Thứ Bảy trong tuần thứ Hai Mươi-Nhất Mùa Quanh Năm
1 Cr 1:26-31; Tv 33:12-13,18-19,20-21; Mt 25:14-30
CHO VÀ NHẬN
Nếu như có ai đó nói rằng Chúa không biết làm kinh tế (qua dụ ngôn người chủ vườn nho Mt 20,1-16 chẳng hạn), thì qua dụ ngôn này, Chúa trả lời về cách làm của Ngài: Ngài giao cho chúng ta việc làm ăn kinh tế đó. Thiên Chúa không coi con người như những cỗ máy, dù “thông minh” như robot, hay như những người con trẻ dại. Trái lại, Ngài coi con người là những người trưởng thành đầy tinh thần trách nhiệm biết cộng tác với Ngài để sinh lợi cho Nước Chúa dựa vào số vốn liếng ban đầu Ngài đã ban cho thế giới này nói chung, và cho mỗi người nói riêng.
Thế giới này, vũ trụ này, tất cả những gì bạn có, kể cả chính bạn đều là những nén bạc Chúa trao. Ý thức mình là những người con được Thiên Chúa yêu thương tín nhiệm như thế, bạn hãy sinh lợi cho Nước Trời từ những nén bạc của bạn trong việc phụng sự Thiên Chúa và yêu thương phục vụ tha nhân.
Thiên Chúa cho ta nhiều hơn những gì ta xin. Ngài cho một cách quảng đại, không xẻn so tính toán. Và Chúa cũng dạy ta hãy cho đi như vậy. Dụ ngôn ông chủ và những nén bạc một lần nữa minh chứng cho lòng quảng đại của Thiên Chúa.
Trước khi có việc đi xa, ông chủ gọi các đầy tớ đến và trao cho họ những nén bạc. Người năm nén, người hai nén, người một nén. Với số vốn ban đầu, mỗi người đều có cách riêng làm cho nén bạc đó sinh lời. Thế nhưng trong số họ, có người không biết sinh lời đã đem chôn nén bạc xuống đất và còn phiền trách ông chủ hà khắc. Ông chủ phán xử bằng cách “ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi”. Mới nghe qua câu chuyện, ta sẽ cho rằng ông chủ này thật bất công, nhưng có lẽ đó mới là ông chủ nghiêm minh và công bình.
Có một chàng trai nọ trồng mấy chậu hoa ở ban công trong khu chung cư. Sau một thời gian, những chậu hoa buông nhành xống tầng lầu bên dưới. Lúc đầu, chàng trai định kéo chúng lên rồi buộc chặt lại. Nhưng sau đó anh cảm thấy làm như thế là quá ích kỷ nên thôi. Thế là chậu hoa của anh nhanh chóng tạo thành chiếc rèm buông xuống lầu dưới trông rất đẹp mắt.
Thời gian trôi qua và rồi mùa xuân đến, chàng trai hết sức ngạc nhiên thấy có một dây nho bò lên ban công nhà mình. Anh nhoài người nhìn xuống thì thấy có một cô gái xinh đẹp đang ngẩng lên mỉm cười với anh. Thì ra cô gái ở lầu dưới cảm kích trước món quà thiên nhiên của anh nên đã trồng một dây nho và cho nó vươn lên trên như một sự đền đáp. Thế rồi họ làm quen với nhau, khi giàn nho cho mùa trái ngọt thứ hai cũng là lúc chàng trai và cô gái đón nhận tình yêu ngọt ngào của nhau.
Cho và nhận là quy luật trong cuộc sống. Sống ở đời, người ta “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Nhưng con người tự nhiên thường thích nhận nhiều hơn là cho đi, không ai chịu cho không để bị thiệt thòi mất mát.
Hàng ngày chúng ta nhận lãnh từ thiên nhiên vũ trụ, từ cuộc sống nhiều hơn những gì chúng ta cho đi. Mặt trời cho ta ánh nắng ban mai ấm áp, bầu trời cho ta làn gió mát. Cỏ cây hoa lá đem đến cho ta sự tươi mới. Thời tiết tuần hoàn, vũ trụ nhịp nhàng chyển dịch đó chẳng phải là món quà vô giá mà ta nhận lãnh hàng ngày sao. Cha mẹ, gia đình, bạn hữu cho ta mối tương giao đằm thắm gần gũi. Mỗi phút giây ta sống trên đời đều gửi đến cho ta một lời nhắn nhủ thiết thân. Mỗi sớm mai thức dậy, ta có biết cám ơn cuộc đời cho ta có thêm một ngày sống để yêu thương không? Với ý nghĩa đó, hóa ra chúng ta là người rất giàu có, rất nhiều cái để cho, nhiều điều để sẻ chia với tha nhân.
Trong sách Công vụ tông đồ, thánh Phaolô viết “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). “Cho” với một xác quyết rằng chúng ta đã lãnh nhận rất nhiều ân sủng từ Thiên Chúa. Những ân sủng ấy dành để phục vụ mọi người chứ không phải để ích kỷ cho riêng mình. Chúng ta đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Cho như thế không làm chúng ta nghèo nàn mất mát nhưng càng được giàu sang, được lớn lên trong tương giao với người khác. Cho và nhận đều mang tính tuần hoàn. Điều ta cho sẽ không mất đi nhưng trở lại với những dạng thức khác mới mẻ hơn, vì rằng “trong cái mất luôn có cái được”. Thánh Phanxicô Assisi, vị thánh của sự nghèo khó nhưng lại rất giàu có. Gia tài của Ngài là Thiên Chúa, bạn hữu của Ngài là thiên nhiên vũ trụ, tinh tú trăng sao…Ngài đã nên thánh bằng cuộc sống nghèo nhưng vẫn tự do bát ngát, nên thánh với niềm xác tín rằng “chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.
Giống như các tôi tớ trong dụ ngôn, chúng ta, cùng với những gì chúng ta có, là thọ tạo của Thiên Chúa. Chúng ta không có gì thuộc về chúng ta; các khả năng của chúng ta từ Ngài mà đến. Tuy nhiên, không phải mọi người đã nhận được như nhau; mức độ các ân ban của Thiên Chúa cho từng người thì khác nhau, và đó là quyền của Ngài. Các nén bạc đây có thể là các đức tính, các khả năng phải phát triển. Nhưng điều tác giả dụ ngôn nhấn mạnh là sự tin tưởng nơi ông chủ, và sự tha thiết, quảng đại hy sinh hầu chu toàn ý muốn của chủ.
Như thế, cái chúng ta cho không chỉ là của cải vật chất mà là chính con người chúng ta. Chúng ta có thể trao cho nhau những điều rất đơn giản, sự chăm sóc yêu thương, một lời nói động viên, một cái nhìn thông cảm hay một lời cám ơn, xin lỗi…
Chúng ta chỉ có một cách đạt tới cùng đích của đời sống chúng ta, đó là ra tay phục vụ Thiên Chúa, sử dụng theo ý Ngài tất cả những gì đã được ban tặng và ký thác cho chúng ta. Chúng ta không thể sử dụng theo ý muốn của mình và phung phí đời sống và thì giờ, các khả năng và phương thế, các công việc của chúng ta. Thiên Chúa đã ký thác tất cả các thứ đó cho chúng ta, và chúng ta phải trả lẽ với Ngài về tất cả. Không phải trong sợ hãi Thiên Chúa, nhưng trong sự tin tưởng vào Ngài, chúng ta mới có thể chu toàn nhiệm vụ của chúng ta.
Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR