diện mới này sẽ được Chúa long trọng nhắc lại trước khi Người lên trời, và trở thành mệnh lệnh cho mọi kẻ tin vào Ngài, khai mở thời đại rao giảng Tin Mừng cho đến ngày tận thế. Công cuộc Tân Phúc Âm Hóa mà Giáo Hội đang theo đuổi chính là làm mới lại nhiệt tình tông đồ này để mọi người nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện giữa nhân loại, trong mọi tình huống của cuộc sống.
Đức tin mà hai môn đệ Emmau thông truyền cho các bạn không trừu tượng chút nào, nhưng là đức tin liên hệ với những biến cố thật mà họ đã trải nghiệm. Họ được Chúa cùng đi bên cạnh, từng nghe lời Chúa nói, từng thấy Chúa bẻ bánh. Kinh nghiệm đó giúp họ nhận biết rằng, Chúa Kitô phục sinh là một Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử và nói với con người trong từng khoảnh khắc lịch sử.
Và ta thấy nhờ kinh nghiệm đức tin này các môn đệ Emmau không còn coi Thầy Giêsu như một người đã chết, bị chôn vùi trong quá khứ; trái lại, họ mở lòng lắng nghe Lời Chúa trong hiện tại, khẩn nài Chúa ở lại với mình, nhận ra sự hiện diện của Chúa phục sinh khi Ngài bẻ bánh. Họ không ưu sầu tuyệt vọng nhưng họ vui mừng vì khám phá Chúa phục sinh đang sống với họ hôm nay trong hành trình đi tới.
Ta thấy trong đời sống thực tại chính vì kém lòng tin đưa đến sự ngờ vực và hoang mang dù đang đối diện với sự thật. Trong hành trình theo Chúa, nhiều lần họ được chứng kiến những phép lạ Người làm để củng cố đức tin cho họ, nhưng họ lại hay ngờ vực đến nỗi Đức Giêsu phải trách họ về điều này (Lc 8, 25).
Chính sự kém tin đã khiến họ ngờ vực, dù Người đang hiện diện và thậm chí, phải ăn trước mặt họ, để họ tin, dù hiện tại, Thân xác phục sinh của Người không còn bị lệ thuộc vào thức ăn để sống, vì sự sống của Người viên mãn bằng sự sống của Thiên Chúa.
Điều này cho thấy để tin vào Đức Giêsu Kitô Phục sinh, không phải là nỗ lực hoặc là sự ngu dốt, hoang tưởng của con người, và việc dám chết vì đức tin, vì Tin mừng cho thấy đức tin ấy không phải là sự lừa bịp và Tin mừng họ rao giảng không phải là giả dối.
Tin mừng dám phơi trần sự kém tin của các môn đệ cho đến lúc này, để cho thấy đức tin của Giáo hội không dựa trên chứng tá của những con người nhẹ dạ, mê tín, dễ bị lôi kéo, mà dựa trên những con người thực tế, đòi hỏi những dấu chỉ và bằng chứng cụ thể.
Tin Đức Giêsu Phục Sinh không phải là tin vào một hồn thiêng, một huyền thoại, nhưng Đấng Chịu đóng đinh cũng chính là Đấng Phục Sinh đã cho họ thấy những dấu thương tích của cuộc khổ nạn trên Thân Thể Phục Sinh của Người, những dấu vết tồn tại vĩnh viễn.
Chỉ trong ít ngày, các môn đệ Chúa Kitô trải nghiệm đủ mọi sắc màu cảm xúc. Chưa hết kinh hoảng và trốn chui trốn nhủi vì Thầy mình bị bắt và chết thảm, các môn đệ lại ngỡ ngàng rồi bùng nổ với niềm vui gặp lại Ngài đang sống. Giờ đây các môn đệ lại được cuốn hút vào việc tiếp nối sứ mạng của Thầy mình là rao giảng và làm chứng cho muôn dân rằng Chúa Kitô đã chịu khổ hình, đã chết, và đã sống lại, và nhất là ai tin vào Ngài thì cũng sẽ được sống đời đời với Ngài. Các tông đồ – và các thế hệ Kitô hữu xuyên suốt hai mươi thế kỷ nay – một khi đã tin vào Đức Kitô Phục Sinh, cũng đương nhiên trở thành những người được sai đi, rao giảng và làm chứng nhân cho Ngài.
Sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh về trời, thánh Phêrô đã mạnh dạn làm chứng về Thầy cách công khai, không phải trước mặt một nhóm ít ỏi mà trước đám đông dân chúng. Điều gì đã thay đổi thánh Phêrô như vậy: từ một người chối Chúa trở thành chứng nhân dám đổ máu vì Thầy Giêsu? Sự thay đổi đó không chỉ xảy ra nơi thánh Phêrô mà còn có nơi các tông đồ khác. Chính những lần Đấng phục sinh hiện ra là tác nhân cho sự thay đổi kỳ lạ của Phêrô và các tông đồ. Thật vậy, dù Chúa Giêsu đã ở với các tông đồ từ lúc bắt đầu sứ vụ, nhưng các tông đồ chỉ biết Thầy Giêsu cách mơ hồ. Ấy vậy mà sau khi gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh, các tông đồ đã ra đi làm chứng cho Thầy cách mạnh mẽ.
Và rồi ta cũng được mời gọi trở thành chứng nhân cho Đức Giêsu cách mạnh mẽ như các tông đồ. Điều kiện tiên quyết phải có là sự hiểu biết sâu xa về Đức Giêsu – Đấng chúng ta làm chứng. Đức Giêsu đã về trời, Ngài không còn hiện diện với thân thể bằng xương bằng thịt. Tuy nhiên, một kinh nghiệm sống động về Đức Giêsu vẫn có thể đạt được nhờ sự hiện diện của Ngài trong bí tích Thánh Thể. Do đó, một chứng nhân đích thực cho Chúa Giêsu là người hiểu, yêu và sống bí tích Thánh Thể.
Tuệ Mẫn