“Luật hữu hiệu tính” này tự nó áp dụng cho mọi công cuộc rao giảng Tin Mừng: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”
Một thế giới mong đợi Tình yêu và Niềm vui
Họa hiếm người ta mới thấy lóe lên trong thế giới hôm nay tia hy vọng đích thực và làm cho cuộc sống biến đổi. Thường thì ngày qua ngày người ta thỉnh thoảng cũng có được một thoáng hạnh phúc, nhưng hầu hết đều thức dậy hay đi ngủ trong một trạng thái tương đối chẳng có gì vui vẻ cả. Ở Tây Âu hay Bắc Mỹ-châu, nơi người ta tự hào mình thịnh vượng và có những truyền thống luật pháp bảo vệ quyền lợi con người, dân chúng đủ ăn đủ mặc. Nhưng lương thực, áo quần, nhà cửa và sự tôn trọng quyền lợi căn bản vẫn chưa phải là tất cả những gì con người cần có để sinh tồn. Thử hỏi có bao nhiêu người không dám thú nhận rằng mình thật khó mà sống, nếu họ cô độc hoặc ở một nơi họ không phải mang “bộ mặt công cộng” lạc quan?
Thực khó cho bạn, một người trẻ mỗi ngày ở trường về ngôi nhà gợi lại cảnh cha mẹ bạn, những người bạn yêu thương, không còn yêu nhau nữa nên đã ly dị; khó cho bạn, một công nhân mỗi ngày phải trở lại nơi làm việc, ở đấy con người đơn thuần bị coi như phương tiện sản xuất hoặc tham vọng của người khác; khó cho bạn, một người ở tuổi trung niên, khi có những mối tương quan đã đổ vỡ, đến nỗi bạn chỉ mong những ngày đời còn lại ngồi ăn “một mình, hay là với con mèo” mà thôi;[1] khó cho bạn, một người lớn tuổi, khi cảm thấy mình chẳng còn gì để đóng góp cho xã hội và nửa như đã bị người thân quên lãng. Thực khó khi chúng ta chẳng được yêu thương chút nào, hoặc mong muốn được yêu thương chút nào hay chút ấy. Rồi thậm chí chúng ta quá quen với tình trạng như vậy đến độ khó mà nhận ra được tình yêu nữa, thì khi ấy dễ gì yêu thương người khác.
Không phải là dễ khi sống trong một thế giới thường như không có vẻ đẹp đích thực và vững bền, vẻ đẹp không phải là ảo ảnh và có thể khiến chúng ta sững sờ cũng như đưa chúng ta thoát khỏi cảnh nhàm chán của cuộc sống và của bản thân chúng ta. Rồi hầu như không thể chịu nổi khi chúng ta phải đối diện với một thái độ rõ ràng chối bỏ vẻ đẹp, chối bỏ con người và tình yêu. Người ta đã có cảm nghĩ giống như vậy khi xảy ra những cuộc tấn công khủng bố Hoa-kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Lúc ấy tờ Nữu-ước Thời báo đã mô tả “những giờ phút kinh hoàng” dân chúng Mỹ “đã chứng kiến một việc không thể diễn tả, không thể hiểu và không thể nghĩ đến”.[2] Nhưng những giờ khắc kinh hoàng khác vẫn tiếp tục xảy ra trong những khung cảnh nhỏ hẹp hơn, cá nhân hơn – đôi khi cũng ở phạm vi toàn cầu – vào mọi lúc. Một đàng, thời chúng ta đang sống dường như đầy hứa hẹn. Đàng khác, hứa hẹn ấy thường lại vỡ tan, hoặc vì cuộc sống chúng ta chẳng có gì thú vị và buồn tẻ, hoặc vì chúng ta bất thần phải đối phó với sự dữ ào ạt hay ngấm ngầm có thể phát sinh từ lòng người mà hoành hành trong thế giới.
Khám phá tình yêu Thiên Chúa giữa khổ đau
Cả Karol Wojtyla, người trở thành Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, lẫn Joseph Ratzinger, người trở thành Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, đều trưởng thành trong một thế kỷ và thế giới dường như không chỉ có những xung đột kinh khủng, mà còn có “một cuộc bùng nổ của sự dữ”[3] lớn lao đã bóp chết mọi manh nha hy vọng và niềm vui. Wojtyla sinh năm 1920, chỉ lớn tuổi hơn ít năm. Trong thời ngài, Ba-lan trước hết bị Đức-quốc xã xâm lăng hồi Thế chiến II, rồi đến Cộng sản Xô-viết. Sau này ngài nói: “Tôi đã có kinh nghiệm cá nhân về những ý thức hệ của sự dữ. Kinh nghiệm ấy không làm sao xóa được khỏi ký ức của tôi”.[4]
Sau khi quân đội của Adolf Hitler xâm lăng quốc gia ngài vào năm 1939, anh Karol, một sinh viên đại học đã trở thành một công nhân mỏ đá khi chiến tranh bùng nổ. Một người đồng hương của anh đã mô tả những năm chiến tranh và bị chiếm đóng như sau: “Công an lùng bắt, bị đưa tới những trại tập trung và cưỡng bách lao động… bắn giết ngoài phố, tất cả những điều này đã thành một phần đời sống thường ngày… Năm năm trời chúng tôi không ngừng bị đói ăn, mỗi mùa đông là chúng tôi lạnh thấu xương”.[5] Khi Karol quyết định theo học để làm linh mục Công giáo, anh đã được đào tạo lén lút trong một chủng viện bí mật. Một khi đã thành linh mục và sau làm giám mục, ngài chứng kiến đất nước mình vừa mới thoát khỏi những kinh hoàng của Thế chiến II lại phải chịu cảnh nhiều năm bị Liên bang Xô-viết đàn áp khi họ thiết lập những chính phủ bù nhìn tại khắp Đông Âu.
Là một thanh niên, linh mục và giám mục, Karol đã thấy phẩm giá con người bị đe dọa trầm trọng và không ngừng, khi đồng bào của ngài bị áp bức, sát hại, cầm tù một cách bất công và người ta bảo họ không cần có văn hóa hay Thiên Chúa. Tuy nhiên ngài cũng biết rằng mình phải sống cuộc sống làm sao xứng đáng một con người. Đứng trước quá nhiều sức mạnh chối bỏ nhu cầu căn bản của con người là yêu thương và được yêu thương, ngài đã phải chọn yêu thương.
Người thanh niên thứ hai, Joseph Ratzinger, sinh năm 1927 và lớn lên tại Đức-quốc ngay khi đảng Quốc xã của Hitler nắm chính quyền. Cha cậu, một người dám mạnh mẽ lên tiếng chống đối chế độ Quốc xã, đã phải rời gia đình đi để họ được an toàn. Khi còn là một thiếu niên hồi Thế chiến II, cũng như các thiếu niên tráng kiện khác tại Đức-quốc, Joseph cũng bị bắt buộc phải chu toàn những công tác hỗ trợ cho nỗ lực của quân đội Đức-quốc. Cậu đã đào hầm hố bằng tay trong một buổi lao động dưới sự canh gác của “những kẻ mang ý thức hệ cuồng tín đã không ngừng đối xử như bạo chúa với chúng tôi”.[6]
Bị động viên vào ngành bộ binh hồi cuối cuộc chiến, Joseph đã đào ngũ – một hành động có thể bị trừng phạt bằng cách hành quyết lập tức – và đã tìm đường về gia đình. Vừa về tới nhà, cậu thấy lính Mỹ đang chiếm đóng căn nhà của gia đình. Cậu trở thành tù binh chiến tranh trong hai tháng, ngủ chung với hàng ngàn tù binh khác ngoài đồng không mông quạnh và ráng sống sót “nhờ một muôi cháo và một cái bánh nhỏ mỗi ngày”.[7] Sau khi được thả ra, cậu lại vào chủng viện, được động viên nhờ “ý thức mạnh mẽ về lòng biết ơn vì đã được trở về… từ đáy vực của những năm cơ cực”.[8] Mặc cho những kẻ hô hào ý thức hệ Đức-quốc bảo dân chúng rằng đất nước họ cần có sức mạnh và hãnh diện quốc gia chứ không cần Thiên Chúa, và mặc dù những người khác đã tuyệt vọng, Joseph vẫn biết rằng mình phải sống khác. Ngài phải sống nhân bản, phải cảm tạ và hy vọng. Cũng như Karol, ngài phải chọn sống yêu thương.
Cả hai người trẻ, những người sau này làm giáo hoàng, đều đã sống trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhưng các ngài đã vượt qua được những năm tháng đó nhờ điều mà các ngài sau này sẽ cống hiến cho những ai khao khát vẻ đẹp và tình yêu vững bền: đó là khám phá ra rằng hy vọng là điều có thể, những khát vọng sâu xa nhất của con người đều có một đối tượng đích thực, vẻ đẹp vẫn hiện hữu và còn đi vào tận cõi sâu thẳm của đau khổ con người để làm cho chúng được biến đổi, và chúng ta thực sự được sinh ra là để yêu thương và được yêu thương bằng một tình yêu đầy đủ và tươi đẹp.
Một sứ điệp hy vọng cho thế giới hiện đại
Như Đức Gioan Phaolô II đã viết vào lúc cuối đời ngài, tất cả những kinh nghiệm khủng khiếp thời tuổi trẻ của ngài đã dạy ngài rằng có một “giới hạn được áp đặt trên sự dữ trong… lịch sử” và giới hạn này liên quan đến lòng thương xót của Thiên Chúa.[9] Mặc cho mọi sợ hãi chúng ta có thể có về khả năng con người đứng trước sự dữ hoặc về sự yếu đuối và rối loạn của tâm hồn chúng ta, chúng ta cũng đừng sợ, vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Quả thực, Thiên Chúa là Tình yêu: Người là Cha đã sai Con Một đến chịu chết và chiến thắng sự chết vì chúng ta, để chúng ta “được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rô-ma 8:21). Đối với người trẻ Karol Wojtyla cũng như đối với con người sau này của anh, thì Ki-tô giáo, tức sự mặc khải của một Thiên Chúa hết mực yêu thương nhân loại, thực sự là Phúc Âm (evangelion = từ Hy-lạp nghĩa là “tin mừng”). Trong một thế giới khổ đau và chẳng có gì là vui mừng, đầy chết chóc và áp bức, anh đã tìm được niềm vui. Niềm vui này lớn lao đến nỗi anh cảm thấy mình bị giục giã mỗi ngày trong đời, bằng cách này hay cách khác, hãy cống hiến niềm vui ấy cho tất cả những ai đang bị dày vò trong thiếu vắng niềm vui và hy vọng.
Trong những quốc gia Tây phương trù phú hiện nay, những mối đe dọa đối với hạnh phúc con người có thể mang những hình thức tinh tế hơn là nỗi đau khổ người trẻ Karol đã trải qua. Nhưng ngay khi là một vị Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II vẫn biết rằng những nguy hiểm tinh vi này còn đang có mặt và chúng đe dọa con người chẳng kém gì “một cuộc bùng nổ của sự dữ”[10] mà ngài đã chứng kiến hồi trai trẻ.
Cũng như Karol Wojtyla, chàng thanh niên Joseph Ratzinger có thể dễ dàng thất vọng. Đất nước của anh đã tan nát cả vể luân lý lẫn thể lý, rồi một người lớn lên trong bối cảnh ấy sẽ có đủ mọi lý do để sợ tất cả những gì nằm trong trái tim con người. Tuy nhiên cũng như Đức Gioan Phaolô II, Ratzinger sẽ có thể nói với tính cách là Giáo Hoàng Bênêđictô XVI rằng: “Đừng sợ!” Bởi vì đã có một người biết được trái tim con người, một người cất đi sự sợ hãi của chúng ta, một người yêu thương và giúp chúng ta yêu thương cũng như giúp chúng ta hy vọng. Người ấy là Chúa Giê-su Ki-tô.
Không phải ngẫu nhiên mà một trong những Tông thư đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI gửi cho Giáo Hội và thế giới đã nói về niềm hy vọng, hy vọng lớn lao và dứt khoát vào Thiên Chúa để đem lại ý nghĩa cho cuộc sống con người.[11] Từ kinh nghiệm về bạo quyền Đức-quốc xã, ngài đã biết điều gì đang xảy ra, không những trên bình diện những biến cố toàn cầu, nhưng ngay trong tâm hồn con người, khi con người cố sống như là không có Thiên Chúa. Một lúc nào đó, mọi sự có vẻ như bình thường cho đến khi bất ngờ người ta ý thức rằng họ không thể ngăn chặn được những đe dọa và bạo lực mà chính họ đã đưa vào thế giới. Họ mất đi niềm hy vọng và vô cùng khát khao một điều gì chính họ không thể đem lại được. Vì thế mãi sau này, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã nhấn mạnh đến việc thăm viếng miền đông Đức-quốc ngày xưa thuộc về Cộng sản, nơi người ta hầu hết không còn tin vào Thiên Chúa nữa, để nói cho họ biết rằng vẫn còn có Tin Mừng. Tin Mừng là đang khi người ta cố gắng sống mà chẳng có lấy được một điều giúp cho họ được vui, thì đã có một Đấng làm cho hết cơn khát thẳm sâu trong tâm hồn con người.
Trong chuyến viếng thăm Erfurt, Đức-quốc, năm 2011, Đức Giáo Hoàng đã hỏi: “Con người cần Thiên Chúa hay là chúng ta có thể sống hoàn toàn hạnh phúc mà không cần đến Thiên Chúa?” Rồi ngài nói: “Thế giới càng tránh xa Thiên Chúa thì rõ ràng là con người càng dần dần đánh mất sự sống của họ, trong ngạo mạn của họ về quyền lực, trong trống trải của con tim và trong khắc khoải mong đợi được toại nguyện và hạnh phúc. Niềm khát khao đấng vô biên vẫn hiện diện trong con người không thể phai mờ được. Con người đã được tạo dựng để có một mối tương quan với Thiên Chúa; chúng ta cần đến Người”.[12] Chúng ta không thể ngừng khao khát những gì vượt trên chúng ta, khao khát đấng vô biên, và đấng vô biên này là một Ngôi Vị hiến thân cho chúng ta. Người yêu thương chúng ta và rất mong muốn có được tình yêu của chúng ta đến độ chúng ta có thể nói rằng chính Người cũng khao khát tình yêu của chúng ta.[13]
Chia sẻ niềm vui của Tin Mừng
Đối với Ratzinger cũng như với Wojtyla, Ki-tô giáo không chỉ là một mẩu “tin vui”, nhưng là chính Tin Mừng, tức một câu trả lời đầy đủ, vững bền và vô cùng phong phú cho sự khao khát không ngơi của trái tim con người.
Đối với cả hai vị, sứ điệp Tin Mừng thực sự là bản tin cần thiết cho con người đến nỗi người ta không thể giữ lấy nó cho riêng mình. Đó là một sứ điệp đem lại niềm vui sâu xa và rực sáng, nó mạnh mẽ đến độ có thể biến đổi vực thẳm đau khổ của con người thành một điều chẳng những chịu đựng nổi mà còn đẹp đẽ nữa. Nó có thể biến đổi từ thiếu vắng tình yêu thành tràn đầy tình yêu, hoặc một cuộc sống tẻ nhạt và khó khăn thành một cuộc sống thực sự đáng sống. Như chúng ta thấy nơi các Ki-tô hữu thời ban đầu và cả trong thời chúng ta nữa, một niềm vui vĩ đại khiến cho họ dù có phải chết mà tìm được nó thì cũng đáng.
Niềm vui đã giúp cho Wojtyla và Ratzinger vượt qua được những lúc khó khăn và làm cho các ngài phấn khởi trong những năm tháng cuộc đời còn lại cũng chính là niềm vui được thánh Gio-an, vị Tông đồ và môn đệ Chúa Giê-su, viết lại trong Kinh Thánh.
Theo truyền thống cho rằng Gio-an là người trẻ nhất trong Nhóm Mười Hai Tông đồ, ngài sẽ không thể viết xuống “tin mừng” này mà lại không tỏ ra vui mừng bỡ ngỡ trước những điều ngài đã được đặc ân nghe, thấy và chạm đến trong Chúa Giê-su, là Con Thiên Chúa làm người và là chính Thiên Chúa. Mở đầu thư thứ nhất, thánh Gio-an chỉ mô tả cảm nghiệm chưa hề được nghe về vẻ đẹp vô hình của Thiên Chúa trở nên hữu hình. Qua Nhập Thể, Thiên Chúa đã đến thật gần với con người đến nỗi chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu của Người bằng mọi giác quan của chúng ta: “Điều vẫn có từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống…” (1 Gio-an 1:1).
Bởi nơi Con Thiên Chúa, Đấng đã trở nên người phàm, đã chết và sống lại từ kẻ chết, thánh Gio-an đã được đánh động do một điều gì đó hoàn toàn bất ngờ. Ngài gặp gỡ một vẻ đẹp thật vĩ đại đến nỗi khiến cho ngài xuất thần dường như được đem lên trời và đã biến đổi cuộc đời ngài trên mọi phương diện. Ngài đã có “một cuộc gặp gỡ” mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô khi chú giải về thư này nói rằng cuộc gặp gỡ ấy nằm ở tâm điểm của Ki-tô giáo: “Chúng ta tin vào tình yêu Thiên Chúa… Là Ki-tô hữu nghĩa là gặp gỡ với một biến cố, một con người đem lại cho cuộc sống chúng ta một chân trời mới và một hướng đi quyết định”.[14]
Vì thánh Gio-an nhận thấy rằng điều đã đưa ngài thoát ra khỏi chính mình để bước vào một đời sống mới trong tình yêu, đó là chính Tình Yêu, nên ngài ý thức cuộc gặp gỡ này là một ân huệ cần phải đem chia sẻ với người khác. Nếu Thiên Chúa mở sự sống của Người ra cho chúng ta, đó là để lôi kéo chúng ta vào sự thông hiệp, hoặc sự sống được chia sẻ, với Người và với nhau. Như thế, thánh Gio-an tiếp tục trong thư của ngài: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1 Gio-an 1:3-4).
Sự hiệp thông Chúa ban cho chúng ta trong Đức Ki-tô là “niềm vui trọn vẹn”,[15] một niềm vui lớn lao và mạnh mẽ hơn bất cứ ai có thể mong ước hoặc tưởng tượng được. Thánh Gio-an biết rằng niềm vui này được dành cho mọi người và nó phải được công bố cho người ta biết. Từ ngữ các tác giả sách Tin Mừng và Giáo Hội sơ khai đã sử dụng để diễn tả việc công bố này, thánh Gio-an cũng như các môn đệ sau ngài, đó là rao giảng Tin Mừng – không chỉ hoặc trước hết bằng lời nói, nhưng bằng tất cả đời sống của mình.
Thánh Gio-an biết rằng ngài phải thông đạt Tình Yêu ngài đã tin, không phải vì ngài nghĩ mình tốt hơn những người chưa được gặp gỡ Tình Yêu ấy, bởi ngài biết chính mình cũng không thuộc hạng người ấy, rồi chắc chắn cũng không phải vì ngài muốn bắt ép người khác phải tin. Trái lại, ngài cầu nguyện, viết xuống, rao giảng và chịu đau khổ vì “Thiên Chúa đã yêu thế gian” (Gio-an 3:16), rồi vì yêu mến Thiên Chúa nên Gio-an cũng phải yêu thế gian. Niềm vui là điều tự nhiên tuôn trào, thì tình yêu cũng vậy, nhất là thứ tình yêu đã nhất quyết nhìn nhận sự tốt lành của thế gian và của mọi cuộc sống con người.
“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng” (Mác-cô 16:15)
Tại sao chúng ta cần đến Tân Truyền giáo?
Như cả Karol Wojtyla lẫn Joseph Ratzinger đều đã biết rất rõ, nhân loại đang phải hết sức dứt khoát khẳng định rằng con người và toàn thể thế giới này có tồn tại thì đó mới là điều tốt. Chúng ta cần biết rằng phẩm giá con người có căn rễ tại một điều gì đó không thể lay chuyển nổi, tức là mỗi người đã được yêu thương tự đời đời và được kêu gọi hãy biết yêu thương. Cả hai vị này đều cảm nghiệm trong cuộc sống điều gì xảy ra cho con người một khi ý thức về Thiên Chúa bị che khuất. Vì thế Ratzinger, sau khi trở thành Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, đã nói: “Nếu lúc nào đó con người mất đi ý thức mình được Thiên Chúa chấp nhận và yêu thương, thì khi ấy sẽ không có câu trả lời cho câu hỏi làm một con người có phải là điều tốt hay không… Ở đâu có sự nghi ngờ về Thiên Chúa thì ở đó sẽ không tránh khỏi nghi ngờ về nhân loại”.[16]
Vậy đâu là những hậu quả của nghi ngờ? Chúng có thể là kinh khủng, như “cuộc bùng nổ của sự dữ” trong việc diệt chủng mà cả Wojtyla lẫn Ratzinger đã cảm nghiệm thời thanh niên. Tuy nhiên thường thì những hậu quả ấy giấu ẩn, bàng bạc trong cuộc sống tiện nghi của chúng ta giống như một loại nhàm chán, một thứ bụi bặm độc hại: “Chúng ta nhận thấy [sự nghi ngờ này] trong cái thiếu vắng niềm vui, trong cái buồn bã nội tâm như người ta có thể nhận thấy trên khuôn mặt của rất nhiều người hôm nay”.[17]
Nói với các giáo lý viên năm 2000, Đức Hồng y Ratzinger nhắc lại rằng Chúa Giê-su đã đến để “đem Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lu-ca 4:18). Rồi ngài nói đến một điều chúng ta không ngờ: Chính chúng ta là những người nghèo khó. Mặc dù những quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ-châu giàu có về vật chất, nhưng về mặt khác dân cư tại những nơi đó lại nghèo nàn không thể tả được, vì thường họ đang đánh mất một điều giúp cho cuộc sống tươi đẹp. Sự nghèo nàn sâu đậm nhất không phải là thiếu nơi ăn chốn ở hoặc áo quần, nhưng là “sự bất khả của niềm vui, sự tẻ nhạt của cuộc sống bị coi là vô lý và mâu thuẫn. Sự nghèo nàn này hiện nay đang lan rộng dưới rất nhiều hình thức khác nhau tại những quốc gia giàu có vật chất cũng như những quốc gia nghèo đói. Bất khả của niềm vui đi trước và sinh ra việc bất khả yêu thương, sự ghen tương, hà tiện. Tất cả những hậu quả này hủy hoại cuộc sống cá nhân cũng như của thế giới… Vì thế chúng ta cần phải có cuộc Tân Truyền giáo”.[18]
Chúng ta cần có một cuộc “Tân Truyền giáo”, một việc công bố được đổi mới để rao giảng Tin Mừng mà thánh Gio-an, cũng như sau ngài là Wojtyla và Ratzinger, đã ý thức ngài không thể giữ riêng cho mình. Khi kêu gọi phải sử dụng cách công bố được đổi mới này, Ratzinger trích dẫn một số những khẳng định của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người đã nhìn rõ nhu cầu phải có một việc rao giảng Tin Mừng “trong niềm hăng say mới, phương pháp mới và cách trình bày mới”,[19] để có thể đem Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô đến cho mọi người trong thế giới hôm nay.
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những “buồn bã nội tâm” như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã diễn tả, nơi đó con người hình như ngày càng bị dày vò “trong ngạo mạn của họ về quyền lực, trong trống trải của con tim và trong khắc khoải mong đợi được toại nguyện và hạnh phúc”. Trước hết, chúng ta đang sống trong một thế giới dường như đã quên rằng đằng sau giây phút chóng qua của hạnh phúc đôi khi chỉ do may mắn, đó là niềm vui không thể chuyển lay. Trong một thế giới như thế, điều chúng ta cần hơn tất cả mọi sự khác chính là cảm nghiệm được niềm vui là mình thực sự được yêu thương và thực sự có khả năng yêu thương. Rồi khi đã gặp gỡ được tình yêu như thế, chúng ta cần phải truyền đạt tình yêu ấy cho người khác. Đây là ý nghĩa của rao giảng Tin Mừng: bằng lời nói và cuộc sống, bằng cầu nguyện và thinh lặng, bằng hành động và sự đau khổ, truyền đạt một Tình Yêu vừa ôm ấp con người vừa tuyệt đối vượt trên con người, và như thế là truyền đạt niềm vui. Niềm vui này đôi khi mang tính cách đòi hỏi và khó khăn. Tóm lại, đó là niềm vui “lớn lao hơn” cả con người, vì nó xuất phát từ Thiên Chúa. Nhưng cũng chính vì lý do ấy nên đó là niềm vui duy nhất có thể thỏa mãn được cơn đói khát không ngừng của trái tim con người.
Tại sao lại là “Tân”?
Việc truyền đạt niềm vui này, tức là truyền đạt Tin Mừng về tình yêu vững bền của Thiên Chúa đối với nhân loại được trở nên hữu hình nơi Chúa Giê-su Ki-tô, đã là một nỗ lực của Giáo Hội ngay từ ban đầu. Sau khi Chúa Giê-su chịu đóng đinh và chết trong sự bỏ rơi, các Tông đồ đã giam mình đằng sau cánh cửa khóa kỹ. Nhưng giữa lúc hãi sợ tê cứng ấy, họ bất ngờ gặp được niềm vui: “Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: ‘Bình an cho anh em’” (Lu-ca 24:36). Các ông đã đối diện với một thực tại phá tung mọi ranh giới, quyết liệt đến độ đem lại cho toàn bộ lịch sử “ý nghĩa và mục đích tối hậu của nó”.[20] Chúa của họ, Đấng đã chết, đang đứng sờ sờ trước mặt họ và mời gọi họ: “Cứ rờ xem… Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng” (Lu-ca 24:36-41). Họ đã sờ và đã thấy, rồi họ đã biết rằng niềm vui này không được giữ riêng cho họ.
Đang lúc các Tông đồ vẫn còn nghi ngờ không biết phải làm gì khi đứng trước hành động sáng tỏ, khách quan và vui mừng của Thiên Chúa nhân danh con người, Chúa Giê-su đã truyền lệnh cho họ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mác-cô 16:15). Việc “sai đi”, hoặc truyền giáo, nắn đúc cộng đồng các môn đệ Chúa Giê-su đã quy tụ. Thực vậy, việc truyền giáo này đã làm cho Giáo Hội thành khuôn mẫu toàn hảo đến nỗi gần hai ngàn năm sau, một vị tông đồ hiện đại, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, đã viết: “Rao giảng Tin Mừng là… ân sủng và ơn gọi dành riêng cho Giáo Hội, là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội tồn tại để rao giảng Tin Mừng”.[21] Từ khởi đầu Ki-tô giáo cũng như mọi thời, Giáo Hội tồn tại để công bố bằng lời nói và hành động, cũng như trên hết bằng đời sống và cái chết của tất cả những ai thuộc về Giáo Hội, rằng đời sống, sự chết và sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô là hành vi tối thượng của tình yêu Thiên Chúa. Giáo Hội hát lên trong Phụng vụ Phục Sinh về niềm vui đã được ban cho chúng ta trong Người:
Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.
Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. (Thánh Vịnh 118:22-24)[22]
Một đàng, Tin Mừng này cũng như sứ mệnh phải công bố nó không khi nào thay đổi; luôn luôn và mọi nơi cho đến ngày tận thế, Ki-tô hữu công bố Phúc Âm ngàn đời. Trong phụng vụ và bí tích của Giáo Hội; trong lời nói cũng như thinh lặng và cầu nguyện thầm kín của các phần tử Giáo Hội; và có lẽ nhất là trong việc tử đạo, chứng từ cao cả nhất của những người vì yêu mến “Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Ê-phê-xô 1:3) nên đã truyền đạt Tình Yêu và Sự Sống họ đã nhận lãnh. Mặc cho những sa ngã thường tình vì yếu đuối, Ki-tô hữu vẫn truyền đạt Lời Thiên Chúa, và làm như thế, họ giúp đem sự sống đến cho anh chị em mình. Giống như các anh chị em, họ biết thế nào là có tâm hồn không được toại nguyện ở bất cứ nơi nào, bởi vì họ không ngừng khao khát Thiên Chúa, đôi khi không sao chịu nổi.
Vậy nếu việc công bố này không bao giờ thay đổi, tại sao Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và các vị tiền nhiệm của ngài lại kêu gọi phải cấp bách có một “Tân Truyền giáo”? Điều gì có thể là “mới” về một sứ điệp đã qua hai ngàn năm tuổi? Lại nữa, Phúc Âm có khi nào bị coi là cũ rích không? Chúng ta bắt đầu hiểu một chút về điều các vị tông đồ thế kỷ 20 và 21 này muốn phát biểu khi chúng ta nghe Đức Gioan Phaolô II nói về “sự say mê” cần phải được khuấy động lên một lần nữa trong tâm hồn các Ki-tô hữu và trong những xã hội đã từng là Ki-tô giáo nhưng lại quên đi niềm vui được ký thác cho họ.[23] Người tín hữu nào không thể chú tâm đến cơn khát trong tâm hồn và không còn muốn nhìn, nghe và chạm đến Chúa phục sinh, thì sẽ để cho Lời hằng sống bị chết mòn trong họ. Tâm hồn họ trở thành mất hết đam mê, buồn thảm và cằn cỗi. Rồi dân tộc hoặc xã hội Ki-tô giáo nào không còn muốn nhìn, nghe và chạm đến Chúa phục sinh, sẽ thấy mình đang tìm kiếm sự vô hạn theo những đường lối càng ngày càng mâu thuẫn. Những đường lối này dần dần mang đến một viễn ảnh kinh hoàng về một con người không được bảo vệ do khẳng định tối hậu về phẩm giá hoặc giá trị của họ.
Cả người tín hữu lẫn xã hội mang một đức tin già cỗi và héo tàn đều cần niềm đam mê, được hiểu khác với cảm xúc hoặc một chút nhiệt thành nhất thời. Theo lời của Đức Gioan Phaolô II, họ cần “lòng hăng say” hoặc “xác tín bừng cháy” của những người đã bị hút hồn do một vẻ đẹp siêu phàm, những người đã được yêu thương ngoài sức tưởng tượng và kỳ vọng của họ, và những người đang thực sự yêu thương.[24] Lời kêu gọi hãy có Tân Truyền giáo là một lời kêu gọi phải ý thức rằng hiện nay trong thời đại chúng ta và trong cuộc sống chúng ta, Ki-tô giáo không phải đơn thuần là một mẩu thông tin hay một sự kiện lịch sử. Nhưng Ki-tô giáo là Lời được phán dạy cho từng cá nhân chúng ta, và Lời này là Sự Sống, là một Tình Yêu cư ngụ. Lời này là tin thật mừng và thật cần thiết đến nỗi không ai đã gặp gỡ rồi mà lại có thể giữ lấy cho riêng mình.
Vào cuối cuộc mừng kỷ niệm 2000 năm giáng sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, Đức Gioan Phaolô II viết: “Chúng ta phải làm sống lại trong chúng ta niềm xác tín bừng cháy của thánh Phao-lô khi ngài kêu lên: ‘Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng’ (1 Cô-rin-tô 9:16)”.[25] Cũng như vị Tông đồ vĩ đại Phao-lô, người đã thay đổi toàn bộ cuộc sống khi bất ngờ gặp gỡ Chúa phục sinh (xem Công Vụ Tông Đồ 9:1-19), chúng ta cần phải gặp gỡ Lời hóa thành nhục thể và hãy để cho Lời ấy “bừng cháy lên” trong chúng ta mà biến đổi chúng ta toàn diện. Chỉ khi ấy, vẻ đẹp của Lời mới có thể chiếu tỏa qua tất cả những điều chúng ta nói và hành động, lúc chúng ta thinh lặng cũng như đau khổ, và qua niềm vui cũng là niềm vui thánh Gio-an đã viết trong thư của ngài, niềm vui giúp cho Karol Wojtyla và Joseph Ratzinger vượt qua lúc khó khăn tuổi niên thiếu. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô nói, đây là cách duy nhất để một lần nữa đem niềm vui vào trong những trái tim buồn chán của chúng ta, hoặc đem vẻ đẹp vào thế giới thường xấu xí và tuyệt vọng của chúng ta. Vì không khi nào già cỗi nên Tin Mừng là đường dẫn tới nền nhân bản duy nhất thực sự xứng đáng với con người:
Các môn đệ Chúa Ki-tô được kêu gọi khơi dậy lại trong họ và trong người khác niềm mong chờ Thiên Chúa và niềm vui được sống với Người và làm chứng nhân cho Người, dựa trên căn bản những gì luôn luôn là một câu hỏi cá nhân sâu xa: tại sao tôi tin?… Chúng ta phải thấy điều này, là vẻ đẹp và thích hợp hiện thời của đức tin đang được tái khám phá, không phải như một biến cố biệt lập, chỉ ảnh hưởng đến những thời điểm đặc biệt nào đó trong cuộc sống chúng ta, nhưng là một hướng đi liên tục, ảnh hưởng đến ngay cả những chọn lựa đơn giản nhất và thiết lập một sự duy nhất sâu xa bên trong con người… Điều cần là phải đưa sự sống mới này vào lại trong đức tin để làm nền tảng cho một nền nhân bản mới, nền nhân bản có khả năng phát sinh văn hóa và dấn thân trong xã hội.[26]
Nguồn gốc của Truyền giáo
Trong một loạt những bài chia sẻ lời Chúa mùa Vọng 2011, cha Raniero Cantalamessa, vị giảng tĩnh tâm cho những người giúp việc cho Đức Giáo Hoàng, cảnh báo về hai mối nguy hiểm đe dọa Ki-tô hữu liên quan tới Tân Truyền giáo. Nguy hiểm thứ nhất là sự lười biếng, hoặc bỏ lại trách nhiệm cho người khác. Chúng ta tự bảo mình: “Tôi nghĩ rằng rao giảng Tin Mừng hoặc truyền bá Phúc Âm bằng cuộc sống chúng ta và trong thời đại chúng ta là một ý tưởng hay, nhưng đó không phải là một lệnh truyền liên quan tới cá nhân tôi”. Nguy hiểm thứ hai, một nguy hiểm tinh vi hơn, đó là “lối hoạt động sôi nổi nhưng rỗng tuếch” khiến cho Ki-tô hữu dần dần đánh mất đi “sự tiếp cận với nguồn gốc”, tức là Lời Chúa.[27]
Với cảnh báo gồm hai điểm này, cha Cantalamessa nêu lên vấn đề về nguồn gốc của Tân Truyền giáo. Từ đâu mà có niềm đam mê được đổi mới đã được Đức Gioan Phaolô II khẩn thiết gợi ra cho chúng ta, hoặc thái độ “tái thức tỉnh” được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô kêu gọi? Đâu là nguồn gốc tạo ra niềm vui nhằm mục đích biến đổi chúng ta và chúng ta có bổn phận phải công bố nguồn gốc ấy bằng lời nói và đời sống của chúng ta? Hiểu theo một cách, nhận định nguồn gốc này có nghĩa là nhận định điều trước nhất và quan trọng nhất mà mỗi phần tử của Giáo Hội đều phải thi hành để truyền đạt Lời Chúa. Nguồn gốc của rao giảng Tin Mừng và việc đáp lại căn bản nhất của Ki-tô hữu đối với việc rao giảng ấy đều khá đơn giản. Một lần nữa, Tông Đồ và thánh sử Gio-an sẽ chỉ cho chúng ta câu trả lời.
Khi thánh Gio-an viết để công bố niềm vui của ngài cho các Ki-tô hữu sơ khai, ngài chỉ làm được điều đó là vì trước hết ngài đã nghe, thấy và chạm đến: ngài đã cảm nghiệm Lời của Thiên Chúa hóa thành nhục thể và đã ngưỡng mộ vẻ đẹp của Lời ấy. Ngài đã bị lôi cuốn vào sự hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống và đã khám phá ra rằng được “chia sẻ sự sống” của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi tình yêu, đó là niềm vui trọn vẹn (xem 1 Gio-an 1:4).[28] Giống như một người yêu, ngài đã được đưa ra khỏi chính mình. Từ điểm này tiến tới, ngài biết rằng tất cả đời mình chỉ có thể là lời đáp trả đối với ân huệ kia. Qua kinh nghiệm máu-và-thịt, ngài ý thức được chân lý mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô sẽ diễn tả sau này: “Nằm tại căn rễ của toàn bộ việc rao giảng Tin Mừng không phải là một kế hoạch bành trướng của loài người, nhưng là ao ước chia sẻ ân huệ khôn lường Thiên Chúa đã muốn ban cho chúng ta, cho nên ao ước ấy làm cho chúng ta trở thành những kẻ chia sẻ sự sống của Thiên Chúa”.[29]
Tại nguồn gốc của việc rao giảng Tin Mừng, chúng ta thấy có cảm nghiệm về một ân huệ: tình yêu nhưng không và siêu việt đã được Chúa Cha tỏ ra cho chúng ta qua Con của Người là Chúa Giê-su Ki-tô, qua Chúa Thánh Thần, Đấng đã được tuôn đổ xuống trên “mọi xác thịt” kể từ khi Chúa Giê-su sống lại. Dù chúng ta có ý thức hay không, thì ân huệ này của Thiên Chúa, Đấng mở sự sống của Người ra cho chúng ta, vẫn là nguồn gốc của tất cả niềm vui đích thực trong thế giới. Khi Đức Gioan Phaolô II hỏi “Tin Mừng là gì?”, ngài đã không do dự trả lời rằng “Tin Mừng là một khẳng định vĩ đại về thế giới và con người, bởi vì đó là mặc khải chân lý về Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên của niềm vui và hy vọng dành cho con người. Đây cũng là Thiên Chúa mà Đức Ki-tô đã mặc khải: Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng và là Cha; Thiên Chúa là Đấng ‘yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời’ (xem Gio-an 3:16)”.[30]
Còn tiếp