Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mùa Phục Sinh
Cv 4:32-37; Tv 93:1,1-2,5; Ga 3:7-15
Gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh
Ta thấy Thánh Kinh không bao giờ nói rằng Adam và Eva đã cắn một miếng táo để rồi bị Chúa phạt. Chúa nào vớ vẩn khi phạt chuyện con người lỡ ăn miếng táo. Nếu nhìn như vậy thì con người tầm thường hóa lòng thương xót của Chúa và “đề cao” sự ích kỷ của Thiên Chúa.
Trái cây mà họ đã ăn từ cây biết điều thiện và điều ác không bao giờ được xác định trong Kinh Thánh. Qua nhiều thế kỷ, các họa sĩ đã đơn thuần dùng trái táo do thói quen và truyền thống. Trái cấm mà ông bà nguyên tổ đã ăn không liên quan gì đến loại trái cây nào. Vấn đề ở đây là Ađam và Eve đã không vâng lời Thiên Chúa.
Tội nguyên tổ là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả tội đầu tiên của cha mẹ đầu tiên của chúng ta. Là những con người đầu tiên của nhân loại, tội của họ gây ra không chỉ cho họ, nhưng còn cho con cháu họ. Nó được gọi là “nguyên tổ” bởi nó là tội đầu tiên mà con người phạm phải. Đó là tội bởi là một hành động cố tình và và tự do chống lại ý định của Thiên Chúa.
Hậu quả của tội nguyên tổ rất nghiêm trọng. Trong lãnh vực thiêng liêng, tội của họ cũng được truyền đến đời con cháu để rồi ta phải nhận lấy tội của họ như chúng ta phải nhận hệ gen của chúng ta.
Với chúng ta, tội nguyên tổ không phải là việc chúng ta phạm tội trong khi chúng ta ở trong dạ mẹ của chúng ta. Đúng hơn, nói điều đó có nghĩa là chúng ta phải nhận một khuynh hướng nghiêng chiều về tội. Khi bạn được sinh ra, bạn không có những bệnh sơ sinh như bệnh sởi hay bệnh thủy đậu, nhưng chúng ta được sinh ra với tình trạng dễ bị tổn thương và nhạy cảm với những bệnh hiểm nghèo. Khi cha mẹ của bạn đưa chúng ta đến bác sĩ nhi khoa, bác sĩ đã tiêm vắc-xin cho bạn, những thứ vắcxin ấy giúp cơ thể bạn chống lại những bệnh đó mỗi khi bạn bị chúng đó tấn công.
Tội nguyên tổ giống như người được sinh ra mà không có khả năng chống cự cám dỗ. Khi Chúa tạo dựng người nam và người nữ đầu tiên, Ngài đã phú cho họ ơn thánh hóa, vốn giúp con người nên thánh thiện. Dẫu rằng ơn thánh hóa không làm cho bạn sạch tội, nhưng ơn thánh hóa giúp bạn mạnh mẽ trong tâm hồn để có thể chiến đấu các cám dỗ phạm tội và điều xấu.
Để trở thành người con trong một gia đình, chúng ta phải sinh ra. Cũng vậy, để trở thành thành viên trong gia đình mới của Chúa Giêsu, nghĩa là Nước Thiên Chúa, chúng ta cũng phải được tái sinh. Và như chúng ta biết, sinh ra đã không dễ, tái sinh càng khó hơn. Hơn nữa, chúng ta không thể tự mình tái sinh được, cũng như chúng ta đã không tự mình sinh ra.
Bí tích Thánh Tẩy làm cho người tín hữu chúng ta được tái tạo và được phục hồi phẩm giá của mình, từ tình trạng tội lỗi, nô lệ ma quỉ, và phải chết đời đời, sang tình trạng của ơn sủng. Nay, nhờ được tái sinh trong Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, được tham dự vào đời sống vĩnh cửu của Thiên Chúa Ba Ngôi, được hưởng ơn cứu độ của Chúa Giêsu qua mầu nhiệm chịu chết và sống lại, được đón nhận sự sống của Chúa Thánh Thần, và đặc biệt, được trở thành con cái của Thiên Chúa, và được gia nhập vào Hội Thánh Chúa.
Sinh ra bởi ơn trên nghĩa là, đến lúc nào đó trong đời, chúng ta phải hiểu rằng sự sống của chúng ta đến từ bên ngoài thế giới này, từ một nơi và một nguồn nằm ngoài dạ mẹ, và ở đó có sự sống thâm sâu hơn cũng như ý nghĩa thâm sâu hơn. Và thế là chúng ta phải có hai lần sinh ra, một lần cho chúng ta sự sống sinh học (sinh ra trong thế giới này) và một lần cho chúng ta sự sống cánh chung (sinh ra chúng ta trong thế giới của đức tin, linh hồn, tình yêu, và thần khí).
Trang Tin Mừng hôm nay ta thấy Chúa Giêsu nói chuyện với ông Nicôđêmô. Chúa Giêsu bảo ông “phải được sinh ra bởi ơn trên”. Nicôđêmô hiểu theo nghĩa đen và ông phản đối, một người trưởng thành không thể nào chui vào bụng mẹ để sinh ra lần nữa. Thế nên, Chúa nói lại câu này theo ẩn dụ, cho Nicôđêmô biết rằng lần tái sinh của một người thì không như lần đầu, không phải bởi xác thịt, nhưng là “bởi nước và Thần Khí”.
Ơn tái sinh qua Bí tích Thánh Tẩy, giúp chúng ta được sống một đời sống mới. Bởi thế, chúng ta phải triệt để sống xứng đáng với ơn làm con cái Chúa, phải xa lánh tội lỗi, từ bỏ nết xấu, chiều theo những đam mê bất chính; vì những điều đó dễ làm chúng ta đánh mất ơn làm con cái Chúa. Hãy luôn sống như con cái của sự sáng.
Và rồi dưới sự tác động của Thánh Thần, chính Lời Chúa và Mình Máu của Chúa, những ơn huệ và nhất là ơn tha thứ của Chúa, mới có thể tái sinh chúng ta, tái tạo con tim chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con người mới trong Gia Đình mới của Chúa : “Các ông cần phải được, Đức Giê-su nói, sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”. Bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới.
Vì được tái sinh bởi “nước và Thánh Thần”, nghĩa là trong chúng ta luôn có Chúa Thánh Thần hoạt động. Vì thế, chúng ta luôn luôn giữ vững ơn nghĩa của Chúa, biết vâng phục ơn Chúa Thánh Thần soi sáng qua tiếng nói của lương tâm ngay thẳng, sống theo chân lý, sống theo sự thật.
Tâm tình của Cha Tiến Lộc thật dễ thương : Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ đức Kitô đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Đức Kitô nảy sinh tình đệ huynh …
Ai nào đó chưa biến đổi cuộc đời mình, ai nào đó chưa nảy sinh tình đệ huynh đồng nghĩa rằng họ đã chưa gặp Đức Kitô trong cuộc đời. Mỗi người chúng ta nhìn lại cung cách sống của chúng ta để chúng ta nhìn chúng ta có gặp Chúa thật hay không ? Lời đáp trả là của mỗi người chúng ta.
Lm Anton Tuệ Mẫn