Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mươi-Hai Mùa Quanh Năm
Thánh Grêgôriô Cả, Ghts
1 Cr 2:10-16; Tv 145:8-9,10-11,12-13,13-14; Lc 4:31-37
CẢNH TỈNH
Trang Tin Mừng hôm nay phác họa lại một ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu. Vào buổi sáng, Người vào hội đường để giảng dạy và chữa lành một người bị thần ô uế ám (Lc 4,31-37). Sau đó, khoảng gần trưa, Người rời hội đường đến nhà ông Simon. Thấy mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng, Người ra tay cứu chữa. Xế chiều, Người đặt tay chữa lành tất cả các bệnh nhân trong làng được đưa đến với Người.
Sáng sớm ngày hôm sau, Người ra nơi thanh vắng để cầu nguyện (Mt 1,35). Ngài làm việc luôn tay luôn chân, không quản ngại gian lao vất vả vì Nước Trời và ích lợi mọi người. Những hy sinh, cống hiến đó chắc chắn phải phát xuất từ một trái tim đầy tình yêu thương, một tâm hồn đầy lòng trắc ẩn.
Tình yêu chân thật phải được thể hiện bằng hành động. Không thể có một tình yêu thuần túy trong ý tưởng. Ngoài linh hồn là phần thiêng liêng, con người còn có thể xác. Tình yêu dành tặng cho nhau vì thế cũng cần được thể hiện cụ thể ra bên ngoài để giác quan có thể cảm nghiệm. Tình yêu chân thật còn phải mang đến sự hiệp thông vì tự bản chất, tình yêu là thế. Nó đưa mọi người đến với nhau. Đây chính là nét đặc trưng làm nên vẻ đẹp Kitô giáo. Ước chi mọi việc chúng ta làm đều được thúc đẩy và quy hướng về tình yêu, và tình yêu đưa đến hiệp thông với Thiên Chúa và với mọi người.
Chúa Giêsu không chỉ là nguồn sự sống mà nơi Ngài chúng ta còn nhận được nguồn Bình an đích thực khi xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật cho người ốm yếu, tha thứ tội lỗi cho tội nhân. Cụ thể, trong Tin mừng hôm nay, nguồn Bình an Giêsu đã đến với một người bị quỷ thần ô uế nhập. Nguồn Bình An này được thể hiện qua uy quyền của Người trên sự dữ: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này” (Lc 4, 35).
Lời của Thiên Chúa là lời chân thật, nghĩa là luôn được thể hiện bằng hành động và có hiệu quả. Thánh Gioan đã xác quyết trong khởi đầu Tin Mừng của ngài: “Từ khởi thủy đã có Lời và Lời đã hóa thành nhục thể.” Nơi Chúa Giêsu, Lời là thực tế, nghĩa là không có khoảng cách giữa Lời Ngài và Cuộc Sống của Ngài. Và đó có thể là ý tưởng giữa Lời Ngài và Cuộc Sống của Ngài mà Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta.
Chúa Giêsu trừ thần ô uế chỉ bằng một lời quát mắng (c. 35). “Câm đi, hãy xuất ra khỏi người này !” Ngài không cho quỷ nói lên danh tánh của Ngài, vì Ngài không muốn sự thật được nói lên bởi miệng những kẻ dối trá. Lời truyền lệnh của Ngài khiến thần ô uế phải xuất ra. Nó không còn được ở lại hay có quyền gì trên người này nữa. Quỷ vật anh ngã xuống, xuất ra, nhưng lại không làm hại được anh. Người trong hội đường kinh ngạc, không vì chuyện Chúa Giêsu trừ quỷ, nhưng vì họ thấy uy quyền và uy lực nơi lời nói của Ngài (c. 36). Lời nói ra như một mệnh lệnh, và quỷ phải vâng nghe.
Nhìn lại tình huống trừ quỷ này với những tình huống khác, chúng ta nhận ra một sự khác biệt: người bị quỷ nhập la lớn: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Nội dung của lời ấy cũng chính là điều mà Chúa Giêsu muốn dân Do Thái nhận biết khi Người dùng các dấu lạ và lời giảng dạy để chứng minh. Chúng ta có thể nghĩ rằng “lời chứng” của người bị quỷ nhập có thể phần nào giúp dân Do Thái tin vào Chúa hơn, nhưng Chúa Giêsu đã không cần chứng từ của quỷ mà đã thẳng thừng trừ quỷ đang xâm phạm con người.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể bị cám dỗ lợi dụng người khác để mưu cầu lợi ích riêng mình. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã không vì tư lợi mà dửng dưng trước nỗi đau của người bị quỷ nhập, trái lại Chúa Giêsu đã bỏ qua lợi ích riêng để giải thoát người bị quỷ nhập. Noi theo thầy Giêsu, chúng ta hãy sống không chỉ vì lợi ích riêng mình mà còn vì lợi ích của mọi người.
Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có uy quyền. Uy quyền ấy không phải là thứ uy quyền được áp đặt trên người khác. Uy quyền của Chúa Giêsu phát xuất từ chính sự thống nhất giữa lời nói và hành động của Ngài: Ngài chỉ cần nói với tên quỉ câm: “Câm đi, hãy ra khỏi người này,” thì phép lạ liền xảy ra. Những người chứng kiến phép lạ đã thấy được sự khác biệt giữa lời giảng dạy của Chúa Giêsu và của các Luật sĩ đương thời.
Ma quỷ biết Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi sự thiện hảo, đáng yêu mến. Thế nhưng chúng lại không chấp nhận để Thiên Chúa can thiệp vào đời chúng; với một lòng thù hận không thể rút lại, chúng không chấp nhận một mối tương giao nào với Thiên Chúa. Thế mà giờ đây chúng vẫn phải đối mặt với Ngài. Đó chính là nỗi thống khổ cùng cực của ma quỷ, của hoả ngục: muốn hoá thành hư không để khỏi đau khổ mà không thể được. Đó là lý do của tiếng kêu thét: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?”
Thế giới hôm nay dễ bị tấn công và thống trị bởi các thần ô uế. Thần ô uế có mặt ở khắp nơi, và có sức hấp dẫn mê hoặc con người. Ô uế nơi thân xác, nơi trí tưởng tượng, nơi những ám ảnh không ngơi. Ô uế trở thành một thứ văn hóa, xâm nhập vào mọi ngõ ngách, chi phối mọi lối nghĩ và lối hành xử của con người. Chúng ta phải nhìn nhận sức mạnh của thần ô uế trong thế giới hôm nay. Rất nhiều bạn trẻ đã phải thú nhận mình không đủ sức kháng cự lại.
Phép lạ của Chúa Giêsu cũng là một lời giảng dạy. Thật thế, sứ điệp trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu chính là sự giải phóng. Ngài không chỉ nói về sự giải phóng, mà còn chứng thực cho những người nghe Ngài biết được thế nào là giải phóng. Phép lạ người câm được giải thoát mang một ý nghĩa đặc biệt với Chúa Giêsu: giải phóng trước tiên là giải phóng con người khỏi xiềng xích của dối trá. Chúa Giêsu đã có lần nói với người Do Thái: “Sự thật sẽ giải phóng các ngươi.”
Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài không muốn chúng ta phải chết: “Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ” (1Tx 5, 9). Chính vì lẽ này, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi hãy đi vào sự sống của Ngài chứ đừng ngủ mê, ở lì trong bóng tối; nhưng như thánh Phaolo tha thiết mời gọi cộng đoàn tín hữu Thesalônica trong thư thứ nhất: “Hãy sống như con cái ánh sáng, con cái của ban ngày; hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1 Tx 5,5-6).
Sứ mạng của Chúa Giêsu là rao giảng Tin mừng về Nước Thiên Chúa: “Thời kỳ đã mãn và nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1, 15), hay còn gọi là Tin mừng về sự sống. Quả vậy, từ muôn thuở, Thiên Chúa đã muốn cho con người được sống và sống dồi dào. Và sự sống này được bắt nguồn từ chính Chúa chứ không phải là ai khác. Sự sống đó được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Kitô, Ngài đã chịu chết vì chúng ta để chúng ta được hưởng ơn cứu độ: “Đức Giêsu đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cùng sống với Người” (1Tx 5, 10).
Ta phải luôn nỗ lực cảnh tỉnh và làm chủ bản thân, có thái độ dứt khoát với cám dỗ nhờ bám chặt vào Chúa nhờ Đức Tin và lòng mến. Thánh Phêrô tông đồ mách bảo chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5, 8-9a).
Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR